Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, việc dạy và học lịch sử đang từng bước rời xa lối học thuộc lòng các mốc thời gian. Để hiểu sâu về nhân vật lịch sử, bối cảnh và ý nghĩa của từng sự kiện, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phát hành cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” của nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu vào tháng 6 năm 2025. Đây là một trong những tài liệu đáng chú ý, phù hợp để phục vụ công tác giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên và giáo viên trung học, đại học.
Tác phẩm không chỉ đơn thuần thuật lại sự kiện lịch sử mà còn giới thiệu những giai thoại mang tính dân gian, kết hợp với trích dẫn từ các bộ chính sử như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên, Đại Việt sử ký toàn thư,… và nhiều tài liệu do người nước ngoài ghi chép. Bằng lối kể chuyện hấp dẫn, các nhân vật lịch sử như chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Hữu Cảnh, công nương Ngọc Vạn… đã hiện lên sinh động, gắn liền với những quyết sách, hành động và tâm thế đặc biệt trong công cuộc mở cõi về phía Nam. Với học sinh và sinh viên, việc tiếp cận lịch sử qua hình thức này không chỉ khơi gợi sự tò mò, yêu thích mà còn giúp nhận diện các vấn đề lịch sử một cách sâu sắc, đa chiều.
![]() |
Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật |
Một ví dụ điển hình là câu chuyện về lời sấm truyền “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp mở ra một hướng đi cho Nguyễn Hoàng, đồng thời mở ra tiến trình Nam tiến kéo dài hơn hai thế kỷ. Qua đó cho thấy, lịch sử không đơn thuần là những sự kiện khô khan, mà còn là những lựa chọn và ứng xử chính trị linh hoạt của các bậc minh chúa.
Tác phẩm cũng cho thấy việc mở đất ngoài phương cách dùng vũ lực, nhiều khi phải bắt đầu bằng các giải pháp ngoại giao, văn hóa, và cả các mối quan hệ gia tộc. Một dẫn chứng rõ nét là cuộc hôn nhân giữa công nương Ngọc Vạn và quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II. Cuộc hôn nhân này không chỉ mang ý nghĩa ngoại giao, mà còn mở đường cho người Việt vào sinh sống ở Prey Nokor (Sài Gòn ngày nay), từ đó dần định hình vùng đất Nam Bộ.
“Năm 1623, một phái đoàn sứ giả ở Huế vào triều kiến quốc vương Chey Chettha II xin cho người Việt vào cư ngụ trong tỉnh Prey Kor và lập một cơ sở thu thuế. Nhà vua chấp nhận. Triều đình Huế khuyến khích dân chúng di cư vào Nam và lấy danh nghĩa là để giúp quốc vương Cao Miên giữ gìn trật tự, họ Nguyễn cử một vị tướng lãnh đóng tại thành phố” - trích đoạn trang 33.
Đây là một đoạn tư liệu quý để minh họa cho bài học Lịch sử lớp 10 (Chương trình GDPT 2018), phần về các cuộc khai phá đất phương Nam, đồng thời là nền tảng để học sinh liên hệ với kiến thức lịch sử địa phương.
Không dừng lại ở đó, cuốn sách còn thể hiện quan điểm phê phán, đánh giá, gợi mở của tác giả thông qua các lời bình cuối mỗi giai thoại. Những nhận định ngắn gọn này giúp người đọc trẻ hiểu rằng lịch sử không phải là điều bất biến, mà luôn cần được tiếp cận và diễn giải từ nhiều chiều cạnh. Với giáo viên, đây là tư liệu tham khảo tốt để tổ chức tiết học đọc hiểu tư liệu lịch sử, xây dựng bài thuyết trình, chuyên đề hoặc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Ngoài ra, lời nói đầu và lời dẫn của tác phẩm cũng là một bài học về nhận thức sử học. Tác giả trích lời nhà văn Sơn Nam: “Người yêu lịch sử, người giảng dạy lịch sử cần tham khảo tư liệu gốc mà trước đây cũng như ngày nay rất khó tìm, nhất là ở các tỉnh xa xôi. Nhất là người ở vùng sâu, vùng xa hằng năm sống chung với lũ”. Đây là lời nhắc nhở về giá trị của tài liệu lịch sử dân gian, cũng như nhu cầu cấp thiết phải phổ cập hóa lịch sử bằng những hình thức dễ tiếp cận hơn, kể cả với người học ở vùng sâu, vùng xa.
Có thể nói, “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” không chỉ là một tác phẩm lịch sử mà còn là một tài liệu sư phạm, nơi giáo viên có thể tìm thấy tư liệu giảng dạy bổ ích, học sinh có thể khơi dậy cảm hứng học sử, còn sinh viên các ngành sử học, báo chí, văn hóa có thể lựa chọn làm nền tảng để phát triển các đề tài nghiên cứu chuyên sâu.