Tại kì thi 2020 này, phần nghị luận văn học có nhiều điểm mới. Do ảnh hưởng của dịch covid-19, Bộ cho phép tinh giản một số bài học trong chương trình lớp 12. Cụ thể các tác phẩm như Rừng xà nu, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Những đứa con trong gia đình, Mùa lá rụng trong vườn, Một người Hà Nội, Ông già và biển cả, Thuốc, Hồn Trương Ba, da hàng thịt sẽ không còn trong phạm vi ra đề. Các bài học quan trọng còn lại sẽ chỉ là Việt Bắc, Tây Tiến, Đất Nước, Đàn ghi ta của Lorca, Sóng, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa, Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Ngay cả những bài nghị luận như Ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, Nhìn về vốn văn hóa dân tộc, Tuyên ngôn độc lập…, cũng không còn quan trọng. Tuy nhiên, dù mục tiêu chính của kì thi là để xét tốt nghiệp, nhưng phần lớn các trường đại học năm nay vẫn dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp để xét tuyển. Vì lẽ đó, dù đề thi năm nay nói chung sẽ không còn quá khó, nhưng phần câu hỏi nghị luận văn học vẫn cần có điểm “nâng cao” để phân loại học sinh. Đề thi tuy không “ôm đồm”, nhưng một chút mở rộng, so sánh cho riêng câu hỏi nghị luận văn học vẫn là cần thiết. Đây là điểm học sinh cần chú ý.
Phân loại chủ đề, thể loại các tác phẩm văn học
Trong những năm vừa qua, đề thi nghị luận văn học thường tập trung vào từng nhóm vấn đề, tác giả, tác phẩm (chẳng hạn cảm nhận và so sánh hình tượng người phụ nữ trong Vợ nhặt của Kim Lân và người đàn bà thuyền chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu; hoặc cảm nhận, so sánh hai đoạn văn miêu tả dòng sông trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường…). Một đề thi như thế sẽ ít có khả năng được ra trong kì thi năm nay. Vì thế việc học kĩ, học chắc từng tác phẩm vẫn là quan trọng nhất. Học kĩ, chắc tác phẩm nghĩa là như thế nào? Cũng đơn giản thôi, chẳng hạn, với Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, phải nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm (1965); phải biết tác phẩm được viết theo thể loại nào? (văn xuôi, thơ hay kịch, tiểu thuyết hay truyện ngắn), phương thức biểu đạt của tác phẩm là gì? (tự sự, miêu tả, biểu cảm); đề tài và chủ đề của tác phẩm? (miền núi, Tây Nguyên, cách mạng); tác phẩm có đặc điểm nghệ thuật gì? (sử thi, trữ tình, hiện thực, lãng mạn); các nhân vật của truyện gồm những ai, ai là nhân vật chính? (bé Heng, Mai, Dít, Tnú, cụ già Mết, anh Quyết; Tnú là nhân vật chính); hình tượng thiên nhiên cây xà nu được xây dựng nhằm mục đích gì và có ý nghĩa thế nào với chủ đề chung của tác phẩm? (bổ sung cho hình tượng con người, có ý nghĩa làm nổi bật hình tượng con người, là một biểu tượng tiêu biểu của vùng đất bazan Tây Nguyên, tạo màu sắc “địa phương” cho tác phẩm). Ngoài việc học kĩ từng tác phẩm, học sinh cũng nên gom các tác phẩm riêng rẽ vào trong từng nhóm chủ đề. Việc nhóm như vậy sẽ giúp học sinh có thể hiểu sâu từng tác phẩm, và cũng tạo khả năng bao quát, liên hệ, so sánh với các tác phẩm khác. Trong trường hợp đề ra có so sánh, liên hệ, thì việc làm bài cũng sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Dưới đây là một số nhóm chủ để nổi bật trong phần ôn thi các tác phẩm văn học lớp 12 nên chú ý.
Xếp ở nhóm những bài thơ từ sau cách mạng tháng Tám, trong vệt thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, phần hạn chế thi gồm ba bài: Tây Tiến, Việt Bắc, và Đất Nước. Bài đầu tiên có chủ đề hình ảnh người lính (Tây Tiến - Quang Dũng); bài thứ hai là bản sử thi về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc (Việt Bắc – Tố Hữu); và bài thứ ba, Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm) là sự cảm nhận tư tưởng Đất Nước - Nhân dân hết sức độc đáo qua kho tàng ca dao, thần thoại, qua truyền thống văn hóa, lịch sử của nhân dân. Khi học các tác phẩm này, nếu có thể, thí sinh nên mở rộng tham khảo những bài đọc thêm, như Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, các bài thơ này đều nằm trong vệt thơ ca có chủ đề cảm hứng quê hương đất nước Ngoài nội dung chính phản ánh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân, các bài thơ này thường nổi bật ở hai chủ đề quen thuộc: tình yêu quê hương đất nước và lòng căm thù quân xâm lược. Đề thi đại học năm 2007 đã từng yêu cầu học sinh phân tích hai đoạn thơ trong hai bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm (khi bài thơ này còn nằm trong chương trình học chính) và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, để nêu cảm nhận sự giống và khác nhau về quê hương, đất nước của mỗi nhà thơ. Hai bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh), Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)có chủ đề tương đối độc lập. Trong khi Sóng khai thác một đề tài hẹp, tình yêu riêng tư, tình yêu lứa đôi, để khái quát thành chủ đề lớn hơn, đó là vẻ đẹp trong tình yêu của tâm hồn người phụ nữ; thì Đàn ghi ta của Lorca phức tạp hơn: từ một cây đàn, âm thanh tiếng đàn gắn với nhà thơ Lorca, bài thơ khái quát lên thành vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người nghệ sĩ trong cuộc sống. Bài thơ được coi là chịu ảnh hưởng của loại hình thơ tượng trưng phương Tây, với những cách tân nghệ thuật táo bạo của Thanh Thảo.
Chủ đề vẻ đẹp của quê hương đất nước còn được thể hiện qua hai bài tùy bút rất đặc sắc của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường (Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông?). Với hai tác phẩm này cần chú ý đến đặc điểm của thể loại bút kí nói chung và tiểu loại tùy bút nói riêng. Cụ thể, xin được gợi ý, tùy bút là một tiểu loại của bút kí, ngoài việc đặt ở vị trí hàng đầu yếu tố quyết định của sự chân thực, tùy bút còn thiên về cảm nhận chủ quan của người viết, chất thơ trong tùy bút là đặc điểm không thể thiếu. Cả hai nhà văn Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều thể hiện khá rõ những phẩm chất này.
Phần văn xuôi sau cách mạng có số lượng tác phẩm nhiều hơn và chủ đề cũng đa dạng hơn. Đó cũng là một trong những đặc điểm quan trọng của văn xuôi hiện đại cần phải nhớ. Khi học phần này, cũng có thể nhóm các tác phẩm theo từng chủ đề riêng cho dễ nhớ và dễ hiểu. Theo đó, hai tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt có chung chủ đề về thân phận con người. Cả hai đều tập trung làm nổi bật số phận của những người nông dân nói chung trong xã hội. Với Vợ chồng A Phủ là người nông dân miền núi; Vợ nhặt là người nông dân miền xuôi. Tính nhân đạo trong cả hai tác phẩm cũng được bộc lộ một cách rõ ràng. Nếu chỉ nói riêng về hình tượng người phụ nữ trong văn học thì đây cũng là hai tác phẩm đề cập chủ đề này. Mị trong Vợ chồng A Phủ, bà cụ Tứ và chị vợ nhặt trong Vợ nhặt đều gợi ở người đọc sự cảm thương đối với con người, nhất là người phụ nữ. Đề thi đại học năm 2009, đã từng yêu cầu học sinh so sánh “vẻ đẹp khuất lấp” của hai nhân vật phụ nữ trong Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (chị vợ nhặt và vợ người hàng chài). Trong các tác phẩm văn xuôi mới được đưa vào chương trình, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của thời kì văn học đổi mới. Không chỉ đổi mới trong nội dung (qua đề tài, chủ đề, sự lựa chọn nhân vật), Chiếc thuyền ngoài xa còn thể hiện sự đổi mới đặc biệt về nghệ thuật xây dựng tình huống truyện. Đó là “tình huống nhận thức”: họa sĩ Phùng bất ngờ phát hiện ra sự nghịch lí giữa vẻ đẹp bề ngoài của thiên nhiên (bình minh trên biển) và những xung khắc không thể hòa giải trong cuộc sống hàng ngày của cặp vợ chồng người thuyền chài (người chồng đánh vợ rất vũ phu chẳng vì một lí do nào cả), để từ đó đưa ra đưa ra triết lí: đừng bao giờ nhìn và đánh giá cuộc sống chỉ qua cái bề ngoài. Cái bề ngoài đôi khi đánh lừa những kẻ nhẹ dạ….
Tăng cường “chất văn” để bài viết nghị luận văn học thăng hoa
Có thể nói, phần tác phẩm trong phạm vi đề thi tuy không nhiều, nhưng đa dạng, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Vấn đề là trước các tác phẩm đó, học sinh lựa chọn cách viết như thế nào? Yêu cầu trước tiên tất nhiên phải là viết đúng. Để viết đúng trước hết phải xác định đúng thể văn: phân tích, chứng minh, giải thích, bình luận hay bình giảng. Tuy nhiên, lí thuyết là vậy, nhưng đi vào một bài viết cụ thể nhiều khi cũng khác: một bài viết nghị luận văn học, đôi khi cũng vận dụng phối hợp nhiều thể văn khác nhau. Bởi vậy, cách lựa chọn tối ưu trong bài nghị luận văn học, là phải viết hay. Một bài văn hay, là bài viết vượt qua mọi “quy tắc”. Phải hay từ cách đặt vấn đề, đến giải quyết vấn đề và cuối cùng là kết luận vấn đề.
Cụ thể, thông thường, một mở bài đúng, phải đầy đủ các phần: giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn văn (thơ) trích, và yêu cầu của đề. Nhưng đó mới chỉ đạt yêu cầu đúng. Một mở bài hay, cần phải có được sự thăng hoa. Ví dụ, đoạn mở đầu bài viết về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, đề ra yêu cầu “Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh/chị cảm nhận được gì về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng này?”, đã được một thí sinh viết như sau: “Tôi hết sức ngạc nhiên khi được biết Xuân Quỳnh có một đôi bàn tay như giọng hát Trương Chi, một đôi bàn tay âu yếm nựng con, âu yếm lo cho chồng: “Anh không ngủ được ư anh/ Để em mở quạt quấn mành lên cho”. Xuân Quỳnh bảo vệ hạnh phúc đơn sơ của mình bằng tất cả tâm huyết, dũng khí của một người đàn bà nghị lực. Xuân Quỳnh còn bảo vệ hạnh phúc bằng những bài thơ, những bài thơ mà xét cho cùng, nếu không được làm bởi một con người trắc trở, lận đận như bà, thì chúng ta không dễ gì được thưởng thức những vần thơ hay đến thế. Chính bởi cái nữ tính mãnh liệt của Xuân Quỳnh, mà thơ bà thường duyên nợ, gắn bó với biển, với sóng. Hai bài thơ hay của bà đều viết về sóng (Sóng), về biển (Thuyền và biển), hoặc ít nhiều gần gũi với biển (sóng). Trong đó Sóng lại được coi là bài thơ hay nhất, vì nó thể hiện được đầy đủ mọi cung bậc tình cảm của người phụ nữ trong tình yêu, đồng thời cũng bộc lộ rõ đặc điểm tâm hồn và phong cách Xuân Quỳnh”. Một cách mở bài như thế thì không những chỉ đúng, mà còn hay nữa. Bởi nó không dựa vào bất cứ công thức văn mẫu nào, nó là cá tính sáng tạo riêng của học sinh. Trước đây việc dạy và học văn luôn khuyến khích cách viết thế này. Nhưng từ khi việc học văn trở nên “thực dụng”, thì những bài viết thăng hoa như thế thường không còn nhiều nữa. Đó là điều đáng tiếc. Bởi đọc một bài văn hay, người chấm thi sẽ như được tiếp thêm cảm hứng để họ có thể sáng tạo hơn nữa trong giảng dạy văn chương. Dạy và học văn không thể giống như học toán. Nó cho phép người ta “bay bổng”. Bay bổng nhưng không bao giờ được phép “bỏ rơi” chủ đề. Chủ đề, hay chính xác hơn là yêu cầu của đề phải luôn luôn được ghi nhớ trong phần thân bài. Chẳng hạn với đề thi trên, những yêu cầu về hình tượng sóng (hình tượng ẩn dụ), về tình yêu, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ (sự nồng nàn, say đắm, hết lòng, vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế, nữ tính và sự hi sinh trong tình yêu), nghệ thuật đối sánh, tương phản trong các hình tượng thơ, câu thơ, khổ thơ, thể thơ 5 chữ ), với chủ yếu vần bằng) mà Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ, phải được phân tích đầy đủ, chính xác, thăng hoa, thuyết phục.
Cuối cùng là phần kết luận. Một kết luận bài viết nghị luận văn học không bắt buộc phải tóm lại các ý chính đã viết trong thân bài, nhưng kết luận nhất thiết phải mở ra được những ý tưởng mới, những chân trời mới, để người đọc cảm nhận được đầy đủ nhất mọi cái hay, cái đẹp của tác giả/ tác phẩm trong nội dung đề ra. “Vậy đấy, Xuân Quỳnh là vậy đấy. Có người cho Xuân Quỳnh là một tiếp nối của Hồ Xuân Hương, có người không. Riêng tôi, Xuân Quỳnh là Xuân Quỳnh, Hồ Xuân Hương là Hồ Xuân Hương, mỗi người một thời, mỗi người một khác. Có giống chăng chỉ là cả hai được sinh ra là để in dấu tình yêu trong trái tim mình, như con đường được sinh ra là để được in những dấu chân” (bài viết đã dẫn). Khẳng định bài nghị luận văn học rất cần những trang viết “thăng hoa” chính là như thế.
Nguồn Văn nghệ số 25/2020