Xứ Mường, phân thứ hạng người bằng từng bậc cầu thang, có một gia đình nghèo mạt, tác giả cứ thẩn tha kể, nhẩn nha tả từng vật dụng, từng món ăn, mà như có thân phận, có thần hồn trong đó, vẽ ra cả một không gian nghèo đến thương đứt ruột gan, mà lại đậm đà nghĩa sống người Mường. Hay một gia đình nhà Lang, giàu có, quyền lực, nhưng cũng đầy bất hạnh. Giọng văn thật thà, mà thấu cảm như lội trong ruột người Mường lội ra, lần lượt phơi bày nỗi đau phận người trong trói buộc hủ tục, và cắc cớ ngẫu nhiên của chuyện yêu. (Kiều Bích Hậu) |
1
Bà Mon ngồi bên bậc cầu thang đầu sàn đợi ông Mon và cái Mon. Tên thời con gái của bà là Mến. Tục xứ Mường, khi có con thì gọi theo tên con cả, chỉ khi về với tổ tiên thì mới dùng lại tên cha mẹ đặt cho. Bà có con gái lớn tên Mon thì được gọi là bà Mon, còn chồng là ông Mon.
Bà Mon nhìn chiếc cầu thang có ba bậc đã cũ mòn, mặt gỗ lỏng lẻo, đặt chân lên cứ chực lật vào trong. Bà thuộc nhẵn mặt cầu thang. Từ hồi về làm vợ ông Mon, ba bậc cầu thang vẫn đấy. Có muốn thay đổi cũng không được. Luật nhà Lang mấy trăm năm đặt ra quy tắc: chín bậc là nhà Lang và thầy cúng cai quản vía của dân trong Mường, bảy bậc là nhà Ậu, năm bậc dành dân thường, mẹ góa con côi chỉ được làm cầu thang ba bậc.
Cái mặt thang trên cùng bị vỡ, vết nứt lách thớ gỗ, hạt bụi đất lặn vào làm gỗ chuyển màu đất. Cái bậc thứ hai sứt sẹo mòn vẹt, in hình bàn chân lõm xuống. Cái bậc thứ ba cách thềm đất lồi lõm bạc trắng bụi đất khoảng hơn gang tay, là cái bậc thang bị mòn vẹt nhiều nhất vì chịu nhiều ướt át, chân vừa rửa xong còn sũng nước đặt luôn lên mặt thang. Cái cầu thang ba bậc, từ ngày bà về nhà này, nay con Mon mười ba tuổi, con Điệp chín tuổi, ba bậc cầu thang chỉ có mòn thêm. May mà trời cho bà hai đứa con gái, không thì bà cũng đến chết vì buồn. Bà chưa chết vì buồn, nhưng chắc chắn là bà sẽ buồn đến chết, nếu như bà còn ngồi ở đây, bên cái cầu thang ba bậc.
Đôi mắt bồ câu thăm thẳm thờ ơ lướt từ sàn ngoài đến sàn bếp, ngôi nhà chỉ nhỉnh hơn túp lều một chút nên đầu sàn này bà Mon cũng nhìn rõ hết mấy thứ lặt vặt trong sàn bếp. Cái kiềng sắt ba chân có sau ba hôm bà về làm vợ. Ông Mon đi bộ nửa ngày sang chợ huyện bên kia sông để mua cái kiềng sắt, ông nói để cho bà dễ chụm củi nhóm lửa. Ông Mon vứt ba hòn đá đầu rau xuống cạnh cầu thang nứa ở sàn nước, bảo để kê chân cho sạch. Bà Mon không cần nhìn, quanh quẩn hàng chục năm chỗ sàn nước, bà thuộc nó không kém gì mặt cầu thang.
Cái ấm đun nước đã vá vài miếng trên thân ấm. Ông Mon khéo tay, gò đập hàn nung thế nào đó mà vá được cái ấm nhôm bị thủng. Thì cũng tại bà làm thủng ra chứ đâu. Cứ ngồi lì bên bếp, chụm củi vào đun cho nước sôi sùng sục, nước sôi chán thì cạn, khô đến đáy rồi mà lưỡi lửa vẫn đượm liếm đỏ lòe quanh thân ấm, trong khi mắt bà nhìn xa thăm thẳm vào tận ngọn xanh nhòe nhoẹt của núi Khó.
Không biết bao lần cái ấm nhôm bị lửa nung đỏ rực, cho đến khi đổ nước vào nó kêu xèo xèo, dòng nước xối thẳng xuống bếp bà Mon mới biết là ấm đã thủng. Mua cái ấm mới bằng tiền cả chục ớp măng, ông Mon hì hụi một buổi thì vết thủng được vá bằng một miếng nhôm khác. Bây giờ, tuy nước rỉ giọt ra ở chỗ vá nhưng nước vẫn sôi được.
Cái ấm tích sứt vòi, men rạn xanh dùng nuôi mẻ, bà Mon nghe ông Mon bảo cái ấm có từ đời ông bà rồi, nay thì mình cứ dùng nuôi mẻ thôi. Nhưng mẻ không ăn cũng chết, có đầy lần chẳng còn tí cơm nguội nào mà cho mẻ ăn, vài bữa quên là nó chết thối đen. Thừa chút cơm canh nào là phải cho con mèo Mướp gầy nhẳng, chưa kể phải bớt miếng cho con Mực Đốm cứ rối rít nhộn nhạo ra vào đợi ăn. Ông Mon hì hụi gây lại, món ăn nào cũng phải động đến mẻ, lắm khi đến bữa chẳng có gì ăn lại mang mẻ ra chưng với muối để nuốt trôi bát cơm độn sắn, thiếu mẻ làm sao được. Mỗi lần mở ấm tích ra cho mẻ ăn là bà Mon lại buồn nôn khi nhìn thấy nghìn vạn con bọ ngoáy tít như giòi. Bà không sao quen lại mùi mẻ, hồi mới sinh con Mon, bà bị nôn thốc nôn tháo khi nhìn vào lọ mẻ.
Cạnh lọ mẻ là cái thạp dùng muối măng chua. Chiếc thạp khum khum hình bông hoa cúc nở có hình nổi hoa cúc và đôi trai gái vừa giã gạo vừa xoắn vào nhau tình tứ, mặt gốm thô của nó loang lổ chỗ nhạt như cục đất phơi già nắng, chỗ đậm màu như bị nung quá lửa, là cái thạp này bà mang từ nhà bố máng về. Miệng thạp bị sứt một miếng nhỏ do cái lần bà Mon đánh rơi chiếc chày giã cua, bà rất hay lơ đãng kiểu như vậy.
Cái thạp dùng để ướp măng chua ăn quanh năm. Ướp măng chua ngon nhất chỉ có cây măng dang nhỏ xíu bằng ngón tay, vừa đượm vị chua không quá gắt gỏng lại có hương thơm ngọt dìu dịu của cây măng dang chỉ ăn sương muối mà bật đất chui lên. Cây dang dùng nhiều việc, chẻ nan cứng bó chổi, chuốt cật đan ớp và hộp đựng trầu cau kim chỉ cho các bà các cô, chẻ lạt mỏng dành gói bánh tày bánh uôi ngày giỗ Tết. Cây dang nhỏ như cổ tay, dẻo dai như trí lực người đàn ông, bụi dang có tay đan cài vào nhau chặt chẽ cây lớn cây nhỏ buộc dằng buộc díu, có khi chặt rời gốc rồi mà không thể kéo cây ra được. Chui vào bụi dang đào lấy cây măng đâu dễ, khi bụi dang bám bện vào nhau như bụi dây leo khổng lồ, mọc cheo leo trên sườn đồi cằn cỗi đất màu. Bà Mon gặp ông Mon chính là trong một buổi đi lấy măng dang.
Khi ấy cái ớp măng đã vun đầy đến miệng, nó nặng trĩu kéo ngược bà về phía sau, còn cái bụng vượt mặt thì lại đẩy người lao về trước. Lúc leo lên cao cùng cái ớp rỗng không thì dễ dàng, nhưng giờ tụt xuống chân đồi với cái ớp đầy măng nặng thế này là rất khó, bà Mon không lường được. Cố sức bấm chặt ngón chân xuống mặt đất trơn truội, bà Mon cảm thấy bải hoải như bị rút hết sức lực. Có lẽ bát cơm độn sắn lót dạ từ sáng đến giờ trưa đứng bóng đã hết veo rồi, bà nghe cái thai trong bụng đạp quậy lộn lên, chắc nó đói và khát.
Bất chợt, cái rễ cây đang bám tay vào gãy phựt, tảng đất lở kéo bà rơi tuột lăn lông lốc theo sườn đồi. Tay bà vẫn túm chặt ớp măng, tối sầm hết cả mặt mày, bà Mon lăn tới khe suối thì dừng lại. Bà mở mắt ra khi cái thai đạp nhoi nhói thúc xuống bụng dưới. Bà gặp đôi mắt to và khuôn mặt vuông vức rám nắng đang lúng túng, mái tóc đen dầy thấm bết mồ hôi của người đàn ông đang hốt hoảng lay gọi. Cái ớp măng để ngay ngắn ở bên, ông đã kịp nhặt hết những cái măng cho vào ớp, những cái măng non mướt gẫy thành đôi ba khúc dính đất bẩn nhem nhuốc.
Bà không thể quên cảm giác mặt mũi tối sầm vì các cơn đau liên tiếp nhoi nhói thúc mạnh xuống bụng dưới liên tục như thác nước đổ không ngừng. Người đàn ông mặt tái mét mồ hôi vã ra như tắm vì lo lắng, vội vã hái hết bụi lá mon bên khe suối lót xuống lưng sản phụ. Bà nhắm nghiền mắt cầu ông Trời thương, xin Thần Rừng giúp cho con bà không chết, bầu trời xanh đầy nắng quá cao, còn mẹ con bà quá nhỏ nhoi bạc phận. Bất chợt, cơn đau từ trên đỉnh trời thúc xuống như xé toang thân thể, như con lũ quét dội bất thình lình đủn quả bóng trôi chuội ra, phúc chốc cái bụng to đùng xẹp hẳn xuống như chưa từng có gì trong ấy.
Người đàn ông cẩn thận cắt rốn cho đứa trẻ bằng một mảnh cật dang, cho cuống nhau vào ống dang nút lá mon, gói đứa bé đang gào lên oa…oa… oa... vào tấm lá mon, mang xuống khe tắm rửa sạch sẽ, cởi tấm áo chàm bạc phếch ra bọc nó lại cẩn thận và lấy dây rừng buộc chặt nó vào ngực. Cõng người đàn bà trên lưng, người đàn ông đi dọc theo khe suối. Khi ba người về được đến ngôi nhà sàn này thì trời sẩm tối. Ngôi nhà nằm biệt lập trong hủm kề bên một nhánh của suối Khó. Trong khi cả bản ăn nước suối Khó, nhà đầu bản phải đi ba quả đồi mới tới suối để vác nước, thì người đàn ông này làm chủ hẳn một nhánh của nó. Ở đây, nước chảy róc rách ngày đêm kề ngay bên máng nước rửa chân, nhưng người ta đồn chỗ này có ma Gà.
Hồi nhỏ, bà Mon nghe bà ngoại kể rằng người bị ám ma Gà thường những cô gái xinh đẹp, ma Gà thích người đẹp, ban ngày vẫn bình thường, ban đêm vía bay đi hút hơi rút máu đàn ông để sống. Người sống với ma Gà cứ mòn mỏi héo hon dần đến chết, cho nên ma Gà phải ra rừng ma ở.
Còn ông thì kể cho bà nghe về người đàn bà bị đồn ma Gà sống một mình trong túp lều bên suối. Chỗ hủm rừng này ban ngày cũng thấp tối và rậm rạp, ánh mặt trời chiếu xuống cũng khó khăn, con đường ở tít trên cao, người đi củi đi măng qua lối này chỉ ngó xuống hủm, rồi cố gắng bước đi thật nhanh.
Khi ông Mon còn đang là đứa trẻ bảy tuổi, lết đến hủm suối này là lúc đã đói lả, người đàn bà ma Gà kịp nướng sắn cho ăn, từ đó ông ở lại đây. Tuy không sinh nhưng có công nuôi, ông Mon coi như mẹ. Trong trí nhớ của ông đó là người đàn bà đẹp, gầy yếu xanh xao, người mẹ nuôi ấy đã bỏ đi theo con ma rừng sau mấy ngày sốt nóng như ngọn lửa. Đó là một đêm mùa đông rét cắt ruột sương muối xuống đậm đặc không nhìn rõ mặt, khi ấy ông Mon vừa mười bốn tuổi.
Từ đó, ông Mon ở một mình trong ngôi nhà sàn có cầu thang ba bậc. Nhà của ma Gà, nhà mẹ góa con côi chỉ được phép làm cầu thang ba bậc, luật nhà Lang từ xưa không ai dám làm sai. Có nằm mơ thì bà Mon cũng không nghĩ rằng có ngày bà đến ở trong ngôi nhà sàn có cầu thang ba bậc.
Cái máng đựng nước rửa chân bằng khúc gỗ khoét ruột đặt dưới gốc cây bưởi, quả trên cành lúc lỉu mọng nước mà chua loét, người ta bảo tại ma vầy. Được cái mùa hoa sai trĩu từng vầng trắng xóa như mây, mùi thơm ướp đẫm trong từng tảng đá lót chân. Hàng đá kê chân mòn vẹt lõm in hình bàn chân. Trong lòng máng nước mọc lớp rêu xanh rì, cái gáo múc nước bằng ống nứa đặt ngang. Múc gáo nước rửa chân, bà Mon vén váy lên dội dòng nước mát lạnh lên tới đùi non, hương bưởi thơm lên từ bàn chân ướp hết tấm thân nuột nà gói kín trong váy áo. Ai mà biết được có tấm thân không tuổi nấp sau cái ngưỡng sắp năm mươi trong đôi mắt chưa bao giờ cười. Khi bà Mon rửa chân, thì bao giờ bắp vế trắng nõn cũng được bụi thạch lựu che kín.
Bên cạnh máng nước là bụi thạch lựu xùm xòa, mùa xuân ra lá màu nâu tím, mùa hè ra hoa màu đỏ, mùa thu ra quả màu vàng nâu sậm, mùa đông lá rụng gần hết trơ trụi đám cành cứng như cái chổi tre. Bà Mon ngồi hàng buổi chiều ở đầu sàn ngắm cầu thang ba bậc, ngắm tia nắng cuối cùng trước khi mặt trời chìm sau quả núi Khó, thì nó thả chùm ánh sáng lung linh rực rỡ cầu vồng như đuôi quả còn quét qua bụi thạch lựu. Cầu thang ba bậc là của ông Mon, bụi thạch lựu là của bà Mon lấy từ nhà Vưng mang về trồng.
2
Năm ấy, trong Mường Khó có đứa trẻ lên mười tuổi là Mến. Cô bé tuy không sinh ra là nàng ả song được bố máng cưng chiều. Chẳng gì thì bố cũng làm Ậu, cánh tay phải giúp việc đắc lực cho Lang Cun Mường Khó, vì thế nhà không giàu có nhưng không phải thiếu ăn thiếu mặc. Từ nhỏ, Mến đã được máng dệt cho những bộ váy áo với cạp váy xinh đẹp thêu hình con hươu chạy nhảy con cá bơi tung tăng.
Dạo này Mến thấy máng cặm cụi ngày đêm bên khung dệt để dệt cho xong cái cạp váy hình con rồng, máng dệt và thêu rất kỹ lưỡng, làm hết mấy tuần trăng mới xong. Hỏi thì máng bảo dệt váy rồng cho nàng ả Khâm. Mến hớn hở, dệt váy cho nàng ả Khâm xong rồi máng cũng dệt cạp váy con rồng cho con nhé, con chưa có. Máng bảo, cạp váy con rồng chỉ dành cho nàng ả nhà Lang thôi, con làm sao được mặc váy con rồng, vì máng thêu đẹp nên được nhà Lang Cun nhờ làm bộ váy cưới cho cô dâu. Mến phụng phịu dỗi hờn, hai đứa chơi thân nhau, một đứa có váy con rồng, một đứa không có, thế là sao? Nàng ả Khâm nhiều hơn Mến hai tuổi, đang chơi đùa cùng nhau bao nhiêu trò chơi thích lắm, thế mà tự dưng lại đi lấy chồng, mai phải hỏi xem nàng ả Khâm lấy ai làm chồng mới được. Khi nãy, hỏi nữa thì máng gạt đi, trẻ con biết gì mà hỏi, gái nhớn thì phải lấy chồng, ở mãi với bố máng sao được.
Mến vừa khóc vừa chạy tìm bố máng, tin như sét đánh xuống Mường Khó. Mến không thể hiểu tại sao nàng ả Khâm lại chết chứ, mà tự treo cổ lên cành cây sổ đầu bản. Mến chạy tới đúng lúc người ta đang cắt dây hạ nàng ả xuống. Mến lách đám đông chen vào. Mến chỉ muốn nhìn nàng ả Khâm một cái thôi, hai đứa chơi với nhau suốt từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn cơ mà. Nàng ả Khâm tóc đen nhánh, môi tươi như người ngủ, trong bộ váy cạp cao thêu con hươu thắm lá hoa rừng nom vẫn xinh đẹp như lúc thường, bộ xà tích bạc chợt kêu lanh canh lúc người ta đặt nàng ả gối đầu lên rễ cây sổ.
Mến chợt rùng mình, một luồng gió thơm lừng ào ạt từ núi đổ về bao bọc kín lấy người Mến khiến cảm thấy lạnh ngắt trong khi mặt trời vẫn chói chang trên đỉnh đầu. Luồng gió thơm vẫn bao bọc lấy Mến, ào ạt thổi vặn người đi như thể cơn bão rừng đột ngột ập về Mường Khó. Mến ngửi rõ thấy thân thể mình thơm ngào ngạt như bông hoa bông trlăng, thứ hoa rực rỡ cầu vồng tươi thắm trong nắng rũ mình trong mưa mà thơm lựng. Ơ kìa nàng ả Khâm đang bay lượn như con bướm rập rờn trên bông hoa bìm màu tím, Mến mải mướt đuổi theo. Nắm tay nhau, hai đứa lội suối bắt cá rô cờ bỏ vào ống bương để nuôi, bắt cua đá về buộc chỉ làm ngựa chạy thi, chui vào bụi hái hoa Poong trlăng kết vương miện công chúa, hái quả mâm xôi đỏ mọng để ăn. Nàng ả Khâm cười giòn giã nắm tay Mến kéo tuột đi, chúng mình chạy chơi vào rừng đi, tránh xa bọn người kia ra nhé. Tiếng cười hai đứa tan ra thành chuỗi nắng pha lê lung linh nhảy nhót trên những tán lá, đuổi theo nhau ẩn hiện thấp thoáng như ngọn sóng nhấp nhô trong màn sương mờ ảo huyền hoặc.
Mến bay lượn vòng vèo trên đầu ông thầy Mo, phải tránh xa những vòng lửa kia ra. Ông ta cầm cả nắm cây lửa đen xì trong tay huơ lên về phía Mến. Sao nóng quá vậy những tàn nhang đen đỏ rực như hòn than lửa cứ nhảy nhót bủa vây lấy Mến. Đám người đứng kia la hét cái gì, lại còn khóc nữa, trong số người khóc lóc có cả bố máng, sao máng cứ ôm đầu vật vã gọi ời ời như thể Mến sẽ đi mãi không về nữa. Mến nghĩ, đi chơi với nàng ả Khâm thì sao phải khóc lóc gọi về, bố vẫn thường xuyên đưa Mến đến nhà Lang Cun, khi bố làm việc thì Mến và nàng ả Khâm chơi ở gầm sàn. Nay hai đứa vào rừng một buổi thì có làm sao, trong rừng chỉ có hoa thơm đung đưa và nước suối chảy róc rách, chơi chán thì về, Mến nghĩ thế. Nhưng tiếng máng khóc thảm thiết làm tim Mến đau quặn, chưa bao giờ Mến thấy máng khóc như thế, Mến nhón chân đứng lại trên một bông hoa bìm màu vàng vẻ suy nghĩ lung lắm. Nàng ả Khâm bay rập rờn kéo tay ghé tai thì thầm với Mến, người ta ác lắm, bắt chị phải xa con suối Khó bông hoa thơm này, chị không thích cái người phải lấy làm chồng, chúng mình cùng đi chơi xa luôn nhé, tránh xa những người ác.
Ảnh: Pixabay |
Đám tang nàng ả Khâm làm trong mười ngày, theo tục lệ chết ở ngoài nhà thì không đưa vào trong nhà, cho nên rạp tang dựng ngay tại gốc sổ. Trong mười ngày ấy, ông mặt trời mải miết đổ lửa xuống trần gian, có cơn gió từ núi Khó thổi về thì cũng nóng như quạt thêm lửa. Nhưng trong bụng Ậu Mến còn nóng hơn vì có cục than đang nung lửa. Ậu Mến không được ngơi việc trông coi trên sàn dưới bếp nhà Lang Cun. Tiếp khách đón khách trên sàn nhà, ngó cơm canh dưới bếp, cùng ông Mo lo phần cúng vía cho nàng ả, Lang Cun một mực tin tưởng Ậu Mến. Khi Lang Cun đau đớn, trong lòng tan nát từng khúc ruột, thì Ậu Mến đành không thể vắng mặt cho tới khi đưa tiễn nàng ả Khâm về Mường Ma.
Còn ở nhà, Mến nằm thiêm thiếp trên đệm bông lau, người nóng bỏng rẫy hơn cục than đỏ trong bếp. Mến nằm li bì như thế ngót chục ngày rồi, không mở mắt nhìn máng lấy một lần. Máng ngồi giã lá cây tiết dê đắp lên trán, buộc vào gan bàn chân con gái, vừa làm vừa khóc, vừa cầu xin Thần Rừng Ma Xó mang cái vía của Mến về nhà.
Nay đã sang ngày thứ ba, kể từ hôm đưa nàng ả Khâm về Mường Ma, ông Mo Vưng sang nhà làm lễ cúng gọi vía cho Mến. Ông Mo Vưng bảo cái vía của Mến đang bị lạc, không biết đường về nhà, vì bị vía nàng ả Khâm rủ đi chơi. Trong ba ngày qua, gạo rượu ba gánh, chín con gà đen, chín con gà trắng, một con lợn đen, một con lợn trắng theo nhau thế mạng gửi đến Thần Rừng để chỉ đường cho hồn vía Mến trở về.
Ông Mo Vưng đang làm nốt những thủ tục cúng vái cuối cùng, nốt hôm nay mà cái vía của Mến không chịu về thì chắc ông chịu mắc tội to với Ậu Mến. Chín sợi chỉ bông được nối từ mâm lễ trong nhà ra đến mâm lễ trên mộ nàng ả Khâm, khi mặt trời đứng tròn trên đỉnh đầu ông Mo vẫn đang lầm rầm khấn vái. Ông Mo Vưng tuy còn trẻ nhưng được coi là thầy cúng cao tay nhất trong bốn mường, cho nên vừa xong lễ tang nhà Lang Cun, Ậu Mến mời ngay về làm lễ cúng gọi vía con gái.
Đôi mắt Mến chớp chớp rồi mở ra, ngỡ ngàng gặp ngay đôi mắt phượng trong veo mà thăm thẳm như nước suối nguồn dưới cặp lông mày rậm xanh mướt như cánh rừng, đôi môi dầy đỏ thắm như con gái mười tám, khuôn mặt đẹp trai trắng trẻo sáng ngời của thầy Mo bất giác làm Mến phải nhắm mắt lại. Lúc ấy Mến vẫn chưa biết thầy mo Vưng đã có vợ và một con trai, Mến càng không biết mình đã bị gương mặt ấy, ánh mắt ấy hút hồn khiến cái chân Mến sau này chỉ biết làm mỗi một việc là đi theo người đàn ông ấy một cách tự nguyện, nhẫn nhục, phục tùng, ngoan ngoãn như con cá nằm sẵn trong rọ.
3
Hôm nay bà Mon muốn nói chuyện với ông Mon cho rành rẽ mọi chuyện. Mười bốn năm qua không phải là một chớp mắt, không dài bằng như một đêm ngủ say, mà nó ngắt quãng bởi con gà gáy khắc khoải sang canh. Đó là những đêm quá ngắn ngủi khi đầy ắp đắm say với người đàn ông của mình. Khi ấy là sức mạnh của cánh rừng nguyên sinh tràn đầy gió lùng sục tung hoành khắp chốn núi xa non thẳm, cuốn hương thơm cay sực nồng nàn của cây quế mang về quấn cuộn riết róng trong từng phiến lá xanh xanh. Từng cánh hoa Poong trlăng cuộn vào rồi mở ra nhịp nhàng đều đặn gấp gáp miết mải. Như con ong luồn sâu đến tận cùng cho nhụy hoa mở bung hết mọi nỗi niềm e ấp, cuốn xoắn nhau vào để tung tỏa những đam mê nóng bỏng, tràn trề ràn rụa ra cánh hoa là những giọt mật ngọt ngào.
Bà Mon nhớ sâu nỗi chán chường khắc vào tâm khảm như dao chém đá bởi nhiều đêm dài lê thê trong giấc ngủ mệt mỏi chập chờn nỗi sợ hãi trộn lẫn ác mộng. Ông Mon lẳng lặng sang buồng bà, nói là buồng nhưng chỉ ngăn cách bằng tấm vải chàm buông từ xà ngang xuống mặt sàn. Dù ông Mon đã cố nhấc cao gót rón rén, nhưng bước chân thậm thịnh của người đàn ông quen đi rừng vẫn làm cho cái sàn làm bằng cây bương đập dập rung lên dập dềnh như con thác chồm qua mỏm đá. Bà khẽ rùng mình khi ông lặng lẽ đặt tay chai sần lên đùi non và bắt đầu vén váy lên mà tịnh không bao giờ nói câu nào, chỉ mới thế thôi bà đã thấy đau. Giá mà ông Mon cứ nói một câu thôi thì cũng an ủi cho bà phần nào. Bà chợt nghĩ, ơ nhỉ sao bà lại cứ cần ông Mon phải nói một câu gì đó để làm gì. Biết đâu ông Mon thấy lúc này không cần phải nói gì cả? Mà có khi ông Mon cũng chả biết nói gì thì sao. Mười bốn năm ròng, bà cứ bấu víu vào ý nghĩ ấy mà sống cho qua những khoảng khắc dài lê thê của đêm.
Ngày thường ông Mon ít nói lắm, suốt ngày nếu không đi lên rừng lên nương thì lại cặm cụi dưới vườn dặm bờ rào, trồng rau, sửa sang lại chuồng gà chuồng vịt. Ông Mon nổi tiếng khắp mường về biệt tài nuôi gà trống thiến béo mầm mẫm. Mỗi năm Tết về, ông có đàn gà thiến mượt mà đẹp như tranh vẽ, người bản xa đến mua hết.
Dạo này ông còn ngăn suối đào rộng ra thành cái ao nuôi cá. Cứ hì hụi làm, khi lại lẩm bẩm gì đó trong miệng như nói chuyện với ma, nói với bà thì chỉ vài câu cộc lốc kiểu ‘‘tôi đi rừng lấy măng, chặt bó nứa…’’ mà không cần đợi trả lời, cũng không cần biết bà có để tâm nghe hay không, ông cầm dao đi nhanh lên dốc.
Thì còn biết nói gì khi người ta chấp nhận hoàn cảnh, bà Mon chăm chỉ việc trên sàn bếp, quanh quẩn nơi khung cửi, ra vào trên sàn dưới vườn như cái bóng, lặng lẽ sống trong thế giới riêng mình. Lắm khi bà ngạc nhiên thấy mình vẫn chưa phát điên lên, khi sống trong ngôi nhà có bốn người mà gần như chẳng có tiếng người.
Đêm tối che đi cái cắn môi chịu đựng đến bật máu, đồng lõa với cáu kỉnh xót xa uất ức cho cuộc đời. Đêm tối làm bức màn che chắn khoảng khắc dài lê thê vừa ê chề vừa xót thân mình vừa thương thân người khác. Trời ơi, sao cứ phải cố nhiều đến thế như con bò cày vỡ mảnh nương nhiều hòn đá tảng. Bà căm thù người đàn ông này khi cứ vô tư hì hục mãi trên bụng, vần vò trong vô vọng. Bà thương xót người đàn ông này khi mà cứ cố làm cái việc của con đực một cách bất lực. Bà ghê tởm người đàn ông này khi nghĩ rằng ông ấy đã vấy lên nỗi đau nhục dục của bà một cách tuyệt vọng. Khi đang ở bên dưới, nằm thẳng đơ cứng đờ người như hình nộm thì vía của bà lang thang ra suối. Bà chỉ muốn ngay lập tức được ngâm thân hình nóng rẫy của mình xuống dòng suối mát lạnh. Bà tin rằng chỉ có dòng suối mới đủ sức gột rửa những chán chường cay đắng đang làm rời rã đến từng khớp xương, để trả lại sự thanh tân tươi mới lên đôi mắt nâu trong veo ngơ ngác của cô bé mười một tuổi.
Trong đêm tối đôi mắt cứ một mực nhắm nghiền như muốn nghiến nát, mài nhừ giọt nước mắt ra thành bột mịn, vò vụn nát miếng đêm thành nghìn mảnh. Khi những vần vò đã xong, phần còn lại của đêm đen hun hút là đôi mắt mở trừng trừng khô cong như thể nước mắt đã khô cạn từ lâu. Nằm nghe tiếng tắc lưỡi con thạch sùng hình dung rình đớp muỗi trên xà ngang, lo lắng hộ không biết nó có đớp được con muỗi nào hay không. Nỗi lo ấy kéo dài cho đến hừng đông, khi ông mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi Khó. Bà biết mình đã nợ ông ấy bằng cả cuộc đời mình và cuộc đời con Mon cộng lại, mà đêm đời người thì còn dài lắm, bà không có quyền gì mà lấy đi hết của người đàn ông ấy. Đó là lần đầu tiên bà nói thật lòng mình với dì Bân, người em gái họ, mà bà gặp hôm về quê ngoại Mường Thàng ăn giỗ.
Mười bốn năm, vía của bà Mon để hẳn ở đồi Cây Thông. Gọi là đồi Cây Thông vì trên đỉnh đồi có cây thông đáng tuổi cụ kỵ, đấy là nghe người già trăm tuổi trong bản nói thế. Gặp đêm trăng già, trời trong veo ngồi đầu sàn này sẽ nhìn thấy cành lá của nó in đen sẫm lên nền trời đầy trăng. Leo vòng vèo hết ba quả đồi, đi hết bãi cỏ xanh dưới gốc cây thông sẽ rẽ vào con ngõ có bờ rào bằng cây dâm bụt cắt xén cẩn thận, dẫn lên ngôi nhà sàn gỗ rộng rãi có cầu thang chín bậc đẹp nhất bản của thầy mo Vưng. Trong mười bốn năm, bà Mon thuộc từng lá cây ngọn cỏ trên quãng đường này, vì bà từng trèo chín bậc cầu thang hàng trăm lần.
Từ hủm suối này về đến đồi Cây Thông phải leo qua ba quả đồi. Ông Mon đi rừng về mà không thấy bà lụi cụi trong sàn bếp, hoặc cắm cúi bên khung dệt, hay ngồi thừ ở đầu sàn ngóng nhìn về phía cây thông, thì ông tự biết là bà đã về ngôi nhà sàn trên đồi Cây Thông. Bà Mon cũng không cần phải nói gì, giống y như ông Mon hằng đêm leo lên bụng bà cũng không nói một lời.
Giống như bố máng, con Mon và con Điệp rất ít khi nói cười. Hai chị em lặng lẽ chơi với túm hoa dâm bụt hái dưới bờ rào. Xem ra hai đứa quấn chân ông Mon lắm, nhất là con Mon, nếu được theo bố đi rừng là nó mừng rỡ nhảy chân sáo đi chuẩn bị dao rựa, cơm nắm, nước uống. Con Điệp nhỏ hơn còn chịu theo bà về đồi Cây Thông ở lâu, có khi ở hết cả tuần trăng. Chứ con Mon chỉ chịu theo máng về ngôi nhà sàn ở đồi Cây Thông khi nhớ con Điệp quá mà thôi. Con Mon thương bố Mon nhất, lần nào về đồi Cây Thông nó đều mang theo tấm áo chàm của bố Mon để gối đầu, Mon bảo với mẹ là làm thế cho cái vía của bố Mon luôn ở cạnh nó. Nhưng chỉ ở được vài hôm là nó đòi về với bố Mon, máng không đưa về thì nó tự đi một mình. Có lẽ vì thế mà bà Mon chỉ đưa con Mon về theo khi nó thật sự muốn mà thôi.
4
Lần đầu tiên trong đời, hai vợ chồng ngồi với nhau bên sàn bếp gần hết đêm. Ấm nước đun cạn, lại đổ đầy, lại cạn đến cả mấy lần, mặc kệ nước sôi trào từ vòi ấm xuống đống than đỏ rực kêu xèo xèo. Con gà trống trong chuồng cất tiếng gáy dõng dạc báo sang canh bốn rồi, trong đàn gà ông Mon chỉ giữ lại một mình nó để làm giống.
Hút xong điếu thuốc lào, ông nói con Mon thì rồi, cũng không cần bà phải nói ra thì tôi mới biết con Điệp là con nhà Vưng, nhưng tôi quen coi cả hai đứa là con tôi rồi. Bà suy nghĩ rồi nói giọng đắn đo, tôi vẫn cho hai đứa đi lại cả hai nhà, bố Vưng cũng hiểu đấy không khắt khe gì đâu vì biết công lao nuôi nấng chăm bẵm của bố Mon từ thuở hai đứa con gái còn mềm như con cua lột mà. Bà nhìn thẳng vào mặt ông, thì trả con cho người ta rồi ông lại có con khác.
Ông Mon ngạc nhiên, tại sao bà nói thế. Bà Mon hơi mỉm cười, nếu ông đồng ý mai tiện về quê ngoại ăn giỗ xong, tôi đưa dì Bân lên đây cho ông gặp. Hôm trước gặp lại mới biết dì Bân vừa cưới hai tháng thì chồng lên rừng lấy gỗ làm nhà bị cây gỗ đè chết, chưa kịp có con, dì ấy ở góa cả chục năm rồi, tính nết hiền lành chăm chỉ. Bà Mon thủ thỉ, ở với dì Bân rồi ông sẽ vui nhiều hơn, rồi ông sẽ có con trai. Ông Mon nhìn chăm chú vào bếp thấy hình ngọn lửa bỗng nhòe nhoẹt ngả nghiêng, ông nhìn ra vườn còn tối đen, thôi bà không phải lo cho tôi đâu, bà cứ sống vui cho con Mon con Điệp vui là được, chứ thân ở đây mà vía ở chỗ khác thì khổ lắm.
Ông Mon cầm cây củi dụi mạnh vào bếp cho hòn than đỏ rơi ra. Ông Mon hỏi, thế sáng mai bà về ngoại ăn giỗ à. Rồi ông đứng lên đong bát gạo nếp đổ vào nồi ngâm, rút con dao trên vách đi xuống vườn chặt lấy tấm lá dong bánh tẻ, lát để gói xôi cho bà Mon mang theo ăn đường. Bà Mon nhìn theo ông Mon thấp thoáng trong bụi lá dong dưới sàn nước, biết rồi hòn than sẽ vạc lửa nhanh lắm, bà không đi nhanh thì đêm sẽ chóng hết.