TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
Huy chỉ tay vào mặt tôi chửi:
- Ông là thằng hư cấu bẩn thỉu.
Minh họa: Đặng Tiến |
Tôi thấy uể oải khi phải tranh luận những câu chuyện không đầu không cuối của đám văn nghệ sĩ. Thật sự thì chuyện hay dở, tranh cãi đấy thật phí phạm thời gian. Nhất là gặp mấy bố giàu tính tự ái thì bị chê là nhảy đùng đùng lên đòi sống đòi chết. Với tôi thì khen chê là chuyện của thiên hạ. Việc mình là viết. Chẳng mấy khi tôi bận tâm vì những lùm xùm hay bất đồng. Thế nhưng lần này tôi không thể đồng ý với Huy được. Huy cho rằng tôi là thằng bôi nhọ lịch sử hay phỉ báng truyền thống. Rằng tác phẩm của tôi đã không phản ảnh được hơi thở của thời đại, không thấy được hào quang rực rỡ của nhà Trần. Tôi liền hỏi lại Huy:
- Chả nhẽ tôi viết về cái tàn lụi của nhà Lý không được sao? Hay lịch sử là của riêng ông?
Huy gắt:
- Được, nhưng ông phải gắn với vinh quang của nhà Trần và cuộc chống quân Nguyên Mông. Ông ngu lắm. Không viết thế thì tác phẩm của ông được đăng a? Hai là ông nghĩ mấy thằng phê bình online nó để ông yên. Có nhứng thứ đã được lịch sử định hình thì đừng có đập đi.
Thực ra Huy có lí. Văn chương tiền ít mà nhiều hiểm họa. Lỡ lời phát là dễ bị anh em ném đá chết tươi. Cái lí lẽ của đám đông nó đáng sợ lắm. Nó là kiểu lý lẽ để bóp chết sự bất đồng. Nó làm người ta không dám nghĩ khác hay không dám làm con cừu đen để bị tế thần. Nhưng cũng vì thế mà văn chương ngày càng thành các sản phẩm hàng loạt, nhạt nhẽo và mẫu mực. Tôi thật sự ghê tởm mấy cái gọi là bestseller. Nó như một thứ công thức nhàm chán cho đám đông giải khát mà chả có tí suy tư hay chiều sâu nào. Tôi sợ nhất là cái thứ sách thiếu nhi mà khi nhà văn đem cái tuổi thơ của mình ra để phổ cập một mẫu số chung cho cả đám đông. Để rồi tuổi thơ nào cũng hệt nhau nhưng nhức hay biêng biếc nỗi niềm. Thật sự rác rưởi. Tôi nhìn Huy rồi đáp:
- Tôi không muốn tranh cãi với ông. Tôi chỉ viết trên nhưng gì trái tim tôi lắng nghe. Tôi thương cho một bà hoàng đi lùi, thương cho con người thời biến loạn đổi ngôi, thương cho một đời người chưa bao giờ được trọn vẹn.
*
Nàng hổn hển nhấp ngồi trên người của Phụ Trần. Nắng và tóc xõa chảy từ đôi vai xuống bầu ngực còn căng tròn săn chắc. Lâu rồi nàng mới được ngửi mùi đàn ông. Cái mùi mồ hôi nồng nồng, khe khét. Nó làm những cảm xúc tưởng chết từ lâu trong nàng trỗi dạy, len lỏi từng đường gân thớ thịt như một dòng nước tràn vào ruộng cạn. Từng dòng mồ hôi rịn ra nơi ngực nàng như nhựa cây. Phụ Trần khẽ vén tóc nàng lên rồi nắm lấy hai bầu ngực căng mọng. Nàng run lên sung sướng.
Nàng nằm vật ra giường. Hai người đắm đuối nhìn nhau. Nàng vừa hạnh phúc vừa chua xót. Giá như nàng sinh ra là một người con gái bình thường thì cuộc đời nàng sẽ yên ấm hơn biết bao. Cả cuộc đời nàng làm con cờ cho người ta điều khiển và cả đời nàng cũng chưa bao giờ một lần dám nói lên khao khát của riêng mình. Nàng luôn phải sống cho gia tộc, cho họ mạc, vương triều. Từ khi nàng còn nhỏ xíu, cha nàng đã gửi gắm lên vai nàng kì vọng trở thành vị nữ vương duy trì vương triều phồn thịnh. Nàng phải học đủ thứ để có thể gánh vác kì vọng ấy. Một đứa trẻ nào có biết gì những âm mưu toan tính của đám người lớn. Rồi nàng trở thành quân bài cho nhà Trần đoạt lấy binh quyền. Hỏi rằng nàng có yêu Hoàng thượng không? Nàng có chứ. Nhưng nàng cũng hận. Nàng vì chàng mà mất tất cả. Mất vương quyền, mất gia đình, mất hạnh phúc. Tưởng rằng sau khi hy sinh tất cả cho cái gọi là đại nghiệp nàng sẽ được đền đáp nhưng cuối cùng nàng lại bị phế truất và gả cho Phụ Trần, một viên tướng bình thường.
Nàng khẽ đứng dậy, khoác lên mình chiếc áo rồi nhìn ra ngoài sân. Nắng mùa hạ thiêu đốt bầu trời. Nắng xuyên qua từng kẽ lá và rút hết hơi nước trong vườn. Nó như cái rực rỡ của thời đại này đang dày vò nàng, đang vắt kiệt tình yêu chảy trong nàng. Nàng bỗng nhớ cái nắng nhè nhẹ xa xưa. Cái nắng chỉ đủ làm mát da mát thịt và trong như tiếng cười trẻ nhỏ. Nó giống cái nắng hồi nàng cùng Hoàng thượng nô đùa cùng nhau trong ngự hoa viên. Hai đứa trẻ cứ nô chán rồi gục đầu vào nhau ngủ. Đó là một kí ức nhỏ bé, lập lòe và ngắn ngủi hạnh phúc của nàng. Cậu bé năm đó theo hầu nàng mới đúng là người nàng thương chứ không phải một ông vua uy nghi, đạo mạo như bây giờ. Một ông vua mà không bảo vệ được người vợ của mình. Một ông vua phế truất người đã hy sinh tất cả về mình để lấy về một hoàng hậu khác. Vẫn biết hoàng thượng vốn không thể hành sự theo ý riêng nhưng quả là bất công với nàng. Giờ đây nàng không khác gì thường dân là mấy dù vẫn mang danh công chúa. Nàng sống trong một ngôi nhà nhỏ. Mọi sự đều giản đơn. Không có người hầu kẻ hạ, không có những yến tiệc, những thiết triều, những thanh âm rung chuyển của chiến trận nhưng nàng thấy yên bình. Chỉ thi thoảng nhìn ra ngoài trời, thấy những đốm nắng đung đưa qua kẽ lá và chiếu xuống mặt đất, nàng lại nhói lòng nhớ nụ cười của cậu bé năm nào.
*
Có dạo nhiều người khinh tôi lắm. Họ bảo tôi là cái loại viết văn vì tiền. Với họ thì văn chương nó phải cao cả hơn. Văn chương phải trách nhiệm, ấm áp. Nhớ ngày tôi đùa câu: Kiếm bài báo làm tí bánh chưng ăn tết. Thế mà họ cạch mặt tôi. Thực ra cách nghĩ của họ phổ biến ở rất nhiều nhà văn. Họ quá tin tưởng vào lý tưởng của bản thân và không chịu nhìn nhận con người luôn biến đổi và vận động. Cũng như chẳng ai xấu hoàn toàn hay tốt hoàn hảo. Có lúc người ta viết để giãi bày, có lúc viết để cúng cụ hay kiếm tiền. Thế nhưng nhà văn lại luôn nhìn ai đó như một thể bất động. À thằng kia viết vì tiền thôi. Nó là thằng xấu xa và thối thây. Nó làm sao viết được những tác phẩm cảm thương cho số phận con người. Mà viết về tiền có gì xấu mà mấy ông đạo mạo nghe thấy là nhăn mũi, bĩu môi nhưng khi thanh toán tiền bia thì ông nào cũng buộc dây giày. Đấy, cái thối tha, giả đối của bọn văn chương là như vậy. Bản thân tôi thì thấy những kẻ viết một cách sòng phẳng vì tiền còn hơn khối kẻ đạo đức giả luôn mồm nói nhân nghĩa nhưng lúc ăn chia lại chẳng thiếu mặt bao giờ.
Nay Huy rủ tôi uống bia bàn tiếp về cái truyện ngắn của tôi. Huy nhấp ngụm bia to rồi nhăn trán bảo:
- Ông mô tả một bà hoàng giường chiếu vậy sao. Tôi nghĩ thời xưa người ta làm tình tinh tế hơn. Ông tả thô bỉ quá.
- Lúc ông ngủ với gái ông có nghĩ đến nghi lễ không? – Tôi hỏi lại.
- Thì biết là thế nhưng bạn đọc sẽ nghĩ ông là thằng dâm dục chả hạn. Tôi thấy nên kiểu viết theo mấy cái ăn khách giờ ấy. Thêm tí võ nghệ kiểu chưởng Kim Dung vào, gắn thêm tí bảo vệ dân tộc của nhà Trần vào thì sẽ an toàn cho ông hơn. Hay là đoạn cuối cho Chiêu Hoàng hiển thánh thì người ta mới mê. Kiểu giờ nó phải huyền ảo tý ông ạ. Mấy cái đấy giờ mấy ông phê bình văn học để ý lắm. Mấy giáo sư mà viết bài cho thì tha hồ nổi.
Tôi cười lớn phọt cả bia ra đằng mũi:
- Ông thấy tôi để ý mấy thằng phê bình. Toàn bọn ăn xác chết à. Ăn theo nói leo nữa.
Huy trợn mắt giảng cho tôi hiểu về vai trò của phê bình với văn học là:
- Đối với người đọc, công chúng - phê bình có chức năng là hướng dẫn, định hướng, xây dựng thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Nhà văn và công chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng có vai trò quan trọng trong sáng tạo của nhà văn; xây dựng thị hiếu công chúng văn học tích cực, lành mạnh.
Tôi cố nhắm mắt nhắm mũi thẩm mà không chịu được đành gắt:
- Thôi ông nói nữa bia nó mất ngon.
*
Nàng thích ở trần. Hình như cả đời nàng phải khoác lên người nhiều thứ trách nhiệm, đạo lý quá rồi nên nàng muốn giải thoát. Nàng muốn cởi bỏ tất cả những trói buộc. Nàng trườn bàn tay lên da thịt mình. Từng đường cong mịn như bụi cũ. Nó không còn đẹp nhưng day dứt, nhớ nhung. Nàng đã cố cởi bỏ. Nhưng dù thế nào trong thẳm sâu chưa bao giờ nàng được yên lòng cả. Đôi khi, nàng cũng ước giá mà nàng điên được. Điên để quên hết cái đau buồn của cuộc đời thất bại này. Gần đây Phụ Trần hay về nhà trong tình trạng say khướt. Chàng đã không còn nhẹ nhàng nâng niu nàng như khi nàng mới về nữa. Điều đau buồn nhất là chàng luôn xoáy vào nỗi đau của nàng, dằn vặt nàng.
- Ngươi tưởng ngươi danh giá sao. Loại hoàng hậu thất sủng. Ngươi chỉ là thứ đồ chơi vua vứt đi. Giờ ta không đá được ngươi ra đường thôi chứ ta ham hố gì loại thất tiết như nhà ngươi.
Ôi, cái bộ mặt vô sỉ này của chàng đâu có giống ngày chàng nâng niu đón ta từ tay Hoàng thượng. Khi chàng hứa sẽ bảo vệ ta suốt đời. Trong cơn say, chàng đập tan chiếc ly mà đôi ta thường dùng thưởng trà dưới trăng. Nàng biết đây là những lời gan ruột của chàng vì nó là lời của kẻ say. Chàng vò đầu nấc lên từng tiếng:
- Người có biết ta đi ra đường không dám nhìn ai. Họ xì xầm đủ điều về ta. Một cái sọt rác của nhà vua.
Nàng khẽ tiến lại Phụ Trần. Hai tay nàng ôm lấy đầu chàng rồi khẽ xoa lên mái tóc nhè nhẹ. Nàng biết sau cơn say chàng sẽ không nhớ gì nữa đâu. Thực tâm chàng cũng chỉ là một kẻ đáng thương. Cả đời chàng bán mạng cho triều đình rồi cuối cùng cũng chỉ là công cụ thời chiến loạn. Đến khi thái bình rồi thì giá trị của chàng cũng chả còn là bao. Nàng đau lòng nhưng nàng không thể vì đời tệ bạc với mình mà nàng trở nên xấu xa hay thù hận được. Nàng sẽ giữ sự lương thiện của mình cho đến phút cuối đời, giữ cho trái tim không bị giận dữ làm vẩn đục.
Nàng nhìn Phụ Trần nằm mê man trong cơn say rồi lại nhớ về Hoàng thượng. Dù là dân đen hay Hoàng thượng cũng chỉ là con cờ của thời đại này thôi. Tất cả đều thảm hại. Hoàng thượng từ một cậu bé theo hầu nàng rồi được đẩy lên đỉnh cao quyền lực. Một đời Hoàng thượng cũng chưa bao giờ được sống như ý mình. Nàng cũng từng nhìn thấy Hoàng thượng khóc nấc lên trong cơn say và cũng chính bầu ngực của nàng đã vỗ về Hoàng thượng trong những ngày tháng đau khổ ấy. Nàng lặng nhìn những đám mây đang lơ lửng trên bầu trời sao. Có nhiều lúc nàng muốn tan loãng ra như những đám mây ấy để ấp ủ bầu trời sau những cơn mưa.
*
Huy khoe tôi về các nhóm tranh luận trên facebook mà Huy cho rằng rất ý nghĩa và nâng cao được tư duy cũng như viết văn hay hơn. Tôi thì chưa bao giờ cho rằng chúng ta có thể suy nghĩ thấu đáo trên mạng xã hội nơi mà có hàng ngàn vạn những tin tức bị bóp méo, phóng đại, hay định kiến. Huy say mê bảo:
- Từ khi có mạng xã hội tư duy phản biện đều được nâng cao lên thật.
Tôi hỏi:
- Nâng cao hay hạ thấp?
Huy vẫn thái độ bút chiến một sống một chết với quan điểm của mình:
- Ông buồn cười bỏ mẹ. Sản phẩm của văn minh Tây phương mà ông không dùng thì làm sao ông nhìn ra thế giới được.
Thực ra thì Huy cũng có lý của Huy, chỉ có điều tôi thấy không hợp với tôi. Thực ra vỗn dĩ chả có gì là hay là dở, là xấu là tốt, chỉ có hợp hay không. Cái dở của Huy là mù quáng tin vào một phương Tây hoa lệ, tân tiến. Nói sao thì cả đời tôi và Huy cũng chỉ là con ếch dưới đáy giếng hàng ngày nằm nghe báo đài ca ngợi về xứ sở văn minh. Mà dẫu có đi chắc gì đã hiểu những khoảng tối của những xã hội hiện đại ấy. Tôi thì vẫn tha thiết với phương Đông của tôi, theo đuổi một kết cục cho Chiêu Hoàng của tôi.
Huy say. Mắt Huy lừ lừ nheo nheo ghèn rồi bảo:
- Cái mạch truyện của ông thì bà Chiêu Hoàng phải nhảy sông mới phải. Đau khổ thế thì sẽ dẫn đến hành động phẫn uất và tự vẫn, rồi hiển thánh. Kiểu như vậy ông bạn ạ.
- Tôi không tin vào cái logic đó. Tôi cũng không thích cái gì quá rõ ràng cho một cuộc đời bởi nó như cuộn chỉ ấy. Càng gỡ càng rối. Chắc là tôi sẽ viết:
Từng dòng tóc của nàng rơi xuống. Nàng đã ngẫm nghĩ từ lâu rồi. Cửa Phật có lẽ là nơi nàng được an ủi nhất.
- Lại là Phật. Ông có thấy nhắc đến Phật cứ bế tắc thế nào không?
Tôi đáp:
- Thì cuộc đời này vốn là bế tắc mà.
Hai thằng tôi nhìn cốc bia rồi im lặng. Thực ra cũng chẳng có giải thoát nào nhưng con người thì cần hướng thiện. Thiện mới lành.
*
Nàng đi về phía núi. Mặt hồ xanh thăm thẳm soi những bóng mây vụn vỡ. Nàng cởi hết tất cả quần áo rồi lặng lẽ tiến về phía mặt nước, ngửa mặt lên trời hít thật sâu khí núi lạnh buốt. Nỗi lạnh tê tái xâm chiếm cơ thể nàng. Nước mắt nàng chảy ra như một cơn mưa rừng. Những đám mây cứ vụn vỡ bay như những mảnh kí ức mơ hồ của đời nàng. Nàng thấy hai đứa trẻ nắm tay nhau trong vườn, thấy cảnh binh đao, chém giết, cảnh truyền ngôi rồi cảnh nàng bị phế truất. Tất cả như hiện hữu về lại trong lòng nàng. Nàng lấy tay khỏa nước vào lòng. Nước va vào ngực nàng, vào tim nàng những đợt sóng nhè nhẹ. Sóng miết lên từng nỗi đau. Gió mùa ào ào thổi về, sương bay nhè nhẹ trên những bóng cây cổ thụ đang đung đưa trên mặt nước. Nàng biến mất trong bóng lá mùa thu rực rỡ.
Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy
Nguồn Văn nghệ số 23/2023