Multimedia

Giám định thiệt hại ý niệm. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ Hiệp

Đọc truyện
08:47 | 12/07/2023
6 giờ 12 phút tối mùng 8 tháng 4 năm 2017, vài khách mộ điệu đang ghé thăm phòng triển lãm trang nhã của Gallery Lux bỗng giật mình vì một tiếng thét vọng ra từ nhà vệ sinh. Chừng một tiếng sau,
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

6 giờ 12 phút tối mùng 8 tháng 4 năm 2017, vài khách mộ điệu đang ghé thăm phòng triển lãm trang nhã của Gallery Lux bỗng giật mình vì một tiếng thét vọng ra từ nhà vệ sinh. Chừng một tiếng sau, hai cán bộ điều tra rẽ đám đông, áp tải một cái bồn tiểu từ nhà vệ sinh nam ra xe cảnh sát. Đặt tang vật có chữ ký màu đỏ thẫm ngoằn ngoèo, vẫn còn rịn nước hồng lên ghế phụ lái, Trung úy N.V.C cẩn thận thắt dây an toàn cho nó rồi đóng cửa xe. Thiếu úy LA.T bật còi hụ, nhấn ga chầm chậm, chun mũi lại để tránh mùi, và buột miệng thốt ra một chữ tục tằn khi đám người chặn trước mũi xe nháy lên nhiều ánh đèn flash.

Đêm hôm đó, khẩu hình kỳ cục của Thiếu úy LA.T đóng băng trong một bức ảnh trên mạng xã hội. Rạng sáng sáng mùng 9, nó làm cà phê đổ ra từ lỗ mũi một biên tập viên. 4 giờ chiều 15 tháng 4, nó xuất hiện trên một kệ đựng sách báo lốm đốm nắng vàng.

Tựa túi gậy đánh golf vào kệ sách và nhặt tờ báo lên, Tổng Giám đốc Quân nhìn bức ảnh trên trang bìa và chun mũi.

Minh họa: Tô Chiêm

Là nhà quản lý tuổi ngoại ngũ tuần kiêm cổ đông lớn thứ năm của một tập đoàn bất động sản tên tuổi, Quân đang dành buổi chiều thứ Bảy quý giá cho môn thể thao yêu thích, và cho việc chờ đợi một người bạn mà ông rất yêu. Hiếm khi ông thấy cái bồn tiểu nằm trên trang bìa của một tạp chí nghệ thuật và thời trang, được đặt trong sảnh chờ của một resort có cả sân golf lẫn phòng trưng bày hội họa và điêu khắc. Quân nhồi thuốc lào vào chiếc tẩu gỗ thạch nam, ngậm nó bên dưới bộ ria đen bóng rồi châm lửa, trước khi thở những sợi khói óng như tơ vàng vào vạt nắng cuối xuân. Ông chầm chậm quay đầu, khiến cặp kính râm trên mặt lần lượt in bóng dãy kệ sách, dãy bàn trà trắng ngà, và banner của một triển lãm mỹ thuật đậm chất Á Đông, trước khi yên tâm cúi đầu để cặp kính in hình ba cột báo.

Nửa trên trang báo là bức ảnh đen trắng của một chàng trai đeo kính, tóc xù, vận áo len đen cao cổ. Anh chàng cúi đầu, dõi cặp mắt buồn xuống dòng tít màu đỏ thẫm: “Thiệt hại ý niệm: ai hiểu thấu cho”. Chiều mùng 8 tháng 4 năm 2017, chàng ta tức nghệ sĩ sắp đặt Sơn Nguyễn đã xách một cái bồn tiểu đến Gallery Lux, nơi có triển lãm chung của nhiều nghệ sĩ sắp đặt bao gồm mình. Đây là một trình diễn có suy tính của Sơn nhằm tái hiện sự kiện trước đó 100 năm, khi Marcel Duchamp mang bồn tiểu đến trưng bày tại cuộc triển lãm của Hội Nghệ sĩ Độc lập ở New York. Quân nhả khói và cười: ông biết cái bồn tiểu đó, nó đã khai sinh nhiều quy phạm nghệ thuật hiện đại đến mức mọi nghệ sĩ Việt đều kể về nó với ông. Cũng như Duchamp, Sơn đã ký vào tác phẩm của mình, đặt nó lên bục trưng bày, rồi rời đi sau vài phút.

“Điều Sơn thiếu, so với Duchamp, là một công chúng tôn trọng nghệ sĩ và hiểu biết nghệ thuật” bài báo nhận định. Camera chống trộm cho thấy chỉ ít phút sau khi Sơn rời đi, ông Đ.V.A. 67 tuổi, làm công nhân vệ sinh tại gallery, đã mang tác phẩm của Sơn ra khỏi vị trí gốc. Vì tưởng sắp đặt của Sơn là một bồn tiểu thông thường, ông A. đã mang nó vào lắp trong nhà vệ sinh nam ở tầng trệt, để thay thế cho bồn tiểu bị hư. A. đang được tại ngoại trong giai đoạn điều tra, và cơ quan chức năng vẫn đang xác minh động cơ thật sự của ông đằng sau hành vi phá hoại tác phẩm.

“Đây là hành vi gây thiệt hại cho tài sản của người khác” luật sư Trần Anh Minh phỏng đoán. “Khi chiếc bồn tiểu đã có chữ ký nghệ sĩ, đã được đăng ký bản quyền tác phẩm, và đã nằm trên bục trưng bày tại triển lãm, thì nó là tác phẩm nghệ thuật và tài sản được pháp luật bảo hộ” giám tuyển Đạt Phan cho hay. “Tùy theo mức độ thiệt hại của tài sản và mức độ cố ý của hành vi, đương sự có thể bị truy tố theo Điều 178, 180 Bộ Luật Hình sự, hoặc bị kiện đòi bồi thường theo Điều 589 Bộ Luật Dân sự” luật sư Minh tiếp lời. “Cái khó là giám định thiệt hại ý niệm” giám tuyển Đạt Phan tiếp.

Quân cởi kính râm và nheo mắt. Ông lướt mắt trên cột báo, cố tìm cụm từ “giám định thiệt hại ý niệm”, nhưng không nhận được lời giải thích rõ hơn. Vừa lúc đó, ông thấy một hình bóng thân quen bước vào đại sảnh qua cánh cửa kính xoay lấp lánh nắng vàng. Nàng đến muộn, không mang gậy golf như thường, mà vận một chiếc quần yếm vương vài vệt sơn màu vàng, cam, lục trên vải jean, nhìn như những bông cúc nhỏ mọc lên giữa sương lam rạng sáng. Hôm trước, Quân đòi xem nàng mặc bộ đồ ở xưởng vẽ, và hôm nay, nàng đã vui vẻ nghe theo. Thấy Quân, nàng vẫy tay cười, da trắng tôn lên cặp kính tròn và khóe miệng son đỏ.

Tổng Giám đốc Quân nuốt nước bọt. Nhìn xuống quyển tạp chí nghệ thuật, Quân bắt gặp cái bồn tiểu ngồi chồm hỗm bên cạnh chiến sĩ công an. Chiến sĩ công an đang chun mũi, và Quân chun mũi theo, lần thứ hai trong ngày. Ông nhanh tay đút quyển tạp chí vào thùng rác đặt cạnh chậu cây, rồi sải chân bước theo cú khoát tay của cô họa sĩ.

Quân cùng nàng bước qua những bàn cà phê hơi hướm Venice, những cột đèn thế kỷ 19 dựng trong nhà, những quầy đồ uống gợi lại phim Viễn Tây, để cùng vào thăm khu triển lãm hội họa. Nàng líu lo như con chim nhỏ, đưa mắt hai người chuyền cành từ khung tranh sang khung tranh. Được một họa sĩ dắt tay qua xứ đẹp, Quân tận hưởng niềm vui thích ông chưa có bao giờ. Bóng Quân đổ thật dài trên sàn vì ông đứng thẳng lưng thẳng hơn cả những lần dắt một bộ đầm đỏ hoặc đen đi dự dạ yến.

*

Chiều 20 tháng 4 năm 2017, một đám mây mưa màu trắng trôi qua vách kính lớn của văn phòng Tổng Giám đốc Quân, đặt tại tầng 65 của tòa nhà trụ sở tập đoàn. Đảo mây lướt nhanh, tỏa cái bóng xám trùm khắp tấm thảm cùng màu và những bức tường trắng lạnh. Cửa thang máy mở, cậu lái xe đón một vị khách vào chơi. Họ như rẽ mây khi bước đến bên bộ trường kỷ gỗ gụ, nơi Quân đợi sẵn. Gió mạnh, mây trôi nhanh, và thỉnh thoảng thưa bớt, khiến những ánh đèn của thành phố bên dưới thấp thoáng hiện lên.

Văn phòng này là địa điểm mà Quân quen dùng để tiếp đám nghệ sĩ và giám tuyển. Để đổi lấy một bức ảnh chụp chung trên những đám mây, nhiều người trong số họ sẵn sàng giới thiệu cho bộ sưu tập của Quân những mối rất tốt. Vừa ngồi xuống trường kỷ, giám tuyển Đạt Phan đã liếc sang cửa sổ, ngắm thành phố lấp ló những điểm đèn màu đỏ và cam. Quân nhếch nhẹ một bên ria, thong thả bật một màn hình LCD khổng lồ đặt âm tường.

Chủ và khách chào nhau, rồi cùng xem phóng sự tường thuật vụ kiện của Sơn Nguyễn.

“Em nghĩ Sơn có quyền kiện. Họ phá hoại tác phẩm thì nghệ sĩ phải kiện thôi.”

Giám tuyển Đạt Phan thở dài, rồi nhấp một ngụm trà từ chiếc chén sứ mỏng tang đặt cạnh bộ điếu bát cổ men xanh. Trên trường kỷ đối diện, Quân im lặng theo dõi TV, trong lúc tiện tay châm hồng que đóm. Camera vừa lướt qua bị cáo bị làm nhòe, giờ dừng hồi lâu trước nguyên đơn. Chợt màn hình hiện lên hai cái bồn tiểu một của Duchamp, một của Sơn đúng lúc Quân đang rít một hơi thuốc mạnh. Cú rít khiến nước reo òng ọc trong điếu bát, nghe như tiếng dội bồn cầu, làm Quân bụm miệng ho ra khói trắng, đám khói trôi qua gian phòng xám như một đám mây con.

“Trước hết, tay lao công đã phá hoại hình thức tác phẩm, anh đồng ý không? Em đã gặp Sơn, nó nói ban đầu tác phẩm là cái bồn tiểu vàng ố. Để tạo được vết ố, nhóm nghệ sĩ đã mất một năm sắp đặt…”

“Bằng cách tè vào?” Quân hỏi với giọng hiếu kỳ thành thực.

“Không đơn giản thế đâu ạ” Đạt ngập ngừng nhìn Quân rồi tiếp. “Đúng là họ nhậu, rồi xả bia rượu trong bụng vào cái bồn, để tạo thành một vết ố, xem đó như trầm tích vật lý của một năm đời người. Nhưng lúc say, họ cũng ghi chuyện vui buồn vào nhật ký, ấy là trầm tích tư tưởng. Vết ố chỉ là phần xác của tác phẩm, còn nhật ký mới là phần hồn. Nhưng tay lao công cọ sạch mảng ố đi là làm hỏng một nửa hình thức tác phẩm. Không chỉ thế, còn làm mất ý nghĩa của nhật ký...”

“Ừ, thiệt hại ý niệm là ở chỗ này đúng không?”

“Dạ đúng. Nhưng chỉ một phần thôi, anh còn nhớ cái bồn tiểu của Duchamp mà bữa trước em kể không ạ?”

“Ừ, mình nhớ.” Quân đáp trong tiếng ho khẽ.

“Duchamp mua rẻ cái bồn tiểu đó ngoài chợ. Lúc ông ta ký tên rồi mang nó đến triển lãm, nó thành đồ cũ và còn rẻ hơn giá mua. Đến nỗi triển lãm vứt cái bồn tiểu đi, giờ bảo tàng chỉ còn giữ bản sao. Nhưng anh nghĩ bản sao đó bây giờ bao tiền ạ?”

“Chắc nửa triệu là ít nhỉ?”

“Dạ đúng. Thế thì giá trị của tác phẩm không được làm nên bởi bản thân nó hay tác giả, anh đồng ý không?”

“Ừm… Thế thì ai làm…”

“Nó được làm nên bởi cộng đồng nghệ thuật. Bao nhiêu giám tuyển, nhà phê bình, nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu, sử gia, phòng tranh, nghệ sĩ, bây giờ mỗi người lý giải cái bồn tiểu ấy theo một cách. Diễn ngôn về tác phẩm càng dày thì giá trị của nó càng cao.”

Quân liên tưởng đến đất đai và chứng khoán, nhưng ông quyết định không nói ra phép so sánh này.

“Ông đem tác phẩm vào nhà xí cho người ta tè lên, thế là ông xúc phạm tác phẩm và làm gián đoạn diễn ngôn về nó. Đấy là thiệt hại ý niệm. Nhưng cũng chỉ là một phần thôi.”

Chàng giám tuyển ngưng lời, xin phép hút, và nâng chiếc xe điếu đặt sẵn phía bên mình. Nhìn Đạt vê thuốc lào, lòng Quân bỗng dưng khởi lên thiện cảm. Ông không ngờ một thanh niên du học cũng ưa thứ thuốc rẻ và xưa ấy, loại thuốc mà nhiều bạn đồng lứa của ông đã bỏ đi. Ông ưa bọn nghệ sĩ, bao gồm nàng, cũng vì thói không câu nệ của họ.

Nhưng ông không chắc nàng ưa cái bồn tiểu.

Cô nàng lấy thẩm mỹ thay đạo đức từng quay ngoắt trước nhiều bức tranh. “Tại nó không đẹp thôi” nàng buông một câu nhẹ bẫng rồi cười. “Em phải giữ vệ sinh thị giác cho em chứ”.

Khi biết những lời này khiến ông rầu rĩ mỗi lúc soi gương, nàng đã tem tém lại.

Về phần Quân, ông cũng tránh rủ nàng xem những tác phẩm đen đúa hay máu me, và tránh đem chuyện cái bồn tiểu ra hỏi nàng. Nhưng chẳng hiểu vì đâu, ông lại nhớ đến nó khi cùng nàng xem triển lãm, khi nghe nàng bình phẩm về quần áo và mẫu xe, khi đợi nàng tắm nửa tiếng mỗi lần trước và sau phút hoan lạc nhiều khi hơi ngắn ngủi. Hôm trước, khi vuốt ve làn da lạnh toát sau eo nàng, Quân đã vội rụt tay. Ông tưởng mình vừa chạm lên chất sứ trắng muốt của cái bồn tiểu vẫn đang lởn vởn trong đầu ông nãy giờ. Nàng hỏi vì sao ngưng, Quân không dám nói. Sau đó, hình như nàng tắm lâu hơn bình thường, và đối đáp lạnh lẽo như làn da mà nàng đã che lại. Nhưng cũng có thể đó là Quân tưởng tượng ra.

Quân không thích sống trong cảnh tưởng tượng. Ông muốn chắc chắn về nàng.

Còn về ông, ông tin chắc mình đang bị ảo ảnh của cái bồn tiểu đeo bám.

Quân đưa tay kéo bát điếu lại, mong khói thuốc sẽ xoa dịu sự phiền muộn. Lúc chạm lên làn sứ trắng, tóc gáy ông dựng lên. Khói thuốc còn lởn vởn trước mặt, cơn say đã tan. Lần đầu tiên cơn say không chắc chắn.

“Nhưng thuyết phục dư luận khó lắm” Quân thở dài bằng làn hơi còn sót lại trong phổi. “Mình có người bạn họa sĩ, chắc bạn ấy cũng không thích tác phẩm này đâu. Sẽ chê nó không đẹp, không phải là nghệ thuật, nên mình cũng chẳng dám đem ra bàn…”

“Sao bạn anh dễ dãi thế?”

Đạt vừa hỏi vừa cười, nhưng chợt cứng họng. Bên kia màn khói thuốc còn vờn trong bóng chiều sắp lịm, cặp mắt của Quân đang sòng sọc nhìn sang.

“Ý em là trong việc đánh giá tác phẩm ấy ạ” Đạt đính chính lời mình.

“Không chắc đâu, bạn ấy cũng là họa sĩ. Hồi trước còn trợ giảng ở trường mỹ thuật. Mắt thẩm mỹ của mình không bằng bạn ấy đâu.”

“Nhưng một tác phẩm đương đại đâu nhất thiết phải đẹp mới có giá trị ạ?”

“Mình cũng nhận ra, nhưng không hiểu sao lại thế.”

“Nói ra thì khó nghe, em nghĩ tranh đẹp cũng như fast food ạ. Nó dễ nuốt quá, nên nhiều khi chẳng đọng lại gì cho người xem. Nhỡ đâu nhiều tác phẩm bị chê xấu lại là thứ thuốc đắng dã tật, trình bày cái bất thường để buộc mình chất vấn cái bình thường? Em thích những nghệ sĩ dám đập vỡ thực tại ra rồi dừng, để người xem tự nhặt những mảnh vụn lên mà lắp lại ý nghĩa. Làm thế, chính người xem sẽ tham gia tạo nghĩa cho tác phẩm, tức là tham gia sáng tạo. Thêm nữa, bây giờ cái đẹp được sản xuất hàng loạt, nó có mô tả chính xác tâm hồn mình nữa đâu.”

Nghe Đạt nói, lòng Quân nhẹ đi nhiều. Ông nhận ra mình đã tiếp nhận tác phẩm của Sơn bằng một thái độ đúng đắn. Dù ảo ảnh của cái bồn tiểu chưa tan biến, ông chợt thấy nó được lồng trang trọng giữa khung tranh.

“Cảm ơn Đạt, giờ mình mới nghĩ đến mấy chuyện này. Nhưng làm sao để biết một tác phẩm… à, một tác phẩm hơi khác biệt so với số đông, nó có hay không giá trị?”

“Em nghĩ việc này do cộng đồng chuyên môn quyết định. Diễn ngôn về tác phẩm càng dày lên chồng chất thì giá trị của nó càng cao. Người ta trả ba tỉ cho một quả chuối được dán lên tường bằng băng dính cũng được, miễn là nó kích thích xã hội suy nghĩ để làm giàu kho tri thức của mình.”

Quân gật đầu, nhận thấy đây là một giá trị chắc chắn.

Gia sản của ông cũng dày lên nhờ những bài học mệt mỏi, chứ không phải nhờ khoái lạc. Trộm vía, khoái lạc thường khiến nó vơi đi.

“Giá mà người ta chịu hiểu vấn đề này” Quân buột miệng thở dài.

“Vâng, đúng là công chúng nước mình cần được giáo dục thêm để thông cảm cho đòn roi của nghệ thuật ạ” Đạt cười vang khoái trá.

Khi Đạt ra về, bỏ lại Quân với cái huyễn ảnh bồn tiểu đã được lồng giữa khung tranh, cậu lái xe đến bên Quân và xin dọn cốc tách. Quân gật, nhưng giữ lại điếu bát và một ống xe. Ông ngắm đốm lửa đèn dầu lung linh hắt lại từ quả điếu viền đồng bóng lộn và nõ điếu vẽ con lân men xanh. Điếu cày tre ở vùng quê xơ xác, những chiếc tẩu mà đàn em mua, và bộ điếu bát mới được chọn bởi nàng miệng ông cũng đã kinh qua kha khá trầm tích khói.

Hai loại nghệ sĩ khác nhau có hai kiểu tình cảm khác nhau cũng không lạ. Sống đến ngần này tuổi, Quân ngờ rằng người ta sẽ chẳng bao giờ có những tình cảm vi tế giống nhau. Hồi xuất khẩu lao động sang Đức, ông biết nỗi nhớ quê của những thằng hút thuốc lá thua đứt nỗi nhớ nôn nao của những anh từng ngậm điếu cày. Khi chiếc điếu cày cuối cùng bị vứt bỏ bởi những người văn minh, có lẽ nhân loại sẽ không bao giờ còn nhớ quê theo cách ông từng nhớ.

Về nước, Quân ngậm quê trong mồm luôn luôn, trừ những lúc đi giao thiệp. Lần đầu thấy nàng trên sân golf, ông cũng không dám rút tẩu ra. Lúc đứng cạnh nhau, nàng xin ông một hơi thuốc, ông rất bất ngờ. Suốt cả tuần sau, ông nhớ nôn nao dù liên tục hút.

Buổi hẹn đầu tiên, nàng khúc khích đọc cho Quân nghe bài thơ vịnh cái điếu của một ông vua nào mà bây giờ Quân không nhớ nổi. Nàng kể ngày xửa ngày xưa, thuốc lào từng là thức hút của cả bọn thứ dân lẫn người quyền quý. Buổi kế, nàng đưa Quân đi mua bộ điếu bát cổ, từng được dùng trong một nhà quan. Giờ thì mỗi lần đến văn phòng, Quân sẽ được hút như ông nội mình ngày xưa, và biết đâu cũng hút như những ông vua làm thơ nào đó.

Dù không biết bộ biếu bát nàng dẫn ông đi mua có phải là đồ giả cổ không, Quân thích nó, hẳn do lớp ý niệm mà nàng và ông đã đắp lên nó.Ông biết mình đã khá chăm chỉ tạo nghĩa cho cái điếu này, dù đấy là một quá trình sáng tác rất đỗi êm dịu. Phải chăng đây là ngoại lệ của nghệ thuật một nghệ thuật không lười biếng và dễ dãi, nhưng vẫn dịu êm? Quân khoan khoái thổi một làn khói trắng mang theo suy nghĩ hồng đào này. Từ lúc đó đến sáng hôm sau, ông không nghĩ gì thêm về cái bồn tiểu.

Cái bồn tiểu chỉ hiện hồn lại lúc hơn chín giờ, khi Quân thấy Đạt Phan nhắn tin đến. Ông để tin nhắn đó, không đọc, sợ màu vàng ố át mất màu hồng đào còn đọng trong óc ông. Đến trưa, thấy ảo ảnh bồn tiểu vẫn đọng lại khi cầm đũa, Quân mới ngao ngán mở tin nhắn xem có chuyện gì.

Lời Đạt quả nhiên khiến bữa cơm ngon hơn một chút.

“Hay em dẫn anh đi một tour nghệ thuật thể nghiệm, để buổi sau anh hướng dẫn bạn anh?”

Tối hôm đó, trong nhà vệ sinh của một nhà hàng, Quân ngắm những bong bóng hồng nở bung trên chiếc bồn tiểu vừa được cọ trắng muốt.

Chiều thứ Bảy tuần ấy, Quân theo bước Đạt vào tour triển lãm một người xem. Ông kinh ngạc khi thấy Đạt có thể nói liến thoắng nửa giờ, theo cách rất cuốn người nghe, về một tác phẩm mà ngày thường ông chỉ xem mười giây là lâu nhất. Giữa dòng thác tác phẩm của thời đại này, trầm tích duy nhất đọng lại dài lâu trong con người hẳn là ý niệm, còn cảm xúc sẽ vĩnh viễn trôi đi. Nhìn Đạt, Quân tiếc cho tuổi trẻ của ông, nó đã cuốn ông qua bao đam mê nông choèn, chẳng cho ông tĩnh lại để tích tụ phù sa tri thức.

Cũng vì lẽ này, Quân chớm cảnh giác Đạt. Nhưng chiều Chủ nhật ấy, Đạt cáo bận không đi. Nắm tay nàng trong triển lãm vào cửa tự do, Quân thấy nhẹ người. Ông dắt nàng qua những con ngựa gỗ phủ vải ren, những cái đồng hồ đổ chuông trong chiếc lồng chim, những bàn tay mannequin thò ra từ ấm trà bò trườn trên giá sách. Ông liếc đồng hồ, thấy mình nói nửa tiếng về mỗi tác phẩm. Ông vẫn còn sự sung mãn ý niệm, dù đã hết thanh niên. Nàng hào hứng nhập cuộc bình luận, và hình như hơi ngỡ ngàng. Nhiều năm nay Quân chưa vui như thế.

Niềm vui này, nghệ thuật duy cảm truyền thống không thể mang lại.

Quân xem Đạt như một nghệ sĩ lớn, vì đã tạo giá trị cho bao tác phẩm trong mắt ông. Sự biến mất của Đạt trong buổi chiều Chủ nhật cũng là một tác phẩm tạo nghĩa cho buổi chiều.

“Nghệ thuật tình huống đúng không nhỉ?...” Quân lẩm bẩm.

“Gì ạ?”

“À không, anh chỉ đang nghĩ Việt Nam mình cũng có những Duchamp. Tiếc là dân dốt nên không biết họ có tài.”

“Vâng, nghệ thuật vị bồn tiểu” nàng cười khúc khích.

“Anh đã tưởng em hiểu…”

“Em hiểu mà anh. Em cũng thích Duchamp mà. Nhưng em nghĩ Duchamp của Việt Nam là ông lao công, chứ không phải Sơn Nguyễn.”

“Sơn nào nhỉ? À ừ, quên mất…”

“Chứ anh đang kể về ai?”

“Không, vẫn Sơn đó thôi, anh nhớ nhầm.”

Quân ngồi xuống băng ghế nghỉ, hai tay day trán. Trong một chốc, tuổi tác trở lại trong ông. “Nghệ thuật vị bồn tiểu” ông nuốt khan câu nói đắng ngòm. Sắc vàng ố dần loang, đắng cả vạt nắng mảnh vắt lên khoảng trống cạnh ông trên băng ghế. Buổi chiều buồn tênh, vì bao nhiêu diễn ngôn đã biến mất, theo chân Đạt.

Nhưng nàng ngồi xuống vạt nắng, đặt bàn tay mát lạnh lên trán ông. Nắng lấp lánh cầu vồng trên kính nàng. Nàng vẫn ở đây, đang cùng ông tạo nghĩa cho vạt nắng.

So với lão lao công, Quân hẵng còn kém tuổi.

“Đã vậy anh làm Duchamp cho em biết tay!”. Quân nói, đoạn gác cằm lên vai nàng. Rồi ông tiến lên, nhẹ hôn những đốm nắng mềm trên má nàng.

*

Chiều mùng 6 tháng 5 năm 2017, Tổng Giám đốc Quân đứng trong phòng nghỉ ven biển và khẽ nhếch môi. Quân đang bắt chước nụ cười của Quân trên trang bìa tạp chí nghệ thuật hôm nọ số này trưng ảnh Quân chụp chung với cái bồn tiểu sáng lòa trong tủ kính triển lãm. Nàng thở dài, véo má Quân và đòi ông nghiêm túc, khiến ông chuyển sang bắt chước vẻ mặt của gã luật sư mà Sơn Nguyễn thuê. Bên cửa kính lớn nhìn ra biển và trời, nàng cười nghiêng bóng nắng.

Trang nhất tạp chí trưng ảnh Quân khoác vai Sơn Nguyễn và lão lao công, cả ba cười như anh em quây quần quanh cái bồn tiểu. Quân mua cái bồn tiểu bằng bạc triệu, lại trả phí bồi thường giúp lao công. Thấy vụ kiện đã thay đổi nhận thức của xã hội về nghệ thuật, Sơn Nguyễn rút đơn kiện, cả nhà cùng vui. Một tờ báo mạng đăng ảnh người lao công già quỳ lạy Quân như lạy ân nhân cứu mạng. Tất nhiên, Quân khiêm nhường cúi xuống đỡ ông lão. “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…” nhà báo cho hay. Và cổ phiếu công ty Quân tăng kịch trần vào cuối ngày. Thay mặt Quân, giám tuyển Đạt Phan nói trên chương trình thời sự sáng Chủ Nhật:

“Chúng tôi nhận ra nghệ sĩ không phải là người duy nhất làm nên tác phẩm này. Xà phòng của bác lao công, nước tiểu của người xem triển lãm, đơn kiện của bạn Sơn và cuộc hòa giải do anh Quân vận động tất cả đều là những lớp trầm tích làm giàu cho lịch sử và giá trị của tác phẩm trong mắt chúng ta. Đây là tác phẩm của chúng ta, Sơn và tôi và anh Quân và các bạn đã cùng làm nghệ thuật trong suốt một tháng vừa rồi. Tác phẩm này đã mở ra một kỷ nguyên mới, khi nghệ thuật tuyệt đối dân chủ, ghệ thuật thuộc về mọi người, nghệ thuật nằm trong mọi sự vật xung quanh chúng ta, chứ không phải là của riêng mấy ông thầy dạy vẽ trong trường…”.

Nàng cười khẩy, tắt màn hình smartphone, rồi quay mặt về phía biển trời, bỏ mặc Quân ngắm tấm lưng trần màu sứ trắng. Vừa lo vừa hơi mừng, Quân dỗ dành và rủ nàng xuống biển chơi. Suốt ngày hôm đó, cái bồn tiểu không hiện hình trong mắt Quân, và Quân ôm nàng chặt hơn bất cứ khi nào. Nhưng buổi trưa, nàng tắm lâu hơn, và lúc chạng vạng chiều, Quân thấy nàng lẳng lặng kỳ cọ tay chân trong làn nước biển dần ngập sâu vào bóng tối.

3 giờ 3 phút chiều 11 tháng 5, Quân bất thần rụt tay lại, làm bát điếu loạng choạng xoay nửa vòng và rung lên lách cách. Nửa giờ trước, ông dộng điện thoại xuống bàn khi đọc tin nhắn của Đạt Phan. Thằng Sơn vừa ký tên lên một cái bồn tiểu khác, bán cho một nhà sưu tầm người nước ngoài. “Mả mẹ cái thằng bú bồn tiểu!” Quân mắng. “Khéo nó sẽ sống đến hết đời bằng nghề ký tên lên bồn tiểu anh ạ” Đạt nhắn lại.

Mỗi lần Sơn thò bút ký, là một lần giá trị của tác phẩm Quân mua hôm trước bị chia đôi.

Phải chăng cây bút của nghệ sĩ không làm tăng giá trị của nghệ thuật, mà chỉ chia nhỏ nó mãi đến vô cùng?

Quân nhặt điện thoại lên, định rủ nàng đi uống. Giờ ông mới thấm những lời nàng nói về Sơn. Nhưng ông do dự, ông cần một hơi thuốc để định thần. Có một điều ông chưa thông suốt.

Cái bồn tiểu Sơn mới ký tên là bản sao của tác phẩm cũ, hay là một tác phẩm mới, với trầm tích ý niệm hoàn toàn mới lạ?

Trong lớp trầm tích đó, liệu có số tiền mà ông đã đổ xuống cống vì Sơn?

Ông là khách hàng, là người đồng sáng tác, hay là chất liệu mà Sơn dùng cho tác phẩm của mình?

3 giờ 3 phút chiều 11 tháng 5, Quân bất thần rụt tay lại, làm bát điếu loạng choạng xoay nửa vòng và rung lên lách cách.

9 giờ 27 phút sáng 15 tháng 5, lồng ngực Quân phập phồng như mũi chó con chờ chủ. Ông bước qua làn mưa bạc, dưới tán ô đen cũng phập phồng mà cậu lái xe đang giương. Ngôi biệt thự Pháp cổ mà ông mới mua hai năm trước không có hầm để xe, nên chủ tớ phải che ô bước qua một khoảng sân. Giũ mưa khỏi áo sơ mi đã bỏ vạt ngoài quần, Quân ngó qua cửa sổ tầng hai và chờ những cây dù phập phồng khác.

Ông vẫn tức Sơn, và vẫn thấy ảo ảnh bồn tiểu, nhưng những chuyện ấy hôm nay gác lại. Hôm nay, ông đón cái bồn tiểu về phòng trưng bày tại gia sau một tuần triển lãm, và hôm nay, ông lần đầu rủ nàng đến nhà chơi. Nàng muốn ngắm phòng trưng bày của ông đã từ lâu, nên mau mắn nhận lời. Nghe mưa chảy ồ ồ trong những máng xối chạy dọc bức tường vàng ố rêu phong, Quân tận hưởng cái khoái cảm đặc biệt của cuộc chờ đợi.

Chướng ngại vật mà ông lo sợ, nay chưa xuất hiện, cũng chỉ tăng thêm khoái cảm ấy. Ngoài cổng hoa sắt đen nhánh, tán ô đỏ của nàng đã trôi đến trong mưa. Thu người vào phòng và thả lưng trên chiếc ghế mây, Quân tưởng tượng tán ô đỏ trôi đến gần, đến gần. Quân gọi mụ giúp việc, bảo mang khăn thấm mưa và cà phê nóng.

Lát sau, nàng xuất hiện bên khung cửa gỗ sơn xanh, cởi áo blazer màu ghi nhạt. Khi nàng nâng cánh tay, những mảng da hồng phút chốc lộ ra sau áo sơ mi rồi tan biến. Quân mời nàng ngồi, mời nàng nước, và liếc nhìn những cánh hoa thoắt nở thoắt tàn trên tấm voan trắng bạch của áo sơ mi. Hai người nhỏ nhẹ nói chuyện với nhau từ hai góc bàn, và cố nhịn để không cười lớn.

Chuông lần nữa ngân tác phẩm bồn tiểu đã về đến cổng. Khi Quân đưa nàng đến phòng trưng bày, thì gã nhân viên từ gallery đã nâng tác phẩm phủ tấm lụa trắng tinh ra khỏi hòm gỗ. Y giơ nó ra xa nhất có thể, bằng điệu bộ của kẻ đang cầm một vật rất dơ. Quân ngập ngừng, liền chạy quanh phòng để tìm chỗ trưng, bỏ mặc gã nhân viên tội nghiệp ôm bồn tiểu giữa phòng, mồ hôi hẳn đang thấm sang lớp khăn lụa lót.

Sau lưng Quân, tiếng cười khúc khích của nàng vang vọng. Khi Quân quay lưng lại, nàng đã bồng cái bồn tiểu trên tay, và dặn tốp nhân viên đóng cửa khi đi ra. Họ nhẹ nhõm thực thi lời nàng. Tiếng đế giày của đám người hạnh phúc tắt dần cuối hành lang, bỏ lại giữa gian phòng một cặp tình nhân bối rối.

Quân ngập ngừng đưa tay đón bồn tiểu. Nàng bồi cho ông thêm một tràng cười, một câu nói, rồi tung tăng bước trong gian phòng rộng chất đầy giáp phục, binh khí, đồ gốm và tượng điêu khắc cổ kim. Dáng đi ngộ nghĩnh của nàng thắp lên trong Quân một chút tự hào. Nếu phòng trưng bày của ông khơi dậy vẻ hào hứng ấy ở một cặp mắt có chuyên môn, hẳn đám giám tuyển ông thuê mấy năm nay đã là một khoản đầu tư tốt.

“Mình đặt bồn tiểu ở đâu thì hợp nhỉ?” nàng quay đầu hỏi, bóng in lên tấm kính lồng một hải đồ được vẽ từ thời Phục Hưng, nơi những lục địa tròn như củ khoai bị nhòm ngó bởi đại dương đầy rẫy lũ nhân ngư và rồng.

“Chưa biết, để anh xem đã.”

Cặp tình nhân bê bồn tiểu bước vòng quanh những giáp ngực và mũ trụ của quân thiết kỵ cuirassier, quanh súng hỏa mai Tanegashima bắt chéo súng trường Winchester 1886, quanh bản in những quái vật hiền từ của Redon và Đức Mẹ u ám của Munch, quanh bức hình hai cụ thân sinh Quân nay được phóng to lồng khung mạ vàng và đính thêm huân chương kháng chiến. Đặt bồn tiểu ở đâu thì hợp nhỉ? Quân trút bỏ vạt lụa, ướm chiếc bồn sứ hơi ố vào từng nơi. Không hợp, không hợp, không hợp.

11 giờ 53 phút, cậu lái xe gõ cửa. Cậu ta có việc cần báo cáo riêng, và đợi Quân ngoài hành lang chạy dọc phòng trưng bày nơi một bộ sưu tập những mặt đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn và đồng hồ tứ trụ cổ xưa đang im lìm phản chiếu cơn mưa xanh ngoài cửa sổ. Vợ Quân vừa đột ngột rời văn phòng, dù không có lịch hẹn dự tính, kể cả lịch hẹn tình nhân. Hôm nay là thứ Hai, lối hành động này nằm ngoài mọi thông lệ.

Quân gật đầu, hiểu tình thế. Vợ ông có thể sắp về nhà hoặc vì lời mụ giúp việc, hoặc vì theo dõi camera. Ông đã sai khi đòi chiếc khăn bông thấm mưa, hay nàng đã sai khi chạy tung tăng trong phòng? “Thôi chuồn trước tính sau” - Quân thầm nghĩ. Ông đặt cái bồn tiểu xuống sàn nhà lát gạch bông xanh lục, tựa lưng vào chiếc tủ đồng hồ hiệu Mauthe, nơi con lắc màu bạc đang đều đặn đung đưa trong buồng gỗ đen nhánh được tạo hình như một cánh cổng vòm. Cái cảm giác rằng mình đang cúi đầu trước cánh cổng thời gian khiến ông hơi loạng choạng.

Trở lại phòng sưu tập, Quân bối rối thông báo rằng mình bận việc đột xuất nên không thể ăn trưa cùng nàng. Nàng gật đầu, ngoan ngoãn khép lại bữa tiệc thị giác để cùng Quân bước ra hành lang vắng lặng. Đúng lúc họ bước qua cửa phòng, hai mươi sáu chiếc đồng hồ đủ loại bất chợt đồng loạt đổ chuông. Tiếng chuông rơi xuống như mưa từ trần nhà cao vọi, nuốt chửng tiếng bước chân của của cậu lái xe, của Quân, của nàng. Chúng giục Quân bước nhanh lên, nhanh lên, đuổi theo những phút yên bình sắp chạy khuất sau hành lang dài đằng đẵng. Trong hơi thở gấp, Quân hứa với nàng về một buổi tham quan khác, khi nào có dịp… Ông không nghe tiếng nàng đáp lại từ đằng sau.

Đứng sững ở ngã rẽ cuối hành lang, Quân quay đầu nhìn. Nàng đang đứng lặng dưới tiếng chuông, giữa hành lang không người, ngẩn ngơ ngắm nhìn một tủ đồng hồ phong cách art nouveau, nơi kim giờ, kim phút, kim giây đang chỉ vào những bông cúc kim loại nở bung như lửa cháy.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ Hiệp

Nguồn Văn nghệ số 27/2023


Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Baovannghe.vn - Khi chúng ta còn bé, chúng ta cứ mặc nhiên nhận sự chăm sóc ân cần, cơm đủ bữa, quần áo thơm tho… Mặc nhiên nhận sự bao bọc, chở che, còn cha mẹ thì lại hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm, chăm chút cho chúng ta.
Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Triển lãm nghệ thuật số "Trượt nhịp động"

Baovannghe.vn - Triển lãm nghệ thuật số Trượt nhịp động (Nothing, time speeds up) diễn ra tại Quang San Art Museum là hành trình khám phá chân thật và gần gũi sự chuyển động của thời gian thông qua hình ảnh nghệ thuật số và trải nghiệm đa giác quan thú vị...
Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Nghĩ nhanh kẻo cơn mưa tới/ Hè mang phù sa qua đây
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.