Bạn sẽ tin tưởng ai hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Thị trưởng thành phố Chicago Rahm Emanuel? Trong khi Putin đang say sưa với sự chú ý mà nước Nga đang nhận được với tư cách là chủ nhà World Cup 2018 năm nay, thì Thị trưởng Emanuel đã thông báo cho Liên đoàn bóng đá Mỹ và FIFA rằng Chicago sẽ không hứng thú với việc làm thành phố đăng cai sự kiện này khi nó được tổ chức ở Bắc Mỹ vào năm 2026.
Cảnh khai mạc world-cup 2018. Ảnh Internet |
Canada và Mexico sẽ tổ chức 10 trận đấu ở mỗi nước và Hoa Kỳ sẽ tổ chức 60 trận còn lại. NhưngThị trưởng thành phố Chicago Rahm Emanuel lại không nhận “vinh dự” đặc biệt này. Vậy tại sao thành phố lớn thứ ba của Hoa Kỳ lại bỏ qua cơ hội này?Để hiểu được ý nghĩa của việc tổ chức một sự kiện thể thao toàn cầu, hãy nghĩ về việc chính phủ Putin phải chi 51-70 tỷ USD để tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2014 tại Sochi và dự kiến chi ít nhất 14 tỷ USD để tổ chức World Cup hiện tại. Ngân sách của Nga bỏ tiền chi cho việc xây dựng bảy sân vận động mới, bao gồm một sân ở St. Petersburg trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, và cải tạo năm địa điểm khác. Và đây là chưa tính đến chi phí bổ sung cho các cơ sở luyện tập, chỗ ở, cơ sở hạ tầng mở rộng và an ninh.
Nước Nga thu vềđược những gì?
Thành phố Chicago, vốn từng tổ chức lễ khai mạc và trận đầu tiên của World Cup 1994, đã áp dụng một tư duy khá khác biệt. Phát ngôn viên của Thị trưởng Emanuel, Matt McGrath, gần đây đã đưa ra một tuyên bố giải thích rằng, “FIFA không thể cung cấp một mức độ chắc chắn cơ bản về các ẩn số lớn khiến cho thành phố và người nộp thuế của chúng tôi gặp rủi ro.” McGrath cáo buộc FIFA đang yêu cầu được toàn quyền về mọi thứ, bao gồm cả “khả năng mở cho việc sửa đổi thỏa thuận… bất cứ lúc nào và theo ý muốn của họ”. Hơn nữa, FIFA cũng sẽ yêu cầu sân vận động Soldier Field, sân nhà của đội bóng Chicago Bears, phải ngừng các dịch vụ trong thời gian hai tháng trước giải đấu. Cuối cùng, văn phòng của Emanuel kết luận rằng, “Sự không chắc chắn đối với người nộp thuế, cùng với tính không linh hoạt và không sẵn sàng thương lượng của FIFA, là dấu hiệu rõ ràng rằng việc theo đuổi đăng cai giải đấu không phục vụ lợi ích tốt nhất của Chicago”.
Ngoài việc tổ chức từ hai đến sáu trận đấu, có khả năng trong một vài tuần, các thành phố chủ nhà World Cup dự kiến sẽ phải tổ chức các ngày hội cổ động viên, cung cấp các cơ sở tập luyện cho các đội bóng và miễn giảm thuế cho một loạt các hoạt động. Trên thực tế, FIFA cấm các loại thuế trực tiếp và gián tiếp đánh vào tất cả các nguồn thu từ sự kiện, miễn thuế cho liên đoàn bóng đá các châu lục, nhà phát sóng truyền hình của nước chủ nhà, các hiệp hội thành viên FIFA, các nhà cung cấp dịch vụ và nhà thầu. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Minneapolis và Vancouver cũng đã cùng với Chicago từ chối vinh dự được làm các thành phố chủ nhà World Cup 2026. Để biện minh cho các đòi hỏi của mình, FIFA chỉ ra rằng “World Cup là một sự kiện thể thao lớn thu hút sự chú ý toàn cầu đối với (các) nước chủ nhà và tạo ra cơ hội đầu tư tài chính đáng kể cho cơ sở hạ tầng thể thao và công cộng”. FIFA tuyên bố rằng sự chú ý và nguồn đầu tư bổ sung đó “có thể đóng góp đáng kể cho các lợi ích kinh tế – xã hội trung và dài hạn… cũng như tăng trưởng kinh tế”.
Cổ động viên đội Nga. Ảnh Internet |
Nhưng hãy lưu ý tới ngôn ngữ được lựa chọn cẩn thận của FIFA. FIFA chỉ hứa hẹn một “cơ hội đầu tư tài chính đáng kể” vào cơ sở hạ tầng, cũng như sự chú ý và đầu tư “có thể đóng góp” vào tăng trưởng. Trên thực tế, các bằng chứng học thuật cho thấy rằng World Cup hiếm khi có lợi cho các nước và thành phố chủ nhà nhiều như FIFA muốn công chúng và các quan chức thừa nhận.Ví dụ, hãy xem xét những gì Nga sẽ nhận được từ khoản đầu tư trị giá 14 tỷ đô la cho sự kiện năm nay. Trong khi tất cả doanh thu từ bán vé, quyền phát sóng quốc tế và tài trợ sẽ trực tiếp chui vào túi FIFA, Nga sẽ được giữ lại bảy sân vận động mới và năm cơ sở được tân trang mà nước này không cần. Và trừ khi phá hủy các địa điểm này, Nga sẽ phải chi hàng chục triệu đô la mỗi năm để bảo trì chúng. Trong khi đó, hàng trăm mẫu đất đô thị khan hiếm sẽ bị mất trắng cho các dự án lãng phí kém hiệu quả.Chắc chắn là hình ảnh của các cơ sở mới bóng bảy đang được truyền đi trên toàn thế giới. Nhưng các hình ảnh này không nhất thiết luôn có lợi cho Nga. Ví dụ, không có gì có thể giấu được 6.000 chỗ trống trong trận đấu giữa Uruguay và Ai Cập vào ngày 15/6 vừa qua.
Nếu lịch sử mang lại bất kỳ chỉ dẫn nào, thì World Cup 2018 sẽ không làm tăng đầu tư hoặc thương mại quốc tế, thúc đẩy ngành du lịch của Nga, hoặc tăng cường mối quan tâm của người dân nước này đối với việc rèn luyện thể lực. Những gì World Cup mang lại chỉ là một cảm giác thoáng qua về niềm tự hào dân tộc trong một phần đáng kể người dân Nga, đồng thời giúp đánh lạc hướng sự quan tâm của người dân khỏi các vấn đề khó khăn ngày càng nhiều của đất nước. Có hoặc không có World Cup, biến động giá dầu và các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp dụng để phản đối việc Putin sáp nhập Crimea năm 2014 sẽ tiếp tục làm tối đi triển vọng kinh tế của Nga và hạ thấp tiêu chuẩn sống của những người dân Nga bình thường.Vậy thì bạn sẽ “bỏ phiếu” cho ai? Chúng tôi chọn Thị trưởng Emanuel.
Mafia trong Liên đoàn Bóng đá (FIFA)
Điều ngạc nhiên duy nhất trong vụ bắt giữ bảy quan chức của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tại một khách sạn ở Thụy Sỹ vào sáng sớm ngày 27/5 là câu chuyện khó tin ấy đã xảy ra. Hầu hết mọi người đều cho rằng những người đàn ông được ưu ái, diện những bộ com lê đắt tiền và đang chi phối liên đoàn bóng đá của thế giới, đã vượt ra ngoài tầm với của pháp luật. Bất luận những tin đồn hay báo cáo về hối lộ, lại quả, gian lận phiếu bầu, và các hành vi sai trái khác là gì thì Chủ tịch FIFA Joseph “Sepp” Blatter cùng các đồng nghiệp và cộng sự của ông vẫn có vẻ như luôn không hề trầy xước. Đến nay đã có 14 người, trong đó có 9 giám đốc điều hành FIFA, cả đương chức và hết nhiệm kỳ (nhưng ngoại trừ Blatter), đã bị buộc tội về một loạt các hành vi gian lận và tham nhũng ở Hoa Kỳ, nơi mà các công tố viên đã cáo buộc họ bỏ túi 150 triệu USD từ hối lộ, lại quả và các hành vi sai trái khác. Và các công tố viên liên bang Thụy Sỹ đang tìm kiếm chứng cứ về các giao dịch mờ ám đằng sau quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar.
Tất nhiên, gian lận là một truyền thống lâu đời trong thể thao chuyên nghiệp. Ví dụ, giới tội phạm ở Mỹ rất quan tâm đến môn quyền anh. Ngay cả các trò chơi từng được coi là của các quý ông như môn cricket (bóng gậy) cũng đã trở nên ô uế trước sự xâm nhập của các mạng lưới cờ bạc và các thương vụ gian lận. FIFA chỉ là kẻ giàu nhất, mạnh nhất, và moi nhiều tiền của thế giới nhất trong đám mà thôi. Một số người đã so sánh FIFA với Mafia, và Blatter, sinh ra trong một ngôi làng nhỏ của Thụy Sĩ, được gọi là “Bố già Blatter” (Don Blatterone). Điều này không hoàn toàn công bằng. Vì như chúng ta đều biết, đến nay vẫn chưa có hợp đồng giết người nào được ban hành từ trụ sở của FIFA ở Zurich. Nhưng sự bí mật của tổ chức này, việc hăm dọa các đối thủ cạnh tranh của những người đang điều hành tổ chức, việc dựa vào các ưu ái riêng, hối lộ và nhắc lại các món nợ đã cho thấy sự tương đồng đáng lo ngại giữa FIFA với giới tội phạm có tổ chức.
Tất nhiên là người ta có thể chọn cách coi FIFA là một tổ chức bất thường chứ không phải là một tổ chức tội phạm. Nhưng ngay cả trong cách gọi hướng thiện hơn này thì phần lớn các hành động phi pháp cũng là kết quả trực tiếp của sự thiếu minh bạch của tổ chức này. Toàn bộ hoạt động của FIFA được điều hành bởi một nhóm đàn ông gắn kết chặt chẽ với nhau (phụ nữ không có vai trò gì trong trò kinh doanh mờ ám này), và tất cả những người này đều chịu ơn ông chủ. Điều này không chỉ bắt đầu dưới thời Blatter. Người tiền nhiệm của Blatter là João Havelange người Brazil đã biến FIFA thành một đế chế tham nhũng và giàu nứt đố đổ vách bằng cách kết nạp ngày càng nhiều các nước đang phát triển, và phiếu bầu của các nước này cho các ông chủ đã được mua bằng mọi cách qua các thương vụ béo bở về tiếp thị và truyền thông. Khoản tiền khổng lồ của các công ty Coca-Cola và Adidas đã hòa vào hệ thống để chảy vào cái túi không đáy của những kẻ thống trị Thế giới thứ Ba và như cáo buộc thì vào cả túi của Havelange. Coca-Cola là nhà tài trợ chính của World Cup 1978 tại Argentina, khi đang được cai trị bởi một chính quyền quân sự tàn bạo.
Cổ động viên phản đối FIFA. Ảnh Interrnet |
Blatter không quá thô kệch như Havelange. Không giống như vị chủ tịch người Brazil, Blatter không công khai kết hợp với giới tội phạm. Nhưng quyền lực của ông ta cũng dựa trên những phiếu bầu và lòng trung thành của các nước bên ngoài Tây Âu, được đảm bảo bằng lời hứa bản quyền truyền hình và nhượng quyền thương mại. Trong trường hợp của Qatar, điều này có nghĩa là giành quyền đăng cai World Cup ở nơi khí hậu hoàn toàn không phù hợp, với những sân vận động được vội vã xây dựng bởi các lao động nước ngoài dưới điều kiện làm việc khủng khiếp, được trả lương thấp với rất ít quyền lợi. Lời than phiền của những người châu Âu hơi khó tính hơn thường bị đáp trả bằng những cáo buộc rằng họ có thái độ tân chủ nghĩa thực dân hay thậm chí là phân biệt chủng tộc. Thật vậy, đó là những gì đã biến Blatter thành một người đàn ông điển hình của thời đại chúng ta. Blatter là một nhà điều hành tàn nhẫn nhưng lại tự coi mình là anh hùng đấu tranh cho các nước đang phát triển, bảo vệ lợi ích của người châu Phi, châu Á, Ả Rập, và Nam Mỹ trước một phương Tây kiêu ngạo.
Mọi thứ đã thay đổi kể từ thời những chính trị gia tha hóa của các nước nghèo bị mua chuộc để mang lại nhiều lợi ích chính trị hay thương mại hơn cho phương Tây. Tất nhiên là chuyện này vẫn xảy ra. Nhưng bây giờ số tiền thực sự rất lớn thường được tạo ra từ bên ngoài phương Tây như ở Trung Quốc, Vịnh Ba Tư, và thậm chí cả Nga. Các doanh nhân, kiến trúc sư, nghệ sĩ, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc bảo tàng từ phương Tây, hay bất kỳ ai cần một lượng lớn tiền mặt để tài trợ cho các dự án đắt đỏ của họ, hiện nay đều phải làm việc với những kẻ chuyên quyền không ở phương Tây. Và dĩ nhiên là ngay cả các chính trị gia được bầu lên một cách dân chủ cũng phải làm vậy. Và một số – như Tony Blair – biến nó thành một nghề sau khi mãn nhiệm./.
Một trận đấu tại World Cup 2018. Ảnh Internet |