Ảnh Internet |
Cho đến nay, theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan đề xuất dự án, thì Viện khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn) đang nghiên cứu báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng này. Thông tin nói trên, ngay cả từ việc chọn đơn vị tư vấn, cũng khiến cho dư luận quan tâm
Chắc không nhiều người biết được rằng hiện đường sắt ở Trung Quốc chủ yếu là khổ tiêu chuẩn 1,435m và chỉ duy trì đường sắt khổ hẹp 1,000m, đường lồng (gồm cả khổ 1,000m và khổ 1,435m) tại một số tuyến ngắn, nhà ga khu vực biên giới giáp Lào Cai. Trong khi đó, đường sắt từ Lào Cai đi Hải Phòng ở Việt Nam vẫn là đường khổ 1,000m. Thế nhưng theo quy hoạch giao thông vận tải đường sắt của Việt Nam đến 2020, và trước mắt là nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hệ thống đường sắt Việt Nam sẽ có khổ 1,435m… Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, trước mắt, quy hoạch này sẽ có lợi cho ai?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hoá giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Vậy nên chưa nói về chi phí xây dựng, thì rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này, phía Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, trong khi tiền để thực hiện dự ánh thì cuối cùng vẫn là người dân Việt Nam phải chịu. Chính vì thế mà không phải vô cớ khi có ý kiến phân vân của các chuyên gia kinh tế được công khai trên báo chí, cho rằng liệu dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có liên quan đến kế hoạch "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc?... Cơ sở của ý kiến này dựa trên những thông tin từ sau chuyến thăm Việt Nam của Phó tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Tống Quốc Anh vào đầu tháng 4 vừa qua. Trong chuyến thăm này, ông Tống đã kiến nghị với phía Việt Nam về các giải pháp thúc đẩy quan hệ giứa hai bên, trong đó có việc cải tạo tuyến đường sắt trung chuyển nối từ Lào Cai tới Hải Phòng để thúc đẩy hơn nữa giao thương của Vân Nam và thị trường phía Tây Nam của Trung Quốc với các tỉnh của Việt Nam, và giúp đưa hàng hóa của Vân Nam ra thế giới. Ý kiến này của ông Tống thực ra chỉ là tiếp tục của kế hoạch đã được khởi động từ năn 2015. Tại thời điểm này, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu nhân dân tệ để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh vietnamfinance.vn |
PGS.Ts Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đưa ra phân tích, trong việc phát triển chiến lược “Vành đai - con đường” của mình, Trung Quốc đã đề cập đến vấn đề này. Cụ thể là họ muốn có 2 con đường, thứ nhất là Lào Cai - Hải Phòng (Việt Nam) để kết nối với Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc); thứ 2 là con đường từ Quảng Ninh đi xuống phía nam… Vậy nên “Nếu chúng ta cứ vay vốn Trung Quốc để làm các dự án này thì chúng ta có thể trở thành con nợ, rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Chúng ta đã tránh vấn đề này, bây giờ lại đề xuất ra thì về mặt chiến lược là có vấn đề. Tôi cho rằng cần hết sức cần nhắc với dự án này, vì chính chúng ta, vì chính nền kinh tế…”, ông Thịnh nói với báo chí như vậy.
Không thể phủ nhận về lâu dài, việc xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải của một quốc gia là vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa kích cầu cho sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế mà trong một tầm nhìn có tính chiến lược, một dự án đường sắt như đang nói ở đây là điều rất nên làm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thì chưa cần thiết, khi xét riêng ở góc độ kinh tế, khi nhu cầu vận chuyển của các địa phương có tuyến đường này đi qua chưa thực sự cần đến một dự án như vậy.
Ts. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông, đưa ra ý kiến hiện tuyến đường bộ cao tốc Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng đã được nối thông và khai thác rất hiệu quả. Việc xây dựng thêm một tuyến đường sắt kết nối tuyến này sẽ chia sẻ lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí, cạnh tranh chính giữa 2 lĩnh vực đường sắt và đường bộ. Ấy là chưa nói đến việc lượng hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh Lào Cai và miền núi phía bắc với Hải Phòng để xuất khẩu và ngược lại hoàn toàn không nhiều đến mức cần làm một tuyến đường sắt có chi phí tới 100.000 tỷ đồng như vậy. Mà ai dám chắc sẽ không đội vốn, không vì lý do này lý do khác mà chậm tiến độ như những bài học nhãn tiền… Rồi nguồn vốn lấy đâu ra? Nếu đi vay tiếp thì đẩy nợ vay nước ngoài của ta lên đến mức nào trong bối cảnh trần nợ công đã tới ngưỡng, mà chúng ta cũng đang cần vốn để đầu tư vào rất nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh tế, nhiều khu vực, địa phương vẫn đang bị thiếu hụt hết sức nặng nề?...
Về mặt an ninh, khi một tuyến đường sắt có năng lực vận tải 10 triệu tấn hàng hóa một năm với 15 đôi tàu chạy mỗi ngày; tốc độ 160 km/giờ, thời gian từ Lào Cai đi Hà Nội mất 3 giờ, Lào Cai đi Hải Phòng mất 4 giờ; sẽ ẩn chứa những nguy cơ gì, chắc ai cũng rõ
*
Mặc dù dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không thể chỉ nhìn nhận là một dự án kinh tế. Song nếu chỉ tính riêng ở góc độ này, thì ai cũng thấy, đích cuối cùng của một dự án kinh tế vẫn là hiệu quả. Vậy mà ông Đinh Trọng Thịnh khi đề cập đến tính hiệu quả cũng như việc bố trí vốn cho dự án, đã phải hết sức thẳng thắn khi nói rằng: “Rất nhiều người nói Bộ Giao thông Vận tải là Bộ tiêu tiền mà không quan tâm tiền đó lấy từ đâu. Kể cả có đi vay được thì chúng ta cũng không thể cứ thế mà đi vay mãi. Trong khi, 100.000 tỷ là một khoản đầu tư rất lớn đối với nền kinh tế. Nhà nước cần phải cân nhắc, đắn đo như một nhà đầu tư thực thụ, phải tính đến hiệu quả”…
Hiệu quả kinh tế, cuối cùng cũng là để phục vụ sự ổn định và phát triển xã hội. Mà hàn thử biểu của xã hội, chính là lòng dân. Câu chuyện về một tuyến đường sắt, cũng đang là câu chuyện của lòng dân. Sự cân nhắc, lắng nghe, và quan trọng hơn cả là phải đặt lợi ích chung của Quốc gia, của dân tộc lên trên hết thảy mọi lợi ích, có lẽ lại một lần cần được sẻ chia, đòng cảm
Văn nghệ