Văn bản đã được các đạo diễn, nhà sản xuất, những người hoạt động trong giới điện ảnh đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook. Trong đó, hashtag "KhongTangThueDienAnh" cũng được lan tỏa để tăng thêm độ "viral" thông tin.
Trong văn bản gửi đến Quốc hội và chính phủ, các doanh nghiệp nêu việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng Chính phủ trình Quốc hội và dự kiến thông qua vào cuối tháng 11-2024 có đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh nói riêng, văn hóa nói chung.
Sau cú sốc kéo dài bởi đại dịch COVID-19, ngành điện ảnh Việt Nam bắt đầu chập chững hồi phục từ năm 2023. Tuy nhiên, theo nhiều nhà sản xuất phim, tốc độ phục hồi của ngành mới chỉ tiệm cận mức trước đại dịch (2019) và đang đối mặt với vô vàn khó khăn.
Nhà sản xuất Trinh Hoan chia sẻ: "Hai hôm nay tôi rất lo lắng với thông tin Quốc hội xem xét tăng thuế đối với ngành văn hóa và điện ảnh. Nếu Quốc hội thông qua, ngành sản xuất phim vốn đã rủi ro sẽ càng khó khăn."
Bối cảnh kinh doanh thay đổi, sức mua của khán giả giảm sút sau đại dịch, cộng với thách thức từ thị trường toàn cầu, đã khiến nhiều nhà làm phim nội địa chật vật tồn tại. Trong khi đó, một số bộ phim đạt thành công tại phòng vé, như tác phẩm của đạo diễn Trấn Thành hay Lý Hải, chỉ là những điểm sáng hiếm hoi, không thể đại diện cho toàn cảnh ngành điện ảnh.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thẳng thắn nhận định: "Ngoài vài phim thắng đậm phòng vé, đa số các phim nội địa đều khó hòa vốn, kể cả những phim nghệ thuật đạt giải quốc tế như Bên trong tổ kén vàng hay những phim thương mại chất lượng như Ngày xưa có một chuyện tình."
Việc tăng thuế GTGT lên 10% được cho là sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp làm phim. Những nhà đầu tư, vốn đã dè dặt do đặc thù rủi ro của ngành, có thể sẽ càng ngần ngại khi đối mặt với chi phí tăng cao.
Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa: "Đầu tư vào phim luôn là lựa chọn mạo hiểm. Nếu thuế tăng, nhiều nhà đầu tư sẽ rút lui, khiến ngành vốn nhỏ càng thêm khó phát triển."
Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Hàn Quốc lại đang đẩy mạnh hỗ trợ ngành điện ảnh. Thái Lan, chẳng hạn, không chỉ hỗ trợ tài chính cho các đoàn làm phim nội địa mà còn hoàn trả lên tới 30% chi phí sản xuất cho các ekip quốc tế. Hàn Quốc sử dụng điện ảnh như một công cụ hiệu quả để quảng bá văn hóa và phát triển du lịch. Sự phát triển của Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) là minh chứng rõ nét cho vai trò chiến lược của ngành phim ảnh trong chính sách văn hóa quốc gia.
Điện ảnh không chỉ là ngành công nghiệp giải trí mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng và bảo tồn văn hóa dân tộc. Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định mục tiêu xây dựng "nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và "đạt uy tín ở châu Á".
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, ngành điện ảnh cần một môi trường chính sách thuận lợi. Các doanh nghiệp điện ảnh, trong văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, đã nhấn mạnh: "Chúng tôi không xin đầu tư tài chính hay cơ sở vật chất, mà chỉ mong có cơ chế thuế hợp lý để tồn tại và phát triển."
Giới điện ảnh không xin đầu tư tài chính hay cơ sở vật chất, mà chỉ mong có cơ chế thuế hợp lý để tồn tại và phát triển. |
Việc tăng thuế không chỉ ảnh hưởng đến các nhà làm phim mà còn tác động trực tiếp đến khán giả. Giá vé xem phim, vốn đã khá cao, có nguy cơ tăng thêm, khiến cơ hội tiếp cận văn hóa của người dân bị thu hẹp. Điều này đi ngược lại tinh thần "khoan thư sức dân" mà các chính sách văn hóa cần hướng tới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi phim nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, và Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường, việc tăng thuế sẽ khiến các nhà làm phim nội địa càng khó cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ "nhập siêu văn hóa", nơi khán giả Việt chỉ còn xem phim ngoại mà thiếu vắng các tác phẩm phản ánh bản sắc dân tộc.
Nhà sản xuất phim Trinh Hoan kết luận: "Chúng tôi tin rằng chính sách thuế hợp lý không chỉ giúp ngành điện ảnh tồn tại mà còn tạo cơ hội để phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước."
Tăng thuế trong bối cảnh hiện tại không chỉ làm suy yếu ngành điện ảnh mà còn kìm hãm tiềm năng quảng bá văn hóa và xây dựng bản sắc dân tộc. Một chính sách thuế hợp lý, đi kèm với các biện pháp hỗ trợ, sẽ là chìa khóa giúp ngành phim ảnh Việt Nam phát triển bền vững, vươn tầm khu vực và quốc tế.