Dù đã phụ trách hai tờ báo Văn nghệ ở địa phương trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng phải đến 1957, khi chuyển ra Hà Nội làm báo Văn nghệ thì ngoài công việc làm thơ - tôi mới thực sự biết thêm nghề làm báo. Bấy giờ, tòa soạn còn ở số 6, phố Quang Trung. Tôi được tham gia tổ đọc thơ và giúp việc cho Ban biên tập. Tại đây, tôi gặp nhiều nhà văn quen biết. Cũng không ngờ, các anh lại say sưa làm báo đến thế. Lần đầu tiên gặp Tế Hanh. Đôi mắt đen và to của anh thường sáng lên, mỗi lần chọn được một bài thơ hay trong bó bản thảo. Tổng biên tập bấy giờ chính là anh Nguyễn Đình Thi, nhưng anh Thi bận nhiều việc Đảng đoàn. Điều hành công việc báo là anh Bùi Hiển, vừa ở báo Nhân dân chuyển sang. Vốn là người cẩn thận, anh chăm chút từng dấu phẩy, từng chữ, từng câu của bản in. Tôi không sao quên được vẻ hồ hởi của anh khi cầm trang báo “mới ra lò” còn bay hơi mực, đặt lên bàn phòng chữa mo-rát. Anh em chúng tôi xúm lại, xem cái “mâm cỗ” tòa soạn bỏ công bày ra. Mắt tinh đến mấy, xem qua một lần cũng để sót lỗi. Lại chữa. Lại đọc. Có câu thơ đã chữa ở tổ, suy nghĩ ở nhà, tìm ra chữ ở dọc đường, nay chờ bông in mới, để xúm vào, kịp chữa thêm. “Nhớ nửa trang thơ sum vầy bóng bạn” - đúng như anh Chế Lan Viên sau này ở xa viết gửi về. Ấn tượng sâu sắc với tôi sau đó là ông chủ bút Nguyên Hồng. Hằng ngày anh mặc quần short, cầm cái quạt nan, kẹp một cặp bản thảo to kềnh vào nách đến cơ quan. Anh xốc xô lại bài vở, đốc người này cho thơ, bảo người kia thay truyện. Thời này, Văn nghệ đang có nhiều vấn đề. Các anh ở Đảng đoàn Văn nghệ thường lui tới chỉ đạo. Nếu trước đây, đã có những cuộc thảo luận về sân khấu ở Việt Bắc, hoặc thơ Nguyễn Đình Thi ở liên khu 4…thì nay, việc thảo luận hướng vào đấu tranh với những bài có khuynh hướng sai chệch. Những bài viết của Hoàng Trung Thông “Từ Prô-lê-kun đến trăm hoa đua nở” phê phán lập luận của Nguyễn Hữu Đang…và hàng loạt thư bạn đọc góp ý về nhóm Nhân văn giai phẩm, thực sự đã nâng cao tính chiến đấu của báo Văn nghệ trên mặt trận tư tưởng. Chính giai đoạn này đã cho tôi những nhận thức mới. Trước hết, nghề làm báo - lại là báo văn học, không có gì trở ngại mà còn có lợi cho người sáng tác. Thực tế những lần trao đổi đăng bài này, bỏ bài kia, chữa chữ này, cắt chỗ nọ, những ý kiến khác nhau và những cuộc đi đây đi đó với tư cách phóng viên - ít nhiều đều giúp tôi kiểm nghiệm được ý nghĩ và cảm xúc của mình. Tòa soạn báo là lớp học đầu cho nhà văn - ý kiến ấy chẳng phải không có cơ sở. Có lẽ vì thế mà đến nay, khá đông sinh viên đại học văn, hoặc các học viên trường viết văn, sau khi tốt nghiệp đều có ước mơ về làm việc ở một tòa soạn. Và có lẽ cũng vì thế mà đến nay nhà văn lão thành Nguyễn Tuân cứ muốn xin lại cái “thẻ nhà báo” mà anh đã sơ ý vò rách khi giặt áo. Anh viết cho chúng tôi: “Cái ấy nó vẫn cần cho chúng mình hành nghề”. Những cuộc tranh luận trong văn nghệ thời nay còn cho tôi hiểu tờ báo không phải là một câu lạc bộ, tha hồ “tự do diễn đàn”. Đây chính là một trận tuyến tư tưởng, tình cảm…Người làm báo tốt là người nhạy bén kịp thời biết cổ vũ những ý nghĩ tình cảm chân thực đúng đắn và biết ngăn chặn, uốn nắn những khuynh hướng sai sót để bảo đảm đường lối văn nghệ của Đảng tiền phong.
![]() |
Sau đợt đấu tranh và học tập chính trị, năm 1960, tờ báo mang tên là Văn Học. Tên ban biên tập bấy giờ không in trên cái măng-sét quen thuộc, những vẫn là các anh quen biết phụ trách. Người điều hành thời này là anh Vũ Tú Nam, vốn là bạn cùng lớp văn hóa kháng chiến khóa III với tôi. Anh Vũ Tú Nam không có cái sôi nổi bốc lửa như anh Nguyên Hồng, nhưng lại có cái điềm đạm ký chú của một ông thủ thư tin cẩn. Đây là một thời kỳ nở rộ của báo Văn học. Về tổ chức, tòa soạn đã tập hợp được tiếng nói của các thế hệ. Dù đã 30 tuổi đầu, tôi vẫn được anh Chế Lan Viên cho là “đang tơ”, vì cùng đọc thơ chọn bài với ông Dụng (anh Khương Hữu Dụng) và với hai bà…(Chị Vân Đài và chị Hằng Phương). Các anh, chị coi tôi như ga-nê-phô. Được tôn trọng ý kiến, tôi thường thoải mái đại diện cho lớp trẻ, nói lên cái “gu” thơ của mình. Đây cũng là thời mà, sau đợt đấu tranh tư tưởng, các nhà văn náo nức đi vào thực tế đời sống của những năm đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc. Tôi nhớ mãi những đợt đi biển Quảng Bình với các anh Anh Đức, Yến Lan, vừa sáng tác vừa viết bài theo như đặt hàng của tòa soạn. Nhớ những đợt đi Cao Bắc Lạng, Vùng mỏ…mà ở đó, chúng tôi say sưa nói chuyện thơ, đọc thơ cho bộ đội và công nhân nghe. Có lẽ tuần nào tôi cũng nhận lời mời nói chuyện thơ (như anh Xuân Diệu trước đó, hoặc như Phạm Tiến Duật sau này) và chính sự tiếp nhận với công chúng, đã giúp tôi những kinh nghiệm sáng tác và công tác. Tờ báo thời này đã mở ra những mục mới: mục “Người mới cuộc sống mới”, mục “Trao đổi” của Chàng Văn là những món ăn rất kịp thời và sinh động với bạn đọc. Và chính từ đó, báo phát hiện thêm được nhiều cây bút…Những búp thơ đầu tiên của em Trần Đăng Khoa, những truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Thị Ngọc Tú, Ngô Ngọc Bội,…và biết bao nhiêu tên tuổi khác, đã có bài in báo Văn nghệ, để sau này làm cơ sở cho Nhà xuất bản Văn học tập hợp thành Sức Mới I, II, III, và trong tám năm, giới thiệu đến hơn 30 tập thơ của các nhà thơ mới định hình. Những thành tựu đó - tất nhiên là còn hạn chế, nhưng đã góp phần căn cứ để sau này, Đại hội Đảng lần thứ IV có thể khẳng định: “Đã có một nền văn học xã hội chủ nghĩa”.
Rõ ràng mùa hoa văn học nở rộ từ 1960, thời kỳ sôi nổi thi đua xã hội chủ nghĩa, thời kỳ nội bộ đội ngũ thống nhất, đời sống chưa gặp những biểu hiện tiêu cực, đã cho phép chúng ta - những người làm báo cải tiến, nâng cao cả chất lượng lẫn hình thức báo. Là thời kỳ nhắc ta không nhất thiết bài thơ thì phải đóng khung, in ảnh thì cứ chân dung rõ ràng. Không khí thi đua xax hội chủ nghĩa, bước đấu tranh giữa hai con đường cũng đã nhắc văn học không chỉ có tô hồng. Hiện thực xã hội chủ nghĩa, - sức hấp dẫn của một tờ báo Văn học - trước hết là xem nó có gắn bó liên hệ chặt chẽ với đời sống hay không, hiểu một cách cụ thể là bạn đọc có thấy văn thơ cần với họ như cơm ăn áo mặc hay không, có giúp họ tháo gỡ băn khoăn, vui vẻ phấn chấn hay không. Từ đó đã đặt ra một yêu cầu: làm báo phải linh hoạt, như bày mâm ăn, mà bữa ăn thì không thể kéo mãi một món. Có món ăn chủ lực, có vị gia giảm. Phải cải biến luôn luôn hợp khẩu vị của khách hàng. Tờ báo nào thì cũng mang hai yêu cầu: thực hiện đường lối của Đảng về ngành của mình và góp phần làm công tác tuyên truyền đại chúng. Hai yêu cầu đó với tờ tuần báo của Hội Nhà văn, xét cho cùng vẫn là thống nhất. Nghĩa là tính văn học không có gì mâu thuẫn với tính báo chí. Thực vậy, mở tờ Văn nghệ, ở số báo hay, không những người đọc tiếp thu những hình tượng nhân vật sinh động, những dòng thơ yêu ghét rõ ràng, xúc cảm mãnh liệt, những ý nghĩ thường thức rạch ròi về cái đẹp cái xấu, cái đúng cái sai, mà còn say mê với cả những nụ cười, những tranh châm biếm, những dòng tin nóng hổi trên khắp các mặt hoạt động trong nước cũng như ngoài nước.
Sau hơn mười năm ở Nhà xuất bản Văn học, đến 1978 tôi lại trở về báo Văn nghệ. Bấy giờ, tuần báo đã qua những thời anh Hoài Thanh, anh Hoàng Trung Thông, anh Bảo Định Giang, thay nhau làm Tổng biên tập. Mỗi anh với quá trình hoạt động, đã có những cống hiến, và tiếp đó, anh Nguyễn Văn Bổng hai lần phụ trách, trước khi chuyển đi sáng tác đã để lại cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý báu. Trở lại làm báo với tuổi trên 50, lại nhận nhiệm vụ trong ban phụ trách, tôi cũng có được những suy nghĩ. Trước hết, dễ được tiếp cận với thực tế sôi động của phong trào hơn là chỉ ngồi đọc bản thảo. Tôi nhớ mãi đợt đi phóng viên 1979, sau khi ở bệnh viện ra, được nằm với anh em trong lòng đường thị xã Lạng Sơn, được chứng kiến cái chết của nhà báo Cộng sản Nhật Bản và nghe tiếng súng giáng trả của chiến sĩ ta, với bọn bành trướng xâm lược…Lại có dịp đi vào các tỉnh phía Nam, sang chiến trường nước bạn, nhưng rồi lại phải về luân chuyển đảm nhiệm trực ban. Nhớ anh Nguyễn Văn Bổng xông xáo, thường ít khi bằng lòng về mỗi số báo mới ra. Anh Giang Nam hiền lành trong cả những việc cần quyết định. Anh Phạm Hổ say sưa. Anh Đào Vũ nhiều sáng kiến…Các anh, ai cũng có hoài bão và cung cách làm việc của mình. Đặc biệt, đội ngũ tòa soạn ngày nay đã lớn lên hơn bất cứ thời kỳ nào, nhiều nhà văn nhà thơ đã về trấn ngự ở các ban, các tổ: Hoài An, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phạm Tiến Duật, Võ Văn Trực, Trần Ninh Hồ, Hồng Phi, Thiếu Mai, Bế Kiến Quốc…Có cán bộ biên tập đã từng thâm niên ở báo: Nguyễn Vĩnh, Ngọc Trai, Triều Dương và nhiều anh chị em khác…Tòa soạn trải qua một thời kỳ bàn bạc đóng lại, mở ra các mục, các cuộc thi; ra số phụ dịp này dịp kia rôm rả. Tuy mặt chỉ đạo về quản lý trị sự còn sơ hở, non yếu và còn những thiếu sót thường lệ trong công tác biên tập, nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành nhiệm vụ và năm 1984, đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Ngoài lý do chính trị và cơ bản ta thường kể là nhờ sự chỉ đạo của cấp trên, của Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương, nhờ sự điều hành của Ban phụ trách, tôi muốn nhấn mạnh ở đây, ở thời kỳ này, cái tác dụng to lớn của vai trò làm chủ tập thể. Đây là một kinh nghiệm quý. Có ý kiến dẫn ra rằng không phải ở trong nước mà cả ở nước ngoài, nhiều tờ báo chỉ cần một vài người làm. Được thế là giỏi nhưng chưa hẳn đã là hay. Đã qua cái thời “tôi chủ báo, anh chủ báo” mà Nguyễn Công Hoan miêu tả trong truyện ngắn, tờ báo ngày nay, dẫu sao cũng là một tập thể, một cơ quan. Nó không chấp nhận thị hiếu một người, nó lại càng không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự hợp đồng tác chiến giữa các khâu, giữa tòa soạn với cộng tác viên, giữa người bày ra mâm cỗ với khách hàng bạn đọc. Tuần báo Văn nghệ ở giai đoạn mới vẫn giữ được tín nhiệm với bạn đọc, chính là đã biết tranh thủ sức đóng góp của tập thể trong và ngoài tòa soạn. Khi ai cũng đã có trách nhiệm với tờ báo, thì việc đọc, chọn bài có trách nhiệm và công bằng hơn, biết trân trọng cộng tác viên hơn, huy động được sáng kiến của nhiều anh em hơn. Mỗi số báo lên khuôn, cán bộ công nhân viên đều thấy mình có đóng góp; Mỗi cuộc thi mở ra đều được sự hưởng ứng đông đảo và đi đến kết quả thực sự. Cuộc họp hàng tuần của tòa soạn không những để tự nhìn lại số báo đã làm, cái gì được, cái gì chưa, mà cũng là dịp để anh em trau dồi nhận thức sáng tác và kinh nghiệm làm báo. Nhờ đó đã bổ cứu kịp thời những thiếu sót và phát huy những ưu điểm, đặc biệt là huy động đúng hướng cho những số báo sắp tới. Tất nhiên làm chủ tập thể không có nghĩa là một thứ cha chung, không ai cầm trịch và quyết định, dù chỉ là trong thưởng thức bài vở. Ban biên tập - người được trên giao nắm phương hướng ở tòa soạn và quản lý cơ quan, bao giờ cũng phải sẵn sàng xử lý, ứng phó những yêu cầu đột xuất của báo. Đó cũng là trường hợp khi lên khuôn số báo này, anh em đã phát hiện và nhắc tôi viết ngay bài này để hưởng ứng ngày Báo chí của cả nước.