Sự kiện & Bình luận

Học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp một góc nhìn tích cực

Chính trị xã hội
07:46 | 02/10/2020
Ngày15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong mục 4 (Điều 37) nêu rõ học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
aa

Ngày15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Trong mục 4 (Điều 37) nêu rõ học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Có thể thấy quy định nêu rất rõ như vậy song lại trở thành nội dung gây ra nhiều tranh cãi trái ngược trên nhiều diễn đàn, trong các nhà trường và mỗi gia đình. Không ít người đưa ra những lý do để lý giải những hạn chế của việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp. Có phụ huynh nói rằng điện thoại di động bây giờ tuy không phải thứ xa xỉ nhưng vẫn có không ít gia đình nhất là nơi vùng sâu khó khăn thì bố mẹ lấy đâu mà mua cho con em đến trường khi mà còn gánh nặng cuộc sống hàng ngày phải lo. Một phụ huynh có con mới bước vào THPT rên rẩm: Smartphone có nhiều loại, mỗi loại có tính năng khác nhau, phải dùng loại nào để truy cập nhanh lại đẹp theo kịp chúng bạn cho con gái đây!

Tuy nhiên ý kiến lo ngại mặt trái của điện thoại di động sẽ gây ra những hậu quả xấu cho học sinh là đa phần. Một phụ huynh cho biết: Bố mẹ muốn không cho con nhỏ quấy rầy, dỗ con bằng cho chơi điện thoại di động. Lớn lên thành quen, ở nhà hở ra là cắm mặt vào cái điện thoại muốn dứt cũng khó. Bây giờ lại được phép mang vào lớp thầy cô đâu dễ quản lý để chúng không chơi game hay làm gì đó mất tập trung học tập lại còn hại sức khỏe, giảm thị lực…

Có người còn khẳng định một cách chủ quan, võ đoán: Cho phép thế, giờ thầy cô muốn làm việc riêng thì cứ giao cho học sinh một cái gì để tra cứu trên điện thoại thì mái thoải mà làm việc riêng. Dùng điện thoại thông minh trong giờ học thì dám chắc quá nửa học sinh không cần học bài, ghi âm, tra đáp án, trả lời... mà chơi game và chat chít, lên “phây”. Không ít thầy cô giáo và cha mẹ học sinh cũng băn khoăn cho rằng: Ghi chép là cách để học sinh có thể ghi nhớ, hiểu bài tại lớp và về nhà xem lại, làm các nội dung chưa hiểu. Dùng điện thoại thì không chỉ giáo viên mà cha mẹ cũng sẽ mất khả năng kiểm soát và học sinh sẽ lười tư duy, lười nghe giảng...

Bên cạnh các ý kiến trên những người ủng hộ cho học sinh dùng điện thoại trong lớp thì tán đồng cho rằng: Một trong những kho tàng tri thức của nhân loại, hiện nay chủ yếu có trên mạng Internet. Như vậy thì vì sao chúng ta lại không để các em sớm tiếp cận nguồn tri thức ấy.

Trước hết chúng ta phải khẳng định rằng tiếp cận thông tin là một nhu cầu đối với mọi con người, mọi lứa tuổi. Khi Interrnet ra đời thì đặc biệt cuốn hút giới trẻ đặc biệt là lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường và đương nhiên nó mang lại rất nhiều tri thức. Chính vì điều này đưa Công nghệ thông tin vào nhà trường là nhiệm vụ sống còn trong đổi mới giáo dục. Được biết từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động “Năm học Công nghệ thông tin” nhằm tạo ra bước đột phá trong đổi mới giáo dục. Nhà nước, các nhà tài trợ, phụ huynh dốc lòng đầu tư xây dựng các phòng học vi tính không riêng ở thành phố thị xã mà cả ở vùng cao miền núi. Đến nay kết quả thì ai cũng đã rõ. Thường niên, từ năm 2006 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức thành công cuộc thi quốc gia Sinh viên với An toàn thông tin, ngoài việc nâng cao nhận thức An toàn thông tin trong học sinh, sinh viên, cuộc thi này còn là nơi phát hiện những nguồn nhân lực tài năng về An toàn thông tin của đất nước, triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nhân lực An toàn thông tin đến năm 2020 (Đề án 99) của Thủ tướng Chính phủ.

Cất tiếng nói đồng thuận với quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng một trường THCS ở Phú Thọ cho biết: Công nghệ thông tin và đặc biệt là sự phát triển của internet mở ra một kho kiến thức vô cùng đa dạng và phong phú cho người học và người dạy, giúp cho việc tìm hiểu kiến thức đơn giản hơn rất nhiều, cải thiện chất lượng học và dạy. Nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động soạn bài giảng và tài liệu giảng dạy có ứng dụng Công nghệ thông tin, hiện nay, đa số giáo viên nhà trường thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng. Con số cụ thể được ông đưa ra là: Riêng trong học kỳ I năm học 2018-2019, nhà trường đã có 756 tiết học ứng dụng Công nghệ thông tin, cao hơn 5 lần so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có 12/13 môn học được giảng dạy bằng các thiết bị công nghệ; 100% giáo viên sử dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ vào giảng dạy. Với sự hỗ trợ của máy tính và phần mềm dạy học, giáo viên có thể tổ chức giờ học một cách sinh động.

Tương tự cô giáo Phạm Thị Thu Hà, giáo viên THCS ở Việt Trì khẳng định: Đổi mới giáo dục phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của các em, bằng cách giúp các em phương pháp tiếp cận và cách tự học, cách giải quyết vấn đề. Việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Cụ thể, các thầy cô không bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng. Ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học còn giúp giáo viên có thể chia sẻ bài giảng với đồng nghiệp, cùng nhau thảo luận và nâng cao chất lượng giáo án.

Em Hoàng Văn Nam, học sinh Trường THPT Việt Trì cho biết: “Các tiết học ứng dụng Công nghệ thông tin đã giúp chúng em được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn phương pháp đọc, chép truyền thống. Sự tương tác giữa thầy cô và học trò sẽ nhiều hơn, chúng em có nhiều cơ hội được thể hiện quan điểm cũng như chính kiến riêng của mình”.

Nhiều thầy cô có thâm niên đứng lớp cũng xác nhận: Thực tế hơn chục năm trở lại đây, không ít phụ huynh nhất là ở các thành phố, thị xã đã sắm điện thoại di động cho con để tiện liên lạc khi cần thiết. Như vậy đồng nghĩa với việc học sinh có sử dụng điện thoại di động. Có học sinh mở điện thoại trong giờ học, giáo viên nhắc nhở, thậm trí tạm giữ, cuối giờ trả lại cho trò. Mặc dù vậy đó đâu phải là vấn đề lớn ảnh hưởng tới việc dạy và học.

Ở một góc nhìn khác có phần thực tế: Có thêm phương tiện hiện đại cho việc dạy, học là rất tốt cho cả người dạy và người học. Được dùng điện thoại các em tiếp cận và nắm bắt được nhiều thông tin hơn. Đến giờ học giáo viên không cần nói những gì mà trên mạng các em đã nắm quá rõ, đỡ mất thời gian. Thay vào đó, giáo viên trở thành người tổ chức và hướng dẫn học sinh học, giải đáp thắc mắc của học sinh, hướng dẫn học sinh cách đọc, cách tìm kiếm, sàng lọc kiến thức, đánh giá, phân tích, lý giải kiến thức mà học sinh tìm được, từ đó kích thích, khuyến khích học sinh sáng tạo.

Trong thông tư 32 ban hành lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh “sử dụng điện thoại di động”, kèm theo “phải được giáo viên đồng ý”. Như vậy giáo viên và phụ huynh không có gì phải lo ngại. Quyền vẫn thuộc về giáo viên!

Từ năm 2012, Công ty viễn thông quân đội Viettel đã cung cấp miễn phí phần mềm Quản lý nhà trường cho gần 16.000 trường học nhằm giúp các bậc phụ huynh thường xuyên nắm được thông tin học tập của con em mình tại trường về tất cả các vấn đề liên quan đến tình hình học tập, sinh hoạt của con em định kỳ theo ngày, tháng, học kỳ, năm học qua số điện thoại di động. Thông tin cung cấp cho phụ huynh học sinh đa dạng gồm 2 loại tin nhắn tự động theo định kỳ và tin nhắn chủ động với đầy đủ thông tin về kết quả học tập, rèn luyện như điểm thi, hạnh kiểm, học lực, thông báo đột xuất... Có thể khẳng định, đưa công nghệ thông tin vào trường học để các em học sinh được tiếp cận là xu thế tất yếu. Thay thế máy tính máy chiếu vừa cồng kềnh chiếm dụng nhiều diện tích lại truyền tải thông tin hạn chế bằng smartphone nhỏ gọn đa tiện ích, không quá đắt đỏ. Thực chất chỉ như là một bước nâng cao cuộc cách mạng về Công nghệ thông tin trong trường học.

Bởi vậy, cho phép học sinh sử dụng smartphone để phục vụ việc học là cần thiết và hoàn toàn không đáng lo ngại nếu được quản lý một cách phù hợp.

Nguồn Văn nghệ số 40/2020


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...