Tọa đàm trực tuyến "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục" hôm 3/11 đưa ra góc nhìn đa chiều của đại biểu quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về việc định giá sách giáo khoa (SGK).
Ông Phạm Ngọc Thưởng (bìa trái), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tại tọa đàm "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục" sáng 3/11 tại Hà Nội. Ảnh: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân |
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết theo Luật Giá hiện nay, SGK do doanh nghiệp, nhà xuất bản kê khai giá, còn Bộ Tài chính thẩm định. Nhưng trong dự thảo Luật Giá sửa đổi do Chính phủ trình Quốc hội chiều 2/11, SGK lần đầu được đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán SGK, bảo đảm lợi ích người dân.
Cả nước hiện có khoảng 17,5 triệu học sinh, là đối tượng sử dụng trực tiếp mặt hàng đặc biệt này. Theo ông Thường, Bộ sẽ tham mưu quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản, mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam không tán thành việc Nhà nước định giá SGK. Ông Thỏa cho rằng, gần đây, các bộ sách mới ra đời có giá thành cao hơn bộ sách cũ là điều không tránh khỏi vì khác hoàn toàn về nội dung, chất lượng, hình thức. "Quan điểm của tôi là Nhà nước không định giá SGK dù là định giá bằng khung giá, giá tối đa, tối thiểu hay giá cụ thể mà để thị trường định giá", ông Thỏa nói.
Theo ông Thỏa, SGK không phải mặt hàng độc quyền, đây là mặt hàng mà các nhà soạn thảo có quyền cạnh tranh, vậy giá phải do các đơn vị cạnh tranh trong thị trường này quyết định. Chỉ có cạnh tranh, chúng ta mới thúc đẩy được chất lượng đi lên cũng như mức giá để thỏa mãn mọi đối tượng trong xã hội.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc đưa SGK vào mặt hàng định giá chưa chắc đã khiến giá SGK giảm nhiều. "Dẫu có định giá vẫn phải dựa trên các yếu tố hình thành giá", bà Thúy nói.
Theo bà Thúy, khi ban hành Nghị quyết 88 năm 2014 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Quốc hội chỉ quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK, không quy định SGK là mặt hàng Nhà nước định giá.
"Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, mấy năm qua có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã tham gia biên soạn, xuất bản SGK. Bây giờ giữa chừng thay đổi chính sách sẽ không khỏi làm cho doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan", bà Thúy nhận định.
Vì thế, theo ông Thỏa, quản lý nhà nước thể hiện ở việc cần đưa các nhà xuất bản này vào hành lang pháp lý riêng. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất SGK để các nhà biên soạn căn cứ vào đó sản xuất. Ví dụ, một cuốn sách sẽ hết bao nhiêu giấy, giấy loại gì và các đơn vị xuất bản cần phải tuân thủ.
Bộ cũng cần ban hành quy chế giá riêng cho SGK ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Quy chế này quy định những chi phí nào nhà sản xuất được phép tính vào giá thành, chi phí nào không được phép. Ngoài ra, Bộ nên có quy định về lợi nhuận nhằm kiểm soát giá sách, không để quá cao so với mức chi tiêu của người dân.
Bộ sách Cánh diều tại buổi trưng bày SGK phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 29/9 tại Hà Nội. Ảnh: BM |
Bà Thúy đưa ra hai phương án điều chỉnh việc định giá SGK. Thứ nhất, chỉ định giá với SGK do doanh nghiệp nhà nước sản xuất. Thứ hai, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có SGK, sau đó giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.
"Quy định này sẽ nhất quán với Luật Giá hiện hành, đó là tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh", bà Thúy nói.
Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), cho hay nếu SGK trở thành mặt hàng do Nhà nước định giá, là doanh nghiệp, ông sẵn sàng chấp nhận.
Tuy nhiên, ông Ái đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để luận giải đầy đủ, chi tiết đưa ra mức giá để người làm sách có thể chấp nhận được, làm được. Nếu không hợp lý, việc xã hội hóa sẽ không tiến hành được.
Hồi đầu năm học, SGK mới gây nhiều tranh cãi khi giá cao gấp 2 đến 3 lần so với bộ cũ.
Nguồn VnExpress