KHOẢNG LẶNG CHO NHỮNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC MÙA XUÂN
Năm nào cũng vậy, khi những giọt mưa Xuân còn chưa kịp đắm đuối tận hiến những làn hơi ẩm ướt cuối cùng để đánh thức dậy những tràn trề căng nhức từ bên trong những cỗi cằn xơ xác; để gột rửa tinh khôi lại những bụi bặm nhọc nhằn của một năm vừa hết; để vạn ngàn cây lá bùng ra xanh mướt những lộc non, để con người trào lên say đắm những khát khao của sáng tạo và dâng hiến...; thì giữa bao hồ hởi tươi mới khát khao ấy, lại vẫn có những chuyến ra đi lặng lẽ như không muốn làm kinh động đến mùa Xuân đang náo nức ngoài kia. Như những chiếc lá đã hết mình xanh, những cánh hoa đã vắt kiệt mình mà thắm thả mình về cội đắp điếm cho đời; những nhà thơ, nhà văn sau khi đã tận hiến những truân trải, những đam mê vào trang viết để lại cho đời; lại lặng lẽ gói ghém hành trang cho một hành trình cuối cùng đi vào vĩnh cửu giữa muôn ngàn chồi non lộc biếc, để lại những khoảng trống quạnh hưu mà mãi đến một ngày, sau bao nhiêu tất tả bận rộn mới chợt nhận ra, họ đã vội vàng đi trước cả một mùa Xuân…
Nhớ lại, năm học 1972-1973, tôi đang là giáo viên dạy văn của năm thứ 3 ở trường phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch. Lúc đó trường sơ tán lên xã Quảng Lưu, cách thị trấn Ba Đồn về phía Tây Bắc gần 20km. Năm đó, nhà trường được tăng cường một lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp khá đông, với ý đồ xây dựng trường theo mô hình trường phổ thông thời chiến, na ná vừa học vừa làm. Thầy giáo dạy toán Nguyễn Hữu Thê (tên khai sinh của nhà văn Hữu Phương) nhập cuộc với bao nhiệt huyết. Anh cùng chúng tôi đi rừng để chặt gỗ, rồi gồng mình cùng lũ học trò đào hào, làm nhà hầm để tránh bom đạn Mỹ… Có những giờ lên lớp, máy bay Mỹ thét gào, săm soi mục tiêu; đêm đêm pháo từ các hạm tàu của Mỹ ngoài khơi bay viu víu qua đầu, rồi nổ ùng oàng theo các trục đường ra trận. Nhưng, dưới những lớp học nửa chìm nửa nổi trong lòng đất ấy, hoa “hai tốt” vẫn nở hồng trong năm tháng…
Nhà văn Hữu Phương (1949-2023) |
Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Mỹ buộc phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc. Trường phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch thôi áp dụng mô hình thời chiến. Hữu Phương được chuyển vào giảng dạy tại trường Sư phạm 10+3 (sau là trường Cao đẳng Sư phạm) Quảng Bình. Đất nước thống nhất, năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất, thành tỉnh Bình Trị Thiên. Hữu Phương là giáo viên toán Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Trị Thiên, Phân hiệu Đồng Hới. Khi đất nước đổi mới, từ một tác giả thơ của Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, Hữu Phương chuyển qua viết văn xuôi. Truyện ngắn đầu tiên Trăng sáng vườn dưa được viết năm 1987, nhưng mãi năm 1988 mới đăng ở Tạp chí Sông Hương. Tiếp đó, truyện ngắn Ông Điện Biên, đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1987). Từ đó, truyện ngắn của anh xuất hiện khá đều trên Báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, gây được tiếng vang, như: Chiến tranh chấm dứt từ lâu, Đêm hoa quỳnh nở, Con người thánh thiện, Ba người trên sân ga, Khách má hồng, Nước chảy chân cầu... Bút danh Hữu Phương được ghép từ chữ lót trong tên riêng, với chữ cuối của Hợp tác xã Đại Phương quê anh.
Năm 1991, sau khi đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1989-1990), và in một số truyện ngắn có tiếng vang trên báo Văn nghệ, anh xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên mang tên Con người thánh thiện. Với tập truyện này, bạn đọc và giới phê bình văn học xác nhận chỗ đứng của một tác giả đầy nội lực trên văn đàn. Đến nỗi, nhà thơ Xuân Hoàng, một lãnh đạo kỳ cựu của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, đã đánh giá trong một bài viết rằng, sự xuất hiện của Hữu Phương là đột ngột và xuất sắc. Điều này đã lọt con mắt xanh của Tổ chức Tỉnh ủy. Và tại Đại hội lần thứ VI Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình (1993-1998), Hữu Phương được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Hội. Từ đây, anh bước hẳn vào con đường sáng tác chuyên nghiệp… Đến Đại hội lần thứ VII (1998-2003) và lần thứ VIII (2003-2009), Hữu Phương được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Công việc lãnh đạo một hội văn nghệ đia phương rất vất vả, nhưng Hữu Phương vẫn tỏ rõ một cây bút đầy nội lực. Bên cạnh bốn tập truyện ngắn tiếp theo, anh cho ra đời tiểu thuyết Chân trời mùa hạ xấp xỉ 600 trang in, đoạt giải nhì cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III (2006-2010). Tiểu thuyết này sau đó cũng đã đoạt Cúp của Bộ NN&PTNT cho tác phẩm xuất sắc về đề tài Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam giai đoạn (1983-2011).
Đầu năm 2010, sau khi nghỉ hưu, giải thoát khỏi công việc nhà nước, nhà văn Hữu Phương chính thức bước vào một cuộc chạy tiếp sức mới. Trong vòng 3 năm, ngoài các truyện ngắn in đều trên các báo, anh xuất bản hai đầu sách mới: Văn nghệ dân gian vùng sông Dinh vùng quê hương anh, và tập truyện ngắn Anh bộ đội và cô gái mặc quân phục xanh. Nhưng quan trọng hơn, anh đã “bỏ túi” bản thảo tiểu thuyết Xe chạy lúc nửa đêm gần 400 trang chưa muốn in, và bản thảo công trình Lịch sử Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình trên 400 trang. Tiếp đó anh lại hoàn thành tiếp tiểu thuyết Súng nổ bến Thiên Đường... trước sự thán phục của mọi người...
Thế nhưng công việc còn đang dang dở, và sức sáng tạo còn đan tràn trề, thì 7 giờ 15 phút ngày 03/02/2023, Nhà văn Hữu Phương đã đi vào cõi vĩnh hằng, sau hơn một năm điều trị K. Anh ra đi đã để lại một kho tàng sáng tác rất giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội. Bạn bè, đồng chí luôn nhớ mãi anh. Chúc anh mau siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.
Hồ Ngọc Diệp
Nguồn Văn nghệ số 7/2023