Chuyên đề

Mùa hoa Dã Quỳ

Văn học địa phương
08:42 | 18/07/2021
Anh Hiến lại lên cơn điên. Anh bị cột vào chân giường bằng dây xích, rũ rượi thân hình èo uột. Bình thường muốn anh ngủ phải tiêm thuốc. Còn không anh hát è è: " Mùa thu này đoàn quân ra đi, mang theo tuổi trẻ lên đường". Hoặc đập tay đập chân rầm rầm:" Tắt nắng đi! Tắt nắng đi! Đau đầu lắm! Mang súng ra đây. Trung đội thành hai mũi tiến công! Xung phong! Xung phong!". Những lúc như thế, tôi và mẹ cuống cuồng thu dọn mọi thứ trong tầm tay anh.
aa

Anh Hiến lại lên cơn điên. Anh bị cột vào chân giường bằng dây xích, rũ rượi thân hình èo uột. Bình thường muốn anh ngủ phải tiêm thuốc. Còn không anh hát è è: " Mùa thu này đoàn quân ra đi, mang theo tuổi trẻ lên đường". Hoặc đập tay đập chân rầm rầm:" Tắt nắng đi! Tắt nắng đi! Đau đầu lắm! Mang súng ra đây. Trung đội thành hai mũi tiến công! Xung phong! Xung phong!". Những lúc như thế, tôi và mẹ cuống cuồng thu dọn mọi thứ trong tầm tay anh.

Anh lồng lộn cố giật khỏi dây xích. Mẹ lăng xăng chạy vòng ngoài rên rỉ: "Khổ thân con quá! Tôi có làm gì thất nhơn ác đức đâu mà trời hành tôi vậy hà? Sao con mắc bệnh oái oăm, khổ sở này Hiến ơi. Khổ mẹ, khổ cả con Hiền". Ý mẹ nhắc chuyện người yêu tôi sợ căn bệnh quái ác của anh đã lặng lẽ rút lui. Tôi an ủi mẹ: "Tại số con cao, anh ấy có lỗi gì đâu?". Mẹ khóc: "Mày chưa nghe mồm thiên hạ! Có đứa độc miệng bảo lấy mày rồi phải nuôi thêm thằng anh điên". Tôi lẳng lặng mang chiếc chăn bốc mùi nước đái khai mù ra bể giặt. Mỗi ngày ít nhất dọn rửa một lần mà mùi thuốc, mùi mồ hôi, mùi xú uế thỉnh thoảng vẫn xộc lên nồng nặc. Ngày đầu nhà tôi chuyển về đây, mỗi lần anh trở bệnh, hàng xóm kéo đến vòng trong vòng ngoài, tíu tít hỏi thăm. Trẻ con tranh nhau nhòm qua hàng rào. Đầu giường anh lúc nào cũng có nải chuối, vài lon sữa, mấy quả cam, chục trứng. Bây giờ, xóm làng quen tiếng anh la hét. Cả tiếng lảm nhảm linh tinh cũng không làm lũ trẻ tò mò lũ lượt theo sau nữa. Chỉ có nhà tôi luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm. Bệnh của anh thường tái phát khi mùa khô đến. Cũng là mùa nắng hanh vàng, hoa dã quỳ nở vàng rực núi đồi. Lúc nào thằng Quang cũng có thể xẹt về, ló cái đầu bù xù vào hét: "Bà ơi, ba cháu đi mất rồi". Lập tức, cả nhà tôi náo loạn như bị bom. Chúng tôi túa ra đường tìm kiếm, dụ dỗ, nạt nộ, thuê người, thuê xe. Ba bốn ngày sau mới áp tải được anh về sau khi phải đền chén, ly, cửa kính… tất cả những đồ anh đã lấy đá ném vỡ.

Mẹ thường dậy sớm, cắt rau đi chợ bán. Mẹ lúc nào cũng tất bật, bước như chạy, nói như sợ ai giựt lời, chân tay lấm lem lấm luốc, tôi bảo: "Hay nghỉ nuôi heo nấu rượu đi mẹ, chẳng lời được bao nhiêu ". Mẹ thở dài: "Có còn hơn không. Tiền đâu mua thuốc, thịt cá bồi dưỡng cho anh mày". "Nhưng mẹ già rồi". "Tao già nhưng bệnh anh mày không già. Mỗi năm nó tái phát nhiều hơn, nặng hơn. Còn phải làm". Thế là mẹ con tôi lại chúi đầu chúi mũi vào trăm thứ việc: Mẹ đi chợ thì tôi nấu cơm. Mẹ rải men rượu còn tôi ủ. Mẹ thái rau, tôi tắm rửa dọn dẹp chuồng heo. Chưa kể bón phân, tưới nước cho các loại la - ghim trên gần một sào đất. Chưa kể những ngày anh lên cơn phải canh chừng, sắc thuốc, nấu cháo, giặt chăn màn, tắm rửa… Chăm bẵm anh bận rộn hơn chăm một đứa trẻ. Công việc vụn vặt ngốn hết thời gian. Chẳng rõ từ lúc nào, chân tôi cũng bước gấp gáp như mẹ. Trong đầu tôi việc này chưa xong đã nghĩ ngay việc khác. Tôi đi nhanh, làm nhanh, ăn nhanh, uống nhanh. Có người bảo: "Con bé đảm đang giống mẹ". Có người lại bảo" "Tướng con bé khổ giống mẹ". Lúc nào mệt quá, tôi ngồi bệt xuống hè, nhìn ra xa. Nắng vàng như mật ong, hoa dã quỳ vàng như màu nắng. Miên man hoa. Trên đèo, lòng thung, ngóc ngách những con đường… đâu đâu cũng rực sắc màu tươi thắm. Tôi nhớ tháng ngày chưa xa, hồi tôi và anh cùng cắp sách đến trường. Học xong, ngày nào anh em tôi cũng kéo xe cải tiến ra đồi. Một loáng đã chất đầy xe hoa và lá dã quỳ. "Chúng mày chặt làm gì nhiều vậy?". Anh Hiến nhanh nhảu trả lời: "Làm phân xanh. Loại cây này làm phân tốt lắm. Mấy năm nữa cà phê thu hoạch, ba mẹ ngồi không dưỡng già. Tụi con đi xa cũng yên lòng". Mẹ mắng yêu: "Mồ cha mày, lo xa quá, thành ông cụ sớm con ạ". Ba bảo:" Đàn ông phải như trụ nhà, biết làm và biết lo". Tôi nhớ mùa khô cuối anh Hiến còn hái những chùm lá cúc quỳ xanh non nấu một nồi nước xanh hắc, đắng nghét, bắt tôi tắm để trị ghẻ. Anh không quên cắt đầy mấy xe dã quỳ vùi xuống hố đào sẵn sau nhà rồi trốn đi bộ đội. Chưa đầy năm sau, gia đình tôi nhận điện báo tin anh bị bệnh sốt rét ác tính, rất có khả năng ảnh hưởng thần kinh. Mọi người bàng hoàng, hãi hùng, phiền muộn... Trở về, anh thất thường, lúc tỉnh lúc điên, đổi thay như mưa nắng. Nhà tôi buồn như có tang. Mẹ đưa anh đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Hà Tây, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Từ thuốc tây đến thuốc ta. Rước cả những thầy biết phun lửa phì phì đuổi tà ma, lên chùa dâng lễ, xin lá bùa yểm tà dán lên trụ cột, trước cửa nhà ... dù từ trước đến nay nhà tôi chẳng tin trên đời có ma quỷ. Ngôi nhà xinh xắn với những khoảnh vườn cà phê xanh tốt lần lượt về tay các chủ khác để có tiền chạy chữa cho anh. Mẹ chở hai thùng nước cơm sau xe đạp cọc cạch về, mồ hôi nhễ nhại, gặp tôi ngồi thần bên cửa, nhăn mặt: "Làm gì ngồi đực ra đấy? Mơ mộng hả con? Chuốc họa thôi, như thằng anh mày...".

Mẹ tôi lấy ấm thuốc bắc, chắt nước cốt vào chén, đổ bã, thay vào đó một thang thuốc mới, đặt lại trên bếp than. Ánh lửa đỏ hực hắt lên gương mặt mẹ nhăn nheo, khắc khổ. Mẹ già nhanh quá, tóc bạc trắng, da nhăn. Tim tôi thót lại, nước mắt rưng rưng. Tôi vào buồng nằm vật xuống giường, mệt mỏi rã rời. Tôi ngủ thiếp đi. Tôi mơ thấy mình còn bé tí cùng anh Hiến chạy tung tăng trên đồi hoa vàng. Xung quanh anh em tôi bạt ngàn hoa và lá. Anh Hiến như người khổng lồ kéo phăng phăng hết chuyến xe này đến chuyến xe khác, có tôi ngồi ngất ngưởng trên đó. Chúng tôi cười vang. Ba má tôi đứng đợi dưới chân đồi, nhìn anh, nhìn tôi, quay sang nhau cười. Gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Giấc mơ đứt quãng vì tiếng anh Hiến hét. Tôi tỉnh giấc, bần thần cảm giác mình vừa mất cái gì rất quý, rất đẹp mà không sao nhớ ra được. Mãi sau, hoàn cảnh thực tại mới từ từ hiện về trong tâm trí. Bóng nắng le lói bên cửa, tôi nằm ráng thêm chút nữa, lắng nghe âm thanh cuộc sống mỗi lúc ồn ào, náo động. Có tiếng lục cục sau nhà, chắc mẹ đang xếp mấy cái xoong vào cụi hoặc múc cháo ra chén. Tôi chợt nghe tiếng chân chị Thạch bước loẹt quẹt. Chị nói: "Má à, hay mình đưa anh Hiến vào bệnh viện Biên Hoà. Dù sao..." "Không. Không đi đâu hết, - mẹ gạt phắt - vào đấy là chết. Chồng mày lúc điên lúc tỉnh. Lúc tỉnh nó là người. Người sống với một lũ điên thì điên luôn thôi con ạ". "Tuần trước dưới An Phú có ông Hòa tâm thần, cột vợ vào gốc cây đổ xăng đốt. Hôm kia ở Hoa Lư có bà điên dìm con xuống giếng. Để anh ở nhà, lỡ ra...". “Bậy nào! - Mẹ gắt lên - Không đi là không đi. Vào đấy chúng nó đánh nhau, xé quần xé áo, chưa kể ghẻ lở, giành giật, xót lòng lắm con ơi". "Tùy má! Má giữ ở nhà thì má lo. Giờ con bận lắm.”. Chị thở dài sõng sượt. Tiếng dép loẹt quẹt xa dần. Căn nhà chìm trong sự im lặng tuyệt đối, nghe rõ tiếng nước chảy róc rách từ rô - mi - nê xuống thau. Một lúc sau, tôi nghe tiếng chân mẹ tất bật chạy vào chỗ ba. Chắc ông đang uống trà, đọc báo. Mẹ tôi nôn nóng: "Ông có nghe con Thạch vừa nói gì không? Chắc nó có bồ. Lần này nó chẳng phụ thêm tiền thuốc còn định đẩy thằng bé đi Sài Gòn. Con mình như tờ giấy. Trở trời - điên. Hờn giận - điên. Uất ức - điên. Mà vợ nay thế này, mai thế khác. Thế có chữa bằng giời cũng không khỏi. Tư tưởng không thoải mái, nó bị đi bị lại là lẽ đương nhiên. Để nó về đây tôi và ông cho nó một trận, dâu với chả con”.

Ba tôi không nói gì. Thằng Quang nhảy phóc vào giương khẩu súng nhựa bắn pằng… pằng ra lửa hét: "Giơ tay lên" và cười khanh khách. Mẹ giằng khẩu súng ném xuống đất vỡ tan, riết róng: "Hết trò rồi hả? Mày tưởng bắn giết nhau sướng lắm hả?". Thằng Qnang ngã lăn xuống đất giãy đành đạch và gào tướng lên nhưng không ai dỗ.

Buổi chiều, ba đi họp mặt trận, mẹ ra chợ. Tôi đóng cửa để anh Hiến ở nhà, chạy ù ra quán mua báo. Lúc về, cánh cổng đã mở toang hoác. Ngạc nhiên, tôi hoảng hốt chạy vào nhà, sững sờ nhìn anh Hiến. Anh cởi truồng nhồng nhỗng, bước đi khật khừ, dãi dớt lòng thòng, cứ thế tiến thẳng về chị Thạch. Áo chị bị xoạc một bên. Chị nép vào góc nhà, hoảng hốt: "Không. Tôi không..." Thấy tôi về, chị mừng rỡ: "Đấy, em xem, tỉnh lại là đòi tòm tem. Quá là cưỡng hiếp!". Chị quay ngoắt lại nhìn chồng, đập mạnh vào vai: "Có thôi đi không, rõ dơ. Mặc quần áo vào". Chị vơ quần áo trên giường hối hả mặc cho anh với vẻ nôn nóng, giận dữ. "Em không biết đâu, nhiều hôm đi về mệt muốn chết, buôn bán đã mệt mỏi, cực nhọc, còn lục đục đòi cả đêm, không ngủ được". Nhìn ánh mắt thâm quầng, nước da mai mái, giọng nói uể oải của chị, cổ họng tôi đắng nghét. Tôi nói: "Anh ấy bị bệnh cái đầu, chớ "cái ấy" không sao. Nhịn ba tháng rồi. Sức vóc thanh niên trai tráng, sao chịu nổi". Chị Thạch lẳng lặng xuống bếp chắt thuốc.

Vết xích ở chân anh Hiến bị tuột da, rướm nước. Mấy con nhặng lượn lờ o o. Buổi chiều anh tỉnh táo hơn. Ba thường dẫn anh đi dạo trên vỉa hè cho mát. Phải uống thuốc an thần nhiều, anh đờ đẫn, chân tay co quắp. Cơ thể anh như thể bị gắn vào lò xo, mỗi bước đi bật nẩy khó nhọc. Nước dãi nhểu lòng thòng như đứa trẻ đang mọc răng, không sao ngăn được. Ba lấy khăn tay liên tục lau miệng cho anh. Ba im lìm, nhẫn nại chăm sóc anh. Ông dìu anh ngồi xuống ghế đá, châm lửa, cầm thuốc cho anh hút. Ngón tay anh xanh mướt, yếu ớt không cầm nổi thứ gì. Trước kia, anh học giỏi nhất trường. Ước mơ thành triết gia của anh chẳng làm ai ngạc nhiên. Mọi thứ với anh đều dễ như trong tầm tay. Bây giờ ước mong anh là người bình thường nhất hoặc không phá phách gì để mọi người yên ổn làm việc cũng xa vời.

Chiếc xe khách mang biển thành phố Hồ Chí Minh rù rù đi ngang qua tôi. Tôi thấy gương mặt chị Thạch đờ đẫn trong ô cửa. Ánh mắt lơ đãng lướt trên những đám mây. "Chị ấy bỏ đi rồi! Không phải đi buôn dưới huyện như chị ấy nói ". Điều cả nhà nơm nớp lo sợ đã thành sự thật. Mẹ đôi lần vẫn hỏi: "Mày xem con Thạch dạo này thế nào? Anh mày ốm đau luôn nó chán". Tôi an ủi: "Mẹ cứ lo xa. Chị ấy vẫn đi buôn bán suốt ngày đó thôi". “Nhưng dạo này thái độ nó khác lắm. Hờ hững, chán nản. Phụ nữ đang thì phây phây như thế, thiếu gì đàn ông vây quanh. Có phải máu mủ ruột thịt đâu mà chịu đựng". Tôi giấu kín chuyện dạo trước anh Hiến thường đầu trần, gò lưng đạp xe dưới trời nắng chang chang. xục vào các ngõ hẻm đường cụt "tìm vợ". Mấy ngày trước, tôi thấy chị soạn đồ rất lâu. Chị đi ra đi vô cất cái này, bỏ cái kia, hôn thằng Quang rồi lại lần thần xếp áo quần. "Chị Thạch ơi! Chị Thạch!" Tôi bật gọi nhưng chiếc xe đã đi xa. Tôi ngồi thụp xuống. Nắng thu vàng tung toé thành trăm ngàn cánh hoa dã quỳ tả tơi trước mắt. Bầu trời vẫn cao xanh vời vợi. Bao giờ tôi mới được như đám mây kia, ung dung thanh nhàn không biết buồn vui, lo lắng của kiếp người?

Đêm đến, cả nhà tôi choàng tỉnh giấc vì tiếng la hét đập phá. Anh Hiến lại lên cơn. Anh xé hết quần áo, mồ hôi chảy nhễ nhãi trên da thịt bẽo bợt. Anh hét: "Đả đảo đế quốc Mỹ. Anh em ơi xung phong!”. Anh quơ mọi thứ có thể với được trong tầm tay làm súng. Anh cúi rạp, bò toài, tưởng tượng tiếng đạn nổ chíu chít quanh mình. Tôi xách nước, lấy giẻ lau chùi nhưng mùi xú uế vẫn bốc lên khăm khẳm. Mẹ tôi lập cập bưng chén thuốc lại van vỉ: "Nghe lời mẹ, uống thuốc đi con, uống cho khỏi bệnh, lần này không khỏi, con Thạch nó lấy chồng khác con ơi". Nhưng anh Hiến không hiểu. Anh giãy giụa, hất đổ chén thuốc và gào lên theo thói quen. “Súng đâu! Lựu đạn đâu! Mũi thứ hai tiến!". Ba bảo: "Thôi, thôi, để tôi và con Hiền giữ nó. Bà chạy sang hàng xóm tìm hai cậu thanh niên đến giúp rồi nhờ cô Minh tiêm cho nó ngủ.”. Bình thường anh như cua lột bấy bớt nhưng lúc lên cơn anh rất khỏe. Lỡ bị anh đánh, đạp phải là tôi đau điếng, ba xây xẩm mặt mày.

Hơn mười giờ đêm mẹ tôi mới tìm được người phụ giúp. Trước lúc thuốc ngủ ngấm, anh thều thào: "Dưa hấu! Dưa hấu!". Cả nhà tôi nhìn nhau. Mùa này, dưa hấu rất đắt. Tiền đâu? Mẹ khóc: “Đừng phá nữa con. Ngày mai mẹ sẽ mua.". “Nói dối, hứa, hứa bao nhiêu lần!". Anh vung tay lên nhưng thuốc ngủ đã ngấm, cánh tay thòng xuống, đầu ngật sang một bên, miệng lảm nhảm câu gì không rõ. Ba lẳng lặng đặt anh nằm ngay ngắn trên giường, khe khẽ mở dây xích. Sớm mai, ông phải dậy sớm trước anh để khoá lại như cũ.

Tôi và mẹ mải miết sắp xếp lại mọi thứ cho gọn. Mẹ vấn mái tóc xổ tung, rầu rầu bảo: "Này ông, nếu con Thạch có về đừng nói gì nữa ông ạ. Nó lấy phải thằng chồng như con mình cũng khổ lắm rồi. Nó có theo trai, bỏ con bỏ cháu thì mình cũng phải quên đi mà vui vẻ. Trách làm sao được.". "Tôi cũng nghỉ vậy.". Tôi cảm giác tóc ba bạc hơn rất nhiều, mặt thêm nhiều nếp nhăn. "Ngày mai phải bán cặp heo thôi ông ạ. Nó đang sức lớn, bán cũng tiếc nhưng hết tiền mua thuốc rồi. Tiền vay xoá đói giảm nghèo mới đó đã hết trụi". Mẹ thở dài thõng thượt. Không gian yên ắng. Tiếng côn trùng i ỉ. Đâu đó, mọt đang nghiền gỗ kèn kẹt. "Ông ngủ đi. Đêm nay tôi trông. Ông thức mấy đêm rồi.". "Thức riết thành quen. Giờ nó cựa mình tôi cũng tỉnh giấc. Tuổi già ngủ mấy đâu bà. Ngày mai có thể đỡ nắng, may ra con mình bớt đau đầu.". "Sao ông biết?". ""Bà cứ nhìn ráng mây kia kìa.". Chúng tôi ngước nhìn nền trời đen thẫm chứa chan hy vọng. Mảnh trăng cuối tháng đỏ quạch, mỏng lét như lưỡi liềm bỏ quên giữa trời sao.

Mấy ngày sau anh Hiến đỡ bệnh. Anh lờ mờ nhận ra những người thân, chân tay cử động gượng gạo. Tuy vậy, ánh mắt, câu nói vẫn dài dại, ngây ngô. "Nhớ trông nó cẩn thận. Chữa thì chữa đứt đợt, đừng để nó bị đi bị lại liên tục ...".

Một buổi sáng thức dậy, chúng tôi không thấy anh đâu. Nước đái thâm một góc chiếu. Dây xích nằm loằng ngoằng như con rắn. Nhà tôi lại bấn loạn như bị bom. Mẹ quần ống thấp ống cao chạy đi miệng mếu, chạy lại miệng mếu, gặp ai cũng hỏi: "Các ông các bà có thấy thằng con tôi khoảng bốn mươi tuổi, mặc áo xanh, quần đùi nâu, đi dép Lào ở đâu không? Cháu bị tâm thần.". Những cái lắc đầu, những vẻ mặt ái ngại, những cái nhìn lơ đãng… "Các ông các bà ơi, thằng con tôi tháo xích trốn rồi, Thì ra lâu nay nó giấu thuốc ngủ trong áo gối...". Mẹ túm lấy tay tôi khóc nức: "Anh mày điên lại rồi. Bao giờ con lấy được chồng.". Tôi cười mếu máo. Từ lâu tôi không còn bận tâm chuyện này. Mùa thu thứ ba sáu đi qua trong đời, mang theo những rạo rực sôi nổi. Tôi chỉ thấy rầu rầu xót xa khi nhìn bóng mẹ nhỏ bé lúc gần lúc xa. Khắp nơi, nắng đang nhạt dần. Mùa thu đang đi xa. Hoa dã quỳ cũng bớt vàng. Từng cánh, từng cánh rũ xuống, để lại những đài hoa đen sẫm rồi khô cong lại. Gió tẽ từng nhụy hoa tung tẩy khắp nơi. Cứ thế, dã quỳ sinh sôi nảy nở khắp núi đồi Tây Nguyên, mùa sau nhiều hơn mùa trước, thu sau vàng hơn thu trước. Mỗi mùa hoa về tôi chỉ mong thấy anh như xưa - người đàn ông cao lớn. khoẻ mạnh, kéo chiếc xe cải tiến đầy ắp lá hoa vàng, vừa làm vừa hát say sưa: "Mùa thu này đoàn quân ra đi, mang theo tuổi trẻ lên đường..."


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.