Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, giữa rất nhiều chương trình nghệ thuật hướng đến vùng đất Điện Biên lịch sử, có một người nghệ sĩ xiếc tài năng đã dồn hết tâm huyết để chấp bút biên kịch cho một vở xiếc đậm tính nghệ thuật mang tên “Sống mãi với Điện Biên”, với mong muốn được hòa chung với không khí tưng bừng kỉ niệm của dân tộc. Có cơ hội được làm việc với NSND Tống Toàn Thắng - Tổng Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chúng tôi đã được nghe ông chia sẻ về sự thay đổi ngoạn mục của xiếc với nghệ thuật để đúc kết được chương trình “Sống mãi với Điện Biên”.
NSND- Tổng Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng trong một tiết mục xiếc |
- Thưa ông, là một người gắn bó máu thịt với xiếc và đang ở cương vị quản lí, ông có thể cho độc giả báo Văn nghệ biết đôi nét về tình hình phát triển chung của xiếc Việt hiện nay không?
- Trong giai đoạn hội nhập quốc tế đang bùng nổ mạnh, có thể nói xiếc đang có một sự chuyển mình rất lớn. Ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa xiếc xưa và xiếc nay. Chục năm trước, tôi thấy người ta tới rạp xem xiếc với một tâm thế hào hứng, và thực tế, chẳng có mấy khi người ta được xem xiếc, xem những điều phi thường mà các diễn viên thể hiện. Nhưng ngày nay, với sự bùng nổ của truyền thông, rạp xiếc đã vắng hơn nhiều vì khán giả có thể xem xiếc qua màn hình ti vi. Nên hầu như bây giờ, rạp xiếc Trung ương Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ đón các cháu thiếu nhi.
Ngoài cái khó trong việc không có nhiều khán giả, chúng tôi cũng đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trong nguồn nhân lực. Giờ đây, các đơn vị du lịch - giải trí tư nhân ở các thành phố như Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng… đang có nhu cầu về diễn viên xiếc rất lớn, và hiển nhiên là các nghệ sĩ cũng được hậu đãi tốt hơn nếu làm việc ở đó. Sau dịch bệnh, liên đoàn chúng tôi đã chứng kiến sự ra đi của nhiều nghệ sĩ, họ tìm về những vùng đất ấy, khiến cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã khó nay càng thêm khó.
Để có được một người nghệ sĩ diễn xiếc, phải mất 5 năm đào tạo, khổ luyện trong các cơ sở đào tạo, nhưng sau 5 năm vất vả học hành thì đầu ra lại không hề dễ dàng, chưa nói đến chế độ đãi ngộ.
Xiếc Việt Nam chưa được coi trọng và đón nhận như ở nước ngoài và lại càng không thể so sánh với Disney, Las Vegas, nơi nghệ sĩ xiếc rất được trọng dụng và có thể sống tốt. Chính vì vậy, trong mỗi mùa tuyển sinh, trường xiếc phải tuyển thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, chứ thành phố hay miền xuôi người ta không chọn học ở trường xiếc.
Khó khăn trong tuyển sinh, thiếu diễn viên và những khó khăn sau dịch bệnh đã buộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng chiến lược tiếp cận khán giả bằng cách tìm hiểu thị hiếu, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, mang hơi hướng nghệ thuật cao phục vụ cho các đối tượng khán giả khác nhau. Năm 2022-2023 đã chứng kiến sự tăng lên đáng kể của số buổi diễn, từ đó chúng tôi luôn nêu cao khẩu hiệu là nâng cao đời sống cho các nghệ sĩ, rằng ngoài mức lương cố định người diễn viên phải được diễn nhiều để tăng thu nhập. Đó là chìa khóa, là sợi dây níu chân họ với gánh xiếc Việt Nam.
- Chương trình “Sống mãi với Điện Biên” có khác biệt gì và được áp dụng những kĩ năng diễn mới nào so với những chương trình trước, thưa ông?
Ngoài việc triển khai đội ngũ diễn viên hùng hậu hơn so với năm ngoái, tôi đã thiết kế thêm một vài phân cảnh dùng các kĩ thuật cao hơn để tạo tính phi thường. Bên cạnh đó, kịch bản và dàn cảnh cũng được trau chuốt hơn vì đã được rút kinh nghiệm. Là năm thứ 2 làm “Sống mãi với Điện Biên”, chúng tôi mong muốn được tái hiện một sa bàn rất lớn của trận chiến Điện Biên Phủ trên sân khấu xiếc, để cho khán giả Thủ đô, cả nước, ai chưa có cơ hội được đến với Điện Biên có thể phần nào cảm nhận được không khí hào hùng của trận chiến năm xưa.
Bằng những nhân vật đi vào lịch sử, bằng ngôn ngữ xiếc, bằng trang phục, bằng tất cả những kĩ năng mà chúng tôi đã khổ luyện để có thể tái hiện các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thời chiến như hiện lên sống động ở “Sống mãi với Điện Biên”. Chúng tôi có các hoạt cảnh như bộ đội về làng, hoạt cảnh bộ đội cùng nhau đứng trước quân thù hát những bài hát lịch sử, hoạt cảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện kéo pháo. Ở phân cảnh này, hình tượng anh Tô Vĩnh Diện ngã xuống lấy thân mình chèn khẩu pháo để đồng đội bắn, các nghệ sĩ sẽ dùng lực nhảy để tự hóa thành một viên đạn bắn vào quân thù. Những phân cảnh này thực sự có tính hình tượng rất lớn, nó phi thường, và nó chính là ngôn ngữ xiếc, và là nghệ thuật trong xiếc.
- Việc xây dựng một cốt truyện lịch sử qua ngôn ngữ xiếc có điểm đặc sắc nào, và có gây áp lực hoặc khó khăn nào cho những người nghệ sĩ không? Thông điệp của “Sống mãi với Điện Biên” là gì?
Sau 5 năm thai nghén và sản xuất “Sống mãi với Điện Biên”, tôi đã tìm cách tiếp cận, khắc họa chân dung chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam bằng ngôn ngữ xiếc và bằng cách thể hiện của các nghệ sĩ xiếc. Tôi luôn đau đáu câu hỏi là: Làm thế nào để khán giả thấy được sự phi thường của bộ đội ta năm xưa qua xiếc? Và tôi đã tìm ra điểm chung rất lớn giữa xiếc và bộ đội ta xưa, đó là sự phi thường.
Vậy nên, có thể nói áp lực đè lên vai các nghệ sĩ là rất lớn. Họ mặc trên người không phải đồ biểu diễn xiếc mà là quần áo chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, bản thân họ phải toát lên cái cốt cách, phong thái của một người chiến sĩ quân đội, và hơn hết, họ phải quên đi rằng họ là nghệ sĩ xiếc. Tôi có viết ra những hoạt cảnh như anh Vệ quốc quân cầm bom ba càng lao vào quân thù, thì khi diễn xiếc, người nghệ sĩ phải diễn trong tâm thế của một người anh hùng, đối diện với sự hy sinh mà không sợ. Mỗi lần nghĩ đến những hoạt cảnh ấy, tôi đều dâng trào cảm xúc như những ngày đầu nhập vai trong dự án. Tôi tái hiện tất cả những điều này để giúp khán giả cảm nhận. Và sự cảm nhận ấy không chỉ dừng lại ở khâm phục, biết ơn mà còn biến thành hành động, thôi thúc người xem làm một điều gì đó cho quê hương, đất nước. Tôi cũng đã thấy nước mắt, nụ cười của khán giả trước những phân cảnh về sự dũng cảm, sự sẻ chia với đồng đội của chiến sĩ quân đội. Và đây chính là những minh chứng mách bảo chúng tôi rằng chúng tôi đã rất thành công.
- Để xiếc Việt trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa giải trí của đất nước, đâu là nút thắt cần phải gỡ để người nghệ sĩ xiếc nói riêng, xiếc Việt nói chung thực sự tỏa sáng, thưa ông?
Theo tôi, môn nghệ thuật nào cũng thế, các nghệ sĩ phải có sự đam mê. Bởi nếu không đam mê, thì sẽ không thể sống hết mình với nghề. Nghề xiếc cũng vậy, cũng cần có đam mê, nhưng chỉ có đam mê thôi thì vẫn chưa đủ, nghệ sĩ xiếc cần phải được tiếp thêm động lực về chính sách và sự đãi ngộ. Bởi ngoài vất vả, xiếc còn là môn nghệ thuật vô cùng nguy hiểm, và hiển nhiên là đe dọa đến cả tính mạng, nên thời hoàng kim của họ cần được hưởng những quyền lợi và sự vinh danh thỏa đáng. Và khi người nghệ sĩ không còn đứng trên sàn diễn (vì tuổi cao hay chấn thương), chúng tôi mong muốn họ được tạo điều kiện chuyển đổi, học thêm ngành gì đó để phục vụ tại liên đoàn. Việc học này cũng cần Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện.
Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán luôn khó. Trong khi chờ đợi những chính sách mới, đặc thù cho ngành xiếc, những nghệ sĩ xiếc như chúng tôi vẫn không ngừng tìm cách nâng cao đời sống cho các nghệ sĩ. Song, đối với các nghệ sĩ trẻ hoặc những người đam mê diễn xiếc nhưng chưa đủ đam mê dấn thân với xiếc, tôi luôn luôn tìm mọi cách để truyền lửa cho họ, một phần vì bản thân luôn đau đáu với cái nghề này, một phần tôi cũng từng là họ ngày xưa và hiểu cảm giác của họ. Tôi luôn chỉ nói với họ là: “Hãy luôn hết lòng vì nghề, nghề sẽ không phụ mình.” Và tôi đã không ngừng làm mới xiếc. Trong đó có những dự án để đời như huyền sử “Sống mãi với Điện Biên”.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ!
Mộc Miên (thực hiện)
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024