Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, tôn vinh những đóng góp quan trọng của phụ nữ và báo chí nữ trong suốt lịch sử phát triển của nền Báo chí Cách mạng.
![]() |
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: BTC |
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Ngược dòng lịch sử báo chí nước nhà, từ những trang báo đầu tiên như Nữ giới chung (năm 1919) do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút, đến Tiếng gọi phụ nữ (năm 1945), Phụ nữ Việt Nam (1948), Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1975), Phụ nữ Thủ đô (1986)… dòng báo chí nữ luôn đồng hành, phản ánh, dẫn dắt và cổ vũ cho sự nghiệp giải phóng và phát triển của phụ nữ Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử".
![]() |
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam Phan Toàn Thắng chủ trì hội thảo. Ảnh: BTC |
Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng như thời kỳ đổi mới, lớp lớp các thế hệ phụ nữ cùng nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những mốc son chói lọi. Họ là những nhà báo vừa làm trách nhiệm với báo chí, vừa là người tiếp lửa, cổ vũ cho phong trào cách mạng trong đó có phong trào phụ nữ.
Ngày nay, trước yêu cầu của một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, việc nghiên cứu, đánh giá vai trò báo chí từ góc nhìn giới là rất cần thiết.
Cùng với đó, báo chí báo chí cách mạng không chỉ là công cụ tuyên truyền hiệu quả của Đảng, mà còn là công cụ truyền tải thông tin, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và những đóng góp quan trọng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, vừa là kênh truyền thông hiệu quả để nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo |
Với chức năng và nhiệm vụ cao cả, báo chí cũng phản ánh trung thực, sâu sắc đời sống của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, trong xây dựng hòa bình và hội nhập quốc tế, qua đó thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua các bài viết, chương trình và chuyên mục của mình.
Tại hội thảo, 35 tham luận và các ý kiến phân tích những nghiên cứu, dẫn chứng lịch sử, làm nổi bật vai trò của báo chí nữ và các nhà báo nữ qua các thời kỳ. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu của chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí... đã góp phần làm rõ nội dung: qua 100 năm đồng hành cùng phong trào phụ nữ, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khát vọng của phụ nữ, đồng thời khẳng định năng lực lãnh đạo, sáng tạo, cống hiến của nữ giới trong nhiều lĩnh vực.
Cũng tại Hội thảo, các tham luận khẳng định, báo chí có vai trò mới trong việc truyền cảm hứng, động viên phụ nữ tiếp tục thực hiện sứ mệnh kiến tạo và đổi mới đất nước trong thời đại số, kỷ nguyên chuyển đổi số và toàn cầu hóa và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.