Xông xáo trong công việc, đam mê với nghề, nhẫn nhịn trước khó khăn, chấp nhận mọi thử thách và yêu thương, chia sẻ với mọi người, đó là Dương Thị Xuân Quý.
Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý – một phóng viên chiến trường quả cảm
1. Tôi chưa một lần gặp nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Đọc chị thì cũng khá muộn mằn. Thời tôi học ở quê, vùng duyên hải miền Trung ấy ít sách báo lắm. Khi vào đại học, trường sơ tán lên Thái Nguyên, lớp tôi rất xa thư viện. Lại suốt ngày lo đọc những tác phẩm trong chương trình, lo trả bài. Rồi còn đi rừng lấy củi đun, trồng rau xanh cung cấp cho nhà bếp nữa. Chỉ sau khi ra trường, tôi mới thật biết chị qua hai tập truyện Chỗ đứng và Hoa rừng, qua các bài viết về chị, đặc biệt là qua nhật kí và thư từ của chị, qua Bài thơ về hạnh phúc của nhà thơ Bùi Minh Quốc chồng chị – bài thơ khóc vợ với những câu thơ xé lòng: Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên/ Trời chiến trường không một phút bình yên/ Súng nổ gấp/ Anh lên đường đuổi giặc/ Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên/ Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc/ Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc/ Anh mất em như mất nửa cuộc đời/ Nỗi đau anh không thể nói bằng lời… Chị đã gây ấn tượng mãnh liệt trong tôi từ ấy: ấn tượng về một nhân cách, về một người mẹ, một người phụ nữ và tình yêu thời chiến.
2. Dương Thị Xuân Quý sinh tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước mà bất cứ một người nào thông hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đều biết đến tên tuổi nhiều người trong gia đình chị. Ông nội Dương Trọng Phổ và bác ruột Dương Bá Trạc là những người tham gia trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp đày đi Côn Lôn. Bố chị là nhà giáo Dương Tụ Quán gắn với với sự ra đời của tờ Văn Học Tạp Chí và tạp chí Tri Tân vào thập niên ba mươi, bốn mươi của thế kỉ trước. Một người bác ruột khác là nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo danh tiếng Dương Quảng Hàm; ông có người con là Dương Thị Thoa (Lê Thi) – cô gái được vinh dự kéo cờ trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình năm 1945, sau này trở thành một giáo sư triết học tên tuổi. Rồi hai người anh họ là họa sĩ Dương Bích Liên và Dương Cẩm Chương. Ngôi nhà 195 Hàng Bông – nơi Dương Thị Xuân Quý ra đời và sống những năm tháng ấu thơ êm đềm cùng cha mẹ – từng là nơi qua lại của những trí thức tên tuổi như Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Thúc Trâm, Trần Văn Giáp và Nguyễn Huy Tưởng – người học trò của bố chị hồi cụ dạy học tại Hải Phòng. Có lẽ vì sinh ra trong một gia đình như vậy nên ở con người Dương Thị Xuân Quý luôn mang đậm khí chất của một người yêu nước, yêu văn chương, một người có bản lĩnh và ý chí.
Lẽ thường thì Dương Thị Xuân Quý có thể ngẩng đầu kiêu hãnh vì xuất thân danh gia vọng tộc lại là con gái phố cổ Hàng Bông nhưng sau khi hòa bình lập lại, hòa vào cuộc sống mới, chị sống giản dị như con em của mọi gia đình lao động bình thường ở thủ đô. Chị hoàn thành xuất sắc công việc của một phóng viên và vẫn lặng lẽ viết văn dù rằng mỗi khi có một truyện ngắn được in, nhất là trên tờ Văn Nghệ, chị phải giấu đi như một người mặc cảm mình đang mắc lỗi. Rồi chị viết đơn tình nguyện vào Nam. Chiến trường đón chị “bằng tất cả những ác liệt, những dữ dội”(1) với liên tục những trận pháo kích và B-52 rải thảm. Ở chiến trường, cái chúng tôi khó một thì Quý khó gấp mười (lời nhà văn Nguyên Ngọc), một phần bởi sức vóc bé nhỏ của người phụ nữ giữa hành trình vượt Trường Sơn với “chiếc ba lô cóc to hơn người”, “ai cũng giống như con lạc đà”. Chị học cách làm quen với ngã, với ruồi vàng, vắt, với những con dốc dựng đứng (“…nhìn lên chỉ thấy những chiếc ba lô lù lù nối nhau trên những chiếc lưng cong xuống. Nhìn xuống là những chiếc mũ giải phóng đang cắm về phía trước”), học làm quen với cái đói quay quắt, với bom pháo của giặc, với những trận sốt rét rừng. Nhưng đói và cực khổ đến đâu chị đều chịu được. Chỉ khi ốm đau không được đi mà cũng không đi được, không viết được, lại thêm trong cơn mơ hình ảnh con gái cứ hiện về làm trỗi lên tình cảm mà chị cố giấu khiến chị nhiều lúc ân hận, giày vò: “Cả đêm mơ thấy Ly. Lạ sao, cứ ốm, mệt là y như rằng Ly lại đến bên mẹ. Nhớ Ly khủng khiếp. Từ hôm vào đây chưa ai thấy mình khóc. Nhưng chính thực thì mình đã khóc thầm khá nhiều. Lạ thế, trước gian khổ, mình chịu đựng một cách lì lợm, không kêu một tiếng, không rên một lời… Nhưng những gì thuộc về tình cảm thì mình lại không thể nào chịu nổi”. Chị biến sự “không thể nào chịu nổi” này thành nghị lực.
Xông xáo trong công việc, đam mê với nghề, nhẫn nhịn trước khó khăn, chấp nhận mọi thử thách và yêu thương, chia sẻ với mọi người, đó là Dương Thị Xuân Quý. Tập truyện Chỗ đứng (xuất bản sau khi chị vào chiến trường mà chị chưa một lần thấy mặt) nằm trong nền chung văn xuôi những năm 1960 thể hiện được công cuộc lao động, sản xuất của thanh niên, chủ yếu là của phụ nữ nông thôn đang góp phần xây dựng cuộc sống mới. Khuýnh trong Sa mạc tuổi thơ, Duyên trong Chuyện cô Duyên, Thắm trong Đất cằn, Thanh trong Chỗ đứng… là những gương mặt phụ nữ khác nhau đang có mặt trong các sự kiện của đời sống miền Bắc lúc bấy giờ: khai hoang, cải tạo đất đai, đưa khoa học kĩ thuật vào đời sống sản xuất, đặc biệt là đem lại cho người phụ nữ quyền được bình đẳng trong cuộc sống. Có lẽ khi xác lập chỗ đứng của nhân vật trong xã hội thì ở Dương Thị Xuân Quý cũng bắt đầu hình thành ý thức muốn vượt thoát khỏi không gian của vùng đất quen thuộc hàng ngày mà dường như chị cảm thấy có phần chật hẹp đối với niềm đam mê và công việc của mình. Hướng về tiền tuyến lớn như mọi người dân miền Bắc lúc bấy giờ, chị quyết định viết đơn xin vào chiến trường nơi có những con người đang sống cuộc sống một mất một còn với kẻ thù để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Ở đó chị làm quen và hăm hở trong công việc mới, lại tiếp tục viết về những người phụ nữ anh hùng bình dị, về cuộc sống bom đạn đầy khó khăn, hiểm họa nhưng có niềm vui của lòng tin vào lí tưởng, vào tương lai. Một năm ở chiến trường suốt ngày lo tồn tại vì đi gùi gạo, gùi sắn vô cùng cực khổ, khó khăn mà vẫn đói triền miên, lo chống đỡ những trận sốt, những trận bom pháo dồn dập nhưng chưa bao giờ chị nguôi khát vọng được viết, được đi xuống những vùng đất ác liệt dưới đồng bằng. Các truyện kí Niềm vui thầm lặng, Gương mặt thách thức, Tiếng hát từ trong hang đá, đặc biệt là Hoa rừng in trong tập Hoa rừng xuất bản sau ngày chị hi sinh cùng nhiều dự định đang còn dang dở khác đã cho thấy ở chị một ngòi bút hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp.
3. Nhưng cái dũng cảm hơn người của Dương Thị Xuân Quý còn là ở cái khác thường mà tôi gọi là anh hùng, nơi chị. Đó là cuộc chiến đấu thầm lặng với nỗi nhớ con.
Chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc, đã vào trước chị một năm. Bấy giờ con gái nhỏ của anh chị mới bốn tháng tuổi. Là phóng viên, chị thường xuyên phải đi công tác kể cả vào tuyến lửa khu 4. Xa chồng, nuôi con trong hoàn cảnh ấy đã khó khăn rồi. Vậy mà chị vẫn quyết định gửi con lại cho mẹ để vào chiến trường, một nơi gian khổ khó khăn và nguy hiểm gấp bội lần so với cuộc sống của một phóng viên miền Bắc. Dẫu những áp lực ở cơ quan có làm cho chị không thoải mái thì chắc chắn rời khỏi môi trường đó không phải là động cơ khiến chị xin đi. Và dẫu có yêu chồng đến bao nhiêu thì chắc rằng tiếng gọi của tình yêu cũng không đủ sức vẫy gọi chị đến với chiến trường trong hoàn cảnh đó. Đây là sự hợp lưu của nhiều yếu tố. Vào thời điểm chị đưa ra quyết định xin đi, cả nước đang chiến tranh ác liệt. Truyền thống yêu nước của gia đình gặp gỡ với tiếng gọi của tiền tuyến đã khiến gánh nặng riêng tư ở chị trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhật kí, thư từ của chị cùng những hồi ức của người thân cho thấy chị là một người cứng cỏi, đã thích là làm bằng được. Mà chị lại rất muốn tập trung thì giờ cho công việc viết văn, muốn thử sức chịu đựng của mình. Hành trang chị mang vào chiến trường lúc ấy không chỉ là cái ba lô to nặng hơn cơ thể chị với khát vọng văn chương mà còn là nỗi nhớ con mỗi ngày thêm thấm thía. Nỗi nhớ ấy nặng hơn cái ba lô hàng ngày đè lên vai chị. Như trong thư gửi Phan Thị Thanh Nhàn, chị viết: “Nếu Nhàn có con, Nhàn sẽ thông cảm hơn với mình. Có lúc chỉ hát bài Ru con thôi mà lòng bỗng dưng tê buốt và mình khóc một mình thôi”. Có lẽ không ngày nào chị không nhớ đến con, trên đường hành quân, khi ngả lưng trên võng, khi ngắm ánh sao trời, nhất là khi ốm đau, chạy giặc, khi đối diện với cái chết. Con gái bé bỏng thường hiện về trong giấc mơ của chị, lành có nhưng dữ cũng nhiều. Nhà văn Nguyên Ngọc rất có lí khi nói rằng: Quý chết ở vùng sâu, lúc ấy đồng nghiệp, đồng chí của chị đều ở xa. Không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi chị ngã xuống. Riêng tôi, tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi: Con!
Trước khi lên đường vào Nam, Dương Thị Xuân Quý được một ngày về thăm con. Nhìn con tự lập, không quá bện mẹ, chị yên tâm hơn cho dù nghĩ đến cảnh con gái phải xa bố khi mới tròn bốn tháng và giờ lại xa mẹ, lòng chị không khỏi xót xa. Trên đường đi, đối mặt với vất vả, đói, tiếp xúc với những anh bộ đội, được biết về hoàn cảnh cụ thể và tâm trạng của họ khi nghĩ đến vợ con ở quê, chị “mới thấy hết những sợi dây níu kéo người ta lại. Ngay cả bây giờ mới thấy hết những gì kéo mình lại. Khi sắp đi, mình sao thấy hết. Bây giờ mình mới thấy xa Ly khó làm sao”. Hình ảnh đứa con gái bé bỏng luôn hiện ra nhiều lúc làm lòng chị mềm đi, chùng lại trong nỗi nhớ thương. Ngày tiễn chồng đi Quảng Đà, chị thấy nhói lòng một nỗi lo: “Anh bây giờ ở đâu? Có sao không? Biết đâu ngày 20/8 vừa rồi chả là lần chia tay cuối cùng với anh. Chao ôi, nếu thật thế thì đau khổ cho Ly quá”. Và chị tự giày vò mình đã “không làm tròn bổn phận của người mẹ”, đã “vô trách nhiệm”, “ích kỉ và liều lĩnh” khi quyết định đi B. Đó cũng là những lúc lòng chị mang mang một nỗi nhớ chồng thương con, nhớ Hà Nội, nhớ bố mẹ – nỗi nhớ rất đời thường của một người đàn bà bình thường. Chị đã thành thật viết trong nhật kí của mình sau gần sáu tháng rời miền Bắc khi đọc lại cuốn nhật kí ghi từ trước ngày rời Hà Nội: “Hồi ấy tâm trạng mình phơi phới quá, phấn đấu quá. Thơ mộng và khỏe khoắn quá. Xem gian khổ là một khám phá lí thú. Xem chia li như một hi sinh đẹp đẽ và hạnh phúc… Hình như hồi này, mới có ít tháng trôi qua thôi, mình đã nguội bớt nhiều rồi, nếu mình tránh chữ nguội lạnh… Mình đã để cho đầu óc thèm muốn nhỏ nhen: một ngày Hà Nội đầy đủ cà phê, bánh mì, rau muống và cà chua, trứng và si-rô… Mình đã để cho nỗi nhớ Ly đôi lúc làm lung lay quyết tâm ở lại miền Nam chiến đấu lâu dài. Tóm lại là tư tưởng mình khác với hồi mình mới lên đường dữ quá. May mắn hôm nay mình kịp ôn lại và nhìn thẳng vào lòng mình”. Một sự tự thú rất thành khẩn, nó cho thấy ở chị không chỉ có phẩm chất của một người công dân yêu nước, một nhà văn say mê tận tụy với nghề, điều đã thấm đẫm trong mọi trang viết của chị; ở đây còn là sự trang trải nỗi lòng về những phút gọi là chênh chao so với trước. Khát tin con, mỗi lần nhận tin con từ thư từ của gia đình, của bè bạn là mỗi lần chị càng thương con: “Đến hôm ấy (6.68), Ly của ta bắt đầu nói được hai tiếng một. Và khi bắt đầu nói được như vậy thì con ta đã phải trả lời thế này: Bố đâu? Đi Nam. Mẹ đâu? Đi Nam. Ôi, thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời nó có cái mốc thật kì lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố, vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói: Đi Nam”. Đọc những dòng tâm trạng này, tôi chắc những ai đã đi qua chiến tranh hẳn là rất đồng cảm và chia sẻ. Benjamin Franklin có nói: Xét về bản chất, không có hòa bình xấu xa cũng không có chiến tranh tốt đẹp ngay cả ở những cuộc chiến tranh chính nghĩa và tất yếu(2). Chiến tranh xảy ra thì tính mạng con người bị đe dọa, gia đình li tán là điều ai cũng biết. Nhưng nói như nhà thơ Nam Hà, “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Bùi Minh Quốc và Dương Thị Xuân Quý với con gái của họ là một trường hợp cụ thể. Đấy là một bi kịch lạc quan. Chị Quý nhớ thương con nhưng đã biến nỗi nhớ ấy thành nghị lực trong công việc hàng ngày. Chị cũng chuẩn bị cho mình tâm thế để có thể chấp nhận tình huống không may xảy đến: “Sống giữa không khí mặt trận đầy nguy hiểm nhưng cảm giác của mình là say mê và thú vị. Lạ thế. Biết là nguy hiểm lắm nhưng vẫn sẵn sàng lao vào, dù có hi sinh. Đời người ai chả chết. Dĩ nhiên là mình có nghĩ đến đau khổ của anh và Ly. Nhưng cái gì rồi cũng sẽ qua đi thôi. Đó là ý nghĩ của mình khi được phân công đi công tác Quảng Đà từ nay đến cuối tháng 3/1969”. Những dòng nhật kí trên đây viết vào ngày 15/12/1968. Có thể coi đó là những dòng cuối cùng trong cuốn nhật kí của chị vì ngày 17/12/1968, tức hai ngày sau, chị ghi tiếp được thêm mấy dòng về Hội nghị sáng tác của Tiểu ban Văn nghệ khu 5 họp chung với lực lượng bên Khu ủy và Quân khu trong cảnh đói thiếu, giữa tiếng phản lực gào rú, tiếng B-57 và B-52: “Chúng nó đang đánh Quảng Đà điên cuồng”. Và buổi chiều chị lại lên cơn sốt…
Lần đi công tác ấy, chị đã không trở về. Chị ngã xuống khi khát vọng viết chỉ mới được bắt đầu, khi mà ước muốn có một ngày trở lại Hà Nội với một bữa cơm gia đình đủ no và đạm bạc, có bố mẹ, chồng con, chưa được thực hiện; khi mà đứa con, nguồn động viên lớn lao nhất giúp chị phấn đấu vượt qua mọi trở ngại, gian khổ, đang mong mẹ và lòng chị luôn cháy bỏng, da diết nỗi nhớ thương, lo lắng, giày vò mỗi khi nghĩ đến, chị chưa được gặp. Và lẽ ra được đón chị trở về với nụ cười rạng rỡ của người mãn nguyện xuống vùng sâu, vùng xa và những cuốn sổ ghi chép ngồn ngộn những tư liệu sống, chồng chị đã đón nhận hung tin với nỗi đau khôn cùng mà sau này anh ghi lại cảm xúc đó trong Bài thơ về hạnh phúc: Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi/ Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc…
4. Dương Thị Xuân Quý mất đi nhưng hình ảnh, tâm hồn và tinh thần của chị vẫn còn lại, vẫn sống trong lòng người thân và bạn đọc như một tấm gương sáng về lòng yêu nước, yêu nghề, về sự hi sinh và lòng dũng cảm. Chị đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm mươi năm chị ra đi, và cũng là hơn bốn mươi năm giang sơn thu về một mối. Đóng góp cho chiến thắng này, các văn nghệ sĩ không chỉ có trên phương diện tác phẩm. Với trường hợp của Dương Thị Xuân Quý, còn là đóng góp trên phương diện nhân cách, tinh thần. Chị là hình mẫu sống động của một nữ nhà văn dám hi sinh với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Các nhà văn Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong – Trần Tiến, nhà thơ Lê Anh Xuân… đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Tôi nghĩ, cũng như các anh ấy, nhà văn Dương Thị Xuân Quý hoàn toàn xứng đáng
Nguồn VNQĐ