Tôi làm quen với văn chương rồi quen thân với nhà thơ Bế Kiến Quốc ở Tòa soạn Báo Văn nghệ như một định mệnh. Ngày ấy tôi làm việc tại Tổng Công ty Muối, không dính líu gì tới văn chương cả. Thực ra ở tận trong rừng năm 1972, tôi cũng từng viết và dựng một vở kịch tham gia Hội diễn mặt trận Tây Nguyên, cũng như làm cả ca khúc, vài thứ thơ phú ba lăng quăng, chả đâu vào đâu của thằng lính tuyên văn nghiệp dư. Ngọn lửa văn phập phù leo lét ấy lại bị cuộc chiến với tư cách trực tiếp chiến đấu dập tắt trong những chiến dịch liên miên.
Năm ấy, 1985, sau khi xem một vở kịch truyền thanh, tôi rất khó chịu vì hình ảnh người lính ở trong đó không như tụi tôi ngoài mặt trận. Có như thế mà đêm ấy tôi thao tức, chiến tranh chập chờn hiện về, từng chi tiết. Trời xui đất khiến thế nào tôi bật dậy, lấy ít giấy và ngồi viết truyện ngắn đầu tay. Kể chuyện một người lính bị thương ở chiến trường vẫn từ chối lệnh ra Bắc, quyết ở lại Tây Nguyên chiến đấu trả thù cho các bác sỹ và y tá đã cưu mang anh, đã bị địch tàn sát. Người lính ấy dù rất yêu mẹ và đã thư hẹn với mẹ của anh ngày về Hà Nội. Thư gửi đi, anh lính ở lại và sau đã hy sinh.