Hội thảo do Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Japan Foundation trong hai ngày 27 và 28/3/2024 tại phố cổ Hội An - Quảng Nam nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 120 đại biểu là những nhà nghiên cứu khoa học, các giáo sư tiến sĩ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà văn của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Mỹ... với hơn 50 tham luận nói về tác động của các sự kiện lịch sử và xã hội đối với nghệ thuật. Đa số các bản tham luận đều tập trung vào nghệ thuật như văn học, điện ảnh và sân khấu giúp người đọc nhìn nhận sâu hơn về cách mà những hiện tượng chấn thương và khủng hoảng được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật. Qua hội thảo giúp độc giả vả những người yêu văn học hiểu rõ hơn về những thách thức mà các nghệ sĩ đối mặt khi tạo ra các tác phẩm văn học và nghệ thuật, đồng thời cũng nhận thấy sức mạnh của nghệ thuật trong việc chữa lành tinh thần và thúc đẩy sự hiểu biết và đồng cảm trong cộng đồng.
Toàn cảnh hội thảo |
Đây không chỉ là một sự kiện văn học - nghệ thuật mà còn là một cơ hội quý báu để giao lưu, trao đổi ý kiến và xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và nghệ sĩ từ cả Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Các tham luận được hội thảo quan tâm: "Chấn Thương: Một vài suy nghĩ về lý thuyết và thực tiễn văn học" của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân; "Thơ Chiyo-ni: Độ mình và độ người" của nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu phân tích sâu sắc về mối quan hệ giữa mẹ và con, thơ Haiku và phương pháp chữa lành; "Biểu tượng trong trải nghiệm chiến tranh của thiếu nữ và chữa lành - Trường hợp của văn học thiếu nhi Nhật Bản" của Giáo sư Murakami Rori Đại học Ryukyus, Nhật Bản; "Văn chương như là nơi trú ẩn" của Giáo sư Alisa Freedman Đại học Oregon, Hoa Kỳ; "Mẹ và con-chấn thương thứ cấp trong mối quan hệ tình thân và cơ chế chữa lành” (Trường hợp tác phẩm Ngực và Trứng của Mieko Kawakami và Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban) của Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh; "Chim bay cao cụp cánh: Đọc lại thơ Cao Bá Quát từ góc nhìn của lý thuyết chấn thương" của PGS.TS Lê Quang Trường; "Sang Chấn Tâm Lý trong thơ Lý Tử Tấn sau vụ án Lệ Chi Viên" của PGS.TS Nguyễn Công Lý.
Trao đổi với phóng viên báo Văn nghệ, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Chủ toạ Hội thảo đánh giá: Đây là cách đặt vấn đề tương đối mới về lý luận văn học, hội thảo rất quan trọng nói về các giải pháp chữa lành đa chấn thương, không chỉ của Việt Nam - Nhật Bản mà còn mở ra chiều kích, biên độ của Việt Nam với các nước Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan... các vết thương trong thân và tâm, trong đó có chấn thương lớn về chiến tranh đã thành sẹo hoá trầm, được văn học nghệ thuật thể hiện có sức lay động, thức tỉnh cho con người hướng tâm, hướng thiện để chữa lành vết thương.
Đặng Đình Khánh - Lê Anh Dũng