Tính đến chiều tối nay, công tác kiểm đếm thiệt hại từ các trận động đất vẫn được các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum nỗ lực thực hiện.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trưa 28/7, trận động đất mạnh 5 độ xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ở khu vực này.
Trận động đất trên xảy ra vào khoảng 11 giờ 35 phút 10 giây, tại tọa độ 14,827 độ Vĩ Bắc - 108,245 độ Kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại khu vực tâm chấn và lân cận.
Vị trí tâm chấn của trận động đất có độ lớn 5.0. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu) |
Trước đó, sáng 28/7, 3 trận động đất liên tiếp có độ lớn lần lượt 4,1, 3,6 và 3,3 cũng đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum). Cụ thể, trận động đất thứ nhất xảy ra khoảng 3 giờ 12 phút, độ lớn 3,4 tại vị trí có tọa độ 14,879 độ Vĩ Bắc - 108,209 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km; trận động đất thứ hai xảy ra khoảng 8 giờ 35 phút, độ lớn 3,3 tại vị trí có tọa độ 14,839 độ Vĩ Bắc - 108,365 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km; trận động đất thứ ba xảy ra vào khoảng 11 giờ 17 phút 46 giây, tại vị trí có tọa độ 14,851 độ Vĩ Bắc - 108,327 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. 3 trận động đất này được Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, không gây thiệt hại về người và tài sản song người dân sống ở khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung lắc nhẹ.
Theo Viện Vật lý địa cầu cho biết, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.
Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra 54 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,0 độ. Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam (3 trận), Yên Bái (2 trận), Hà Nội (1 trận), Phú Yên (1 trận), Tuyên Quang (1 trận), Điện Biên (1 trận), Ninh Bình (1 trận), Thanh Hóa (1 trận). Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai. |
Theo dự báo, động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ. Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.
Ông Xuân Anh |
Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.
Cũng trong chiều 28/7, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kom Tum đã ban hành văn bản yêu cầu thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện khẩn trương xuống địa bàn nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra.
Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại nào về người, nhưng có các thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng tác động của động đất gây ra.
Tại xã Măng Búk, hộ dân Vy Văn Hải bị rơi 1 TV hư hỏng hoàn toàn; điểm Trường Trung học cơ sở (xây dựng năm 2012) và Trạm y tế (xây dựng năm 2013) xã Đăk Ring bị rạn nứt các vách ngăn tường; điểm Trường mầm non (xây dựng năm 2013) và phòng làm việc Công an (xây dựng năm 2024) xã Đăk Nên có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn.
Ngay sau khi ghi nhận về các trận động đất, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông yêu cầu thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện theo phân công địa bàn phụ trách, khẩn trương xuống địa bàn nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra; phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất, đồng thời nắm bắt tư tưởng, động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn Măng Đen có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo nhanh thiệt hại, gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ thiệt hại về cơ sở, vật chất và đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục gửi về Ủy ban nhân dân huyện để xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục.
Liên tiếp các trận động đất diễn ra trong thời gian ngắn cũng đã đưa ra những cảnh báo về công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương trong thời gian tới.
-----
Bài viết cùng chuyên mục: