Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) (GTGT- VAT) dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua ngày 26/11/2024. Đáng quan tâm là việc dự thảo Luật Thuế GTGT lần này đã bỏ quy định các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, tăng lên mức 10%.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Trương Uyên Ly, với vai trò là người quan sát độc lập trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo cho rằng, việc tăng thuế VAT đối với các sản phẩm văn hóa sẽ làm cản trở quá trình phát triển văn hóa đồng thời làm giảm quyền và khả năng tiếp cận của người dân đối với các sản phẩm này.
Việc tăng thuế VAT đối với các sản phẩm văn hóa sẽ làm cản trở quá trình phát triển văn hóa đồng thời làm giảm quyền và khả năng tiếp cận của người dân đối với các sản phẩm này (ảnh minh họa) |
Thưa bà, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang được trình Quốc hội lần này có quy định mức thuế cho các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim từ 5% tăng lên mức 10%. Theo bà, việc tăng thuế đối với sản phẩm văn hóa, thể thao trong thời điểm này có hợp lý không?
- Theo tôi, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế giá trị gia tăng cho lĩnh vực văn hóa cho bằng với các lĩnh vực khác, bởi những lý do như sau:
Thứ nhất, việc tăng thuế GTGT hiện tại liệu có mâu thuẫn với các văn bản quan trọng thể hiện định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng và Chính phủ đã ban hành.
Nghị quyết 33-NQ/TW của Đảng năm 2014 nêu rõ nhiệm vụ Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa, còn Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Chính phủ phê duyệt năm 2016, 1755/QĐ-TTg) đã chỉ ra nhiệm vụ "Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới…; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai".
Miễn giảm thuế là một công cụ thiết thực thể hiện ưu tiên phát triển của Đảng và Chính phủ. Cho đến nay các cơ chế chính sách cho văn hóa còn chưa đủ mạnh và sắc nét để tạo ra một đòn bẩy thực sự. Vậy thì việc tăng thuế GTGT trong thời điểm này không chứng tỏ được nhiệm vụ "tạo môi trường pháp lý thuận lợi" của Nghị quyết 33, cũng chưa thể hiện được mục tiêu cho ra đời "các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai" của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.
Thứ hai, cần thêm thời gian để kiểm nghiệm, quan sát và hỗ trợ cho các văn bản định hướng được "đi vào đời sống" bằng cách tháo gỡ các vướng mắc, thay vì tăng thuế GTGT. Đã mười năm kể từ Nghị quyết 33, đã tám năm kể từ Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa, tuy vậy các văn bản trên đang chỉ dừng lại ở việc tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, và đang cần thêm thời gian để tạo được đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp văn hóa thực sự từ cơ chế chính sách thiết thực.
Thứ ba, một lý do nữa để mà chưa cần tăng thuế GTGT cho văn hóa, đó là mục tiêu thu ngân sách nhà nước từ ngành văn hóa không cao. Với quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa là phát triển bền vững, tôi tin rằng việc đạt được mức thu ngân sách cao từ văn hóa không phải là ưu tiên của Nhà nước. Vì vậy chưa nhất thiết phải tăng thuế GTGT cho văn hóa vào thời điểm này.
Thứ tư, về lâu dài, theo xu thế phát triển chung, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ dần chiếm tỉ trọng GDP cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, giúp tăng thu ngân sách. Việc tăng thuế GTGT ở một số hoạt động và dịch vụ văn hóa là điều có thể hiểu được. Tuy thế, hiện tại đang là thời điểm mà các ngành công nghiệp văn hóa đang cần sự hỗ trợ tối đa, cần một môi trường pháp lý ổn định và có tính tháo gỡ, để đạt được sự chuyển mình thực sự, có chỗ đứng vững mạnh hơn trước sức ép toàn cầu và các biến động kinh tế xã hội trong nước.
Thứ năm, tôi cho rằng việc cân nhắc trì hoãn việc tăng thuế GTGT vào thời điểm này sẽ giúp chúng ta có được dữ liệu đầu vào rất quý giá từ thực tiễn phát triển, chẳng hạn từ việc quan sát quá trình hiện thực hóa Luật thủ đô 2024. Trong Luật này đã có được những điều khoản có tính đột phá, nếu được thực thi sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp văn hóa cho Hà Nội, như Điều 43: Ưu đãi đầu tư; Điều 41: Quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng; Điều 39: Thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Điều 25: Thử nghiệm có kiểm soát; Điều 21: Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, mục 8: Thành phố Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa.
Việc thực thi Luật Thủ đô sẽ giúp chúng ta quan sát được thực tế phát triển và từ đó giúp cho việc cụ thể hóa các nội dung của Luật thuế GTGT rõ ràng hơn, công bằng hơn, sát thực hơn, có từng mức thuế phù hợp hơn cho từng danh mục hoạt động và hàng hóa văn hóa, tránh việc "cào bằng" mức 10% cho nhiều hoạt động dịch vụ hàng hóa khác nhau như hiện tại.
Thứ sáu, trên thực tế, mặc dù nghĩa vụ thuế GTGT thuộc về khách hàng, nhưng người nộp thuế là người bán hàng. Do đó, về bản chất, thuế GTGT ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ văn hóa so với các hàng hóa và dịch vụ khác, qua đó, cũng ảnh hưởng đến người bán hàng (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ). Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển đổi sang các giải pháp bền vững mà trong đó công nghiệp văn hóa sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng, việc khuyến khích sử dụng/tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ văn hóa là cần thiết. Việc tăng thuế GTGT sẽ phần nào làm giảm nhu cầu tiêu dùng các nội dung và giá trị văn hóa của khách hàng và ảnh hưởng đến các cá nhân tổ chức doanh nghiệp.
Nhà quan sát độc lập Trương Uyên Ly. Ảnh: bvhttdl. |
Nhiều năm trong vai trò nhà quan sát độc lập, bà có thể cho biết, các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển thu thuế đối với sản phẩm văn hóa như thế nào?
- Nói đến thuế VAT, như khu vực châu Âu, mặt bằng chung của họ là 19-25% nhưng trong ngành văn hóa, xuất bản, triển lãm biểu diễn... bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ 7-8%, nước cao thì 11-12% so với mặt bằng chung. Tức là ngay cả các nước phát triển, họ chỉ đánh thuế VAT sản phẩm văn hóa bằng 1/3 so với mặt bằng thuế VAT áp dụng cho các ngành khác.
Các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển luôn hỗ trợ và đầu tư cho văn hóa. Văn hóa luôn luôn được ưu tiên và ở nhiều quốc gia, Nhà nước đầu tư cho văn hóa, hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh văn hóa rất cụ thể. Ví dụ như hạ tầng, nếu trong một thành phố, thị trấn, khi có 1 doanh nghiệp đầu tư cho một nhà hát, một nhà triển lãm thì sẽ được hỗ trợ tiền đầu tư ban đầu, Nhà nước sẽ bỏ tiền cùng nhà đầu tư hoặc cho nhà đầu tư sử dụng trong 5-10 năm đồng thời giảm thuế. Cho sử dụng theo thời hạn thì sau đó họ sẽ kiểm nghiệm việc đầu tư có hiệu quả không và nếu hiệu quả họ sẽ mời nhà đầu tư nhân rộng mô hình ra, dù nhân rộng hay giữ nguyên mô hình thì luôn luôn và chắc chắn là Nhà nước sẽ hỗ trợ.
Không tăng thuế VAT, giữ mức thuế VAT hợp lý, các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được hỗ trợ thuê mặt bằng hay hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật trong những năm đầu tiên, trong những năm tiếp theo thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp văn hóa cũng phải khác những ngành khác.
Giảm thuế luôn luôn có trong chính sách hỗ trợ văn hóa ở các quốc gia. Đồng thời, ở nhiều quốc gia, các nhà hảo tâm, các tập đoàn, công ty lớn nhỏ hoặc cá nhân họ dành tiền cho quỹ hoạt động văn hóa nghệ thuật thì sẽ được giảm thuế. Điều này ở nước ta chưa có và vô hình chung không khuyến khích được các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho văn hóa. Dù họ có yêu văn hóa, đầu tư cho văn hóa nhưng cũng không được ghi nhận, không giảm thuế và đó là điểm yếu của chính sách cho văn hóa của Việt Nam.
Như vậy rõ ràng là có cơ sở để chúng ta liên hệ, học hỏi nhưng làm sao để chúng ta có sự khơi thông, làm sao để những người làm chính sách hiểu và tạo ra được nền tảng minh bạch hơn, thể hiện ra ở những văn bản luật pháp.
Nhiều người cho rằng, việc tăng thuế VAT đối với sản phẩm văn hóa trong thời điểm này sẽ cản trở sự phát triển của văn hóa. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- VAT là công cụ mạnh, ảnh hưởng đến mọi mặt của ngành văn hóa. Chủ trương của Đảng, Chính phủ cho rằng phải ưu tiên phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, nhưng trong khi chưa có cơ chế, chính sách gì cho văn hóa thì thuế VAT tăng từ 5% lên 10% tức là ngang bằng các mặt hàng khác. Như vậy có phải đang đi ngược lại chính sách, định hướng của Đảng, Chính phủ hay không? Điều đó là lý do rất lớn cần phải xem xét lại việc tăng thuế đối với sản phẩm văn hóa.
Chưa kể bản thân mỗi doanh nghiệp, những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng hàng ngày, mỗi hóa đơn xuất ra, mỗi cơ hội đều bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng- người dân, sẽ không sẵn sàng bỏ tiền ra cho sản phẩm văn hóa nữa. Vì người tiêu dùng sẽ phải trả mức cao hơn cho hàng hóa văn hóa mà họ xứng đáng được hưởng. Văn hóa là hàng hóa đặc biệt, bản chất giá trị cốt lõi của văn hóa là tạo khả năng cho mọi người được tiếp cận rộng rãi, hưởng thụ chung, làm cho đời sống tinh thần được nâng cao, cải thiện hơn. Tăng giá sẽ làm giảm khả năng tiếp cận mà đáng ra mọi người được tiếp cận rộng rãi hơn.
Văn hóa là hàng hóa đặc biệt, bản chất giá trị cốt lõi của văn hóa là tạo khả năng cho mọi người được tiếp cận rộng rãi, hưởng thụ chung, làm cho đời sống tinh thần được nâng cao, cải thiện hơn (ảnh minh họa) |
Theo bà, cần làm gì để có chính sách hỗ trợ văn hóa phát triển trong giai đoạn hiện nay?
- Theo tôi, hành động thiết thực hơn lúc này là khoan hãy tăng thuế GTGT, mà trước hết hãy nhìn vào các "điểm nghẽn", chỉ ra các vướng mắc hết sức cụ thể để mà tìm cách gỡ.
Tôi cho rằng đại biểu Quốc hội chưa nên bấm nút thông qua Dự thảo Luật Thuế GTGT, hãy chờ thêm một thời gian nữa, để có thêm dữ liệu, có thêm đối thoại, có thêm quan sát, có thêm cơ chế chính sách thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển hơn nữa, thì lúc đó hãy sửa Luật (tăng giảm cụ thể ở một số lĩnh vực), cho sát thực, và công bằng hơn nữa. Rồi sau đó là việc "truyền thông" Luật, sao cho "thông" từ trên xuống dưới, đến từng cán bộ thuế địa phương, để Luật được "đi vào cuộc sống" và có tác động thực sự!
Chúng ta có nguồn lực để phát triển, có sự yêu mến của các doanh nghiệp và cá nhân đam mê theo đuổi văn hóa. Chỉ thiếu cơ chế chính sách để khơi thông, để doanh nghiệp, nhà quản lý và người dân "được chạm đến nhau" và được luân chuyển để nguồn lực thành tiềm lực, được phát triển tương xứng.
Cần sự đối thoại với những nhà quản lý, nhà làm luật. Nhà quản lý thì đối thoại làm thế nào để thủ tục hành chính dễ dàng hơn cho các bên. Về luật thì miễn giảm thuế là công cụ rõ ràng, trực tiếp cụ thể để các bên thấy được ai cũng được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ công bằng trước luật pháp và ai cũng có thể được tiếp cận và thực hành luật một cách minh bạch.
Xin trân trọng cảm ơn bà!