Có một lần trong buổi tranh luận với bạn bè văn chương giải đáp câu hỏi “Những gương mặt thơ đặc sắc nào của thế kỷ 20 sẽ tạc vào lịch sử thi ca xứ Việt”, tôi đã nói rằng, nếu kể về các nữ thi nhân, tôi xin bỏ lá phiếu số 1 cho nữ sĩ Ngân Giang … Và từ lúc nào những câu thơ này vang lên:
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi ...
(Trưng Nữ Vương)
Sinh thời, nhà thơ Tô Hà (người được mệnh danh là “võ sĩ nặng cân” của những câu thơ hay) khi nói về bài thơ này, ông như lên đồng. Và tôi nhớ một chuyện kể khác: Nhà thơ Đông Hồ trong một lần trên bục giảng của Đại học Văn khoa Sài Gòn (năm 1967), khi đọc đến “Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá...”, trái tim nhiều rung động của ông dường như không chịu được những xúc cảm mãnh liệt, đã vĩnh viễn dừng lại. Những câu thơ là sự hóa thân tận cùng và mãnh liệt của nữ sĩ Ngân Giang vào số phận và hình ảnh độc nhất vô nhị của vị vua nữ, vị anh hùng dân tộc đầu tiên của thế kỷ đầu tiên, cách chúng ta bây giờ tròn 20 thế kỷ. Cái hình ảnh người - đàn - bà - Vua đó lừng lững một khí phách, lừng lững một nỗi cô đơn! Chính nữ sĩ chứ không phải là ai khác đã tạo nên một tính cách đàn bà đặc sắc đàn bà: Chiến công, vinh quang không màng, mà chính là chỉ có tình yêu mới là khát vọng lớn nhất của người đàn bà; lòng yêu nước thương người nằm trong chính bản chất nguyên sơ của người đàn bà ...