Cùng dự có các Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 7 dự án luật sẽ trình Quốc hội, gồm: Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
![]() |
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2025. |
Trước đó, đối với 7 dự án Luật nói trên, các thành viên Chính phủ đánh giá, các dự án luật này có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Phiên họp đã cho ý kiến về các quy định trong các dự thảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp ở các lĩnh vực hình sự, dẫn độ, chuyển giao người chấp hành án phạt tù; tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo ra không gian mới phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; bảo vệ dữ liệu cá nhân; góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tương thích với pháp luật quốc tế…
Phiên họp thống nhất giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết phiên họp để thống nhất triển khai; các đồng chí bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các dự án luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025; các đồng chí Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 7 dự án luật.
Đối với dự án “Luật Tình trạng khẩn cấp," các thành viên Chính phủ cho rằng tình trạng khẩn cấp là trạng thái xã hội đặc biệt được thiết lập khi tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, quốc phòng, an ninh quốc gia đến mức phải áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, khắc phục hậu quả xảy ra để nhanh chóng ổn định tình hình. Các đại biểu đề xuất căn cứ tính chất, mức độ quy định thẩm quyền, trách nhiệm công bố tình trạng khẩn cấp với mức độ, phạm vi phù hợp.
Tại dự án “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa," các đại biểu thảo luận nội dung chính sách liên quan đến quy định về đổi mới việc xác định sản phẩm hàng hóa và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với dự án “Luật Đường sắt sửa đổi," Chính phủ thảo luận sôi nổi về kết cấu hạ tầng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; về kinh doanh đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt… Đồng thời đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách phát triển đường sắt đảm bảo phát huy vai trò giao thông vận tải đường sắt, đáp ứng yêu cầu hiện đại, đồng bộ. Đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế; mục tiêu, lợi ích, giá trị, nguồn lực phát triển đường sắt; phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt; tăng cường công tác phân quyền, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt…
Đối với dự án “Luật Tương trợ tư pháp về dân sự," các thành viên Chính phủ cho rằng, việc hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự đáp ứng tình hình mới của Việt Nam và quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự; hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự. Việc xây dựng “Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù” là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, để tạo cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân thành viên Chính phủ nhận định đây là dự án Luật cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, sử dụng dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu; tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh dữ liệu cá nhân và đảm bảo hài hoà với thông lệ, quy định quốc tế trong lĩnh vực này. Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và nhiều luật khác nhau. Do đó, cần quy định chi tiết các thuật ngữ pháp lý liên quan tới dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu; quy định bảo đảm các điều kiện, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Cùng với thảo luận, cho ý kiến và kết luận đối với từng nội dung các dự án Luật, kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết các dự án luật này có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp ở các lĩnh vực hình sự, dẫn độ, chuyển giao người chấp hành án phạt tù; tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo ra không gian mới phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; bảo vệ dữ liệu cá nhân; góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tương thích với pháp luật quốc tế…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, có chất lượng của các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự Phiên họp.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu những Bộ chủ trì các dự án Luật tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.