Những tưởng sau những lùm xùm xung quanh chuyện các hoa hậu, người mẫu nhân danh nghệ thuật để tự lăng xê bản thân bị dư luận xã hội kịch liệt phản đối như: khoả thân vì nghệ thuật, khoả thân để bảo vệ môi trường, khoả thân để bảo vệ rừng v.v… thì gần đây lại thêm vụ việc một nhóm rapper đã “đột nhập” (cách dùng từ của học sinh) vào trường Amsterdam (Hà Nội) để quay video ca nhạc (MV) và tuỳ tiện lấy sách, vở của học sinh đốt phục vụ cảnh quay gây phẫn nộ không chỉ cho chính các em học sinh lớp chuyên Sử, nạn nhân của vụ đốt sách vở, mà còn cho cả cộng đồng mạng.
Chưa dừng lại tại đó, khi bị lên án hành vi côn đồ, phá hoại tài sản của người khác, một rapper trong nhóm đã ngang nhiên đưa ra lời bào chữa đầy thách thức rằng, họ đốt sách, vở chính là vì nghệ thuật và để giảm áp lực học tập cho các bạn học sinh trường Amsterdam.
Thoạt nghe lời bào chữa nói trên, hẳn sẽ có người tặc lưỡi, thôi thì tuổi trẻ nông nổi chúng làm thế cũng chỉ vì muốn có một MV ca nhạc hoàn hảo phục vụ người yêu nghệ thuật. Nhưng ngược lại sẽ có người kịch liệt phản đối và cho rằng không thể nhân danh nghệ thuật để phá hoại tài sản của người khác, bởi chỉ một cảnh quay cần đến khói lửa mà họ đã dám đốt sách, vở của học sinh, nếu cần cảnh đâm chém, dầu rơi máu chảy… thì họ sẽ làm thể nào? Trong khi những cảnh đó có thể được thực hiện nhờ những kỹ xảo từ máy tính… Thế nên dù bào chữa thế nào thì hành vi của nhóm rapper nói trên cũng là thiếu văn hoá.
Và câu chuyện đã không dừng lại ở sự cảm thông, hay lên án mà rất có thể sẽ trở thành một vụ án hình sự khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục & Đào tạo về việc kiểm tra xử lý thông tin báo nêu về việc đốt sách vở học sinh trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam để quay MV. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu. Từ đó, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật, chuyển cơ quan công an điều tra xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự…
Mặc dù pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể để xử lý về hành vi đốt sách giáo khoa, tuy nhiên với hành vi này, các luật sư cho biết nhóm nhạc trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính về gây thiệt hại đến tài sản của người khác được quy định tại Điều 15 Nghị định số167/2013/NĐ-CP. Và tội trộm cắp tài sản nếu xác định hành vi trộm sách giáo khoa có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên (Điều 173 BLHS 2015) hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 BLHS 2015. Ở 2 tội này những người phạm tội đều phải chịu mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Chưa kể phát tán những clip này lên mạng truyền thông, tạo hiệu ứng không tốt trong đời sống, xã hội.
Rõ ràng sự vào cuộc của các cơ quan liên quan trong vụ việc này là cần thiết, và cần có những hình phạt thoả đáng để làm trong sạch môi trường nghệ thuật. Không để những cá nhân, nhóm người mang danh nghệ thuật, nhưng lại có hành vi vô cảm, thiếu văn hoá chà đạp nghệ thuật, làm mất đi ý nghĩa chân, thiện mỹ vốn có của nó. Và cũng nên coi đây là một bài học để cho những ai muốn đến với nghệ thuật, muốn cống hiến cho nghệ thuật hiểu rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của nghệ thuật đích thực, nhận rõ được ranh giới của nghệ thuật với những ham muốn dung tục đời thường để biết đâu là giới hạn là điểm dừng. Và trong trường hợp cụ thể này, không thể coi hành động đốt sách giáo khoa là nghệ thuật. Càng không thể bào chữa do nông nổi, mà cần thấy rằng, sách giáo khoa là loại sách cung cấp kiến thức, được biên soạn với mục đích dạy và học tại trường học. Đó là kho trí tuệ, là nguồn của khoa học, nên không thể thích đốt là đốt, và càng không thể nhân danh nghệ thuật để đốt đi kho trí tuệ vô giá này.