Liệu có nói quá không khi tôi suy nghĩ, chúng ta đang bị hủy hoại khi lòng tin và đạo đức bị xói mòn. Khi từng ngụm nước, từng miếng ăn đều ẩn chứa hiểm họa, thì nỗi sợ lớn nhất chính là sự phản bội vô hình giữa người với người. Một dân tộc không thể lớn mạnh khi từng hạt gạo, từng miếng thịt, từng giọt sữa đều nhuốm màu tội lỗi.
![]() |
Công an đột kích xưởng sản xuất ở Phú Thọ, phát hiện trăm tấn gia vị, dầu ăn giả. Ảnh: Nguyễn Chung/VOV
|
Tôi là nhà văn. Ngoài những lúc “đánh vật” với từng con chữ, tôi hay vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Đó cũng là sở thích của tôi. Tôi yêu cái cảm giác chạm tay vào những thực phẩm tươi mới, lắng nghe tiếng rau xào lách tách trong chảo, ngửi thấy mùi thơm ấm nồng bay khắp gian bếp nhỏ. Mỗi bữa ăn, với tôi, không chỉ là cơm canh thường nhật, mà còn là một cách kí gửi yêu thương, một cách viết khác, bằng gia vị và lửa ấm.
Nhưng niềm vui ấy hôm nay lại lặng đi một nửa. Tôi không khỏi ngờ vực: Miếng rau kia có sạch không? Con cá kia lớn lên bằng dòng nước nào? Những bữa cơm gia đình, tưởng là cõi yên tâm nhất, giờ cũng thấp thỏm một nỗi lo lắng mơ hồ.
Tôi vẫn vào bếp, vẫn đặt cả trái tim mình lên mỗi món ăn. Nhưng trên đầu ngọn lửa reo vui, có khi đã lặng lẽ bay lên một đám khói của âu lo.
Thật kinh khủng khi nghĩ đến biết bao nhiêu người đã và đang sử dụng những sản phẩm giả, những thực phẩm kém chất lượng, những đồ ăn thức uống tẩm hóa chất độc hại. Họ ăn những thứ ấy trong sự tin tưởng hồn nhiên rằng mình đang chăm sóc bản thân, nuôi dưỡng gia đình. Nhưng thực chất, mỗi miếng ăn, mỗi ngụm uống đang âm thầm gieo rắc bệnh tật, đầu độc máu thịt, và thậm chí là hủy hoại cả tương lai giống nòi.
Những kẻ sản xuất thực phẩm giả, những người sử dụng hóa chất độc hại vào rau, thịt, cá, gạo, những doanh nghiệp làm giả sữa cho trẻ em... họ không chỉ vi phạm pháp luật. Họ phạm một tội ác. Một tội ác không cần dao súng, nhưng tàn khốc không thua bất kỳ cuộc chiến nào. Và họ, đáng ra, phải bị trừng phạt thật nghiêm khắc không chỉ để răn đe, mà còn để cứu lấy những gì còn sót lại của niềm tin trong lòng người Việt.
Không khó để tìm thấy những ví dụ nhức nhối: Trung tuần tháng Tư vừa qua, Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột. Họ đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các thành phần được công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... hoàn toàn không có trong sản phẩm. Chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng. Và cũng thật đáng buồn, một số Văn nghệ sĩ, trí thức, các MC nổi tiếng đã vô hình trung tiếp tay, quảng cáo cho nhiều sản phẩm như thế này.
Một vụ việc chấn động mới đây: Ngày 24/4/2025, Công an tỉnh Phú Thọ đột kích xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả, cùng gần 84 tấn phụ gia hóa chất. Những thứ ấy, nếu không bị phát hiện, sẽ đi đâu? Chắc chắn sẽ len lỏi vào từng bữa cơm gia đình, từng suất ăn công nhân, từng ly sữa của trẻ em.
Thử tưởng tượng xem, một đứa trẻ vừa mở mắt nhìn đời đã phải uống sữa giả, ăn cháo trộn hóa chất. Một người mẹ trẻ mang thai nhưng dùng phải thực phẩm nhiễm độc. Một cụ già ốm đau uống nhầm thứ thuốc giả không những không chữa bệnh mà còn rước thêm tai họa. Đó không chỉ là hành vi thất đức, đó là chính là tội ác.
Một đất nước có thể chịu đựng được nghèo đói, nhưng sẽ không thể hồi sinh nếu lòng người bị chính đồng bào mình hủy hoại. Chỉ vì lợi nhuận, chỉ vì những đồng tiền nhơ nhuốc, người ta dám đầu độc đồng loại, dám bức tử tương lai của cả dân tộc. Khi trẻ em - những mầm non của đất nước bị cho ăn đồ giả, sữa giả, hóa chất độc hại… thì chính chúng ta đang bóp chết những ước mơ, những tài năng, những sinh mệnh lẽ ra sẽ lớn lên để xây dựng quê hương này.
Đối với người tiêu dùng, xin đừng bắt họ trở thành người tiêu dùng thông thái. Làm sao mà thông thái được, khi một gói rau củ tươi rói lại nhúng qua hóa chất, khi những con cá lấp lánh dưới ánh đèn lại ướp đầy urê? Làm sao mà thông thái được, khi hàng trăm loại phụ gia đội lốt “gia vị tự nhiên”, “hương liệu thực phẩm” đầy ắp trên kệ siêu thị, trong khi thành phần thật thì được viết bằng chữ li ti như sợ ai đọc được?
Chúng ta đang đòi hỏi quá nhiều ở người tiêu dùng - những con người bình thường, đi làm tám tiếng, về nhà chăm con, gói ghém từng đồng mua bữa ăn tối. Họ không có phòng thí nghiệm để kiểm định từng món ăn. Họ không thể dò tìm mưu mô trong từng con chữ quảng cáo. Vậy mà người ta vẫn bảo: “Hãy là người tiêu dùng thông thái!” Nghe như một lời răn dạy. Nhưng không, đó là một cách thoái thác trách nhiệm.
Người dân cần được ăn thực phẩm sạch bằng sự minh bạch của hệ thống, không phải bằng sự cảnh giác của chính họ. Trách nhiệm không nằm ở đôi mắt và linh cảm của người mua hàng, mà ở lương tâm của người sản xuất, và sự nghiêm minh của quản lý. Trước những mớ rau xanh mơn mởn, những củ quả to tròn không tì vết, những miếng thịt đỏ au tươi rói… người tiêu dùng làm sao có thể biết được đâu là sạch, đâu là bẩn? Ăn vào rồi, hậu quả sẽ trả lời bằng những căn bệnh quái ác: ung thư, suy thận, đột quỵ… và cái chết lặng lẽ.
Chính những điều đó làm niềm tin của chúng ta bị bào mòn mỗi ngày. Người ta ăn trong nơm nớp lo âu, uống nước cũng đầy nghi ngại, mua gì cũng hoài nghi từ nguồn gốc đến chất lượng. Một xã hội mà đến rau cỏ, gạo thóc, thịt cá cũng không còn an toàn - thì đó là một xã hội bất an từ tận gốc rễ.
Có những người nông dân - những người đáng lẽ phải trân trọng hạt gạo, mớ rau do tay mình làm ra lại có khi là thủ phạm. Những luống rau xanh mướt tưới hóa chất. Những con lợn, con gà tăng trọng bằng thức ăn công nghiệp và kháng sinh. Những quả dưa, quả bưởi bóng bẩy nhờ thuốc kích thích. Và rồi, họ mang những sản phẩm ấy ra chợ, bán cho đồng bào mình, không một chút đắn đo. Phải chăng, lòng tham đã thắng lương tâm? Phải chăng, lợi nhuận đã biến những con người bình thường thành những kẻ nhẫn tâm?
Không ai bắt chúng ta phải tự hại nhau như thế. Không có thế lực nào buộc ta đầu độc đồng bào mình. Đó hoàn toàn là lựa chọn của chính những kẻ hám lợi bất chấp - lựa chọn bán rẻ nhân tính lấy những đồng tiền tạm bợ.
Pháp luật cần phải nghiêm minh. Những bản án cần phải thật nặng, thật răn đe, đủ để bất cứ ai có ý định làm giả thực phẩm cũng phải chùn tay. Nhưng pháp luật, dù nghiêm khắc đến đâu, cũng không thể thay thế cho một nền đạo đức xã hội bị lung lay. Chỉ khi mỗi người hiểu rằng đầu độc đồng bào mình là tự sát, là giết chết con cháu mình, là tự tay đào hố chôn mình - thì mới có thể ngăn chặn được thảm họa này.
Báo chí, truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ là đưa tin, mà là phơi bày sự thật, vạch mặt những kẻ ác, bảo vệ người tiêu dùng bằng tất cả trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp.
Các cơ quan chức năng cần làm việc không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng trách nhiệm trước dân, trước Tổ quốc. Bởi thực phẩm bẩn không chỉ giết từng cá nhân, nó còn làm băng hoại sức mạnh giống nòi, đe dọa an ninh quốc gia một cách âm thầm nhưng nguy hiểm.
Chúng ta đã từng kiên cường vượt qua chiến tranh, đã từng đổ biết bao máu để giữ lấy từng tấc đất quê hương. Thì ngày nay, không lẽ lại cam tâm đứng nhìn cảnh đồng bào bị kẻ tham đầu độc từ bên trong? Không, không được để tội ác này tiếp diễn. Mỗi người Việt phải tự hỏi mình: tôi ăn gì, tôi bán gì, tôi trồng gì, tôi sản xuất gì cho đồng bào tôi? Mỗi người nông dân, mỗi người buôn bán, mỗi người sản xuất hãy nhớ: trước khi là người kinh doanh, bạn là người Việt.
Hãy dừng lại trước khi quá muộn. Hãy trả lại cho bữa cơm người Việt sự yên tâm. Hãy trả lại cho tương lai dân tộc những đứa trẻ khỏe mạnh. Hãy trả lại cho đất nước một niềm tin vào chính mình. Bởi nếu không, chúng ta sẽ tự diệt mình trong lặng lẽ và cay đắng. Có lẽ, điều đáng sợ nhất không phải là cái chết vì thực phẩm bẩn, mà là cái chết của lòng tin, cái chết của sự tử tế trong lòng mỗi con người. Một dân tộc chỉ thật sự tồn tại khi còn biết thương yêu và bảo vệ nhau, từ những điều nhỏ bé nhất như bữa ăn hàng ngày.
Một hạt giống được gieo trên mảnh đất nhiễm độc, cây cối sẽ không bao giờ lớn nổi. Một thế hệ lớn lên trong những bữa ăn nhiễm độc, liệu sẽ còn đủ sức mạnh để gánh vác vận mệnh dân tộc hay không? Câu trả lời nằm trong lựa chọn hôm nay của chính chúng ta.