Văn hóa nghệ thuật

Hà Trần và thổn thức thế hệ

Âm nhạc
09:46 | 09/04/2024
Tập nhạc Những con sông ngón tay của Hà Trần đến với khán giả vào một thời điểm đặc biệt, khi nhạc đại chúng (pop) Việt Nam đang hầu như được sáng tác và phục vụ chủ yếu cho Gen Z. Các nhạc sĩ và ca sĩ 7X vẫn hoạt động miệt mài nhưng không mấy ai viết và trình diễn những bản nhạc pop mới cũng như kể câu chuyện của/cho thế hệ họ
aa

Tập nhạc Những con sông ngón tay của Hà Trần đến với khán giả vào một thời điểm đặc biệt, khi nhạc đại chúng (pop) Việt Nam đang hầu như được sáng tác và phục vụ chủ yếu cho Gen Z. Các nhạc sĩ và ca sĩ 7X vẫn hoạt động miệt mài nhưng không mấy ai viết và trình diễn những bản nhạc pop mới cũng như kể câu chuyện của/cho thế hệ họ.

Ca sĩ Trần Thu Hà biểu diễn tại Đại nhạc hội Hoa xuân ca 2024

Ý tưởng về album Những con sông ngón tay ra đời từ 2017, khi nhà thơ Phan Lê Hà và nhạc sĩ Trần Đức Minh gửi những bản thu thử đến tay Trần Thu Hà (pa Hà Trần). Nhưng nữ ca sĩ không nghe vội. Hình như là cô để dành. Có thể vì lúc đó Hà Trần chưa bước ra khỏi Bản nguyên, thế giới cuồng nhiệt và sóng sánh sức sống mà cô cùng những nghệ sĩ trẻ Dominik Nghĩa Đỗ và Nguyễn Hoàng Quân vừa tạo ra.

Phải đến năm 2018, khi Hà Trần đang lên kế hoạch sản xuất album vol.2 cùng với Thanh Lam, nữ ca sĩ mới dắt nhạc sĩ Trần Đức Minh đến gặp “đàn chị” cùng những bản thu thử của Những con sông ngón tay. Nhưng mọi nỗ lực để có một tập nhạc chung giữa hai pa vẫn không thành, bởi dường như nó đã đến sai thời điểm.

Năm 2020, Hà Trần quyết định trở lại với dự án âm nhạc này. Khi cô bắt đầu thu âm thì đại dịch Covid ập đến. Nữ ca sĩ có những dự cảm riêng nên quyết định phải sản xuất album bằng được. Âm nhạc hay muốn đến đôi khi phải đợi. Năm 2023, nhạc sĩ Trần Thanh Phương đã master (chỉnh sửa và xử lí âm thanh lần cuối cùng) lại toàn bộ các bài hát thuộc album. Đến tháng 3/2024, đĩa nhạc mới chính thức ra đời. Chặng đường để nó đến với khán giả là 8 năm, khoảng thời gian dài như “những con sông” nhưng lại chứa điều đặc biệt.

Dự cảm của Hà Trần

Hơn 20 năm trước, Hà Trần hát ca khúc Nghi ngại (nhạc Ngọc Đại, thơ Vi Thuỳ Linh) có một câu thế này: Lần nào đến cũng mang theo bí mật. Cũng kể từ đó, mỗi lần Hà Trần đến (không phải là trở lại) với âm nhạc, cô đều mang theo một bí mật. Từ Đối thoại 06 đến Vi sinh, từ Cánh cung 3: Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta đến Bản nguyên là những “hình dạng âm nhạc” khác nhau của Hà Trần. Có đĩa nhạc đầy tính tiên phong lại có đĩa nhạc đầy chiêm nghiệm; Hà Trần đã “nhảy” từ địa hạt âm thanh này sang địa hạt ca từ khác.

Nhưng khi Những con sông ngón tay đến, Hà Trần thôi mang theo bí mật. Có lẽ nữ ca sĩ không chủ động mang theo bí mật nữa, nhưng là một điều đặc biệt. Lần này thì vì dự báo, cô mang đến một dự cảm của mình trong âm nhạc. Sự ra đời của đĩa nhạc này là một điều cần thiết. Có thể xem Những con sông ngón tay là một “coda” trong sự nghiệp của Hà Trần. Tập nhạc gồm 13 ca khúc chủ yếu theo màu sắc pop phảng phất chút rock, jazz với tiếng guitar cùng đàn dây gợi không khí của hoài niệm, đầy tính điện ảnh.

Tính hồi kí và tư liệu trong album này được biên tập rất khéo léo, vừa gợi được quá khứ nhưng cũng chứa đựng những âm thanh của hiện đại. Ở giữa sự nhập nhòe của kí ức và thực tại, Hà Trần hát về những giấc mơ đã nhuốm màu nâu, những ngày tháng 3 đã trôi qua, về hoa Ngọc Lan, và về “tuổi trẻ của chúng mình”. Những hình ảnh quen thuộc hiện lên tươi mới, như tiếng loa phát vừa mới dứt, như tiếng ve rồi sẽ câm bặt sau một mùa hè.

Những con sông ngón tay dễ khiến người nghe nhớ về những tác phẩm trước đây của chính Hà Trần như Đối thoại 06 (hợp tác với Trần Tiến, Thanh Phương, Nguyễn Xinh Xô hay Cánh cung 3: Chuyện của mặt trời chuyện của chúng ta (cùng với Đỗ Bảo). Nó cũng gợi về thời kì nhạc pop (vẫn được biết đến là nhạc nhẹ, nhạc trẻ) của những đại thụ như Thanh Tùng, Dương Thụ, Phú Quang và thế hệ nhạc sĩ tiếp nối sau đó như Bảo Chấn, Quốc Trung, Quốc Bảo, Anh Quân, Huy Tuấn, Đỗ Bảo, Đức Trí…

Đĩa nhạc này đặc biệt là ở chủ đề của nó, ở “đặc tính” hoài niệm trong cả những câu chuyện (ca từ lời thơ) và cách kể chuyện (giọng hát của Hà Trần). Những thế hệ khán giả 7X, 8X hẳn sẽ dễ dàng cảm nhận các bài hát trong album bởi nó được viết và kể ra, trước hết là dành cho chính người nghệ sĩ và thế hệ của họ. Vẻ đẹp trong thanh âm, và tứ thơ trong từng câu từ đã tạo nên màu sắc đặc biệt, một thứ nhạc pop đầy bay bổng, gợi ra nhiều khung cảnh, những liên tưởng chất chứa kỉ niệm. Nó là một tiếng thổn thức của thế hệ 7X đã lâu rồi không gặp trong nhạc pop Việt Nam nên dễ khiến người ta thấy nhớ thương.

Còn sáng tác, còn hát là còn nghe

Nhạc đại chúng trong thập kỉ này được “làm chủ” bởi Gen Y và Gen Z, những người nghệ sĩ sinh từ cuối 1980 đến đầu 2010. Họ không chỉ lấn át về số lượng mà còn khác biệt về lựa chọn trong phong cách, thể loại với những trào lưu được quyết định bởi thị hiếu và thuật toán của các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến. Tất nhiên, chủ đề và tự sự trong âm nhạc Gen Z cũng khác biệt so với các thế hệ trước. Thời lượng ca khúc ngắn đi, “nhạc TikTok” lên ngôi... là một trong những cách miêu tả (có phần tiêu cực) để nói về âm nhạc của thế hệ Z.

Dù số lượng ca sĩ và nhạc sĩ Gen Z ngày càng nhiều nhưng những nghệ sĩ sinh ra ở các thế hệ trước đó vẫn tiếp tục hoạt động và sáng tạo. Họ hoặc tiếp tục sáng tác âm nhạc của thế hệ mình hoặc/và tìm cách hoà nhập vào thế hệ đến sau. Đã có người thành công và không hiếm những nghệ sĩ thất bại.

“Hoạ mi nước Anh” Adele từng chia sẻ, nếu toàn làm “nhạc TikTok” thì ai sẽ sáng tác và hát cho thế hệ của cô nghe. Nữ ca sĩ quyết định trung thành với phong cách của mình và tiếp tục gặt hái thành công. Hay khi cả làng nhạc thế giới chạy đua với những bài hát có thời lượng “2 phút hơn”, thì cô ca sĩ người Mỹ Lana Del Rey lại sản xuất những bài hát tầm cỡ từ 7 - 10 phút. Đó không phải là “đi ngược gió” mà là cách họ hát cho chính mình, cho thế hệ mình nhưng vẫn mở ra khả thể tiếp nhận cho nhiều khán giả.

Ở Việt Nam, Hà Trần là một nghệ sĩ hiếm hoi “đi ngược gió” như vậy. Bằng chứng là album mới của cô gần như từ chối lối tiếp cận và sáng tạo của những thế hệ sau này. Tính liên hệ giữa nhạc pop và khán giả lại nằm ở điểm nhìn của một nghệ sĩ hát cho thế hệ của mình. Nó được ra đời trước hết là cho thế hệ 7X rồi mới đến các thế hệ khán giả sau đó.

Tất nhiên, những nghệ sĩ thuộc thế hệ của Hà Trần có thể có nhiều cách để hát cho những tri kỉ của thế hệ mình. Thu âm những đĩa nhạc “cover” của những nhạc sĩ Thanh Tùng, Dương Thụ… là điều không hiếm gặp, dù đó là sự ngân lại những điệp khúc đã phổ biến. Hoặc, họ có thể lựa chọn “trẻ hoá” để hợp thời bằng cách tham gia những chương trình truyền hình thực tế Chị đẹp và Ca sĩ Mặt Nạ...

Hà Trần chọn thực hiện một đĩa nhạc gồm những ca khúc hoàn toàn mới nhưng mang đậm tự sự và dành cho thế hệ của mình là một nỗ lực đáng trân trọng. Những con sông ngón tay vì thế là minh chứng cho thấy nhạc pop hiện đại vẫn còn chỗ cho những nghệ sĩ 7X sáng tác cho khán giả nghe pop đã bước vào tuổi trung niên. Và đến lượt những thế hệ khán giả trẻ hơn cũng có thể tìm thấy một thế giới có gì đó khác biệt, mới mẻ và muốn lắng nghe từ đĩa nhạc này.

_________

(*) Gen X chỉ những người sinh ra từ 1965 - 1980; Gen Y (1981 - 1996), Gen Z (1997 - 2010). Tại Việt Nam phổ biến hơn với cách chia các thế hệ sinh ra trong từng thập niên như 7X, 8X, 9X và Gen Z.

Phan Chu

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...