Multimedia

Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng

Đọc truyện
07:54 | 28/06/2023
Lê Sơn theo viên thái giám bước vào gian phòng tĩnh mịch, bài trí xa hoa, ánh nến chập chờn. Thần phi Nguyễn Thị Anh
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Lê Sơn theo viên thái giám bước vào gian phòng tĩnh mịch, bài trí xa hoa, ánh nến chập chờn. Thần phi Nguyễn Thị Anh ngồi trên ghế dát vàng, khoác áo choàng gấm đỏ thêu hoa lộng lẫy, gương mặt nghiêm nghị. Thấy Thần phi, Lê Sơn định hành lễ, nàng ngăn lại:

- Chàng không cần phải thế.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Thần phi ra hiệu viên thái giám ra ngoài. Cửa phòng khép lại. Lê Sơn băn khoăn: “Không biết đêm hôm khuya khoắt, Thần phi triệu mình đến đây làm gì? Chắc có chuyện quan trọng”. Trông Lê Sơn đĩnh đạc, hiên ngang, Nguyễn Thị Anh hết sức hài lòng. Nàng trầm ngâm một chốc rồi nói:

- Ta báo tin này. Chàng phải giữ kín. Nếu lộ ra, sẽ mang họa sát thân đấy.

Lê Sơn hồi hộp chờ nghe. Nguyễn Thị Anh nói tiếp:

- Hoàng tử Lê Bang Cơ là nhi tử của chàng.

Lời Thần phi làm Lê Sơn sững sờ, lắp bắp:

- Bang Cơ… là… nhi tử… của tôi?

Thần phi đáp:

- Đúng vậy. Ngày trước, nhập cung chưa được bao lâu, ta nhận ra đã có mang với chàng. Giữa bốn bề xa lạ, ta không dám hé môi. Đến nay, bí mật này không một ai biết.

Cố nén xúc động, Lê Sơn hỏi:

- Thần phi nói với tôi chuyện này để làm gì?

Nàng không giấu giếm:

- Nhi tử chàng tuy được phong Thái tử, nhưng phải đối mặt với lắm hiểm nguy, rất cần sự giúp đỡ của chàng.

Lê Sơn băn khoăn:

- Tôi làm được gì?

Thần phi nhỏ nhẹ:

- Chỉ cần chàng ưng thuận. Việc cụ thể thế nào, ta sẽ báo cho chàng sau.

Hơn ai hết, Thần phi hiểu rõ việc tranh giành ngôi thiên tử trong cung đình khốc liệt biết chừng nào. Hiện nàng được vua sủng ái. Song điều đó kéo dài được bao lâu? Lê Thái Tông còn quá trẻ. Sẽ có thêm nhiều mỹ nhân như hoa như ngọc tiến cung. Nếu một ngày nào đó, nàng bị thất sủng, tai họa nào sẽ đến. Làm sao lường hết mọi bất trắc. Đêm dài lắm mộng. Cần phải liệu tính ngay từ bây giờ. Thần phi đã ấp ủ một mưu đồ và cân nhắc kĩ khi chọn Lê Sơn thực hiện. Nàng biết rõ Lê Sơn là người hầu cận thân tín của quan Hành khiển Nguyễn Trãi, một tay kiếm tuyệt luân, khí phách ngang tàng. Chàng lại là người nặng tình với nàng nên rất đáng tin cậy. Chàng sẽ không bỏ mặc mẫu tử nàng. Quả nhiên, Lê Sơn đắn đo một lúc rồi gật đầu. Gương mặt Nguyễn Thị Anh giãn ra…

*

Rời kinh, Lê Sơn cưỡi tuấn mã phi nước đại về Côn Sơn. Đêm ấy, chàng ra vọng lâu ngồi uống rượu một mình. Bình rượu trên bàn đã vơi. Men nồng chuếnh choáng. Đã qua giờ tý rồi thì phải. Mặc kệ. Chàng thẫn thờ nhìn ánh trăng thượng tuần phủ một lớp sáng bạc khắp hoa viên. Những đóa hoa nhờn nhợt một màu trắng tẻ lạnh, đơn điệu. Lê Sơn chưa hết bàng hoàng vì cuộc gặp gỡ vừa rồi với Nguyễn Thị Anh. Mấy năm cách biệt, thương nhớ không nguôi, đêm ngày tơ tưởng. Giờ tái ngộ, lòng trào dâng cảm xúc bồi hồi xao xuyến. Vẫn nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, vóc dáng yểu điệu thanh tao, ánh mắt mê hồn như thuở trước. Thuở đắm say, quấn quýt yêu thương, môi má cận kề ở nơi chôn nhau cắt rốn, làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, phủ Thanh Hóa. Nhưng Nguyễn Thị Anh không còn là thiếu nữ thơ ngây, mơ mộng thuở cùng chàng thề non hẹn bể. Mà là một Thần phi quyền uy tột bậc. Tiếng gió nhẹ xào xạc qua các khóm lá và tiếng ve mùa hạ rỉ rả như cứa vào nỗi đau đang âm ỉ, tê buốt. Lê Sơn không bao giờ quên được cái ngày định mệnh ấy. Con tạo đã nhẫn tâm xui khiến Lê Thái Tông về thăm quê cha đất tổ ở phủ Thanh Hóa. Vua mở yến tiệc thết đãi quan lại thân hào nhân sĩ địa phương. Phụ thân Nguyễn Thị Anh được mời dự. Nàng được cha yêu chiều nên dẫn theo. Nào ngờ, trong tiệc, vừa thấy nàng, vua đã mê mẩn và ra ngay khẩu dụ đưa nàng về kinh. Lê Sơn bất lực nghẹn ngào nhìn kiệu hoa đưa Nguyễn Thị Anh về nơi lầu son gác tía… Lại thêm chuyện mới đây làm Lê Sơn thêm nhức nhối. Nhi tử của chàng là Thái tử ở cung vàng điện ngọc muôn trùng cách bức. Tới bao giờ chàng mới được ôm ấp hình hài máu thịt yêu thương, được nghe gọi một tiếng cha thâm tình ấm áp. Còn gì xót xa hơn thế nữa! Chính hắn! Tên vua ngồi trên ngôi cao chín bệ đã cướp đi những người thân yêu nhất của chàng. Càng nghĩ, Lê Sơn càng phẫn uất, căm hờn như ngọn lửa ngùn ngụt thiêu đốt tâm can. Nhưng chàng cố kìm nén. Vì vẫn còn một chút tỉnh táo để nhận ra, nếu hành động nông nổi vượt qua giới hạn, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.

- Chuyện gì khiến con âu sầu vậy?

Một giọng nói trầm ấm quen thuộc. Đó là Nguyễn Trãi. Lê Sơn đứng dậy, vòng tay cung kính:

- Thưa ân sư, chỉ là một chút tình riêng thôi ạ.

Nguyễn Trãi khuyên bảo:

- Làm trai phải có chí lớn, đem tài thao lược phò vua giúp nước. Có vậy mới xứng với thân phụ con một đời tận trung báo quốc. Không nên vì những chuyện vụn vặt mà bi lụy. Công việc bệ hạ giao cho ta ở Hải Dương cũng đã giải quyết xong. Ít hôm nữa ta về triều phụng mệnh. Con cùng đi với ta một thể.

Nguyễn Trãi trò chuyện với Lê Sơn một lúc rồi quay người rời đi. Lê Sơn bần thần nhìn theo bóng ân sư. Chàng không nói ra uẩn khúc trong lòng. Hơn ai hết, chàng biết Nguyễn Trãi luôn giữ đạo quân thần, tận tâm tận lực với triều đình. Nếu ân sư biết ý nghĩ trong đầu chàng, chuyện gì sẽ xảy ra. Nhẹ nhất là trách phạt, nặng hơn nữa là xử tội theo luật vua phép nước. Chàng không muốn phiền lụy tới ân sư. Trước kia, thân phụ chàng với Nguyễn Trãi tham gia chống giặc Minh dưới cờ nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi. Ở căn cứ địa Lam Sơn, mỗi khi rỗi rảnh, ân sư cùng thân phụ uống rượu, thưởng trà, luận bàn thế sự rất tương đắc. Cả hai trở thành tri kỉ. Thân phụ chàng hi sinh trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, mẹ chàng trước đó cũng đã qua đời vì bạo bệnh. Lê Sơn được Nguyễn Trãi cưu mang bảo bọc, dạy kinh sách, âm nhạc. Riêng võ nghệ, Nguyễn Trãi cho chàng theo học ở một võ sư nổi tiếng trong vùng. Lê Sơn thông minh đỉnh ngộ, học một biết mười, đến tuổi trưởng thành chàng trở thành một trang tuấn kiệt, kiếm pháp đạt đến mức tinh diệu. Đặc biệt thân pháp chàng hết sức nhanh nhẹn, đường gươm bén ngọt như chớp giật khiến đối thủ không biết đâu mà tránh. Không ít kẻ thảm bại dưới tay chàng. Những người theo nghiệp võ gọi chàng một cách thán phục là “Tàn ảnh kiếm”. Lê Sơn luôn tự nhủ, công ơn của ân sư đối với chàng sâu nặng như trời biển và nguyện tìm cách báo đáp. Nhưng chưa làm được gì đã xảy ra tình cảnh khó xử này. Biết phải làm sao đây?

*

Thần phi sai người tìm Lê Sơn. Thấy tín vật của nàng, chàng liền theo người ấy. Lê Sơn bước vào căn phòng ở hậu viện một ngôi chùa ven kinh thành. Thần phi đứng quay lưng về phía cửa. Nghe tiếng động, nàng chậm rãi quay lại, thấy Lê Sơn, liền nói ngay:

- Thời cơ đến rồi.

Nguyễn Thị Anh bước lại gần Lê Sơn. Mùi hương quyến rũ từ tấm thân ngà ngọc khiến tim chàng nhảy múa loạn xạ. Cảm giác mê đắm ngày nào trỗi dậy làm ngây ngất cả người. Chàng muốn vòng tay ôm chầm lấy nàng mặc cho hậu quả thế nào cũng được. Nhưng bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo của Nguyễn Thị Anh, cảm xúc bộc phát mãnh liệt nhất thời bỗng tan biến mất. Nguyễn Thị Anh lấy ra một tờ giấy đưa cho Lê Sơn. Thì thào mấy lời bên tai như gió thoảng:

- Chàng xem kĩ những gì viết trong đó.

Đọc xong, gương mặt Lê Sơn biến sắc. Cầm tờ giấy chàng trả, Thần phi liền đốt ngay. Phải một lúc sau, Lê Sơn mới trấn tĩnh lại. Bởi nhiệm vụ hết sức khó khăn, chỉ một chút sơ suất là mất mạng. Nhưng chàng sẵn sàng đương đầu. Vì nỗi ấm ức, oán hờn chồng chất bấy lâu nay với Lê Thái Tông. Vì bảo vệ nhi tử. Và vì người đàn bà chàng ngày nhớ đêm thương, không cách nào quên được trong đời. Thấy Lê Sơn vẫn im lặng. Thần phi thăm dò:

- Ý chàng thế nào?

Giọng Lê Sơn rắn rỏi:

- Tôi sẽ cố lo chu toàn.

Nguyễn Thị Anh âu yếm nhìn Lê Sơn:

- Chỉ có vậy, trời quang mây tạnh, nhi tử chàng mới được yên vị trên ngôi cửu ngũ. Mong chàng mã đáo thành công.

Lê Sơn cáo từ. Bóng chàng mất hút trong bóng tối mịt mùng. Thần phi ngậm ngùi nhìn theo, chạnh lòng nhớ tiếc. Đây không phải là lần đầu tiên nàng có tâm trạng ấy. Trong cung cấm, nhiều đêm phòng không vắng vẻ, nằm một mình trên nệm ấm chăn êm, lệ trào ước má. Kỉ niệm xưa hiện về rung động cả người. Nàng nhớ những chiều thơ mộng, trên bờ sông quê thân thuộc, ngồi tựa vào nhau nhìn dòng nước êm đềm lững lờ trôi, cùng thêu dệt bao hoa mộng. Nhớ giây phút ái ân nồng cháy ngất ngây. Nhớ lúc chia li chết cả cõi lòng… Thật tình, những ngày tháng sống bên cạnh Lê Sơn là khoảng thời gian đẹp nhất đời nàng, không bao giờ quên được… Tâm tư Thần phi bỗng xao động. Bất giác, nàng cất tiếng thở dài…

*

Nguyễn Trãi phò vua tuần du miền Đông và duyệt binh ở thành Chí Linh. Lê Sơn có mặt trong đoàn tùy tùng. Đây là cơ hội hành thích nhà vua như Thần phi đã định liệu. Nhưng không dễ thực hiện. Bởi đội quân cấm vệ tinh nhuệ ngày đêm túc trực bảo vệ vua cẩn mật, không một chút sơ suất. Lê Sơn lân la làm quen với các tướng lĩnh chỉ huy đội quân ấy. Vì chàng là người hầu cận quan Hành khiển nên họ dễ dàng chấp nhận. Suốt cuộc hành trình, hễ rảnh rỗi là cùng nhau chén tạc chén thù. Dần dần trở nên thân tình, coi nhau như huynh đệ. Chuyến tuần du và cuộc duyệt binh kết thúc. Lê Thái Tông rất hài lòng. Khắp nơi quốc thái dân an, binh nghiêm tướng giỏi, thế nước vững vàng đúng như mong muốn. Vua thầm nghĩ: “Ta sẽ xứng đáng với sự tin cậy của phụ hoàng khi được chọn lên kế vị. Nhất định dải giang sơn gấm vóc mà người đã hao tổn tâm sức, khó nhọc gầy dựng để lại cho ta phải trở nên phồn thịnh, tươi đẹp hơn”. Niềm hân hoan ấy theo vua trên đường về kinh. Nhà vua ghé thăm và nghỉ đêm ở trang viên Lệ Chi của Nguyễn Trãi. Cùng tháp tùng xa giá vua còn có Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người thiếp yêu của quan Hành khiển. Lễ nghi học sĩ bội phần xinh đẹp, lại học rộng hiểu nhiều, giỏi thi phú nên vua rất yêu mến. Đêm hôm đó, trong thư phòng, Lê Thái Tông nhấp chén quỳnh tương, vui vẻ đàm đạo với Nguyễn Thị Lộ. Lời ngọc ngà êm ái của Lễ nghi học sĩ như rót mật vào tai làm vua hết sức sảng khoái. Thời khắc qua mau. Xem chừng đã khuya. Lê Thái Tông cũng có phần ngà ngà say. Nguyễn Thị Lộ thưa:

- Tâu bệ hạ, đã đến lúc người đi nghỉ rồi. Bệ hạ cần giữ gìn long thể. Mai còn phải đăng trình.

Lê Thái Tông gật đầu, đứng dậy đi về buồng riêng đã chuẩn bị sẵn. Nhưng chân bước không vững. Nguyễn Thị Lộ phải khó nhọc dìu vua. Lúc này, gần tới thời điểm đổi ca trực, mấy người lính cấm vệ canh gác từ chiều đã mỏi mệt, gật gà gật gù. Đúng như đã toan tính, Lê Sơn lẻn tới thư phòng vua khá dễ dàng. Lê Sơn mở cửa sổ nhảy vào. Không một tiếng động. Chàng bước êm như ru, tới gần quan Lễ nghi học sĩ, nhanh như cắt dùng chiếc khăn tẩm thuốc mê áp vào mặt. Nguyễn Thị Lộ đổ vật ra sàn, mê man. Lê Thái Tông kinh hãi luống cuống chưa kịp phản ứng đã bị đạp ngã dúi bên cạnh Nguyễn Thị Lộ. Không chần chừ, Lê Sơn ra tay dứt khoát. Xong việc, chàng biến mất trong đêm.

*

Vua Lê Thái Tông băng hà, Hoàng thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Lê Nhân Tông. Lúc này, Lê Bang Cơ mới được hai tuổi. Tháng hai năm Quý Hợi (1443), triều thần mang kim sách dâng tôn hiệu Tuyên Từ Hoàng thái hậu cho Nguyễn Thị Anh rồi dâng biểu mời Hoàng thái hậu buông rèm nhiếp chính. Phải năm lần bảy lượt Hoàng thái hậu mới chấp thuận. Vào tiết cuối xuân, lúc giữa trưa, Nguyễn Thị Anh đứng trầm ngâm trên vọng lâu thành Đông Quan nhìn cảnh vật xanh tươi phơi phới trải dài đến tận chân trời. Mắt lộ vẻ ưu tư. Tuy nắm uy quyền tột đỉnh nhưng chưa lúc nào được thư thái. Lòng bề bộn bao mối lo. Tuyên Từ ngoảnh về phương Bắc. Tin báo về, ở nơi biên ải xa xăm đó, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân ngấm ngầm nuôi dưỡng thuộc hạ, ấp ủ mưu đồ dòm ngó hoàng vị. Vẫn còn kia Tân Bình Vương Lê Khắc Xương. Trông bề ngoài im ỉm như thế, chắc gì bên trong lại cam chịu an phận mà không có toan tính gì. Nhưng đáng sợ nhất là Hoàng tử Lê Tư Thành, con của Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Tuy còn nhỏ nhưng Lê Tư Thành đã lộ rõ khí chất phi phàm, thần sắc ngời ngời, rạng rỡ, thông tuệ khác thường, dung mạo anh tuấn, nhân hậu. Tuyên Từ lo lắng Lê Tư Thành sẽ là mối đe dọa ngôi thiên tử của Bang Cơ. Lúc Lê Thái Tông chưa băng hà, Tuyên Từ mấy lần lập mưu trừ diệt nhưng bị thất bại vì Lê Tư Thành được Nguyễn Trãi bảo bọc, che chở. Quan Hành khiển đang được nhà vua ưu ái tin dùng nên không dễ gì đối phó. Cũng từ đó, Tuyên Từ ngấm ngầm sinh lòng thù oán Nguyễn Trãi. Mối hận ấy càng lúc càng sâu. Nhân vụ việc xảy ra ở Lệ Chi Viên, Tuyên Từ và những bề tôi trung thành liền khép Nguyễn Trãi tội thí vua và kết án tru di tam tộc. Tưởng rằng như thế, vừa nhổ cái gai trước mắt, vừa răn đe những kẻ có tâm địa chống đối. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Sự bất mãn trong một số đại thần càng tăng. Vì họ không tin được một trung thần tiết tháo như quan Hành khiển lại làm cái việc đại nghịch vô đạo. Họ đã bí mật điều tra những khuất tất che giấu phía sau. Tuyên Từ chưa thể làm gì được họ bởi vua mới lên ngôi, thế lực chưa đủ mạnh, không thể hành động võ đoán. Điều phải làm lúc này là xoa dịu lòng người, chờ thời cơ chín muồi hẵng ra tay cũng chưa muộn. Tuy biết vậy, lòng vẫn bứt rứt, không yên.

Viên thái giám trung thành đứng sau nãy giờ lên tiếng:

- Bẩm Hoàng thái hậu, Lê Sơn còn đó thì người chưa thể kê gối ngủ ngon được. Xin người sớm hạ lệnh.

Thật ra, Nguyễn Thị Anh vẫn không nỡ. Làm sao có thể xuống tay với Lê Sơn? Nhưng không còn cách nào khác. Lê Sơn đã bị nghi ngờ. Chàng hiện diện tại hiện trường trong đêm xảy ra vụ án. Có người đã nhận ra mối quan hệ khi xưa giữa chàng với mình lúc còn ở làng Bố Vệ. Chuyện bại lộ thì hậu quả khủng khiếp biết chừng nào. Sẽ mất tất cả những gì đã tốn hao bao nhiêu tâm huyết, công sức mới có được. Không vì một chút tình riêng làm hỏng việc lớn. Mối nguy hiểm mỗi lúc một đến gần. Tình thế đến mức chẳng đặng đừng. Cần phải quyết đoán thôi. Nhưng không khỏi bùi ngùi: “Ta đành có lỗi với chàng. Mong chàng hiểu và tha thứ cho ta”. Nguyễn Thị Anh lạnh lùng nói:

- Hành động đi!

Viên thái giám cung kính:

- Thần lĩnh chỉ.

*

Ngồi trên mỏm đá nhô ra giữa lưng chừng núi, Lê Sơn lặng nhìn ráng chiều đỏ rực phía chân trời, những áng mây trắng nhạt dần trong bóng hoàng hôn, cảnh vật nhuốm màu tê tái. Xa xa vọng lại tiếng chuông chùa não nùng, ai oán, tiếc thương. Từ lúc xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, ân sư và gia quyến bị hành hình thảm khốc, chiều chiều, Lê Sơn ra ngồi ở đây với tâm trạng u hoài. Chàng dõi mắt trông về những thôn xóm xa mờ chập chờn ẩn hiện trong cái màu xanh sẫm mênh mông của cảnh vật như cố tìm kiếm cái nơi từng gắn bó, thân thiết máu thịt với bao kỉ niệm êm đềm. Nơi đó có những người thân thiết nhất của cuộc đời chàng. Nơi đó có mái ấm gia đình thứ hai của chàng từ lúc rời quê hương bản quán ra đi. Thế rồi, tất cả đã biến mất sau một trận gió tanh mưa máu. Cảnh pháp trường tàn khốc lại hiện ra. Hình ảnh ân sư và bao nhiêu người vô tội bị hành quyết, tiếng đao chém khô khốc lạnh lùng, tiếng gào khóc xé ruột xé gan, máu oan hờn nhuộm đỏ mặt đất. Chính chàng đã gây ra thảm cảnh đau lòng ấy. Nỗi xót xa, ân hận trào dâng đau buốt cả người. Càng oán giận Nguyễn Thị Anh bao nhiêu, Lê Sơn càng tự trách mình bấy nhiêu. Thật chua chát làm sao! Từng tự hào là đấng trượng phu hiên ngang giữa trời, mà lại thấp mưu thua trí đàn bà, bị cuốn vào cuộc tranh chấp quyền lực chốn cung đình, trở thành tội nhân thiên cổ.

Giữa lúc đắm chìm trong nỗi đau cùng cực, bỗng Lê Sơn nghe có tiếng động phía sau. Chàng quay phắt lại. Một nhóm người đông đảo đằng đằng sát khí, tay lăm lăm gươm giáo. Nhìn sắc phục, Lê Sơn biết ngay chúng là quân cấm vệ. Tên cầm đầu hỏi:

- Mày là Lê Sơn?

Không chút lo sợ, chàng đáp:

- Phải, các ông muốn gì?

Tên đó trừng mắt quát:

- Giết mày!

Lê Sơn căm phẫn mắng:

- Bọn cẩu trệ lớn mật! Ai sai khiến chúng mày?

- Xuống âm phủ mà hỏi!

Không nghi ngờ gì nữa, đây là thủ đoạn giết người diệt khẩu. Lê Sơn phừng phừng lửa giận, rút phăng kiếm ra quyết một trận sống mái. Đám quân cấm vệ hung hăng nhao nhao xông tới bao vây Lê Sơn. Chàng chống trả kịch liệt. Tiếng đao kiếm va chạm vào nhau. Đường gươm Lê Sơn loang loáng ánh bạc như vũ điệu thần chết. Nhiều tiếng hét thất thanh vang lên. Bóng người xô nhau đổ xuống. Cuộc giao chiến kéo dài tới khi bóng tối bao trùm mới dứt hẳn…

*

Tảng sáng hôm ấy, Lê Sơn lảo đảo bước vào Lệ Chi Viên. Nhờ thân thủ nhanh nhẹn của một “Tàn ảnh kiếm” và đêm đen dày đặc, chàng thoát được vòng vây của đám quân cấm vệ. Nhưng đã bị trọng thương. Máu khô đen thẫm loang lổ trên vạt áo. Trên đường về đây, mấy lần tưởng chừng đã gục ngã, nhưng Lê Sơn vẫn gắng gượng, cố lê chút sức tàn tới tảng đá mé bên phải trang viên, ngồi phịch xuống đất. Tựa người vào tảng đá, chàng nhìn cảnh vật xơ xác tiêu điều. Bốn bề vắng lặng. Chỉ có những chùm vải đầu mùa chín mọng trĩu cành dưới nắng hồng ban mai. Những nhành vải như muôn ngàn cánh tay xương xẩu đung đưa trước gió. Màu đỏ từ những chùm vải nhuộm thắm cả bầu trời. Giữa sắc đỏ kì ảo ấy, chợt hiện ra quầng sáng lung linh. Một bóng người như ẩn như hiện, mỗi lúc một rõ dần trong quầng sáng ấy. Vừa trông thấy người đó, Lê Sơn xúc động kêu lên:

- Ân sư!

Nguyễn Trãi dịu dàng nhìn người học trò đang bị dày vò trong tột cùng khổ đau. Chòm râu bạc im phăng phắc. Lê Sơn nghẹn ngào:

- Học trò bất nghĩa làm hại ân sư. Dù chết vạn lần cũng không gột rửa được tội lỗi tày trời này, làm sao có thể gặp người nơi suối vàng đây?

Lê Sơn cúi gằm mặt xuống. Bờ vai run lên bần bật. Nguyễn Trãi nhếch một nụ cười khinh bạc. Ông khẽ lắc đầu rồi quay lưng. Bóng mờ dần rồi biến mất. Đột nhiên màu đỏ của cảnh vật lay động, vỡ ra, kết lại thành muôn ngàn chấm tròn như những giọt máu lơ lửng giữa tầng không. Những giọt máu bất thần rơi xuống, từng giọt, từng giọt, mỗi lúc một nhiều, tan vào đá, thấm vào đất, rơi mãi… rơi mãi…

Đội quân cấm vệ truy sát Lê Sơn bước vào cổng Lệ Chi Viên. Họ đã tìm thấy chàng. Nhưng Lê Sơn đã chết từ lúc nào. Mắt chàng vẫn mở như đang cố nhìn một thứ gì đó. Điều kì lạ là trong đôi mắt ấy có hai vệt đỏ như màu của những trái vải đương chín trên cành, phơi phới, thắm tươi.

Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng

Nguồn Văn nghệ số 24/2023


Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.