Đất nước bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân trăm hoa đua nở, mùa hạ nồng nàn nắng lửa, còn mùa thu lại chan chứa dịu dàng. Cái dịu dàng rất đỗi Việt Nam đi dọc dặm dài đất nước, xứ sở nào cũng hiện hữu sắc xanh: xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển, và tất cả đều được ấp iu trong màu xanh vĩnh cửu bầu trời mênh mông, lồng lộng, với những bông mây trắng nõn đến nao lòng.
Mùa thu xanh cho mọi cảnh vật đẹp hơn, mùa thu xanh cho đất nước thanh bình hơn, tình người đằm thắm lại. Mùa thu xanh, mang theo ngọn gió mát lành nuôi lớn tâm hồn tuổi thơ Việt Nam. Bên vành nôi tre từ thuở xa xưa có tiếng ầu ơ “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ vừa năm”. Mùa thu nói với trẻ thơ, bằng trái bưởi vàng, bằng quả na, quả hồng chín mọng, bằng hội rằm tháng tám với nhịp trống tùng dinh… Mùa thu nói với cô gái nhà bên, khi ngõ nhà cô, có chàng trai “bén duyên” bước vào, trong ánh trăng thơm cả mùi hoa cúc vàng mới nở. Một loài hoa “độc nhất, vô nhị” chỉ dành riêng cho mùa thu. Mùa thu nói gì khi hạt mưa ngâu trong cổ tích dành cho Ngưu Lang, Chức Nữ bên bờ sông Ngân Hà, mỗi năm một lần hẹn ước… Mùa thu ban phát tình yêu cho tất cả mọi người. Ta gặp mùa thu tĩnh lặng và thoáng nét cô liêu, trong thơ cụ Nguyễn Khuyến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc cần câu bé tẻo teo”. Ta gặp trăng thu mộng ảo và đẹp lung linh như ngọc của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Từ ngàn đời nay, mỗi độ thu về bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ lại si tình với mùa thu bằng trái tim cuồng nhiệt, mà ai hỏi họ: Vì sao lại thế? Họ không thể nào định nghĩa nổi, chỉ biết giãi bày cảm xúc bằng thơ, bằng nhạc, bằng những gam màu xao động hồn người. Phải đắm đuối với “con nai vàng ngơ ngác/ Đạp tên lá vàng khô” cung đàn thơ sâu thẳm của thi sĩ Lưu Trọng Lư mới rung ngân nhịp dây: “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc”. Mùa thu là mùa của ký ức, mùa xâu chuỗi những kỷ niệm êm đềm, để chúng ta nhớ về nhau: tình bạn, tình yêu, tình mẫu tử, tình đồng chí và sâu nặng thiêng liêng tình yêu quê hương, đất nước. Không chỉ những người đang sinh sống trong lòng Tổ quốc mà những người con đang ở xa Tổ quốc tới hàng vạn dặm, khi bè bạn tụ tập nhắc tới mùa cốm mới, tiếng sáo diều cao vút tầng không, lại nhớ đến thắt ruột, thắt lòng khi mùa thu tới. Nhắc tới Hồ Gươm nước biếc, họ lại bá vai nhau cùng hát “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau. Phố xưa nhà cổ/ Mái ngói thâm nâu...”. Hà Nội mùa thu - Mùa thu Hà Nội, nơi mùa hoa sữa về ngào ngạt ấy, nơi mùa cốm thơm lừng ríu rít những bàn tay nhỏ ấy, cũng là nơi hồn thiêng sông núi đang cuộn về. Lịch sử dân tộc lại ánh lên sắc nắng từ quảng trường Ba Đình. Vẫn lồng lộng in bóng trên lễ đài trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra, đưa mắt trìu mến nhìn mọi người và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Những làn sóng âm thanh bỗng dào lên như sóng biển Đông, tất cả cùng đồng thanh đáp “Có”. Để từ giờ phút ấy, trong buổi chiều mồng 2/9/1945, màu hoa tươi rực rỡ tràn ngập trong màu cờ đỏ sao vàng. Giọng của Người đầm ấm cất lên Bản Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “rắn như thép, vững như đồng” vang vọng khắp năm châu bốn biển. Hàng vạn người đã vỡ òa hạnh phúc, khi Người dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Cả đất nước đứng lên, hàng triệu quốc dân đồng bào đều hướng về quảng trường Ba Đình, để truyền thêm sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của chính nghĩa, quyết đưa đất nước thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Từ “mặt trời cách mạng” tỏa sáng quảng trường Ba Đình mùa thu ngày ấy, mỗi phố phường thủ đô Hà Nội đều là trận địa, chiến lũy, mỗi người dân đều là chiến sĩ. Hà Nội đứng lên kháng chiến, Hà Nội mang khí thế xung thiên hừng hực từ bản Tuyên ngôn độc lập… Mùa thu đi dài theo năm tháng, mùa thu đi dài theo đất nước và ở đâu bầu trời xanh thắm sắc xanh rất đỗi Việt Nam, ở đấy đều mang hơi thở sông Hồng Hà. Cả đất nước, cả dân tộc Việt Nam đều dứng lên kháng chiến, một cuộc kháng chiến của những người yêu nước vĩ đại nhất, gian khổ nhất, nhưng cũng đầy vinh quang nhất. Tất cả cùng hành quân, cùng rầm rập nhịp bước, cùng hát vang bài hát Tiến quân ca trong niềm kiêu hãnh, trong niềm tin mãnh liệt. Từ sóng sông Hồng Hà gọi, từ mùa thu năm ấy gọi, nhân dân cả nước đều dấn thân mình vào cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đại lộ kháng chiến đã mở, với thế trận kháng chiến đã bày “toàn dân kháng chiến/ toàn diện kháng chiến”. Những mùa thu kháng chiến tiếp nối đã “đúc” nên bao “tượng vàng” của những người mẹ anh hùng, những người chị, người vợ trung hậu, đảm đang, buất khuất, những cháu thiếu nhi thông minh và dũng cảm. Những bà mẹ đã thầm lặng nuôi giấu cán bộ, góp gạo, góp vàng, góp tiền ủng hộ kháng chiến thành công. Họ nhẫn nại và hy sinh thầm lặng. Họ không bao giờ đòi cách mạng “ban ơn”, đòi lịch sử “ghi danh” tên tuổi mình, nhưng chính họ là người làm nên lịch sử, làm nên đất nước, gieo hạt “giống đỏ” cách mạng nhân tiếp cho mùa sau.
Nơi chiến khu Việt Bắc, nơi thủ đô lồng lộng gió ngàn, những cuộc bão táp cách mạng “đất chuyển, trời rung” đã diễn ra. Sau chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, những anh vệ quốc quân “áo vải, chân không đi lùng giặc đánh” đã khôn ngoan hơn nhiều, rắn rỏi hơn nhiều. Thắng giặc bằng tình thương đồng đội, thắng giặc bằng tình thương nhân dân… Sức mạnh từ người lính, nhân lên sức mạnh của sư đoàn, binh đoàn hùng hậu, hóa thành thiên thần Phù Đổng, cùng đồng đội cõng pháo qua đèo, tấn công sâu vào sào huyệt địch, thọc sâu vào lòng chảo Điện Biên, cái lòng chảo mà tướng Đờ-cát-tơ-ri đã hênh hoang “một con chuột cũng không chui lọt” nhưng không thể ngờ rằng Việt Nam đã làm nên “thiên sử vàng chói lọi”. Điện Biên giải phóng rồi, núi rừng Việt Bắc thu sang cây rừng lá xanh hơn, gương thu xanh lồng trong gương suối biếc. Thu duyên dáng trong áo chàm, thu uyển chuyển trọng điệu hát “then”, thu gửi hồn sâu lắng trong bản tình ca Tây Bắc…
Nhưng niềm vui chưa trọn, thanh gươm phi nghĩa của quân xâm lược Mỹ, lại hiếu chiến rạch đôi dòng Bến Hải, cắt ngang bầu trời thu xanh lồng lộng của chúng ta… Có biết bao nhiêu người ở bên kia bờ vĩ tuyến, ngắm nhìn người thương mà ứa nghẹn, đành gửi “Câu hò Bên bến Hiền lương” và hẹn ngày về. Người lính đã mang nỗi lòng canh cánh ấy ra đi, mang bài hát ấy ra đi để thực hiện đúng như lời hẹn ước. Nước còn giặc, còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân. Bến những dòng sông xanh thắm mùa thu, lại có bao nhiêu người mẹ vẫy tay nhìn con ra trận, bao ánh mắt lưu luyến của gái quê trên cánh đồng lúa đang xanh thắm sắc thu, lại tiễn người yêu ra trận. Những đoàn quân đi trùng trùng điệp, lớp cha trước, lớp con sau. Những người lính trẻ xuyên rừng Trường Sơn, lãng mạn vô cùng, hồn hậu vô cùng, ngắm ánh trăng thu và làm thơ bên cánh võng... Họ đã hiểu những mùa thu ở Trường Sơn, trong căn nhà binh trạm lợp lá trung quân, trong bữa ăn chia nhau từng đọt măng rừng, trong cơn sốt rét run người, đồng đội đốt lửa sưởi và chia nhau từng viên thuốc… Sốt rét tan lại cuốn tăng, võng, khoác ba lô hăm hở ra chiến trường. Có biết bao nhiêu người lính ra đi rồi không về nữa, họ đã hóa thân mình vào đất. Khi ngã xuống, mắt anh lính trẻ vẫn ngước nhìn trời xanh, khát vọng gửi màu xanh hòa bình cho đất nước…
Chiến tranh đã đi qua hơn bốn thập kỷ, hỡi những người lính đang nằm trong lòng đất, các anh có nghe chăng tiếng thu lại đang về, trời thu lại đang xanh... Những mùa thu mới bừng bừng nhịp sống mới. Những mùa thu mới đầy ắp những khát vọng mới. Khát vọng của một đất nước đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh, đã giành được tự do và độc lập, cả dân tộc đang vững bước xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Mùa thu lại tới, một ngày thu xanh lại bắt đầu. Từ non nước Cao Bằng đến mũi Cà Mau cuối trời Tổ quốc, đâu đâu cũng phố phường tấp nập, làng mạc sầm uất, đâu đâu cũng thấy những gương mặt người hớn hở và tự tin. Niềm tin từ công cuộc đổi mới đưa nước thịnh, dân giàu. Không có kẻ thù nào ngăn cản được bước tiến của chúng ta, dẫu cuộc đời đang còn nhiều giông tố. Chúng ta yêu mùa thu đẹp, và càng hiểu giá trị đẹp của mùa thu, đôi mắt người Việt Nam càng phải xanh thắm sắc thu. Mùa thu mới, đang giục lớp trẻ xốc lại hành trang bước tiếp vào trận mới.
Tùy bút của Phan Thế Cải
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023