Sáng tác

Rừng xanh ấm hơi muông thú. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ

Trần Nguyên Mỹ
Truyện
06:38 | 25/11/2024
Baovannghe.vn - Nhà tôi ngợp trong rừng biên giới. Bốn mùa chim kêu vượn hú. Sáng gặp gà rừng lông đỏ bay qua, thi thoảng con sơn dương đốm chạy qua suối uống nước sau nhà. Đến bữa, tôi nhóm lửa đặt nồi vào rừng bẻ măng về luộc vẫn kịp.
aa

Ngôi nhà sàn mới của tôi dựng bên thác Mường Khoài. Mái nhà, quản, chan đều thuận theo dòng suối trong như mắt mèo. Cửa chính mở theo hướng núi thở. Trên mái gắn đôi khau cút nghênh ngang như sừng nai đón gió ngàn. Một chiều trời nổi cơn lốc, chân cầu vồng lửa dựng ngay mái nhà. Chợt trong rừng có thầy mo, râu tóc xơ xác như hoa tre lóc bóc chống gậy đi qua, trỏ khau cút cười lớn:

- Khau cút nhà này lộn đầu e rằng lành ít dữ nhiều.

Tôi giật mình hỏi, mo nói:

- Khau cút ngược thì rừng tàn suối khô.

Tôi lại hỏi rừng tàn suối khô can lụy gì chăng?

Mo nói ghê răng như dao cạo tinh tre:

- Rừng làm gốc, suối làm nguồn thiếu cội nguồn thì như rừng vô chủ.

Rừng xanh ấm hơi muông thú. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ
Minh họa Phạm Hà Hải

Tôi cả kinh chạy đến nâng gậy rước mo vào nhà, giết gà đồ xôi bưng rượu ra. Mời thầy xem cho, mo bốc chân gà ngắm nghía hồi lâu mới nhả lời: “Chân gà tái tím, ngón cái và ngón út đều héo rũ. Gỡ lắm. Từ bói chân gà đến xem khau cút đều chuyện không lành.”

Tôi hỏi cúng giải hạn được chăng. Mo đấm ngực mình thòm thọp than: “Đừng đừng! Thiên địa nhân hòa hợp thì trường tồn, khắc thì tự diệt. Ông biết, mường biết thì yên lành. Nếu không thì…” Mo nói lấp lửng uống cạn hai chén rượu thờ đầy như mắt cá, chống gậy giã từ, níu tay không được.

Nhà tôi ngợp trong rừng biên giới. Bốn mùa chim kêu vượn hú. Sáng gặp gà rừng lông đỏ bay qua, thi thoảng con sơn dương đốm chạy qua suối uống nước sau nhà. Đến bữa, tôi nhóm lửa đặt nồi vào rừng bẻ măng về luộc vẫn kịp. Ngày đi học, thầy dạy văn khen tôi hồn nhuốm màu thi nhân, lớn lên độ lượng nhưng nghèo. Mảnh đất nhà tôi nằm ở góc rừng, có mạch nước ngầm phun phì phì như rắn hổ mang chúa ngày đêm, lại có dòng thác Mường Khoài ngay đấy ngày đêm thác đổ bồi hồi không nghỉ. Người già đi qua đều chê đất nghịch. Họ kể ngày trước có người đàn bà đi lấy nấm hương đến suối uống nước, chẳng may gặp đàn trâu rừng húc chết tươi, hồn còn vảng vất chưa siêu…

Mấy năm mài mông trên ghế trường nội trú huyện, tôi cầm tấm bằng Trung học phổ thông về bản. Nhà nghèo thôi học, tôi xin chân canh rừng thay cho lão Lò Hin nghiện thuốc phiện, chột một mắt vừa chết vì rơi vực. Bố tôi không vui, tưởng ăn vóc học hay ai ngờ tôi lại về với xó núi mù sương. Ông thở dài, đánh vào thành trì đam mê thì khó hơn đi cai ma túy. Tôi thương bố nên đành im. Bố có lí, sao không chọn đường quang bãi bằng mà đi lại chui vào bụi gai làm gì. Nhưng biết làm sao, tôi vẫn thích núi non chim thú. Cứ đâm đầu vào những việc trái khoáy, chẳng giống ai. Tiền nhân dạy “cha mẹ sinh con trời sinh tính” vận vào tôi chăng. Từ nhà chỉ leo đến rừng tre là đến chòi canh, “cơ quan rừng biên” của tôi. Ở đây đã nghe đàn suối thả nhạc, chim hót trong mây và đêm khuya hươu, nai tác thảng thốt gọi mùa. Hàng ngày tôi mang xôi, đeo dao, vác súng kíp vượt thác trèo khe canh chừng bọn đốn cây, phá rừng, săn thú, tìm ong ve... Tôi tự phong mình là “Anh hùng rừng biên”. Một mình chống chọi thú dữ, lâm tặc, đá lăn, lũ quét. Nạn dưới đất, họa trên trời không biết đâu mà lần, tôi như đối thủ say đòn, càng cơ cực hiểm nguy càng lao tới. Công việc đuổi theo thời gian, ngót ba năm trong nghề gác rừng tôi có giấy nhập ngũ. Bữa đi, bố bảo con tâm hồn treo cành cây, thì vào lính chỉ vấp đã gẫy răng, nhớ lấy câu khẩu hiệu này cho nhập tâm: “Lưỡi lấm bụi thao trường thì chiến trường ít đổ máu.” Lần này tôi sái cổ “xin vâng”. “Bố bản” này đã cầm súng kíp đuổi Tây quanh đồn Mường Hung, lời nói đọi máu, tôi nhập tâm tức thì.

*

Biền biệt mười năm trong quân ngũ, tôi phục viên về vùng cao biên viễn. Nếm đủ ba nước Đông Dương, giờ nhận thẻ thương binh hạng bốn. Gà què kiếm ăn quanh bu, tôi mộng tiếp giấc mơ dang dở về chân canh rừng ngày trước.

Chẳng biết may rủi về ai, tôi về nhà thì bố bảo lão gác rừng Vì Nhọt đã nghỉ mát một năm ở trại Yên Hạ. Tôi hỏi sao nghỉ mát lâu thế. Bố cười nhạt:

- Một năm bóc lịch vì tội nhận hối lộ.

- Giờ con muốn kế chân nghề gác Rừng Biên được không?

- Chẳng biết, mai mốt hỏi trưởng bản xem.

Tuần sau tôi hỏi trưởng bản, quả nhiên toại nguyện. Tôi là cựu chiến binh, đảng viên ứng cử viên sáng giá kế nhiệm chân canh Rừng Biên thì ai bì. Ngày đầu tái nghề tôi lội khắp núi, rừng già chỉ còn lưa thưa như miếng da trâu thui dở. Con suối Nậm Công xưa nước lớn trôi trâu, giờ nhỏ như chiếc đũa. Càng đi càng nản muốn khóc. Thú hoang dã hiếm hoi, đếm trên ngón tay. Những con hổ, gấu voi, giờ chỉ nằm trong sách đỏ. Thác Mường Khoài dội nước ngày đêm, giờ nhỏ giọt tí tách như người ốm than thở giữa rừng hoang.

Nhận việc vài hôm, tôi hỏi bố lão Vì Nhọt canh rừng là mạt hạng ai hối lộ, hối lộ ai? Bố lại cười nhạt: Đi xa lạc hậu, giờ canh rừng là nghề nóng, rừng vàng bể bạc con ơi. Con là bộ đội phục viên mới được ưu tiên giữ chức canh rừng. Lão Vì Nhọt làm ơ hờ để phá tan rừng, tính ra tiền là vô giá, nghỉ mát một năm còn nhẹ hều. Thấy tôi tai mờ tai tỏ bố tiếp: Vì Nhọt và vị kiểm lâm đi vào rừng kiểm tra. Lần đó vớ dưa bở. Thu được con báo gấm đẹp lắm của gã thợ săn. Vì Nhọt và kiểm lâm nháy mắt đòi cướp trắng con báo, còn dọa dong về ủy ban giải quyết. Thợ săn run rẩy. Gã luống cuống thò tay rút trong túi thổ cẩm lôi ra một cái mật gấu to bằng bàn tay, đen nhánh như thuốc phiện. Thợ săn lúc nào cũng thủ mật gấu trong túi phòng thân. Xin xỏ:

- Lạy các “ải” tha cho, con biếu cái này giá bằng mấy chỉ vàng đây.

Vì Nhọt và kiểm lâm nhìn nhau cười he he, còn nẹt:

- Thương tình tha cho ông. Lần sau tái phạm bắt đi tù.

Vụ mua bán chỉ diễn chưa đầy năm phút. Ai đi đường ấy. Thợ săn làu bàu lủi vào bụi, Vì Nhọt và kiểm lâm hí hởn về bản luôn. Đến nhà vị kiểm lâm nói với Vì Nhọt giết báo gấm ăn tiết canh, xương cho chảo nấu cao. Còn mật gấu ông ta giữ hộ thi thoảng pha rượu uống “đoàn kết”. Lại mở tiệc to rượu say đến cong lưỡi. Sáng sau Vì Nhọt đang ngủ mơ thì vị kiểm lâm đến nhà dựng dậy, thì thào:

- Gặp họa rồi Vì Nhọt ớ, gã thợ săn rêu rao khắp mường vụ hôm qua. Còn nói viết đơn tố lên kiểm lâm. Làm sao đây?

Vì Nhọt sợ vã mồ hôi nhớt không nói được. Thì kiểm lâm ngửa cổ than:

- Rủ nhau đi tù tất, lấy ai mà thăm nuôi. Nếm đít ong rồi Vì Nhọt ớ.

*

Đúng như bố nói canh rừng là nghề nóng. Với bố tôi nghề nóng theo nghĩa đen tròn trịa chẳng bóng gió chút nào.

Đó là một buổi trưa, bóng nắng tròn vo trên những bụi cây im gió. Trời sắp giông, bức bối. Tôi trải chân trên con đường mòn về bản, bóng người, bóng cây, súng kíp bên vai cũng tròn vo như cái nấm theo mỗi bước chân. Đúng chính ngọ thì ma rừng hay bắt nạt những người yếu bóng vía. Tôi cười mười năm lính tráng, đạn bom quân thù chẳng giết nổi mình, sợ gì ma rừng ma núi, nếu chăng chỉ sợ ma người thôi.

Chợt “oàng”. Súng nổ váng tai. Tôi từ từ khụy xuống, bắp chân trái đau nhói, máu loa ống quần. Một chùm đạn ghém găm thẳng vào, may chỉ vào chân. Súng kíp của ai? Giữa rừng rú, mất máu nhiều, tôi quay quay như diều đứt dây rồi ngã dụi, chả biết trời đất gì nữa.

Nửa đêm trên giường. Bắp chân quấn băng trắng. Cổ tay cắm dây chuyền nước nhỏ tí tách như phin cà phê. Quanh tôi cô y tá đầu tằng cẩu áo trắng toát, cùng bố tôi mặt tái dại. Cả hai căng thẳng mở to mắt nhìn tôi như chưa thấy bao giờ, chợt thì thào:

- Tỉnh rồi.

Tôi mơ mơ hỏi:

- Đang ở đâu.

- Trạm xá.

Sau này bố kể nghe súng nổ, linh cảm chuyện chẳng lành. Ông chạy vào rừng gặp tôi đang bị thương, rồi cõng ngay về trạm xá. Cũng ngay đó, chú công an và trưởng bản tìm đến hỏi thăm và điều tra vụ bắn người. Tôi còn đau, nhưng tỉnh táo nói rõ ràng sự việc. Từ lời khai và hội ý của công an và trưởng bản đều đồng thuận: “Bọn lâm tặc bắn tôi để cảnh cáo, do thù hận…” Chắc là tôi thường xuyên đuổi bọn này như đuổi quỷ. Nghề canh rừng đối mặt hiểm nguy. Yêu rừng thì càng căm ghét bọn phá rừng. Chợt sau lưng nghe tiếng thở dài của bố:

- Đã bảo nghề này là nghề nóng. Ba người canh rừng đều gặp họa. Lão chột Lò Hin thì rơi vực, Vì Nhọt ăn bẩn đi tù còn con thì ăn đạn ghém. Con còn mê nghề này nữa không?

Đang đau, tôi vẫn cắn răng thưa:

- Con vẫn bố à.

Bố cười như khóc:

- Vẫn bệnh cũ “tâm thần” đấy mà.

*

Dưỡng thương một tháng tôi nhờ bố coi giúp canh Rừng Biên. Để đi thăm đồng đội cũ tận Kỳ Sơn, giáp biên giới Việt Lào, tên là Lò An. Anh ta cũng người Thái, tiếng nặng như chì nhưng nghe ấm lắm. Tôi và Lò An kết nghĩa anh em, thề sống chết bên nhau suốt ba năm tại Chiến trường K. Một mũi tên hai mục đích, đi thăm bạn dăm hôm cho khuây và thăm trại hươu của nhà anh. Ngày trong quân ngũ Lò An vẫn khoe nhà anh có trại nuôi nhiều hươu, nai, cầy hương, cầy mốc. Như gãi đúng chỗ ngứa, niềm mê say thú rừng giục tôi bắt xe khách đi Kỳ Sơn. Về, tôi rước theo mười con hươu sao, một đực chín cái. Tiền ra quân chỉ đủ năm con, còn năm con Lò An cười bảo: “Tau ghi số lo chi. Không trả tau đến tận nhà mi tau đòi.” Lại đập vai tôi giọng mềm xuống:

- Mi suýt què chân vì bọn lâm tặc. Tau phát vốn cho mi dăm con hươu, đong đo làm chi.

- Sao biết tôi bị thương:

- Báo chí đăng đầy ra đấy, tau đọc hết. Tau vẫn quan tâm mi. Người bạn “Anh hùng rừng biên” yên tâm đi.

Tôi cười trừ, bắt tay Lò An, thuê xe tải chở cả người cùng hươu về nhà.

Trời tối, xe đến nhà thấy trong thùng đàn hươu sao lốm đốm như như ma trơi, bố trợn mắt mắng luôn:

- Sao rước những con thú về đây làm gì.

- Nuôi hươu lấy nhung, một cân nhung bằng cả nương lúa.

Bố soi đèn pin thấy toàn hươu cái, chỉ một con đực nghênh sừng đang nhảy chồm chồm trên xe. Hươu cái thì trăm năm chẳng mọc được sừng, lấy đâu mà cưa nhung. Biết bị tôi lừa bố giận mắng như tát nước:

- Con giỏi, đi bộ đội về tưởng khôn ra ai ngờ lừa được bố già này.

Tôi thú thật :

- Bạn đồng ngũ Kỳ Sơn bán rẻ cho đàn hươu, con mua nuôi.

- Có vài đồng ra quân đã chưa ấm túi đã cho đi ở, đúng là than chưa nóng cá đã cong đuôi - Bố than - Bệnh cũ mãn tính hết thuốc chữa, dư khổ!

Biết nói với tôi như khèn thổi tai trâu, bố bỏ vào bản uống rượu cho bớt bực, để mặc tôi với đàn hươu cuồng chân lố nhố, tiếng kêu inh tai “hưn hươu, hươu hưn” không ngớt. May nhà tôi có cái nương rộng vài hecta rào giậu từ trước nuôi dê, nay bỏ hoang. Lợi dụng trại dê thành trại hươu thì hợp nhau như dơi với hang. Tôi cởi dây thừng mở cửa thả hươu vào. Ngó đàn hươu nuôi nhốt từ lâu lại vượt đường trường say xe sùi bọt mép, chân tập tễnh như trẻ con tập đi tôi thấy vui vui mà thương chúng quá. Sau vài tuần đàn hươu đã quen nơi ở mới lanh lẹn hơn. Một tối tôi đang ngủ, bố kêu như cháy bản:

- Dậy mau, đàn hươu mất rồi, hay bọn nghiện dắt mất.

Nằm trên giường thủng thẳng, tôi nói:

- Thả vào rừng tối qua.

- Trắng tay. Tưởng nuôi hươu đẻ và lấy nhung đã hâm. Lại thả hổ vào rừng thì tâm thần nặng.

Câu “tâm thần” bố nói với tôi là chuyện thường. Từ bé đến nay bố và tôi tương khắc, cứ như lời một đường nhạc một nẻo. Cứ mỗi lần bất hòa là bố tôi lại mắng “tâm thần, tâm thần”. Phận làm con tôi cố nhịn như nhịn xôi sống mà nuốt không trôi… Giờ thì tôi nói thật, tôi thả cả đàn hươu bằng cả gia tài, lên rừng. Dù bố có gầm lên “thả hổ vào rừng” tôi cũng chịu. Dù sấm sét trút lên đầu tôi không thể nói dối được:

- Xin lỗi bố, con tính rồi, thú rừng quê ta gần như tuyệt chủng. Rừng mà không có thú thì như nhà không có người. Đàn hươu sẽ là chủ rừng xanh. Rồi thú rừng rủ nhau tìm đến, kết bạn nhân đàn. Nuôi nhốt tù hãm nhau không được đâu, bố à.

Nhưng dường như bố không nghe tôi nói gì, từ từ ôm cột thờ khuỵu xuống. Tôi chạy đến dìu bố lên giường lòng đầy ái ngại. Không biết rừng núi có kịp hồi sinh để bố tôi bớt giận.

*

Sau đêm mưa rào, tôi vào rừng thăm đàn hươu sao. Lần theo những dấu chân hằn sâu, với những bước chân trải dài. Chắc con đầu đàn nghênh sừng cao mở tốc lực phóng như tên dẫn đàn đi xa. Phía trước là rừng là suối là gió ngàn, chúng trốn xa những nơi tù túng, bên tai réo rắt tiếng gọi của núi rừng.

Tôi đuổi theo dấu chân hươu mướt mồ hôi. Trước mắt là núi đá, đá nhọn như chông, đá chồng lên đá. Đá nguyên thủy xanh lét, góc cạnh. Đá phong hóa mục nát lưa thưa vài cụm dương xỉ không để lại dấu chân nào của đàn hươu. Tôi dán mắt khắp xó rừng, căng tai nghe cũng chẳng thấy gì ngoài lá cây khô xao xác. Đến đỉnh núi Pu Nỉ cũng quá chiều bóng nắng xiên khoai, tôi dõi mắt nhìn xa bỗng dưng những đốm nắng chập chờn bên dòng suối. Luồn theo lùm cây, tôi chăm chắm nhìn theo. Cả đàn hươu nô giỡn ở đây. Ơ. Sao hươu nhiều thế, một, ba, mười lăm con. Sao lại mấy sừng đen nhánh ngạo nghễ bên những ả hươu tơ ngúng nguẩy. Tôi đếm lại dư ra năm con, hai đực, ba cái. Đó là những con hươu sao rừng gầy như cái mõ, bộ lông xơ xác ốm o. Lại có con cụt tai, cụt đuôi, què chân. Thương hại nhất hai con hươu đực, sừng đều chỉ còn một nhánh. Những con hươu rừng như những chiến binh đầy thương tích, sống sót sau nhiều lần tìm diệt của con người. Giờ đây đang rà mõm ướt nhẫy hít hà những con bạn mới cầu thân. Vài con còn thè lưỡi liếm láp hết đầu đến đuôi bạn mới mắt lim dim dịu hiền. Những đôi mắt hươu thản nhiên nhìn tôi trong veo đùa vui gặm cỏ. Ui, “mã đáo thành công”. Phải nói hươu đáo thành công thì đúng hơn. Những thú rừng nhỏ nhoi sống sót trong những cánh rừng gần đây nghe tiếng kêu gọi đàn tìm đến. Thi hứng trào dâng tôi ứng khẩu làm thơ. Thơ của tôi làm theo kiểu ấy, lúc rỗi chép vào sổ. Chưa xuất bản nhưng chép tay, nhập tâm một trăm bài. Toàn thơ về núi và chim thú. Bài hôm nay vừa tròn một trăm về rừng. Trước khi lên giường tôi vẫn tự đọc thầm thơ mình ru mình ngủ.

*

Từ ngày tôi tái nghề, rừng dần hồi sinh. Nhưng rừng tàn suối khô không chờ đợi rừng xanh mà trả giá tức thì. Thời tiết dở chứng thất thường, hết elnino lại lanina. Tháng bảy năm ấy mưa xối xả. Mưa rách lá vả, mưa thủng mái nhà, mưa cào rách thịt da. Nước cuốn theo cây cối hoa màu đất đá, gò mối tan rửa trôi tụt suối sâu. Dòng Nậm Công căng phồng réo sôi, nước lũ cuồn cuộn đỏ lòm máu chó.

Ngày đại họa đến rồi chăng. Cơn lũ ống kinh hoàng nửa thế kỷ nay mới thấy. Nửa đêm nghe vách núi Pú Nỉ sập tan tành, sau tiếng nổ như động đất và mưa gió gào thét. Kinh hãi hơn. Trong nháy mắt vách núi đổ sập, năm nóc nhà của Mường Khoài bị chôn vùi dưới hàng ngàn khối bùi đất. Sau trận lũ khắc cốt ghi tâm, dân bản năng thắp hương vái lạy mẹ thiên nhiên. Họ hiểu Mẹ thiên nhiên nổi giận thì con người hết sống. Từ đó họ kiêng kị run sợ khi chặt cây đầu nguồn, không dám đốt rừng làm nương rẫy. Cả mường chăm chút trồng cây gây rừng, chung sống với thú hoang… Xưa coi rừng là của chung, chân canh rừng như tôi giữ không đặng. Nay chẳng nhắc mà giữ rừng như giữ rừng thiêng. Xưa ai khuyên không nghe, nay trời nổi giận mới van lạy xin vâng. Rừng núi có sức sống và quy luật diệu kì. Đừng tàn phá thì rừng núi hồi sinh kì diệu, được con người đầu tư chăm sóc lộc rừng lên phơi phới. Chỉ vài năm rừng xanh mượt như mái tóc gái dậy thì. Suối to, suối nhỏ đan nhau róc rách quanh năm. Quý nhất là ong ve bướm lượn, chim chóc rộn ràng. Những con thú lớn như lợn rừng, khỉ vượn hươu nai ở cánh rừng Đặc Dụng tìm đến ngụ cư ngày càng nhiều hơn. Thấy cảnh ấy, tôi lại thấy lâng lâng như muốn làm thơ, và tự hào về chức trách tự phong “Anh hùng rừng biên” của chính mình.

Năm năm sau, nhà tôi có khách lạ. Khách đi xe bán tải biển số 37H ở xứ nào. Bấm còi to, mở toang cửa. Ôi dồ anh bạn chiến đấu Lò An trọ trẹ tận Kỳ Sơn. Giờ, Lò An ăn mặc như Tây, xách vali xanh, đeo kính đen. Lạ hơn, có cô gái Tây kẹp kè mặc bộ bò cả cây màu xanh, mắt biếc da tuyết. Cô ta gọi Lò An bằng anh rất ngọt, nói tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Thái như con vẹt. Tôi luống cuống líu lưỡi mời khách vào nhà. Lò An nói liền: Tau đọc bài báo viết về mi - “Người cựu chiến binh Anh hùng rừng biên”. Đọc xong tau nể mi quá. Mười con hươu sao nhập đàn với hươu rừng sinh sôi lên tới hơn trăm, chưa kể loài thú khác. Bản tính hươu là sống theo bầy đàn, môi trường lành thì chúng tìm nhau để tồn tại. Chẳng nói chi đến thói quen bầy đàn của hươu nai, tau cũng sống theo bầy đàn, đánh hơi bài báo đến đây với mi. Đập vai tôi bạn tiếp: “Tau học ở nước ngoài về đấy, đừng tưởng tau chỉ là xạ thủ B40 như ngày ở Campuchia. Ra quân vài năm, nuôi hươu nai, cầy hương cầy mốc đen xì như khẩu súng tau đổi nghề, bán tất lấy tiền sang Ô Xtrây Li A. Mi tưởng nhà tau giàu? Cũng là người Thái nhưng quê tau gió Lào sỏi đá, mi đến nhà tau mi biết - Đặc sản là tính gàn, liều lĩnh và vượt khổ thế thôi. Với ba thế mạnh này dìu tau du học. Được cái học xong tau lãi to, có bằng Cử nhân, lấy được vợ Tây lại có thằng con lai. Về nước vợ chồng tau mở “Trung tâm bảo vệ rừng hoang dã”. Chiều mi dẫn vợ chồng tau đi xem rừng và thú hí. Tôi cười, cái đó thì khó gì xuống cầu thang là rừng xanh, có phải xa xôi như du học đâu. Nhưng tao chưa trả nợ năm con hươu ghi số ngày trước, vẫn vô sản mày à. Tao chỉ có một trăm bài thơ rừng thôi, không chê tao tặng. Lò An cười, thơ rừng thì tau thích, nhớ đề tặng kí tươi nhà thơ “Anh hùng rừng biên nhé”. Hồi bộ đội mi mê rừng, thích thú. Mi vẫn ao ước hết chiến tranh sẽ làm việc đó. Vì thế tau khuyến mại một nửa đàn hươu sao cho mi, khi mi về Kỳ Sơn dạo trước. Tau nói vui tiền nợ thì ghi sổ, là để mi lập chí nuôi rừng. Mi là chiến sĩ kiên cường bảo vệ rừng. Nêu châm ngôn rừng không có thú thì như nhà không có chủ, rất hay. Nay thành công tau mừng cho mi lắm. Thôi có rượu ngon thịt sạch thì mời vợ chồng tau. Mi nhớ không, hồi ở lính mỗi lần gặp nhau uống rượu tau đều can mi: “Liên hoan tay bắt mặt mừng/ Nói gì thì nói xin đừng đọc thơ”. Nhưng thơ rừng thì tau thích, rừng là nghề của vợ chồng tau cơ mà. Có thơ rừng nhắm với rượu cũng được. Tôi cười, chờ một chút, liền với tay lên gác bếp lấy thịt khô, ống cơm lam đưa ra. Chợt Lò An đưa mắt âu yếm nhìn vợ Tây đang ghi chép trong cuốn sổ kê trên đùi: “Li Na, phiền em lấy chai rượu Napoleon trong vali” - Cô vợ Tây ngoan ngoãn lấy chai rượu đặt trên bàn. Bạn tôi khẽ cảm ơn vợ, rồi nhìn tôi nói tiếp: “Tau kể tình yêu bên Tây cho mi nghe nhé. Vợ chồng tau học cùng lớp, chuyên gia bảo vệ rừng hoang dã. Li Na vừa làm vợ vừa làm thư kí, kế toán lại trẻ xinh chân dài. Tau mê Li Na chân dài, còn nàng lại mê tau là anh hùng chống Mỹ. Tau có tấm ảnh do thằng cha nhà báo chiến trường chụp. Mặt tau đen khói súng, khẩu B40 trên vai hoa lửa sáng lòa. Nàng mê mệt giữ làm kỉ niệm kẹp trong sổ tay. Mi không tin hỏi xem… Giờ tau làm Giám đốc có vốn điều lệ gần trăm tỷ đồng, hợp tác với công ty nước ngoài, he, he… Tôi ngớ người nhìn bạn không biết tin hay ngờ. Bản mường vừa qua cơn “lũ ống” của bọn tín dụng đen. Có hộ ham tiền cắm bìa cho vay cả tỷ. Có cả người Việt móc nối với người Tây để đi lừa. Như đọc được trong mắt, Lò An nói như cảnh báo: “Mi đừng cười đểu, tau hợp tác với mi mở “Trung tâm bảo vệ rừng hoang dã”. Tại đây, rừng này. Còn vì sao tao hợp tác thì mày hiểu rồi. Mày biết rừng không có thú thì như nhà không có chủ. Câu này của mi là thiên tài đấy. Mà đừng lo, vốn, thủ tục… tau lo tất. Mi chỉ có một trăm bài thơ rừng, ai lấy đâu mà sợ.”

Trời chiều mát lạnh. Gió quấn mây mù và hơi nước chập chờn. Mùi hương rừng rất ngọt và ngào ngạt. Bên bờ suối Mường Khoài thác đổ bồi hồi bỗng rộn lên bản hòa tấu của hươu, nai, hoẵng tác liên hồi cùng tiếng vượn cái nỉ non. Chợt cô vợ Tây buông chén “cạch” một cái, đứng lên, vớ máy ảnh chìa ống kính qua cửa sổ bấm liên thanh, ánh đèn flash loe lóe. Miệng líu lo như vượn cái vừa Anh, chen Việt lơ lớ:

- Hunt cloud, hunt cloud, guys! Săn mây, săn mây các anh ơi!

Tôi ngó lên khau cút trên mái nhà. Mây ngũ sắc vờn vũ xây thành dựng lũy, hươu vượn, gấu hổ quấn nhau trong nền nhạc rừng réo rắt. Như bị thôi miên tôi gọi to:

- Rừng xanh có chủ rồi. Chủ rừng là chim là thú - Giờ gặp lại thầy mo năm xưa thì hay quá, nói cho mo hay:

- Khau cút nhà con xếp thuận rồi mo ớ.

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn