Theo đó, đại biểu dự hội thảo đã thống nhất Sổ vàng trường Nguyễn Ái Quốc (1949 -1950) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bản nguyên gốc, độc bản mang những giá trị đặc biệt về tư tưởng, lịch sử, văn hóa, giáo dục. Cần thiết phải hoàn thiện hồ sơ Đề nghị công nhận Sổ vàng trường Nguyễn Ái Quốc là Bảo vật quốc gia.
![]() |
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh VH |
Cụ thể, trong phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Cách đây gần 76 năm, tháng 9.1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự lễ khai giảng Lớp lý luận dài hạn khóa II. Người đã ghi vào cuốn “Sổ vàng” của Trường lời huấn thị: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc (1949-1950) gồm 72 trang, lưu giữ những bút tích về những lời huấn thị đặc biệt quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 28 đồng chí lãnh đạo, lão thành cách mạng của Việt Nam như: Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Đào Duy Kỳ… và ý kiến của một số vị khách quốc tế. Cuốn sổ có lịch sử hình thành phát triển trong thời gian 9 tháng, từ 9.1949 đến tháng 5.1950, gắn với những ngày đầu Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Nội dung Sổ vàng cũng chỉ rõ phương châm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là phát triển lý luận gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam, trong đó, tập trung nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện thực tiễn. Sổ vàng đã đưa ra phương thức học tập và rèn luyện của đội ngũ cán bộ trong quá trình học tập tại Trường Đảng, đó là: Tự học và rèn luyện tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để trở thành người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”; coi đây là yếu tố quan trọng để hình thành đội ngũ cán bộ ưu tú. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. Đối với việc xây dựng tổ chức nhà trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước chỉ rõ: Chú trọng xây dựng nhà trường về mặt tổ chức, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Bảo đảm tính cách mạng, khoa học và dân tộc trong giảng dạy và học tập. |
Trước những giá trị lịch sử và thực tiễn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu tiếp tục triển khai nghiên cứu, xác minh thông tin của hiện vật, bút tích, bút danh của các đồng chí lãnh đạo tiền bối và các vị khách quốc tế, qua đó, công bố kết quả liên quan đến cuốn Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc, xác minh rõ hơn về ngày truyền thống và vị thế của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
![]() |
Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc |
Để những lời di huấn trong Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc trở thành bảo vật quốc gia, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, triển khai một hệ thống giải pháp tổng thể, kết hợp giữa bảo tồn vật thể, giá trị tinh thần và giáo dục truyền bá, trong đó, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận theo Luật Di sản văn hóa, lấy ý kiến xác nhận của các nhà nghiên cứu, tổ chức chuyên môn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy trình.
Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm nghiên cứu, xác minh thông tin những nội dung cơ bản của Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc (1949-1950); làm rõ những giá trị lịch sử văn hóa của một hiện vật độc bản có hơn 75 năm tuổi, có mối quan hệ gắn bó với lịch sử Đảng, với việc nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh trong bối cảnh các vị tiền bối đều đã đi xa, hồ sơ, câu chuyện lịch sử của hiện vật còn trống vắng để từ đó khẳng định cụ thể hơn về ngày truyền thống và vị thế của Học viện từ ngày đầu thành lập.