Theo đó, năm 2016 là năm thứ 5 Hải Phòng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Mục tiêu chính của lễ hội là quảng bá, giới thiệu thành tựu kinh tế, xã hội của Hải Phòng đến với bạn bè trong và ngoài nước, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có du lịch. Chính vì vậy, điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2016 chính là các màn nghệ thuật đặc sắc, cộng với âm thanh, ánh sáng, hình ảnh tái hiện những giá trị du lịch, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Hải Phòng. Phần lễ gồm: Khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2016 và đón nhận Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nữ tướng Lê Chân và Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát thành phố. Phần hội gồm chương trình diễu hành Carnaval có sự kết nối, hòa nhập của các tỉnh, thành phố của nước ngoài và các tỉnh, thành phố trong nước thông qua các mô hình. Ngoài các mô hình của thành phố Hải Phòng như hình tượng Nữ tướng Lê Chân, hình tượng Đức vương Ngô Quyền, hình tượng Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ảnh Bác Hồ, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Khu kinh tế Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện… còn có sự tham gia của 4 đoàn nghệ thuật quốc tế gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và các đoàn nghệ thuật, các tỉnh, thành phố đang hoặc sắp có đường bay tới Hải Phòng và có quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch với Hải Phòng.
Theo Ban tổ chức, bên cạnh lễ hội chính, sẽ có khoảng 70 sự kiện khác diễn ra bên lề Lễ hội, trong đó có một số hoạt động tiêu biểu, đặc sắc như: Thả chim Hòa Bình, trưng bày Hoa Lan (các loại Hoa Lan của Hải Phòng, các hội Hoa Lan trong nước, quốc tế), trình diễn âm nhạc đường phố, giải golf hữu nghị Hải Phòng 2016. PV