Sự kiện & Bình luận

Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đô thị: Chuyện đâu chỉ của riêng ai !

Chính trị xã hội
09:44 | 13/10/2022
Ô nhiễm không khí đô thị do phương tiện giao thông vận tải gây ra là câu chuyện không hề mới ở Việt Nam
aa

Ô nhiễm không khí đô thị do phương tiện giao thông vận tải gây ra là câu chuyện không hề mới ở Việt Nam cũng như các thành phố lớn, đô thị trên thế giới. Một khi tốc độ đô thị hóa gắn liền với công nghiệp hóa, dân số đô thị không ngừng gia tăng, chắc chắn hệ quả kéo theo sẽ là phương tiện giao thông vận tải cũng ùn ùn tăng theo. Trong đó, xe máy cá nhân tham gia giao thông góp một phần đáng kể làm ô nhiễm bầu không khí. Đặc biệt, là với những xe máy đã quá cũ …

Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Việc đo kiểm khí thải để xác định mức độ ô nhiễm do xe máy cá nhân gây ra, đã được các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và gần đây là Đà Nẵng (chính thức tham gia chương trình nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn), triển khai thực hiện. Để giảm thiểu ô nhiễm từ xe máy đã quá cũ, có một cách giải quyết “trọn gói” mà ai cũng thấy, đó là thay đổi phương tiện, thu hồi xe cũ. Nhưng câu chuyện lại không hề đơn giản, cứ “đổi cũ – xài mới”, là xong.

Đà Nẵng đi trước một bước kiểm soát ô nhiễm khí thải từ xe máy cá nhân

Quay trở lại với bối cảnh hai năm trước (2020-2021), trong những ngày đại dịch hoành hành, khi phải “chung sống ngột ngạt” với lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt, cộng đồng lại nhận ra, bên cạnh những tác động hết sức tiêu cực; COVID-19 cũng mang lại những điều tích cực.

Tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, so sánh kết quả chất lượng không khí tại các đô thị miền Bắc trong thời gian thực hiện cách ly xã hội cho thấy, đã có những thay đổi khác biệt so với thường ngày, từ sản xuất, sinh hoạt của con người. Giãn cách xã hội đã làm cho chất lượng không khí có xu hướng được cải thiện hơn.

Đặc biệt, khi phương tiện tham gia giao thông giảm hẳn đi, những loại khí độc hại (carbon dioxide, methane), khí thải carbon monoxide đã sụt giảm đáng kể. Không khí sạch hơn, không gian như xanh hơn và những ngày giãn cách xã hội, ô nhiễm tiếng ồn do các loại phương tiện giao thông gây nên, cũng gần như mất hẳn. Như vậy, bên cạnh hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ, các nguồn phát thải và gây ô nhiễm, rõ ràng, hoạt động giao thông, có tác động lớn đến chất lượng không khí và môi trường đô thị.

Ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng (ảnh chụp tại phiên hội thảo chiều ngày 11/10/2022).

Trong một công bố môi trường toàn cầu, các nhà nghiên cứu ở nhiều tổ chức, trong đó có các cơ quan nghiên cứu thuộc các trường đại học, cũng chia sẻ câu chuyện “lượng khí thải carbon hằng ngày, trong giai đoạn phong tỏa (ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ) đã giảm đáng kể và có thể dẫn đến lượng khí thải carbon hằng năm cũng sẽ giảm đáng ngạc nhiên.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, mức sụt giảm, được ghi nhận là “sụt giảm lớn nhất này”, chủ yếu là do giảm các hoạt động sử dụng thiết bị, máy móc và giảm sử dụng công nghiệp vận chuyển. Và khi các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng được thắt chặt hơn, nhiều quốc gia và nhiều châu lục cùng áp dụng, dẫn đến hoạt động du lịch rơi vào trạng thái đóng băng, thì các bãi biển, các điểm đến, sẽ vắng người, thậm chí không có bóng người, nhưng rõ ràng biển sạch hơn, đường phố có các điểm đến du lịch bầu không khi trở nên trong lành hơn, …

Nhưng không thể đóng băng mãi mọi hoạt động xã hội, đến một lúc nào đó, khi kiểm soát được đại dịch, các trạng thái bình thường của cuộc sống, phải sớm được phục hồi. Ô nhiễm lập tức lại xuất hiện trong cuộc sống chúng ta. Và chúng ta lại bắt đầu kiểm soát ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe của toàn cộng đồng.

“Đà Nẵng là thành phố biển, năng động và có nhiều hành động quyết liệt trong bảo vệ môi trường nói chung và quản lý môi trường không khí nói riêng. Theo thống kê, chỉ số chung về chất lượng không khí của thành phố với 100% điểm đo phản ánh từ trung bình đến tốt (AQI <100).

Diễn biến chất lượng môi trường không khí tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, nếu không sớm có những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm hữu hiệu, không loại trừ, Đà Nẵng sẽ ô nhiễm không khí nặng nề như các đô thị lớn khác. Đó là lý do vì sao, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tham mưu, và UBND thành phố đã đồng ý để Đà Nẵng (là 1 trong 3 địa phương lớn trong cả nước), triển khai chương trình “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, chia sẻ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến tháng 12/2020, Đà Nẵng có 1.057.405 xe máy, chiếm khoảng 91% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 59%. Nếu lượng xe này, không được bảo dưỡng, sửa chữa, theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, nhất định sẽ làm gia tăng mức phát thải chất gây ô nhiễm bầu không khí.

Thực hiện đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, tính từ tháng 2/ 2022 đến tháng 11/2022, các điểm kiểm tra đã kiểm tra khí thải của 3.754 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy tỷ lệ xe không đạt (TCVN 6438:2018) mức 1 là 25,44% và không đạt mức 2 là 30,09%.

Đối với xe không đạt mức 1 (theo TCVN 6438:2018), sau lần đầu đo kiểm, được thực hiện bảo dưỡng bộ phận khí thải xe máy bao gồm điều chỉnh vít gió, thay lọc gió, thay dầu nhớt, thay bugi (tùy thuộc vào điều kiện từng xe để quyết định thay thế từng hạng mục hoặc thay tất cả các hạng mục) và tiến hành đo kiểm lần 2, kết quả tỷ lệ không đạt giảm xuống chỉ còn 9,38%.

Các cơ quan (giữ vai trò) tư vấn, tham vấn, dự thảo chính sách cho dự án nhấn mạnh rằng việc bảo dưỡng đã được chứng minh có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khí thải xe máy.

Trong khuôn khổ dự án “Chung tay vì Không khí sạch”, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chương trình “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, có sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố Đà Nẵng; Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (ITST), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn).

Phương tiện giao thông đâu chỉ để đi lại, với nhiều người, là phương tiện mưu sinh. Ảnh trong bài: T.N.

Kiểm soát khí thải xe máy, ngoài môi trường, cộng đồng còn được những gì ?

Kết quả được cho là lớn hơn hết, đó chính là qua khảo sát 3.862 chủ phương tiện xe máy tại Đà Nẵng, có đến gần 98% người dân thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa xe máy định kỳ (tỷ lệ này ở Hà Nội là 57%). Đa số người dân (84%) ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải xe máy. Mức phí kiểm tra khí thải được đa số người dân chấp thuận trong khoảng 30.000 - 50.000 đồng/lần với tần suất 1 lần/năm. Khoảng 84,5% người dân sẽ lựa chọn phương án đem xe đi bảo dưỡng sửa chữa nếu xe bị lỗi khí thải.

Nhóm nghiên cứu tham vấn, cũng chia sẻ rằng, nếu Đà Nẵng áp dụng chính sách kiểm soát khí thải xe máy thông qua kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ sẽ thu được nhiều lợi ích:

Về kinh tế - xã hội, nếu thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải và đồng thời giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Hằng năm, mỗi xe sẽ tiết kiệm được 6,87 lít nhiên liệu (ước tính 190.000 đồng - khoản tiền này sẽ giúp bù đắp đáng kể chi phí kiểm định và bảo dưỡng định kỳ) và toàn thành phố sẽ tiết kiệm được khoảng 7,27 nghìn lít nhiên liệu (ước tính 202 tỷ đồng). Ngoài ra, việc triển khai chính sách này tạo thêm việc làm cho người lao động và doanh thu từ việc kiểm tra và bảo dưỡng xe máy cho đơn vị kiểm định theo quy định pháp luật.

Về môi trường, chính sách này giúp thành phố giảm 6,521 tấn CO (11,77% tổng lượng CO), và 556 tấn HC (12,43% tổng lượng HC) phát thải hằng năm do hoạt động giao thông. Đặc biệt, chính sách còn giúp giảm gánh nặng ngân sách (phải chi) cho các dịch vụ y tế, khắc phục hậu quả do tác động của ô nhiễm không khí và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất thành phố Đà Nẵng áp dụng hình thức hỗn hợp: kết hợp giữa kiểm soát theo khu vực, năm sử dụng và thu phí.

Chờ chủ trương, chính sách đồng bộ

Chiều ngày 11/10/2022, đã diễn ra phiên hội thảo tham vấn (cho) dự thảo báo cáo kết quả thực hiện chương trình “ thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Quan điểm chung của tất cả thành viên (dự trực tiếp và trực tuyến) đều ủng hộ cần sớm ban hành và triển khai các giải pháp kiểm soát khí thải xe máy trên địa bàn Đà Nẵng.

Tuy nhiên, cho đến nay, “vẫn chưa có quy định cụ thể phải kiểm định khí thải xe máy đang lưu hành, nên chưa triển khai kiểm định đồng loạt trên diện rộng” – ông Đinh Trọng Khang – Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) chia sẻ.

Đây chính là vướng mắc căn bản khiến việc kiểm soát khí thải xe máy chưa thể đi vào đời sống dù đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật giao thông đường bộ năm 2008; QĐ số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” và QĐ số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Do chưa có quy định (từ Cơ quan TƯ có thẩm quyền), theo các cơ quan tham gia soạn thảo (dự thảo) chính sách; UBND thành phố Đà Nẵng sẽ phải ban hành quyết định liên quan đến hàng loạt vấn đề để triển khai chương trình thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố. Cụ thể là quy định (cho từng nội dung) gồm: Đối tượng xe máy đang lưu thông phải kiểm định khí thải; Tiêu chuẩn khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn; Tiêu chuẩn trạm kiểm định khí thải xe máy trên địa bàn; Giá kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn; Mức xử phạt hành chính vi phạm tiêu chuẩn khí thải; Mức phí thẩm định, xét duyệt thành lập trạm kiểm định xe máy đang lưu hành trên địa bàn; Nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của các đơn vị tổ chức thực hiện kiểm định xe máy đang lưu hành trên địa bàn.

Một số nội dung vừa nêu trên, theo Luật định, sẽ phải trình ra HĐND để xin ý kiến. “Ngoài ra, UBND thành phố cũng cần xin chủ trương áp dụng thí điểm chính sách từ cấp có thẩm quyền (TƯ) để đảm bảo tính pháp lý.

Vấn đề nằm ở chỗ Luật Giao thông đường bộ đang trong quá trình sửa đổi, UBND thành phố Đà Nẵng, cũng như các thành phố trực thuộc trung ương khác, đều phải được sự cho phép của Chính phủ khi thực hiện thí điểm chính sách kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành. Sau đó UBND thành phố mới đi đến ban hành các quyết định liên quan, và dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mỗi các cơ quan/ tổ chức để phân công nhiệm vụ cụ thể” - ông Đinh Trọng Khang phân tích thêm.

Một vấn đề xã hội rất được phiên hội thảo quan tâm, đó là xe máy, vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu chưa thể thay thế trong tương lai gần. Người lao động tự do và thu nhập thấp thường sử dụng xe cũ, không đạt tiêu chuẩn khí thải. Với không ít người chiếc xe máy – chỉ cần còn nổ máy và lăn bánh trên dường – thì vẫn còn là phương tiện giúp mình mưu sinh. Hầu hết các chủ phương tiện này đều không có đủ chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp. Nếu không có cơ chế chính sách hợp lý cho nhóm đối tượng này có thể sẽ phát sinh mâu thuẫn xã hội.

3 thành phố hãy đồng lòng lên tiếng

“Xe đã quá cũ, thậm chí là đã nát lắm rồi, vẫn thuộc sở hữu của bà con, không thể tiến hành thu hồi, đây là tài sản hợp pháp của công dân. Trường hợp có điều kiện để đổi phương tiện mới cho bà con, cũng phải hỏi ý kiến bà con có đồng ý đổi hay không ? Nếu bà con chưa đồng ý, thì vẫn phải để bà con sử dụng xe máy đã cũ nát, phát khí thải rất lớn. Ở Đà Nẵng, tôi đã chứng kiến những chiếc xe 3 không, không biển số, không đèn, chắc chắn cũng không có giấy tờ đăng ký, nhưng vẫn được những người lao động nghèo sử dụng. Họ tranh thủ chạy xe từ sáng sớm để vận chuyển thủy hải sản. Những xe này, không phải nói, dứt khoát là gây ô nhiễm nặng cho môi trường … Chắc chắn, phải tính đến phương cách phù hợp, hỗ trợ người dân trong hoạt động kiểm định xe máy đang lưu hành trên địa bàn”, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng bày tỏ.

Một câu chuyện nữa là hiện tại cũng chưa có quy định từ nhà sản xuất hay cơ quan thẩm quyền, đó là xe máy sử dụng bao nhiêu năm thì phải thải loại, không được phép sử dụng nữa. Rồi sau đó, nếu thải loại thì ai sẽ đứng ra thu hồi, xử lý. Thực tế, với người lao động, người lam lũ mưu sinh, chiếc xe vẫn còn chạy là một tài sản còn giá trị. Nếu thu hồi, họ không biết lấy tiền đâu để có một phương tiện mưu sinh khác …

Về thủ tục hành chính, Nhóm Nghiên cứu cũng bày tỏ băn khoăn với chính sách kiểm soát khí thải xe máy, nhất định sẽ làm phát sinh thêm các quy định về trình tự, biểu mẫu hồ sơ, quy trình kiểm định, mẫu giấy chứng nhận khí thải, nhãn khí thải… Đối với người dân, hiện nay đang không phải đăng kiểm khí thải, nếu sắp đến phát sinh thêm quy định này, có thể ban đầu, sẽ có tỷ lệ nhất định người dân phản ứng trái chiều.

Tại phiên hội thảo tham vấn (cho) dự thảo báo cáo kết quả thực hiện chương trình “ thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, (diễn ra chiều ngày 11/10/2022), các đại biểu đều đồng lòng ủng hộ kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Vấn đề còn lại là giải quyết các vướng mắc về thủ tục, pháp lý cũng như không gây ra các xáo trộn đến đời sống dân sinh. Các đại biểu cũng thống nhất phải có một lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng, các kịch bản truyền thông vận động, kêu gọi chủ phương tiện đồng hành sẽ đi trước một bước và (khi được phép) triển khai thực hiện, cũng xác định có bước thí điểm trong một thời gian nhất định, sau đó tổ chức tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm một cách kỹ lưỡng, kể cả sẽ phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Riêng về kịch bản truyền thông, cũng cần chú ý làm rõ và kêu gọi nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện (chú ý bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo phương tiện tham gia giao thông an toàn, giảm phát thải, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí).

Ô nhiễm không khí đang ở mức “báo động đỏ” ở các đô thị lớn của Việt Nam. Tại Hà Nội, kết quả kiểm kê 2018 (Nghiên cứu của GS. TS. Nguyễn Thị Kim Oanh và cộng sự) 48,3% lượng PM2.5 đến từ công nghiệp và làng nghề; 21,3% từ giao thông; 20,2% do đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ); 6,6% do đun nấu dân dụng và thương mại, 3,6% tổng lượng phát thải PM2.5 đến từ các lĩnh vực còn lại (chưa tính bụi đường, bụi PM2.5 thứ cấp và một số nguồn khác gồm xây dựng, lò đốt rác, vận tải đường biển quốc tế, hỏa hoạn, đốt hương, nến và vàng mã…).

Còn ở TP. Hồ Chí Minh, kết quả kiểm kê năm 2017 (Nghiên cứu của PGS.TS Hồ Quốc Bằng và cộng sự), nguồn giao thông đóng góp 45%, nguồn điểm đóng góp 32% và nguồn diện đóng góp 23%. Theo kết quả kiểm kê năm 2018, đóng góp chính cho ô nhiễm PM2.5 lần lượt là giao thông đường bộ 58,2%, hoạt động công nghiệp, đun nấu dân sinh 22,8% và thương mại 12,8%.

Với Đà Nẵng, hiện chưa có nghiên cứu tác động tới môi trường từ khí thải của phương tiện giao thông cơ giới. Theo kết quả quan trắc, chất lượng môi trường không khí tại thành phố đáng sống này, vẫn duy trì ở mức tốt; hoạt động giao thông tuy là một nguồn đóng góp phát thải, song chưa đến mức gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đà tăng trưởng khá ấn tượng của Đà Nẵng ngay sau khi kiểm soát được đại dịch của Đà Nẵng, lượng phương tiện cá nhân, trong đó chủ yếu là xe mô tô, xe máy sẽ gia tăng theo thời gian; nếu không có giải pháp kiểm soát khí thải, câu chuyện của hai đô thị lớn hai đầu đất nước, có thể hiện hữu tại thành phố biển xinh đẹp. Trong các yếu tố hấp dẫn du khách tìm đến với Đà Nẵng, không thể thiếu chất lượng về môi trường, diện mạo Xanh – Sạch – Đẹp luôn được duy trì.

Để có tiếng nói chung, dự kiến, 3 thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, mở một “bàn tròn đối thoại chính sách”, kiến nghị với cấp thẩm quyền về thực hiện kiểm soát khí thải.

Kiểm soát khí thải là câu chuyện đâu chỉ “của riêng ai”, hay “của riêng một đô thị nào”. Năm 2022, Hà Nội cũng đã triển khai chương trình “Xe sạch - Trời xanh”, thực hiện thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Các dữ liệu sẽ được thu thập, phân tích, đánh giá phục vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp giảm thải từ phương tiện giao thông đã cũ, bảo vệ chất lượng không khí .

Và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, các bộ ban ngành liên quan, được gửi gắm “cần sớm ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe máy”./.

Tháng 10 năm 2022

T.N


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.