Người Việt Nam trọng tình nghĩa, nên dù nghèo khó thế nào trong nhà cũng phải có bàn thờ gia tiên, giỗ chạp lễ tết đàng hoàng. Làm ăn khấm khá việc đầu tiên phải xây Nhà thờ dòng họ. Ngày nay nhờ đất nước đổi mới, nhiều người giàu lên (cả chân chính và cả bất chính) bắt đầu bỏ tiền xây những khu lăng mộ như cung điện, nhà thờ dát vàng... Những người có chức có quyền còn chiếm hàng ngàn mét vuông đất, lạm dụng công quỹ, xây khu lưu niệm đồ sộ giưa những làng quê còn nghèo đói, ngập lụt nhiều người đang không có chỗ nương thân tạo nên những nghịch cảnh phản cảm, thật đáng buồn.
Thờ phụng thế nào cho đúng, tiếp tục làm vẻ vang dòng họ như ước vọng của tiền nhân, tiên tổ. Không hiếm người khi bố mẹ còn sống, chẳng hề quan tâm, chăm sóc, nhưng khi họ sắp qua đời thì tranh nhau chia đất rồi khóc rống lên trước bàn thờ, kể công xây mộ, xây lăng thờ phụng. Đã đến lúc cần xây dựng quan niệm nhân văn thời hiện đại: Nghĩa sống mới thực cần nghĩa tận, thờ phụng chính là dành cho người đang sống luôn nhớ đến công lao cha mẹ, ông bà tổ tiên để sống tốt hơn, không làm điều gì xấu hổ danh tiền nhân, ảnh hưởng dòng họ và đất nước.
Người xưa nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, coi việc thờ cúng như những điều cần phải làm khi phú quý, biến thờ cúng thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhiều địa phương đã rất sáng tạo trong việc thờ cúng tri ân các anh hùng liệt sĩ bằng những chương trình lễ hội thiện nguyện bình dị mà sâu sắc. Có địa phương còn khuyến khích các dòng họ thờ những người có công với đất nước ở những vị trí trang trọng, không theo thứ tự thông thường trong nhà thờ họ bất kể là nam hay nữ, rất đáng nêu gương.
Thực trạng hệ thống thờ cúng tổ tiên của người Việt
Việc thờ cúng tổ tiên có những điểm khác nhau giữa các vùng, miền, dòng họ. Nhưng nhìn chung hệ thống thờ cúng tổ tiên cơ bản gần như nhau và đều mang ý nghĩa tri ân tiền nhân đã khuất, nhắc nhở con cháu sống xứng đáng với những gì tổ tiên, cha ông đã gây dựng nên.
Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, từ hơn 2000 năm nay, người Việt theo “chế độ phụ hệ”, người đàn ông là chủ gia đình, với các đặc điểm xã hội như: Quê quán và họ của con cái là lấy theo người cha; Con gái lớn thì đi lấy chồng và theo sống và phục vụ tập tục, lề lối của nhà chồng, dù có sống tại quê cha mẹ nhưng đến khi mất đi thì lại đưa về chôn và thờ phụng ở quê chồng. “Sống quê cha, làm ma quê chồng” là vậy. Con trai thì ngược lại. Việc thờ phụng tổ tiên là thờ tổ tiên người cha; các dòng họ là tổ chức theo họ của đàn ông, trong đó có việc xây Nhà thờ Họ và thờ phụng...
Đất nước ta đã đổi mới, đề cao vai trò phụ nữ trong mọi lĩnh vực, kể cả làm tướng, làm Bộ trưởng, làm Chủ tịch Quốc Hội... và rất nhiều nữ Anh hùng. Nhưng hệ thống thờ tự vẫn tồn tại ý thức hệ “trọng nam khinh nữ” và nhiều bất cập, thiếu công bằng.
“Ngũ đại đồng đường” là câu khen một gia đình có phúc lớn khi có đến tận 5 đời đang cùng sống và sống trong cùng một nhà. Lại có câu “ngũ đại mai thần chủ”, là nói rằng 5 đời thì chôn thần chủ (bài vị) đi, không thờ cúng tại gia nữa. Thực tế, tại nhà của người con trai trưởng (chủ nhà), thường thờ tự nhiều nhất là khoảng 4 đời là: cha mẹ (phụ mẫu), ông bà (tổ), các cụ (tằng), các kỵ (cao) gọi chung là Cao tằng tổ phụ. Nhưng thực tế thường chỉ cúng giỗ 2 đời, thậm chí 1 đời.
Những bậc tiên tổ cách 5 đời trở lên không còn được thờ tự tại nhà nữa, nhưng hậu duệ vẫn vẫn còn tình cảm, ngưỡng mộ những người này; đạo đức con người không bỏ mặc tổ tiên, nên hậu duệ thường cùng nhau xây nhà chuyên để thờ chung những người đó - gọi là nhà thờ Họ. Mục đích của việc xây Nhà thờ Họ là để thờ những người không được thờ tại (bàn thờ gia đình). Việc này đã diễn ra hàng ngàn năm, trải nhiều đời, lâu dần người đời sau nhầm tưởng tục lệ quy định là: “từ cách 5 đời trở lên mới được đưa vào thờ ở Nhà thờ Họ”, và mặc nhiên thực hiện! Sự nhầm lẫn này đã gây ra nhiều hệ luỵ xã hội đối với những người không có con hay không có con trai (hay cháu nội trai...). Hầu hết họ đều sống khép nép, sợ người đời chê bai, nguyền rủa khi có va chạm... và lo lắng về nơi thờ tự sau khi mình mất. Họ không được thờ tự chu đáo, thậm chí không có nơi thờ tự trong các đời thứ 2, 3, 4 thậm chí cả đời thứ 1 sau khi họ mất, tình cảm của con cháu bị ảnh hưởng rất lớn...
Được thờ tự trong Nhà thờ Họ sau cách 5 đời trở đi, khi xương cốt có thể đã tan rồi, nhưng trong vòng 4 đời đầu tiên, nhất là đời thứ 2, 3, 4 trở đi, linh hồn có thể không được thờ tự, vất vưỡng đâu đó. Về mặt tâm linh, đây là sự bất hợp lý rất lớn trong quan niệm thờ tự hiện nay.
Nhiều người tìm mọi cách cố sinh cho được con trai đã khiến hàng triệu gia đình lâm cảnh bất hạnh, đau khổ, nghèo túng, thậm chí ly hôn... Ngoài ra, đối với xã hội, vì việc cố sinh con trai nên thực tế hiện nay số bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng căng thẳng.
Trong Tộc Ước của một số dòng họ thường có quy định nói về cách giải quyết tình trạng này, nhưng sơ sài: Những gia đình sinh con một bề gái nên chọn người con, cháu có lòng thành tâm, tự nguyện "gánh thừa tự", đảm trách thực hiện việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người đã khuất. Điều này buộc các gia đình này phải “đi tìm và chọn” ... và nếu không “tìm và chọn” được thì họ phải chấp nhận sự phũ phàng của quan niệm lề thói thủ cựu... mà không có lối thoát.
Cần đổi mới cách thờ tự trong nhà thờ họ
Trước hết, cần ưu tiên thờ những người có công được nhà nước phong tặng, bao gồm cả nam lẫn nữ. Nhà thờ Họ ngoài việc thờ tự những bậc từ cách 5 đời trở lên như xưa nay, thì nên mở rộng cho phép thờ tự tất cả những người đã mất (sau mãn tang) trong Họ với điều kiện được gia đình của người mất đó đề nghị với Họ tộc, xoá bỏ tất cả các hệ lụy, bất bình đẳng không đáng có đã được nêu trên đây, tạo được hòa khí, đoàn kết trong dòng họ. Thực tế một số dòng họ đã thực hiện việc này.
Ngoài ra những bậc tiên tổ chưa quá 5 đời mà gia đình của những người đó chẳng may gặp khó khăn vì không có nhà ở, tha hương cầu thực, ở nơi đất khách quê người (hoặc định cư ở nước ngoài)... đều được thờ cúng. Về mặt tâm linh, ngày nay khi những người ra đi khỏi quê, làm ăn sinh sống nơi khác, đến khi mất nếu con cháu đưa thi hài, tro cốt về an táng tại quê thì những linh hồn này cũng có nơi thờ tự tại quê, mà không phải cầu bơ cầu bất không nơi thờ tự tại nơi “chôn rau cắt rốn”, tại nơi cốt nhục của họ yên nghỉ.
Việc cho phép thờ tự tất cả những người đã mất (sau mãn tang) trong Nhà thờ Họ, sẽ khắc phục khó khăn phổ biến “những gia đình không có con hay sinh con một bề gái” nhưng không “chọn được người con, cháu có lòng thành tâm, tự nguyện đảm trách thực hiện việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người đã khuất”, giúp cho họ vẫn có nơi thờ tự quy củ, ổn định, trường tồn, bảo đảm sự công bằng, văn minh trong đời sống tâm linh - một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
Là một quốc gia đa tôn giáo, việc thờ phụng luôn được tôn trọng hợp tình. Trước năm 1975, tòa thánh Vatican đã cho phép giáo dân Việt Nam được có bàn thờ gia tiên bên cạnh bàn thờ Chúa.
Nhằm góp phần xây dựng xã hội mới văn minh, phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, phát huy tinh hoa truyền thống đạo đức tín ngưỡng của dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Hội đồng Gia tộc các dòng họ Việt Nam nên nghiên cứu, chỉnh sửa quan niệm sai lệch trong thờ tự nêu trên, xây dựng, ban hành văn bản có tính định hướng về thờ phụng tiến bộ, tuyên truyền để các chi dòng họ trong toàn quốc thực hiện. Việc này sẽ có tác động mạnh mẽ trong việc xoá bỏ tư tưởng“Trọng nam khinh nữ”- một quan niệm đã thực sự lỗi thời không còn được chấp nhận trong mọi hoạt động xã hội Việt Nam kể từ năm 1945
Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019