Từ ngày 29/7 đến 1/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp tác động của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh, nhiều địa phương đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây lũ lụt, sạt lở đất đá tại nhiều nơi, gây thiệt hại về người và của, cũng như làm ách tắc, cản trở giao thông...
Điện Biên: Thiệt hại lớn về người và tài sản
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, từ ngày 23 đến 31/7, trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra 2 đợt mưa lớn trên diện rộng, kéo theo lũ, lũ quét, sạt lở đất tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại lớn về người cũng như tài sản.
Cụ thể, theo thống kê đến hết ngày 31/7, lũ quét, sạt lở đất khiến 6 người chết, 3 người mất tích và 7 người bị thương. Cùng với đó, hơn 460 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi, thiệt hại nặng và rất nặng, gần 270 nhà bị ảnh hưởng, phải di dời khẩn cấp.
Mưa lũ tại bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - Ảnh: Điện Biên TV |
Mưa lũ cũng khiến 149,24ha lúa bị vùi lấp, cuốn trôi; gần 29ha ngô, sắn, rau màu bị thiệt hại; 4,7ha rừng cây lâm nghiệp bị gãy đổ; gần 120ha diện tích đất ruộng lúa bị đất, đá vùi lấp; hơn 1.900 gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, hơn 30 tuyến đường bị thiệt hại. Các tuyến quốc lộ cũng bị ảnh hưởng nặng nề với 147.064m3 đất đá sạt lở taluy dương xuống mặt đường; 14.133m3 đất đá lấp tắc cống rãnh; 7.750m2 mặt đường bị hư hỏng; trên 310m taluy âm bị sạt trượt...
Ngoài ra, 12 công trình thủy lợi, 8 công trình nước sinh hoạt, 2 trạm y tế bị thiệt hại và 7 điểm trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 383,5 tỷ đồng.
Trước tình hình thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, Cơ quan Thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã kiến nghị UBND tỉnh, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ 382,37 tỷ đồng cho các huyện khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, hỗ trợ huyện Điện Biên 350 tỷ đồng nhằm trợ giúp gia đình có người chết, thực hiện hỗ trợ sản xuất, làm nhà ở và khắc phục cơ sở hạ tầng, tái định cư cho nhân dân vùng lũ quét, sạt lở xã Mường Pồn. Hỗ trợ huyện Nậm Pồ 32,37 tỷ đồng thực hiện khắc phục 4 công trình và hỗ trợ dân sinh.
Bắc Kạn: 2 người bị thương do sạt lở đất
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 29/7 đến 1/8, trên địa bàn tỉnh đã có 2 người bị thương do sạt lở đất; 140 nhà ở bị sạt lở taluy dương.
Nhà bị sạt lở taluy dương ở tỉnh Bắc Kạn - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn |
Trên tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 3B, các tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn xảy ra 44 điểm sạt lở taluy dương, taluy âm, trong đó, một số điểm sạt lở với khối lượng lớn đất, đá gây tắc đường cục bộ, đến nay đã thông đường bước 1. Riêng tuyến Quốc lộ 3B (điểm sạt Quang Thuận tại KM 149+700 và điểm sạt Dương Phong tại Km161+300, thuộc huyện Bạch Thông) đang xử lý khắc phục. Thiên tai cũng làm 285,37ha lúa, ngô, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị ngập. Ngoài ra còn nhiều công trình, trụ sở bị thiệt hại do sạt lở đất, đá taluy dương.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ hộ dân bị mất nhà do sạt lở đất, lũ quét.
Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái: Sạt lở đất gây cản trở giao thông
Từ ngày 29 đến 31/7, mưa lớn kéo dài trên thượng nguồn làm cho mực nước sông Cầu tiếp tục tăng cao. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Nguyên, trong sáng 1/8, mực nước sông Cầu lên mức 2.632cm (cao hơn 32cm so với mức báo động 2). Mưa cũng khiến một số tuyến đường giao thông trũng, thấp, đập tràn, cầu tràn... tại một số xã, phường trên địa bàn thành phố bị ngập.
Mưa to khiến 180ha diện tích lúa và hoa màu của một số xã, phường ở huyện Định Hóa bị ngập úng. Một số xã ở thành phố Sông Công bị ngập cục bộ nhiều đoạn đường giao thông, các ngầm tràn; sạt lở 17 điểm tại các trục đường xã, liên xóm, hơn 40m tường trang trại gà thuộc xóm Na Vùng bị nứt đổ và có nguy cơ sụp đổ toàn bộ, ngập trên 30ha lúa... Khu vực huyện Đại Từ liên tục xảy ra mưa dông khiến 2 hộ dân xã Minh Tiến bị sạt taluy sau nhà; đổ 60m tường rào của 2 hộ dân trên địa bàn thị trấn Quân Chu. Khoảng 55ha lúa, chè và cây màu bị ngập; gần 1ha ao nuôi cá bị nước cuốn trôi. Nhiều công trình, thiết bị cấp điện bị hư hỏng. Đặc biệt, giao thông tại 1 số nơi đã bị ảnh hưởng bởi sạt lở...
Tại tỉnh Lai Châu, mưa lớn diện rộng khiến nhiều tuyến quốc lộ, đường liên xã, bản biên giới bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, những tuyến quốc lộ chính như Quốc lộ 12, 4D, 4H và đường tỉnh 128, 132, 133, 127... bị ngập úng, sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ, người dân đi lại hết sức khó khăn. Qua thống kê sơ bộ, huyện biên giới Mường Tè thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ này. Tại địa phương ghi nhận hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H và đường tỉnh 127, khối lượng đất đá phải dọn dẹp lên đến hàng nghìn mét khối. Tại xã Bum Nưa của huyện này, nước lũ trên suối Nậm Bum dâng cao cuốn trôi và làm ngập úng hơn 4ha ao cá, lúa và hoa màu của người dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Than Uyên, các xã Pha Mu, Mường Cang, Mường Mít, Phúc Than, Tà Mung, Mường Kim, Ta Gia... ghi nhận những thiệt hại đáng kể do mưa lũ gây ra. Trong đó, một số hộ dân đã phải di chuyển chỗ ở khẩn cấp để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn, gây sạt lở trên quốc lộ 4D ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - Ảnh: Mạnh Hùng |
Tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến nhà ở của nhiều hộ dân và gây ra nhiều điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 152 và một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã; trong đó, có 2 tuyến đường bị sạt lở lớn gây ách tắc tại xã Bản Hồ và Thanh Bình. Trên Tỉnh lộ 158, đoạn qua huyện Bát Xát đã xảy ra 17 điểm sạt lở taluy, gây ách tắc giao thông. Cụ thể, sạt taluy dương 13 vị trí, trong đó, có 3 vị trí tắc đường; sạt taluy âm 4 vị trí. Trước đó, rạng sáng 31/7, tại Quốc lộ 4, từ xã Pha Long đi trung tâm huyện Mường Khương, đã xuất hiện điểm sạt lở đất, đá ở taluy dương. Do điểm sạt lở nằm ở khu vực sườn núi dốc, đất đá tràn ra lòng đường nhiều nên các phương tiện ô tô không thể lưu thông, chỉ có xe máy đi lách qua nhưng rất nguy hiểm.
Tại Yên Bái, mưa lớn làm sạt lở, ngập úng cục bộ, ảnh hưởng giao thông nhiều tuyến đường trong tỉnh và ngập úng nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân. Trận mưa lớn chiều tối 30/7 đã làm sạt lở ta luy dương vùi lấp 2 gian nhà và tài sản của một hộ dân ở xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) buộc hộ này phải di dời ngay trong đêm. Tại thành phố Yên Bái, mưa lớn gây ra 18 điểm ngập úng, sạt lở; trong đó có 17 điểm úng ngập ở các phường, xã, khiến 3 ha lúa của xã Tân Thịnh bị ngập úng.
Trân Na tổng hợp | Báo Văn nghệ Online