Sáng tác

Khoảng trống. Truyện ngắn của Trần Mạnh Hùng

Trần Mạnh Hùng
Truyện 15:54 | 28/06/2025
Baovannghe.vn - Em đứng trước gương, tóc dài đến tận gối lòa xòa trước mặt, được em vén lên để lộ gương mặt có nước da trắng mịn.
aa

Ý thức được vẻ đẹp của mình, cũng ý thức được số phận khốn khổ của bản thân mà tạo hóa đã trao gửi. Em ôm mặt tức tưởi. Thường những lúc thế này, em chốt cửa rất chặt. Em sợ tất cả. Một tiếng lạo xạo của những tàu lá chuối sau vườn vọng vào, một thoáng hương hoa cau ùa vào từ cửa sổ trước hiên nhà cũng làm em sợ.

Cuộc sống của em, đâu là thực, đâu là ảo ảnh? Những biến cố của đời sống, đâu là hạnh phúc, đâu là khổ đau? Tất cả, tất cả chỉ là một khối lờ mờ, hư ảo trong tiềm thức mà em không thể phân định. Mãi sau này, khi đã là nhà nghiên cứu văn hóa Đông phương, em vẫn thấy mình luôn sống trong sự hoài nghi thái quá của một nhà khoa học được giáo dục, đào tạo trong một môi trường hoàn toàn lí thuyết, thiếu tính thực tiễn. Em nhớ mãi một chuyện. Khi em học cấp một trường làng, cô giáo em, người mà cả đời không bao giờ vượt qua biên giới của tỉnh, thao thao tả về thủ đô Hà Nội. Đoạn tả về chùa Một Cột của cô là em nhớ nhất. Cô bảo, nó to lắm, một gian chùa có đủ chỗ cho cả trường này ngồi mà chỉ có một cái cột chống ở giữa. Đến khi em đỗ Đại học, được học ở Hà Nội. Có dịp đi qua chùa Một Cột, em thấy thất vọng. Nó tuy đẹp thật, song quá bé quá so với trí tưởng tượng của em thời niên thiếu. Nó bé, lại nằm trong một khuôn viên mênh mông nên nhìn càng bé hơn. Thế mới biết các thầy cô giáo đôi khi có óc tưởng tượng thật phong phú. Bố em là công chức hàng tỉnh, mẹ em là công chức hàng huyện. Thấy em lúc nào cũng như người mộng du thì lo lắm. Vốn là người phụ nữ ưa chuyện bói toán, ngay cả việc lo chức, lo quyền cho bố, đều do mẹ đi lễ, đi cúng khắp nơi. Thấy em vậy, có lần đi xem, thầy bảo: "Số cháu phải đội chân nhang mới mong thoát kiếp âu sầu do có quỷ dữ ám nhập." Kì nghỉ hè năm thứ nhất Đại học, mẹ đưa em vào chùa thiêng mong cải được mệnh. Vị sư thầy trù trì chùa bảo: "Chùa là nơi dưỡng tâm, dưỡng đức, không phải nơi ẩn mình của kẻ vô tâm, càng không phải nơi trừ ma, hàng quỷ. Cháu về mà dưỡng tâm, dưỡng tính, phải tự mình thắng ác tà mới mong đổi mệnh." Đi cầu cúng không xong. Mẹ em buồn lắm. Có lần bà hỏi em: "Con thấy trong người làm sao?". Em bảo: "Con chẳng sao cả. Chỉ thi thoảng nó bắt con làm nhiều điều nó muốn". Mẹ em lại hỏi: "Nó là cái gì?". Em không thể tả cho mẹ em hay biết về nó được. Em chỉ biết nó rất mạnh. Nó sống cùng em. Đi lại, ăn uống, yêu thương, thù ghét. Tất cả đời sống riêng, những hoài bão và ước muốn của em nó đều can dự. Em chỉ cảm nhận được nó mà thôi. Cảm nhận từ bước đi có lúc như tia chớp, có lúc mềm như lụa của nó. Ánh mắt nó đôi khi em chỉ mơ hồ thấy được khi em ngắm mình trong gương. Giọng nói của nó mơn trớn, rủ rỉ, cũng có lúc sắc lạnh như một mệnh lệnh. Cuối cùng, bố mẹ em cũng cho em đi khám bác sĩ. Vì là con gái một lãnh đạo hàng tỉnh nên trực tiếp khám cho em là giám đốc bệnh viện - bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Ông bác sĩ này có vẻ mặt phúc hậu, sau khi xem kĩ kết luận của các phòng khám chức năng, ông cười hiền từ bảo: "Cháu khỏe mà, chẳng sao cả, thưa anh chị!". Nghe thế, bố mẹ em cũng yên tâm phần nào. Có lần, thấy cả buổi em không ra khỏi phòng, mẹ đã quá lo lắng, bà gọi cửa, không thấy động tĩnh, cuối cùng bà cho người phá cửa vào. Em ngồi lì trên chiếc ghế kê trước gương, mặt biến sắc. Lần thứ hai mẹ em đưa em đi bệnh viện. Lần này khám cho em là tay bác sĩ trẻ măng, có hàm răng ám màu khói thuốc lá, nói cười oang oang, nhăn nhở: "Em chẳng có bệnh gì. Chắc mắc bệnh tương tư cô ạ". Mẹ em không cười được. Bà nhìn em có ý hỏi để xác định dự cảm của bà mà nay được tay bác sĩ nói ra. Về phần em, em biết mình chẳng có bệnh gì, chẳng có gì vướng bận trong tâm hồn. Em tin chắc như thế. Em nhớ lần đầu tiên em nhìn thấy nó.

Đó là một ngày mùa đông buốt giá, tại khu chung cư cao cấp. Khi ấy em đang làm luận văn để chuẩn bị bảo vệ Thạc sĩ chuyên ngành văn hóa. Tập bản thảo để ngay ngắn trước mặt, chi chít, loằng ngoằng vết mực đỏ mà ông thầy hướng dẫn ghi lời nhận xét và sửa chữa. Em nhìn những nét mực đỏ với thái độ vô cảm. Ồ! Đấy là quan điểm của ông. Tôi khác chứ! Em biết mình đúng. Điều đó đã củng cố cho em có một niềm tin, cho dù là một niềm tin mông lung. Những vết mực đỏ vo lại như máu trên trang giấy. Một hình hài quái gở hình thành. Nó bước đi nhẹ nhàng. Lần đầu em thấy nó, cũng là lần đầu nó cho em thấy sức mạnh của nó. Về sau nó hiện hình mỗi lúc một khác tuỳ vào hoàn cảnh. Nó nhổ em khỏi chiếc ghế mà em đã cắm rễ xuống như hàng thế kỉ trước, xanh xao, cằn cỗi. "Đứng lên nào cô bé!" Một mệnh lệnh sắc lạnh. Em bảo nó, nó có quyền gì mà ra lệnh cho em. Nó thủ thỉ: "Nhìn môi cô tím tái kìa. Cô có một thỏi son môi mà bạn trai mua tặng đó thôi. Mang ra mà dùng. Cả hộp phấn hàng Thái chính hiệu nữa, sao không dùng?" Em bảo rằng, em chỉ dùng khi đi ra ngoài và đi với người yêu thôi. Người yêu em cùng làm Thạc sĩ với em ở viện. Anh ấy nghèo, quê ở Nam Định. Người tuy xâu xấu nhưng thật thà và cao thượng lắm. Nó bảo: "Cao thượng có vị gì? Ngọt hay đắng? Có mài cái cao thượng ra ăn được không?" Em bảo: "Cao thượng làm cho người ta sống sạch sẽ". Nó cười nhạo bảo: "Thế là hèn. Đầy kẻ có tí liêm sỉ nào đâu mà vẫn tự xem là cao thượng". Em bảo: "Đấy không phải là cao thượng mà là sự dối lừa". Nó bảo: "Ai biết được bạn trai cô có lừa gạt cô hay không!?" Em bảo: "Em tin vào người em yêu". Nó cười ngặt nghẽo, nó bảo: "Ừ, cô cứ tin và sống bằng niềm tin. Các tôn giáo cũng chỉ cần tín đồ của mình có được đức tin. Vì đức tin mà người ta có thể trao cả mạng sống của mình, cho dù việc có thượng giới hay không còn chờ vào khi ta chết mới được kiểm chứng. Trang điểm đi!". Nó nài nỉ: "Gọi điện cho vị giáo sư đi!". Em cưỡng lại: "Đừng hòng!". Đời nào em hạ thấp mình như vậy. Nó bảo: "Đây không phải chuyện thấp cao, mà là sự tranh thủ khi có thời cơ thuận lợi. Kẻ nào không tận dụng được những thời cơ là kẻ ngu!". Em bảo: "Như vậy là lợi dụng người khác". Nó bảo: "Vậy người ta có lợi dụng cô không?". Em bảo: "Em không biết". Nó bảo: "Thấy chưa, cô không biết người ta lợi dụng mình thì chắc gì người ta đã biết cô lợi dụng người ta. Đó chính là bí mật đầy thi vị của cuộc sống, đó là lí do để cô ăn, uống và thở". "Thôi đi!" Em cáu tiết quát. Nó nhăn nhở: "Cô tỏ ra đạo đức đó thôi, tôi biết tỏng cô. Lại mà bấm điện thoại cho người ta, đừng để tuột mất cơ hội". Em nằm bò ra chiếc đi-văng. Nó nằm xuống cạnh em. Em cảm giác thấy hơi lạnh từ nó phả ra. Có tiếng chuông điện thoại. Em biết của anh ấy. Đó là bản Sonate ánh trăng của nhạc sĩ Bét-thô-ven mà hai đứa em đều thích, chúng em cài chuông làm hiệu riêng. Em vùng dậy, trong ý nghĩ đã vội trách, sao về quê lâu thế, mãi không lên và cũng không thèm điện cho người ta! Đã thế em cũng chẳng thèm! Nó thủ thỉ: "Người ta về quê, còn đồng, còn ruộng, mải quá, chắc gì đã nhớ đến cô!". Em chạy lại nghe máy. Nó nói chẳng sai. Anh ấy bảo vừa bới khoai giúp mẹ, vừa viết luận văn, tối mặt tối mũi. Em thương quá. Chẳng ai như em, chẳng giúp gì được cho anh. Mà em thì biết làm gì kia chứ. Nó bảo em: "Cô sinh ra để được nuông chiều. Cô là nàng công chúa Hạt Đậu. Mối tình này phiêu lưu lắm. Cô phải thực tế hơn". Em hỏi nó: "Thế nào là thực tế?". Nó cười nhăn nhở vừa nói: Cô đã nghe chuyện "Gãi đúng chỗ ngứa chưa?" Em bảo, chưa. Nó kể, có anh nọ, một buổi sáng lên sân thượng tập thể dục. Anh ta thấy ông hàng xóm bị cụt hai tay đến tận khuỷu mà vẫn đứng nhảy múa. Người ông ta uốn éo. Thấy lạ, anh bèn hỏi: "Bác ơi, cháu bị tai nạn lao động, cụt mất một cánh tay như bác thấy đấy. Cháu đau khổ vô cùng. Người ta bảo, giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Vậy mà cháu… Bác ơi, chắc bác là người có lí tưởng lắm? Hay bác có bí quyết gì, bác mách bảo cháu với. Cháu cũng muốn xua đi những buồn phiền để được vui múa như bác". Người hàng xóm của anh ta không nói gì, vẫn tiếp tục nhảy múa. Thấy lạ, từ sân thượng nhà mình, anh ta nhảy sang gặng hỏi. Ông hàng xóm vẫn đứng vặn vẹo bảo, "đang ngứa lưng mà không sao gãi được đây! Có gãi hộ người ta một cái. Hỏi gì mà hỏi lắm thế!?" Anh này gãi hộ. Mặt ông ta ngây đuỗn ra. Kể xong, nó bảo: "Đấy, đấy là thực tế. Bấm điện thoại cho vị giáo sư đáng kính đi. Hành động gãi đúng chỗ ngứa đấy".

Em vẫn chống đỡ quyết liệt. Em nằm như dán người xuống chiếc đi-văng. Nó bảo: "Đừng bướng bỉnh thế. Dậy đi". Chiếc áo khoác trong có để chiếc điện thoại bỗng lắc lư mạnh và bản nhạc Serenade của Su-be vang lên. Nó hỏi: "Có phải của vị giáo sư không?" Em bảo: "Thì đã làm sao?" Nó bảo: "Vậy thì nghe đi". Em bảo: "Đừng hòng!". Nó bảo: "Thầy gọi mà trò không nghe là không tốt". Em bảo: "Biết thừa ông ấy nói gì rồi". Nó bảo: "Thật nhàm chán phải không? Ngoài chuyện những quan điểm, những học thuyết, cuối cùng lại đến việc em đến nhà tôi nhé, hôm nay vợ tôi về ngoại rồi. Có phải vậy không?" Em thừa nhận. Nó bảo: "Thấy chưa? Họ thực tế lắm". Em sợ phải làm cái việc phản bội tình yêu ấy. Nó bảo: "Không phải sợ. Ai biết cô với giáo sư quan hệ thế nào. Khóa hướng dẫn khóa luận nào lão ấy chả có một đứa như cô". Em bảo: "Không phải vậy. Giáo sư là người đáng kính". Nó bảo: "Thì ai nói không đáng kính đâu?" Em bảo: "Thầy ấy dạy em chu đáo lắm, suốt hai năm liền có bao giờ buông lời tán tỉnh em đâu". Nó tiếp lời em mà như hỏi: "Cho đến bây giờ?". Em bảo: "Không. Mới đây, có một buổi, sau khi nói với em về vấn đề sinh hoạt văn hóa dân gian, về lễ hội ông Đùm bà Đà, thầy đã ôm lấy em và nói, thầy cô đơn lắm!". Nó hỏi: "Lúc ấy cô có mủi lòng không?". Em bảo: "Cũng hơi buồn cười. Thầy vẫn nói ở giảng đường là thầy rất hạnh phúc”. Nhưng khi có một mình em, thầy lại nói vậy. Nó bảo: "Có gì mà buồn cười. Ở hoàn cảnh khác nhau, người ta có thể ứng xử khác nhau. Mục đích mà người ta đặt ra là gì trong lối phát ngôn đó". Em cãi: "Thế là không nhất quán, là mâu thuẫn". Nó bảo: "Cô lại lí thuyết rồi. Cuối cùng cô vẫn để nguyên cho lão ôm, hay cô gỡ mình ra?". Em thú nhận, mình đã quá xúc động, đã để cho thầy ôm em rất lâu và cảm xúc lúc ấy trong em gần như một sự bố thí, một sự ban phát kẻ cả. Thật đấy, em không dối đâu. Nó bảo: "Thấy chưa, họ chỉ cần như thế. Cô ban phát, cô bố thí, hay đền ơn đáp nghĩa, với những mĩ từ ấy với họ chả để làm gì. Họ chỉ cần cọ được xác thịt họ vào cô để có được xúc cảm nhân tính và họ được thỏa mãn, giống như những kẻ vĩ cuồng được tiếp xúc hay khám phá một triết lí nào đó". Vừa tranh cãi với em, nó vừa luồn bàn tay xuống lưng em lúc này vẫn dán xuống chiếc đi-văng. Hai bàn tay em đan vào nhau kẹp chặt giữa hai vế đùi non. Nó nhẹ nhàng gỡ tay em ra xoa xoa hai bàn tay vào nhau, đoạn nó nâng em nhẹ nhàng đi lại chỗ chiếc áo có để điện thoại. Em vùng chạy trở lại đi-văng. Nó bảo: "Đừng! Đừng làm thế, gọi cho họ đi, chắc họ đang cần cô lắm". Em bảo: "Không! Họ không yêu tôi. Tôi cũng không yêu họ". Nó bảo: "Cô bỏ cái từ ấy đi, nó chỉ thích hợp với bọn nghệ sĩ nghĩ ra đủ thứ nhảm nhí ấy để mong cứu rỗi nhân loại. Khốn nỗi càng làm cho con người khổ sở thêm mà thôi. Thật xa xỉ!". Em cố lao lại chiếc đi-văng và bật khóc. Nó vỗ về: "Nín đi, rồi cô xem, anh chàng nhà nghèo, cao thượng của cô, sau khi lấy cô về, tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ, sau này nếu được phong giáo sư, lại đi hướng dẫn học viên làm luận văn như cô. Cô biết quá đàn ông còn gì, họ giống nhau không chỉ về cấu tạo sinh học đâu! Lúc đó anh ta cũng ôm một cô gái và sướt mướt than rằng mình cô đơn thì sao". Em gắt lên: "Thật rác rưởi quá mức!". Nó vẫn nhã nhặn: "Rồi cô xem". Lúc ấy, em liếc nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc vì đột nhiên nó đánh chuông báo giờ. Tiếng chuông ngân nga điểm từng tiếng thanh thản. Bầu không khí trong phòng được pha loãng. Em nhổm dậy ra mở toang cánh cửa sổ. Từ tầng 15 khu chung cư, em có thể nhìn bao quát gần như hết thành phố. Gió lồng lộng, chỉ nghe tiếng ù ù như không thể ngớt. Khi bố em mua căn chung cư này cho em, ông bảo, ông chọn có ban công quay hướng nam, như vậy, mùa hè sẽ mát, mùa đông có mở cửa cũng không hề hấn gì.

Khoảng trống
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Từ bé em vẫn sống ở quê, trong ngôi nhà ông bà nội để lại cho bố. Các bác công tác với bố hay thắc mắc về chuyện bố không làm nhà ở thành phố của tỉnh, nơi bố công tác. Ông bảo, không cần thiết. Đến khi em tốt nghiệp đại học, bố mua cho em căn hộ này. Cũng thời gian đó ông chuyển công tác lên thành phố. Nhớ ngày đầu lên thủ đô, cái gì đối với em cũng lạ. Khi bố, mẹ chuyển lên với em, em với mẹ thường đi siêu thị mua sắm. Việc em lạ lẫm với cuộc sống thị thành là điều dễ hiểu, nhưng với mẹ, em không thể hiểu nổi, bà như người được lột xác. Từ một người quê, công tác ở cơ quan huyện, hàng ngày ở cơ quan về, bà còn trồng rau, nuôi lợn. Trong mắt em, bà đúng là hình mẫu của bà mẹ Việt Nam đi ra từ những câu chuyện cổ tích có sức sống ngàn đời. Lên Hà Nội một thời gian, cô Tấm nhà em thích rủ em đi mua váy áo ở những hiệu thời trang có tiếng. Mẹ bảo, mình không vậy, nó lạc lõng lắm. Thời gian tiếp theo, mẹ thường lui tới các sàn nhảy, học khiêu vũ. Bà đã thi được cả bằng lái xe hơi. Hôm giỗ ông nội em, cô Tấm và chàng Thạch Sanh thay nhau lái xe về làng. Cả họ em, người nể sợ, người vui mừng, người ghen ghét. Có người ác miệng đã nói to cốt để em nghe thấy: "Chỉ có biển thủ công quỹ mới lắm tiền thế!". Em thương bố mẹ quá. Lúc ấy như để an ủi em, nó bảo: "Không phải vậy đâu, bố mẹ cô chỉ thực hiện tốt công việc của mình đó thôi. Buồn làm gì! Cô lại xa xỉ rồi". Em bảo: "Em tin bố mẹ em trong sạch". Nó bảo: "Thế nào là trong sạch, thế nào là không trong sạch chứ? Giữ tốt một mắt xích trong một guồng máy, làm tốt bổn phận của người làm cha, làm mẹ mà không trong sạch à? Rồi đây cuộc sống của cô sẽ tốt hơn rất nhiều, nếu như cô quyết định cưới cái anh nhà nghèo nhưng cao thượng kia. Chắc chắn bố mẹ sẽ phải làm tốt hơn nữa bổn phận của mình. Vấn đề cấp bách ở chỗ, cô muốn có chân trong viện nghiên cứu thì phải gọi ngay cho giáo sư đi". Nó vẫn một mực kèo néo em: "Trong khi cô mở toang cánh cửa nhìn ra đường phố mà thả hồn, thì người yêu cô đang gánh một gánh quần quật trên vai, củ khoai thì ít mà dây khoai thì nhiều. Mồ hôi không còn thành giọt nữa đâu mà chảy như suối tắm đẫm người chàng rồi". Em bảo nó, em không muốn có sự thúc đẩy của em để biến anh ấy thành con người như nó nói. Anh ấy chỉ của mình em thôi. Chúng em khổ mấy cũng được. Có như vậy anh ấy mới giữ được nguyên giá trị của mình. Nó bảo: "Cô lại thế rồi. Giá trị là cái ta đặt cho nó, ta gán cho nó một cách hết sức chủ quan, nó không còn nguyên vẹn ý nghĩa thực đâu. Thời buổi này các giá trị đôi khi bị nhào nặn lộn tùng phèo. Với người này nó là vàng, nhưng với người khác nó chỉ là rác. Là người nghiên cứu văn hóa, cô quá rõ điều đó". Nó đang lảm nhảm thì bản Sonate ánh trăng lại vang lên. Anh ấy bảo, anh đã cố bới cho xong mấy luống khoai nhưng không thể cố được, mệt quá rồi, phải mất ngày mai nữa. Anh còn cho biết, ruộng khoai nhà anh toàn hà với dím hết. Mẹ anh bảo thôi thì mang dây về mà bỏ chuồng lợn. Em thấy áo anh ấy loang trắng những vệt mồ hôi đã được những ngọn gió heo may làm khô. Sờ vào có cảm giác như sờ vào tấm bánh tráng đã được hong một nắng. Em bước ra khung cửa sổ quay hướng bắc, khẽ hé tấm cửa kính, một luồng gió lạnh quất vào mặt em rát buốt. Em đứng vậy rất lâu để có thể phần nào hiểu được nỗi vất vả của anh. Mắt em nhòe nước. Nó bảo: "Đừng cải lương thế. Cô phải hành động mới mong giúp được người yêu cô thoát khỏi cái cảnh mà chỉ hé tấm kính cô đã ứa nước mắt rồi. Đúng là càng học cao, con người ta càng phi thực tiễn". Em không thể làm thế được. Em chịu sự giáo dục nhuộm màu phong kiến, mà phong kiến coi nặng mặt hình thức lắm. Khi em đã ý thức được về giới tính, mẹ đã bảo em phải cẩn thận với bọn con trai. Khi em bắt đầu có kinh, mẹ bảo, đàn ông họ ghê lắm. Người tử tế thì ít, kẻ lừa đảo thì nhiều. Bà nói đi nói lại về cái trinh tiết. Bà bảo: Cái trinh tiết của người con gái là cái quý nhất. Những người đàn ông xấu, họ chỉ tìm mọi cách lấy được cái đó. Cái đó là cái gì? Lúc ấy em chưa hiểu. Em mang chuyện ấy ra tâm sự với bà chị họ khi ấy đã có chồng, chị ấy giải thích vòng vo rằng: Lúc em đã có chồng như chị. Vào đêm đầu tiên về nhà chồng, em và chồng em ngủ với nhau, sau đó có thai và sinh em bé, lúc ấy em không còn trinh tiết nữa. Nghĩ lại, em buồn cười lắm. Như vậy cứ lấy chồng là mất đi cái quý nhất của con gái, vậy mà ai cũng thích lấy chồng? Nó bảo: "Cô thấy chưa! Rất vớ vẩn! Là quý nhất sao không giữ mãi suốt đời?". Mẹ bảo: "Quý ở đây là chỉ trao cho người mình yêu, như mẹ chỉ trao cho bố con thôi". Nó kéo dài giọng bảo: "Đúng hơn, chỉ lần đầu trao cho người mình yêu thôi. Mà đối tượng của tình yêu thì hay thay đổi lắm. Tình yêu không phải là thước đo của giá trị, vì nó không thể định tính, định lượng như các đề tài mà cô nghiên cứu đâu. Lại càng không phải đạo đức". Em cãi lại: "Tuy không định lượng được, nhưng người ta có thể vì nó mà chết". Nó bảo: "Cô lại lãng mạn ngây thơ rồi. Cô có muốn trao cho cái anh có tấm bánh tráng ở đằng sau lưng áo chưa?" Nó hỏi, làm em bối rối. Em bảo, cái đó em chưa muốn, nhưng em sẽ làm như mẹ, chỉ trao cho người em yêu thôi. Nó hỏi: "Chỉ một người?". Em bảo: "Đương nhiên rồi". Nó bảo: "Dạo này bố cô hay đi công tác ở nước ngoài. Cô có thấy một vài lần mẹ cô đưa xe ô tô đi đón một người trẻ măng mà mẹ cô bắt cô gọi bằng chú không? Đấy! Đấy là bạn nhảy của mẹ cô đấy. Cô không biết đó thôi, cậu ta thường trọ qua đêm ở nhà cô những lúc bố cô và cô đi vắng". Em quát: "Không phải như vậy! Không được nghĩ mẹ tôi như thế. Mẹ vẫn là nguồn nước trong mát nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Đừng có mà xúc phạm!". Nó cười bảo: "Đó là sự thật. Mà tại sao cứ phải che giấu sự thật làm gì. Cô nên tôn trọng sự thật mới là có đạo đức. Vấn đề ở chỗ, cô ứng xử thế nào với sự thật đó sao cho có văn hóa là được".

Em ôm mặt tức tưởi. Em thương bố em. Nó bảo: "Sau này con cô nó có thương ông bố nó không? Nín đi! Sốt ruột lắm!". Tiếng chuông từ chiếc đồng hồ quả lắc lại gióng lên. Phải thừa nhận tiếng nhạc nghe thật dễ chịu, đúng như lời cấp dưới khi mang nó đến biếu. Em cũng thấy như vậy. Nó bảo: "Quà biếu cấp trên mà không đẹp, không quý dễ có tác dụng ngược lại lắm". Em chẳng quan tâm lời nó. Em vào nhà tắm mang ra ít nước vẩy lên bình hoa hồng bạch. Em thích loài hoa này vì cái màu và cái mùi tinh khiết của nó. Nó bảo: "Cô làm thế là phải. Cô gọi người ta đến, cũng phải làm cho khoảng không gian thêm lãng mạn hơn". Em bảo, xét về tính thực tiễn như quan điểm của nó thì chẳng cần. Nó bảo: "Tuỳ vào đối tượng mà chọn lựa điều kiện cho phù hợp. Với anh chàng cao thượng của cô, chỉ cần một bữa cơm thật thịnh soạn. Còn với con người đã đến tuổi phải kiêng khem, họ không cần bánh mì nữa, mà họ cần hoa hồng. Cô đã thực tế hơn rồi đấy. Gọi cho người ta, nhanh lên! Tuần sau cô bảo vệ rồi. À, nhớ bảo người ta rằng lúc thầy gọi đến, em đang tắm".

Bản Serenade bỗng vang lên. Em vốn rất thích bản nhạc này. Nó thật đằm thắm, rực lên niềm khát khao cháy bỏng của một anh chàng đang yêu. Thầy bảo, em lấy nhạc đó để báo chuông khi thầy gọi. Ngày ấy, em vô tư lắm. Lúc này, nghe ca khúc ấy, nó làm em sợ. Gai ốc nổi khắp người. Em chạy lại định tắt bản nhạc thì nó ngăn lại. Nó bảo: "Thật bất lịch sự! Để khi nào tắt thì gọi lại". Bản nhạc chỉ kéo dài tới đoạn "Đêm nay chỉ có mình anh" thì tắt. Thôi, mình nghe nó một lần, em tự nhủ và đi ra lấy điện thoại. Từng ngón tay em lần sờ chiếc điện thoại và lấy nó ra từ túi áo khoác. Ngón tay cái như có sức hút, bò nặng nề trên bàn phím. Sau khi ngón tay đã giúp em nhấn số, nó nhắc: "Nhớ chưa, phải bảo là em vừa tắm xong. Nào, ấn phím gọi". Chiếc điện thoại được áp vào tai em, ở đầu bên kia, giọng nói quen thuộc vang lên và người hỏi, người trả lời như một cái máy đã được lập trình: Em làm gì mà mình gọi không được? Dạ, em tắm. Lạnh thế này mà cũng tắm à? Dạ, em không thấy lạnh. Em đã sửa xong luận văn chưa? Dạ, sắp xong rồi. Có ai ở đó với em không? Dạ, không ạ. Mình đang muốn gặp em để trao đổi công việc một lát, có thuận không? Dạ, mời thầy đến ạ. Đến đây thì bên kia cúp máy. Trời càng về chiều càng lạnh. Em mở cửa sổ hướng bắc to hơn để gió lùa vào mạnh hơn. Bức tranh sơn dầu em mua ở cửa hàng bán tranh chép rung lên. Bức tranh được vẽ lại từ một trong những bức tranh phố của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nó đã bị tuột ra khỏi hàng đinh đỡ bên dưới, đang lắc lư trên tường. Em định ra đặt lại thì nó bảo: "Để đấy đã, mang đồ uống ra, ở trong tủ lạnh còn gói lạc rang húng lìu cô mua ở siêu thị hôm đi với mẹ. Thứ ấy giáo sư thích nhâm nhi với rượu Vốtca, cái đó mới cần cho cô trong hoàn cảnh này". Em thực hiện mệnh lệnh của nó như một cái máy. Rượu Vốt-ca thì em chả có. Em để lên bàn chai rượu vang của Pháp, sau đó em ra cửa sổ cạnh ban công cắm lại bình hoa hồng trắng, đóng cánh cửa sổ hướng bắc. Tất cả được em chuẩn bị đón khách với một tác phong chậm chạp. Bức tranh phố của Bùi Xuân Phái em cũng đã chỉnh lại ngay ngắn. Nó bảo: "Vớ vẩn! Cô nên trang điểm một chút". Có lẽ thỏi son mà người yêu em mua tặng, em mang ra dùng lần này là lần thứ hai. Lần đầu em dùng khi hai đứa em được bố cho vé đi nghe nhạc giao hưởng ở Nhà hát Lớn. Bố em bảo, không đi sẽ phí mất cặp vé. Nghĩ lại mà càng thương anh. Ngồi nghe giao hưởng mà cứ ngáp hoài. Trong khi dàn nhạc chơi tới đoạn cao trào thì anh đòi về để mai tranh thủ về quê giúp mẹ phun thuốc trừ sâu cho lúa. Một tiếng chuông vang lên, em nhét vội thỏi son vào ngăn kéo, ra mở cửa.

Hôm nay giáo sư trông rất thanh niên so với tuổi năm tám. Thấy em, thầy ồ lên một tiếng khen em đẹp. Thầy bảo: "Nay lạnh thật, nhiệt độ có lẽ chỉ hơn chục độ". Em bảo: "Thầy đi ở ngoài chắc lạnh lắm, vào nhà rồi, thầy cởi áo ngoài ra cho khỏi vướng". Thầy bảo: "Ăn thua gì với nhiệt độ mùa đông ở Pa-ri". Em bảo: "Thầy được đi nước ngoài nhiều, thích thật". Thầy bảo: "Sau này về viện, em cũng có cơ hội được đi như thế". Em bảo: "Sao mà em về được. Các bạn khác có người giỏi hơn em mà". Thầy bảo: "Giỏi không phải là tất cả". Em bảo: "Vậy người ta phấn đấu học giỏi để làm gì ạ?". Thầy bảo: "Để thêm hiểu biết, để sống thích ứng". Đúng! Học giỏi chỉ là một trong "n" tiêu chuẩn thôi. Nào, luận văn đâu đưa đây xem nào". Em bảo: "Thầy uống gì ạ?". Thầy bảo: "Có gì uống nấy". Em bảo: "Em đã chuẩn bị rượu vang và lạc rang tẩm hương húng lìu". Thầy bảo: "Ồ, tốt quá! Mình thích lắm". Nó bảo: "Thấy chưa! Cô đã hoàn thành xong phần chào hỏi thật xuất sắc!". Em hỏi: "Giờ thì thế nào nữa?". Nó bảo: "Trong khi ông ta xem luận văn, cô phải ngồi cạnh". Em bảo: "Không được! Tôi sẽ ngồi đối diện". Nó bảo: "Đừng! Cứ ngồi cạnh phía bên trái ông ta. Ông ta sẽ chỉ vờ đọc thôi. Mục đích đến đây hôm nay không phải mớ giấy lộn ấy". Em bảo: "Đừng xúc phạm đến trí thức!". Nó bảo: "Chẳng ai bảo vờ đọc với làm tình là trí thức cả". Em bảo: "Em rót rượu thầy uống nhé?". Thầy bảo: "Rót đi. Rót cả cho em nữa. Chúng mình cùng uống". Chẳng hiểu sao, nay em cũng uống được hai cốc. Ngón tay phải của thầy rê nhanh trên những dòng chữ, bàn tay trái của thầy đã trườn qua vai em. Em cảm được hơi ấm của bàn tay ấy. Một cảm giác thật dễ chịu. Nó bảo: "Cô đừng làm bộ, làm tịch mà gỡ ra đấy. Thấy dễ chịu sao không để yên?". Chợt nhận ra mình đã hơi quá đà, em cầm tay thầy đưa qua đầu mình. Để khỏi phật ý thầy, em để nguyên bàn tay thầy trong bàn tay em. Thầy bỏ cuốn sách xuống bàn, giữ bàn tay em trong hai bàn tay thầy. Thầy kéo em lại gần mình hơn. Thầy bảo: "Đoạn em giải mã về lễ hội Nõ Nường vùng Trung du hay lắm". Thầy nói trong khi mắt thầy nhìn mê đắm. Em cảm được ánh mắt ấy. Không ngờ ở tuổi ấy mà nó còn cháy rực như thế! Không thời gian, không biên giới! Em bảo: "Em cảm ơn thầy". Em cảm được mùi rượu vang và mùi hoa hồng lan tỏa khắp phòng. Nó bảo: "Hãy bình tĩnh mà đón nhận. Người ta sẽ hôn cô ngay bây giờ". Không kịp phản ứng trước sự cảnh báo của nó. Môi em đã bị ngậm chặt khi nào. Em nghe lùng bùng tiếng nó. Nó bảo: "Thật dễ chịu phải không?". Em ngúc ngắc đầu cưỡng lại lời giễu cợt của nó. Em lảm nhảm vô thức: "Thầy làm gì đấy?". Em chỉ còn thấy mình đã nằm ra đi-văng. Tiếng nói của thầy rớt từ môi em sang bên tai: "Tôi yêu em! Tôi sẽ lo cho em. Còn cậu ta, cứ yên tâm nhé…". Em thấy anh ấy đeo chiếc bình phun thuốc trừ sâu đang bươn bả trên cánh đồng. Chiếc bình ngày một lớn dần, nó như tảng đá ấn người anh lún sâu. Từ cái vòi vươn dài, bụi nước mờ mịt phun ra như khói. Anh đang cố bước đi trên thửa ruộng trũng. Áo anh tráng bánh rộp trắng. Mắt em lại nhoè nước. Em gọi lên tên anh, anh đâu thèm nghe, vẫn mải mê trừ sâu. Chỉ loáng cái, đám bụi nước khổng lồ làm em không sao còn nhìn thấy anh nữa. Anh ơi, chả nhẽ anh phải làm mãi cái việc ấy ư? Em mê cuồng, tuyệt vọng. Những tấm đệm lưng của chiếc đi-văng nhàu nhĩ, biến thành mây bồng bềnh. Thầy lại ghé vào tai em hào hển: "Cứ gọi tên cậu ta đi! Gọi to vào! To nữa!". Em rên lên: "Nõ Nường ơi!". Em không phân biệt được giữa thực và mơ, chỉ biết, một khoảng trống mông mênh đã choán hết tinh thần em.

Thầy ở lại với em đến 22 giờ. Nó bảo: "Cô giả vờ mời ông ấy ở lại". Em bảo: "Có mà điên!". Nó bảo: "Loài người sinh ra vốn đã có phẩm chất ấy rồi". Em bảo: "Tôi không điên". Nó bảo: "Tất cả đều điên, cô không điên, nghĩa là cô bị nặng hơn rồi, thương cô quá!". Chia tay em, thầy ôm hôn em rất lâu ở giữa gian phòng. Người em cứng đơ, vô cảm. Nó nói đúng. Toàn chuyện rồ dại cả. Nó bảo: "Khi cái lão mà em khen có cái đầu vĩ đại ra về, em phải điện cho anh chàng cao thượng lên ngay kẻo rắc rối to". Anh ấy nói, ngày mai anh vẫn còn mấy luống ở dưới đồng xa, khoai lên mộng hết rồi. Ngày kia anh mới lên được. Nó bảo: "Thế cũng được. Muộn hơn thì không ổn". Ngày hôm sau, trong khi chờ anh lên, em giết thời gian bằng cách bật máy sửa lại luận văn. Nó bảo: "Chớ nói gì về chuyện giáo sư ở đây chiều tối hôm qua đấy". Em bảo: "Có rồ không mà nói!?" Nó bảo: "Thế là khôn ngoan". Hôm anh lên, em phải nhờ mẹ chở ra bến Giáp Bát để đón. Nhìn anh gầy rộc mà xót. Em bảo mẹ, cho hai đứa đi ăn ở nhà hàng. Khi về đến nhà mẹ bảo: "Hai đứa chuẩn bị mà bảo vệ cho tốt, còn công việc, còn cưới xin. Anh chị định đến bao giờ hả?" Nghĩ mà càng thương anh. Ra trường phải chạy đôn đáo mới có chỗ để dạy hợp đồng. Lương tháng đủ tiền đổ xăng xe. Mất tới mười năm còn gì.

Mùi hương hoa hồng bạch ngát cả căn phòng. Em bảo: "Nay anh khỏi về nhà chú nữa". Anh bảo: "Không được, hàng xóm nhà em lại ra lườm vào nguýt". Nó bảo: "Phải thuyết phục bằng được chàng ở lại". Em bảo: "Khó lắm!". Nó bảo: "Cô phải vờ ốm để chàng ở lại". Thấy em ôm đầu, anh hỏi: "Em ốm à?". Em bảo: "Em đau đầu". Anh bảo: "Chắc lại cảm rồi". Em bảo: "Em thấy nôn nao". Anh hỏi: "Nhà có trứng gà không?" Em hỏi: "Làm gì?". Anh bảo: "Để anh luộc lên đánh cảm cho, nhẹ ngay". Nó bảo: "Vậy là tốt rồi". Em nằm sấp, trên người phủ chiếc khăn tắm. Anh xoa túm vải màn, bên trong có bọc lòng trắng trứng gà và chiếc vòng bạc lên khắp cơ thể em. Em thấy dễ chịu vô cùng. Em nhắm nghiền mắt cho anh muốn làm gì em thì làm. Mùi hương hoa hồng bạch ngào ngạt. Em quàng tay ôm chặt lấy anh: "Ngốc ạ! Nằm xuống em tẩm quất cho, ông nông dân!". Nó cười ngặt nghẽo: "Tài! Cô tài thật! Kìa, lòng trắng trứng vương khắp giường rồi". "Kệ! Đằng nào chả phải giặt!...".

Trên khoảng sân rộng, râm mát bóng cây của khu chung cư cao cấp. Có đám người đủ mọi lứa tuổi đang uống bia với lạc luộc. Một cậu bé khoảng bảy, tám tuổi đạp chiếc xe được thiết kế theo kiểu xe địa hình phóng vụt qua. Nó gọi to: "Con chào bố!". Người đàn ông trẻ nhất trong đám nói với theo: "Ngoan lắm! Bảo mẹ, lát bố về". Anh chàng quay ra chém gió: "Các bác thấy đấy, cu cậu nghịch lắm, nhưng được cái ngoan. Em là em kĩ lắm. Ngày giờ cu cậu sinh, em phải ghi rất kĩ để còn xem tử vi cho nó". "Chú là nhà khoa học mà cũng mê tín nhỉ?". "Đó là khoa học chứ!". "Thế tử vi nói thế nào?". "À, tốt, học giỏi lắm". "Rồi lại làm giáo sư như bố?". "Không! Em mới là tiến sĩ thôi. Các bác biết không, tính ra, cu cậu đòi ra nhìn mặt trời sớm hơn theo quy định đấy". "Cháu sinh thiếu tháng à?". "Không! Theo trí nhớ của em thì cu cậu ra sớm hai hay ba ngày gì đấy". Lát sau, có người phụ nữ dắt theo thằng bé ban nãy đến chỗ mấy người đang uống, nói vui: “Đừng ngồi đấy mà tán phét nữa! Về ngay lau cho em cái nhà. Uống nó vừa vừa thôi! Em chào các bác!”

Văn nghệ, số 27/2013
Ra mắt phim mới nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025

Ra mắt phim mới nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025

Baovannghe.vn - Nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025, phim điện ảnh Phá đám: Sinh nhật mẹ - một câu chuyện của Bột Creative Hub vừa chính thức công bố loạt poster, với dàn diễn viên gồm: nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Bé Sam, Hoàng Phi, NSƯT Hữu Châu, Huy Khánh, Ngọc Sơn.
Lai Châu có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

Lai Châu có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

Baovannghe.vn - Sáng 14/7, tại xã Khổng Lào, tỉnh Lai Châu đã tổ chức công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025.
Việt Nam gặt hái nhiều thành công tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12

Việt Nam gặt hái nhiều thành công tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12

Baovannghe.vn - Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12 diễn ra tại Singapore từ ngày 11 đến hết ngày 20/07/2025, với hơn 2.000 thí sinh từ 14 quốc gia khác nhau ở khu vực Châu Á – Thái Bình dương tham dự và tranh tài.
Loài hoa để nhớ, để thương

Loài hoa để nhớ, để thương

Baovannghe.vn - Một ngày đầu hạ, tôi mở vội cửa sổ lớp học để bắt đầu những tiết dạy ôn tập cho học sinh. Bất giác, nhìn thấy mấy đoá hoa bằng lăng tím ngát. Giữa cái nắng oi ả phương Nam, sắc tím của hoa bằng lăng nổi bật giữa những kẽ lá xanh, khẽ khàng rung rinh theo gió.
Bài thơ "Một giọt người" của Văn Thùy

Bài thơ "Một giọt người" của Văn Thùy

Baovannghe.vn - Bên cạnh những bài lục bát tài hoa lúng liếng giễu nhại rất đặc trưng, Văn Thùy cũng có những ngậm ngùi lắng đọng nao lòng. “Một giọt người”, thi phẩm thấm đẫm tình đời, tiêu biểu cho phía lắng đọng ấy.