Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22.12.2024) đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để quốc gia phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01.4.2025, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL xây dựng và trình Đề án chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa trong năm nay.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh ba mục tiêu then chốt: Thứ nhất, làm rõ đặc thù và bản chất riêng của chuyển đổi số văn hóa, thống nhất nhận thức giữa các bên liên quan; Thứ hai, thiết lập nguyên tắc chuyển đổi số bảo vệ chiều sâu giá trị văn hóa, tránh tình trạng “làm phẳng” ký ức và cảm xúc; Thứ ba, tạo liên kết thực chất giữa các cơ quan văn hóa với doanh nghiệp công nghệ nhằm hình thành hệ sinh thái văn hóa số sống động, lan tỏa.
![]() |
Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số trong lĩnh vực Văn hóa. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTT&DL. |
GS.TS Từ Thị Loan – nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam – trình bày tham luận với quan điểm: chuyển đổi số văn hóa không chỉ là quá trình số hóa tư liệu hay hiện vật, mà là cuộc chuyển đổi toàn diện từ tư duy đến tổ chức quản trị. Theo bà, chuyển đổi số trong văn hóa phải dựa trên công nghệ số, dữ liệu lớn, AI, IoT, điện toán đám mây và blockchain; nhằm giữ gìn, lan tỏa và phát triển bản sắc thay vì chỉ chạy theo hiệu quả kinh tế.
GS.TSKH Hồ Tú Bảo – Thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia – đã phân tích khái niệm về “môi trường số” và giới thiệu phương pháp ST-235 cùng ba cặp nguyên tắc: Tổng thể và toàn diện; Đồng bộ và đột phá; Chính chủ và lãnh đạo. Ông nhấn mạnh chuyển đổi số không thể tách rời các phương thức sáng tạo – tiêu dùng – bảo tồn – phổ biến văn hóa.
TS. Nguyễn Nhật Quang – cũng là thành viên Hội đồng tư vấn – tập trung vào ứng dụng công nghệ “bản sao số” (digital twin). Theo ông, đây là phương thức tích hợp môi trường số với thế giới thực để tổ chức, tái hiện và vận hành đời sống văn hóa hiệu quả hơn. Việc số hóa di sản, gắn kết các bản sao số với sản phẩm du lịch – ẩm thực – nghệ thuật sẽ gia tăng giá trị, thúc đẩy công nghiệp văn hóa và quản trị thông minh.
Chia sẻ từ thực tế quản lý di tích, bà Nguyễn Liên Hương – Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – cho biết: Đại dịch COVID-19 từng khiến di tích đóng cửa hoàn toàn, nhưng đó cũng là thời điểm để mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số. Kể từ đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thực hiện số hóa toàn diện tài liệu, hiện vật, không gian tham quan; ứng dụng vé điện tử, mã QR, công nghệ 3D, VR360, Hologram… đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn hóa, bóc tách hoa văn để thiết kế sản phẩm lưu niệm đặc trưng.
Nhờ áp dụng công nghệ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, tạo nguồn thu tái đầu tư và đóng góp ngân sách. Tuy nhiên, theo bà Hương, đơn vị vẫn gặp khó khăn về hạ tầng, nhân lực, tâm lý e ngại công nghệ. Do đó, việc chuyển đổi số cần một chiến lược rõ ràng, bền vững và sự tham gia của nhiều thành phần – không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam – cũng nêu rõ vai trò của chuyển đổi số trong ngành điện ảnh, một lĩnh vực đồng thời là nghệ thuật và kỹ thuật. Ông cho biết, việc chuyển đổi đang diễn ra ở khâu sản xuất, lưu trữ và phổ biến. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam hiện phụ thuộc vào khối tư nhân, còn thiếu đầu tư công, và vẫn chưa có cơ sở dữ liệu điện ảnh quốc gia cũng như hệ thống bảo vệ bản quyền hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) – khẳng định, chuyển đổi số trong văn hóa là tái cấu trúc mô hình hoạt động, tạo giá trị mới nhờ dữ liệu và công nghệ. Ông nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc gia tăng năng lực sáng tạo, lan tỏa văn hóa và cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng chuyển đổi số không thể chạy theo phong trào mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietsoftpro – nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thiếu cơ sở dữ liệu ngành văn hóa có cấu trúc. Theo ông, số hóa văn hóa không chỉ là scan tài liệu mà phải gắn với công trình, hiện vật, di sản sống. Việc huy động các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa sẽ giúp giảm chi phí ngân sách và tạo ra giá trị kinh tế lâu dài.
![]() |
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm kết luận Hội thảo. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTT&DL. |
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao các đóng góp về lý luận và thực tiễn. Ông khẳng định, chuyển đổi số văn hóa không đơn thuần là thay đổi công nghệ, mà là thay đổi hành động, tư duy, mô hình tổ chức toàn ngành. Trong đó, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam là trung tâm.
"Chuyển đổi số văn hóa phải nhân văn, hiện đại, làm giàu truyền thống thay vì phá vỡ. Công nghệ là công cụ, dữ liệu là tài sản, kết nối là môi trường vận hành, và thể chế số là cơ chế kết nối," Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu để hoàn thiện Đề án chuyển đổi số lĩnh vực Văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 – nhằm kiến tạo một nền văn hóa số Việt Nam hiện đại, nhân văn, gắn kết truyền thống với tương lai.