Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18/10 tại Thủ đô Hà Nội
Đại hội có gần 1.400 đại biểu, trong đó có 1.052 đại biểu chính thức. Đại biểu trẻ tuổi nhất là 20 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 95 tuổi. Đại hội có 324 đại biểu là nữ (tỷ lệ 30,7%); 492 đại biểu là người ngoài Đảng (tỷ lệ 46,7%); 267 đại biểu là dân tộc thiểu số (tỷ lệ 25,3%); 198 đại biểu tôn giáo (tỷ lệ 18,8%); 20 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài (tỷ lệ 1,9%); 152 đại biểu đến từ các doanh nghiệp (tỷ lệ 14,4%); 271 đại biểu là cán bộ mặt trận chuyên trách (tỷ lệ 25,7%). Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X là sự kiện chính trị quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt, thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, khơi dậy khát vọng, dựng xây đất nước phồn vinh, hạnh phúc. |
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, rút ra những bài học thực tiễn, thống nhất phương hướng nhiệm vụ và các chương trình hành động nhiệm kỳ 2024-2029. Đại hội cũng sẽ hiệp thương cử Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X với số lượng, cơ cấu hợp lý, tỷ lệ mở rộng phù hợp, bảo đảm tính đại diện, tính thiết thực, tính tiêu biểu về lòng yêu nước, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, uy tín...
Dự kiến, Đại hội triển khai 6 chương trình hành động, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua; Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu vực Triển lãm ảnh. Ảnh: Quang Vinh |
Văn nghệ điện tử xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết:
- Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX.
"...Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và tiếp tục phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; lập thành tích hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về tình hình chung của đất nước và công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ Đại hội IX của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động, phức tạp, khó lường, cạnh tranh nước lớn gay gắt, xung đột Nga - Ukraine, đại dịch COVID-19 bùng phát, gây hậu quả nặng nề, nhưng với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, hòa quyện với niềm tin, sức mạnh của lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, để đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Chúng ta chung sức, đồng lòng khống chế thành công đại dịch COVID-19; quyết liệt triển khai nhiều giải pháp chưa có tiền lệ, phục hồi, phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.
Cùng với việc lãnh đạo đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, Đảng và cả hệ thống chính trị tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác Mặt trận. Bộ Chính trị đã quyết định nâng tầm Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trực thuộc Ban Bí thư lên trực thuộc Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy vai trò, sứ mệnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đặt lên một tầm mức mới, trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, để ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, "Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".
Giáo sư, Tiến sĩ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xuất bản cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc", qua đó thể hiện nhất quán, xuyên suốt chủ trương của Đảng về vai trò của nhân dân, về thực hành dân chủ, dựa vào dân để xây dựng Đảng và Nhà nước; về truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế tục sự nghiệp vẻ vang của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định: "Đặc biệt coi trọng và không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân", "Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...".
Những vấn đề có tính chiến lược nêu trên là cơ sở chính trị rất quan trọng để Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ này xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá khả thi nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lên một tầm cao mới, tiếp tục góp phần xứng đáng vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024
Năm năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo, song hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nỗ lực thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh đặt ra trong thực tế.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên luôn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền và hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tham mưu với Đảng ban hành nhiều chủ trương, đường lối về đại đoàn kết toàn dân tộc, về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Những kết quả đó được thể hiện thông qua việc triển khai hiệu quả 5 chương trình hành động do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định:
Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết thực và các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển; đa dạng hóa các hình thức hoạt động, sâu sát hơn với cơ sở. Hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng nền nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng...
Thứ hai, với phương châm "lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân", trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy tinh thần thi đua, lao động sáng tạo và sự chung sức của cả cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, ngày càng trở thành cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, sâu rộng trong cộng đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Hưởng ứng phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã cùng các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Việc tổ chức triển khai Đề án vận động làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên là hoạt động tiêu biểu, nổi bật trong việc đổi mới phương thức triển khai hoạt động hỗ trợ người nghèo, an sinh xã hội; thể hiện vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chỉ sau 9 tháng từ ngày phát động, với sự chung tay của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Đề án đã hoàn thành 5.000 căn nhà cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, 500 căn nhà cho hộ nghèo của các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái.
Tiếp nối kết quả đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025...
Với phương châm tiếp tục huy động nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, ngày 5/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi".
Trước những thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 3 mang tên Yagi gây ra, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.
Đến nay, thông qua tài khoản tiếp nhận của Ban Vận động cứu trợ Trung ương, đã tiếp nhận số tiền ủng hộ lên tới trên hai nghìn tỷ đồng. Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo kịp thời việc sao kê, công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Thứ ba, nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đã tiến hành đầy đủ, chặt chẽ các bước theo quy trình hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt, trong điều kiện cách ly phòng, chống dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động được 99,6% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu. Đây là cuộc bầu cử có số lượng cử tri lớn nhất từ trước đến nay với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu.
Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thực hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là "cầu nối" quan trọng của Đảng, chính quyền với nhân dân.
Thứ tư, hoạt động đối ngoại nhân dân có nhiều kết quả tích cực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, hòa bình, bảo vệ, giữ gìn đường biên, mốc giới và hỗ trợ lẫn nhau trong xóa đói, giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thứ năm, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, góp phần thuận lợi để Mặt trận triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là trong triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Việc phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đổi mới, thể hiện rõ hơn vai trò chủ trì, tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và phát huy đặc thù, thế mạnh của các tổ chức...
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, sẽ tác động đến tình hình nước ta; thuận lợi đan xen với khó khăn, có mặt khó khăn nhiều hơn thuận lợi, có thể sẽ xuất hiện một số yếu tố bất lợi, tác động đến tâm tư, tình cảm, tâm trạng các giai cấp, giai tầng xã hội; đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phát huy ưu điểm, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, tồn tại, xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy mạnh mẽ niềm tin, khát vọng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả toàn diện, to lớn hơn nữa.
Để đạt được mục tiêu đó, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tập trung triển khai thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023 "Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc". Triển khai đồng bộ, hiệu quả 7 nhóm giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tập hợp rộng rãi các giai cấp, giai tầng xã hội, tăng cường đoàn kết, đồng thuận trở thành sức mạnh nội sinh, quyết tâm: Đã nói là làm, đã bàn là thông, đã quyết tất cả một lòng.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám cơ sở, bám sát cuộc sống của nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn của địa phương. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ba là, thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thật tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Huy động các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết tham gia các hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Kịp thời kiến nghị với các cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Nâng cao thực chất các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tích cực, sáng tạo triển khai thực hiện thật tốt Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và nội dung chương trình hành động thứ tư: "Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc", làm sao để nhân dân ủng hộ việc tốt, phê phán việc xấu, xây dựng từng khu dân cư bình yên, là cơ sở quan trọng để địa phương ổn định và phát triển.
Bốn là, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X đề ra thì cán bộ là nhân tố quyết định. Do vậy, nhiệm kỳ này, chúng ta phải cùng nhau đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận từ Trung ương đến cơ sở.
Năm là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải làm "cầu nối" vững chắc để giữ vững mối quan hệ "máu thịt" giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giữ vững sự đoàn kết của các thành phần, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; đoàn kết đồng bào dân tộc đa số với đồng bào dân tộc thiểu số, giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo, giữa đồng bào ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài… Khơi dậy mạnh mẽ niềm tin, khát vọng cống hiến, sức sáng tạo của mọi người dân, nỗ lực cao nhất phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sắp tới là Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng.
Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức; lấy mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; chung lo vận mệnh của đất nước, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), hoàn thành các mục tiêu chiến lược hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với tinh thần đó, toàn Đảng, toàn dân tộc cần tiếp tục khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
Về Đề án nhân sự Khóa X sẽ được đại hội thảo luận và thông qua, dự kiến số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X là là 405 người (tăng 20 người so với khóa IX), trong đó tái cử là 249 người (tỷ lệ 61,5%), mới là 156 người (tỷ lệ 38,5%). Dự kiến số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X là 72 người (tăng 10 người so với khóa IX); trong đó tái cử là 49 người (tỷ lệ 68,1%), mới là 23 người (tỷ lệ 31,9%). Số lượng thành viên Ban Thường trực là 6 người (bằng khóa IX), số lượng Phó Chủ tịch không chuyên trách là 8 người (tăng 2 người so với khóa IX)./. |
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: