Văn hóa nghệ thuật

Cũng là “chảy máu nhà sàn”…

Văn hóa nghệ thuật
07:46 | 11/11/2022
Vừa rồi tôi có việc đi qua bản Nà Bai thuộc huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Từ trên con dốc cao nhìn xuống, cả một không gian bản được phủ bằng các mái tôn nhiều màu sắc. Khi đi dạo sâu vào trong bản, vẫn thấy có đôi nhà lợp mái bằng fibro-xi măng; riêng nhà lợp ngói chỉ còn lại vài ba cái. Một cơn gió mạnh ào đến. Tiếng mái tôn của một ngôi nhà nào đó rít lên ken két khô khốc và sắc lạnh. Hỏi chuyện chủ một căn hộ Homestay, anh cho hay: bản này có 173 căn hộ, bây giờ các ngôi nhà sàn đã được lợp tôn gần hết
aa

Mỗi lần ngược lên mạn Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… là trong suốt hành trình cứ luôn vọng lên trong tôi câu hát “đi cùng năm tháng”: Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng….

Ấy là câu hát trong ca khúc Đường lên Tây Bắc của nhạc sĩ Văn An, được sáng tác từ năm 1950, đã phác nên một vẻ đẹp sống động của những bản làng và núi rừng Tây Bắc, nơi những ai đi qua một lần trong đời khó có thể nào quên được. Điểm nhấn của khung cảnh nên thơ đó chính là những nếp nhà sàn trong các bản làng của người Mường, người Thái…

Những ngôi nhà sàn bằng bê tông xuất hiện ngày càng nhiều

Nhưng thời nay phong cảnh các bản làng Tây Bắc đã có nhiều phần đổi khác. Trong đó phần “đổi khác” nhất mà bất cứ du khách nào đi qua cũng đều thấy, đó là bản nào cũng rực lên những mái tôn xanh đỏ chen nhau, có phần thiếu hòa hợp với khung cảnh núi rừng, nương rẫy, khe suối… xanh mát quanh năm. Cái công nghệ kim khí lấy sắt thép làm chủ đạo như đang ngạo nghễ tấn công vào chất liệu tự nhiên truyền thống. Nhà sàn mái gianh hầu như đã đi vào quá vãng. Mái ngói cũng còn rất ít. Hầu hết bà con các bản làm mái lợp tôn cho tiện. Hoặc nếu chưa kịp thay mái tôn, một số gia đình vẫn lợp mái fibro-xi măng là vật liệu vô cùng độc hại.

Vừa rồi tôi có việc đi qua bản Nà Bai thuộc huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Từ trên con dốc cao nhìn xuống, cả một không gian bản được phủ bằng các mái tôn nhiều màu sắc. Khi đi dạo sâu vào trong bản, vẫn thấy có đôi nhà lợp mái bằng fibro-xi măng; riêng nhà lợp ngói chỉ còn lại vài ba cái. Một cơn gió mạnh ào đến. Tiếng mái tôn của một ngôi nhà nào đó rít lên ken két khô khốc và sắc lạnh. Hỏi chuyện chủ một căn hộ Homestay, anh cho hay: bản này có 173 căn hộ, bây giờ các ngôi nhà sàn đã được lợp tôn gần hết. Người đầu tiên lợp nhà sàn bằng tôn là ông trưởng bản, vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc ấy, nhà lợp bằng mái tôn được coi là tiên phong, là thời thượng; được ngưỡng mộ là hiện đại, bền, đẹp, rất đáng tự hào. Từ bấy, dân làng phấn đấu theo gương ông trưởng bản, đua nhau dỡ mái tranh, mái ngói xuống để thay bằng mái tôn các loại.

Cái lợi của mái tôn thì trông thấy trước mắt. Khi lợp mái tôn, đỡ tốn gỗ để làm khung mái như đòn tay, rui mè. Tôn được xem là loại vật liệu bền, lợp mái không sợ bị dột, thời hạn sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bà con dần dần nhận ra một số bất tiện: rất nóng trong những ngày hè, lạnh hơn trong những ngày đông. Mỗi khi mưa gió, tiếng kêu của mái tôn xiết đinh tai nhức óc, trẻ con người già không chịu được…

Tôi hỏi chuyện một người dân bản gên là Điệp, anh cho biết: “Bây giờ thì một số người cũng biết tiếc nhà sàn mái gianh mái ngói ngày xưa rồi. Thấy mái lợp tôn nóng quá, mưa bão kêu to quá, có nhà lại đi mua gianh về lợp lên trên mái tôn để khắc phục. Nhưng mua gianh đắt lắm, không phải nhà nào cũng mua được đâu!”.

Ngẫm lại, thấy nhà sàn của đồng bào Tây Bắc cũng có số phận theo thời cuộc. Có một dạo, vào quãng những năm 90 của thế kỷ trước, đã có một cuộc “chảy máu” nhà sàn. Số là các đại gia hoặc những người buôn bán đã săn lùng nhà sàn, mua nguyên những nếp nhà sàn để chở về xuôi. Lúc đó, dân gian đã có câu nói đùa: “Sau mấy chục năm nữa, nếu ai muốn ngắm nhà sàn của đồng bào miền núi thì hãy về xuôi mới có”. Rất may, phong trào nào khi lên đỉnh cũng sẽ dừng lại. Được khoảng mươi năm, nhu cầu săn nhà sàn cũng giảm. Bà con cũng dần ý thức được giá trị và vẻ đẹp của những nếp nhà sàn, nên tìm cách giữ lại. Cho đến bây giờ, nỗi lo mất nhà sàn cũng không đặt ra gay gắt nữa….

Tuy nhiên, lại xuất hiện những mối lo khác, mà phong trào “tôn hóa” chỉ là một hiện tượng nhỡn tiền. Nếu xét về chất liệu xây dựng, ban đầu nhà toàn được làm bằng gỗ, kể cả vách cũng thưng bằng gỗ, mái thì lợp gianh. Vật liệu truyền thống này được cái rất sẵn, có thể đi lấy trên rừng về. Những ngôi nhà này mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Tuy nhiên, mái gianh có độ bền không cao, chỉ khoảng dăm năm là phải dỡ ra lợp mới. Đặc biệt là nguy cơ hỏa hoạn rất lớn. Bà con người Mường, người Thái thường có tập quán dựng nhà rất gần nhau theo kiểu quần tụ. Nếu chẳng may một nhà bị hỏa hoạn, có khi đám cháy lan ra cả bản trong chớp mắt. Ở bản Nà Bai, có một xóm mang tên Xóm Cháy. Hỏi ra mới biết cách đây mấy chục năm, đám cháy đã thiêu trụi 5 ngôi nhà sàn lợp gianh liền kề. Cái tên Xóm Cháy ra đời từ đấy như một nhắc nhở tất thảy mọi người dân nhiều thế hệ trong bản.

Về sau, khi có vật liệu ngói ra đời, để tránh hỏa hoạn, một số gia đình có điều kiện đã lợp ngói thay gianh. Mà ngói cũng có mấy loại: nhà ít tiền thì lợp ngói móc, nhà có điều kiện hơn thì lợp ngói máng, ngói mũi... Sau này, vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi các tấm lợp fibro-xi măng phát triển, những gia đình không mua được ngói thì chọn loại tấm lợp này. Trong một giai đoạn dài, phần lớn bà con đã sử dụng loại tấm lợp này, được xem là loại vật liệu nhẹ, dễ vận chuyển, bền và không đắt như ngói. Nhưng lúc đầu, hầu hết bà con không biết được các sợi A-mi-ăng trong hợp chất chế tạo loại vật liệu này là chất độc rất nguy hiểm, gây bệnh ung thư. Thế mà nhiều gia đình vẫn “vô tư” hứng nước mưa để ăn uống… Mấy năm gần đây, được tuyên truyền vận động, bà con bớt dần việc sử dụng loại tấm lợp fibro-xi măng. Tuy nhiên do hoàn cảnh kinh tế đang còn gieo neo, một số hộ vẫn sử dụng chúng, đa số dùng để lợp bếp hoặc chuồng trại nhốt lợn, gà, trâu, bò.

Và cho đến bây giờ, hầu hết là nhà sàn mái tôn như đã nói ở trên…

Tôi vừa về thăm xóm Chiến ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, là một bản du lịch cộng đồng. Phần lớn các ngôi nhà ở đây vẫn lợp tấm fibro-xi măng, số ít còn lại lợp mái tôn, lác đác vài ba nhà lợp ngói. Gặp anh Bi, chủ một gia đình có làm dịch vụ Homstay, tôi hỏi xem nếu tính giá cả việc lợp ngói và lợp tôn thì cái nào tốn kém hơn, được anh cho biết: lợp ngói thì đắt hơn một chút so với lợp tôn, chủ yếu do công vận chuyển chứ không phải vật liệu. Anh cũng cho hay, bây giờ một số gia đình cũng đã thích trở lại nhà sàn lợp ngói hơn là lợp tôn rồi…

Buổi chiều muộn, tôi đi dạo quanh xóm Chiến. Đứng trước cổng một ngôi nhà lợp tấm fibro-xi măng, thấy ông chủ nhà đang ngồi chân cầu thang hút thuốc lào, tôi bắt chuyện. Tôi nói về cái độc hại gây bệnh ung thư chết người của tấm lợp, một số quốc gia trên thế giới người ta đã cấm sử dụng loại vật liệu này rồi. Ông chủ nhà giải thích: “Tôi cũng biết nó có hại cho sức khỏe đấy, nhưng chưa có tiền thay ngói hoặc tấm tôn. Khi nào có tiền hẵng hay!”.

Số phận những ngôi nhà sàn truyền thống Tây Bắc còn nhiều điều quan ngại nữa. Không chỉ những chuyện như “chảy máu” về xuôi, hay mái nhà lợp fibro-xi măng, lợp tôn xanh đỏ… mà bây giờ một số gia đình đồng bào miền núi đã thay nhà sàn bằng nhà bê tông cốt thép; hoặc có khi cấy ghép cột, dầm bê tông. Lý do chính là gỗ ngày càng khó kiếm và đắt đỏ. Và theo sự tính toán của bà con, thì làm bê tông cốt thép sẽ bền vĩnh cửu, chỉ làm một lần là xong, chẳng phải sửa chữa gì (?). Như vậy, xét trên phương diện văn hóa, công cuộc bảo tồn nhà sàn truyền thống ở các bản làng miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn. Người dân do không đủ tiền sửa chữa, nên tìm kiếm vật liệu mới thay thế, lai ghép, cốt sao chắc bền là được. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ nhỡn tiền là sẽ dần mất đi vẻ đẹp mộc mạc mà thân thuộc của những ngôi nhà sàn đã có tự lâu đời. Và như thế, vấn nạn này cũng là một hình thức “chảy máu nhà sàn” còn đáng lo ngại hơn.

Làm thế nào để người dân ở các bản làng Tây Bắc giữ được những nếp nhà sàn truyền thống, ít ra chúng được là mái ngói, bớt dần mái tôn và nói không với mái fibro-xi măng, vẫn là nỗi trăn trở của những người yêu Tây Bắc, quan tâm đến đặc sắc văn hóa các dân tộc vùng cao...

Nguồn Văn nghệ số 46/2022


Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.
Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Baovannghe.vn - Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.
Đêm cồng chiêng - Thơ Nguyễn Hoài Nhơn

Đêm cồng chiêng - Thơ Nguyễn Hoài Nhơn

Baovannghe.vn- Đất nén thở còn đêm thì quánh lại/ Bật vỡ không gian theo nhịp chiêng cồng
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: Hãy nhớ lấy lời tôi!

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: Hãy nhớ lấy lời tôi!

Baovannghe.vn - Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng anh Trỗi vẫn giữ khí phách hiên ngang, kiên quyết không khai ra tổ chức, nhận mọi trách nhiệm về mình để bảo vệ tính mạng đồng đội.
Đọc truyện: Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG

Đọc truyện: Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương