Nguyễn Du (1766-1820), Đại văn hào dân tộc, sống trước chúng ta chừng 200 năm.
Và Truyện Kiều của ông ra đời cũng chừng ấy năm. Tôi đọc và thuộc nhiều đoạn Truyên Kiều, lại đọc, lại tự hỏi: Tiếng Việt cách đây bấy nhiêu năm sao mà đẹp, trong sáng, tài tình đến thế.
- Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
- Vừng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường
Nhạc sĩ Phạm Duy, trong bài hát Tình ca viết ở Sài Gòn năm 1953 cũng bộc lộ nỗi niềm: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời”. Một nhạc sĩ Việt sống ở nước ngoài tâm sự: “Nhờ sáng tác ca khúc, tôi mới hiểu được tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt giúp tôi tìm lại chính mình, và tự nhiên hồn tôi luồn được vào bảy nốt nhạc của phương Tây để thể hiện mình. Càng tìm về tiếng Việt, tôi càng thấy lời Việt Nam, hồn Việt Nam đầy nhạc đầy thơ, thấm đẫm một triết lý sống riêng của dân tộc... Hiểu được tiếng Việt, tôi hiểu được lối nghĩ, lối diễn đạt của người Việt Nam... Tiếng Việt tràn đầy âm sắc, bản thân nó đã là nhạc, là thơ. Tiếng Việt chính là hồn tôi chảy trôi mà tôi chỉ mượn những nốt nhạc của phương Tây đẩy mạnh linh hồn của từ ngữ” (Tiếng Việt là nhạc là thơ. Mai Thục. Tinh hoa Hà Nội NXB Văn hóa - Thông tin 2006, tr.419).
Nhà văn Nguyễn Tuân, bằng vào những từ láy ba (Quay cu lơ, gọn thon lỏn...), láy bốn (Dấp da dấp dính, ngất nga ngất ngưỡng...) của tiếng Việt, ông nói đến “cái kỳ diệu của tiếng mình”. Bằng vào phụ âm kép kh (KH): khàn, khản, khảnh... ông nghĩ “cứ khiêm tốn mà làm học trò giỏi của tiếng nói nhân dân thì mình còn gặp được nhiều thấy được nhiều hơn nữa, để mà góp được nhiều hơn nữa và nâng mãi lên nữa”. “Tôi thấy trong ba mươi nhăm năm hành nghề, tôi chưa “sài” được cho trọn bấy nhiêu phụ âm kép bấy nhiêu từ trong những trang của mình đã được in được ra”. “Tiếng nói dân tộc nào nói chung cũng có cái linh diệu của nó. Và tiếng ta lại càng có cái linh diệu rất đáng quý đáng yêu của tiếng Việt” (Tạp chí Tác phẩm mới, 1972, số 18).
Nhà thơ Lưu Quang Vũ có bài thơ Tiếng Việt ca ngợi sự giàu có, phong phú của tiếng ta.
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt
Một thứ tiếng cao quý, thâm trầm, rực rỡ giàu sắc thái âm thanh. Một thứ tiếng tồn tại xuyên thấm qua đời này đời khác, có sức cảm hóa lòng người.
Ai ở phía bên kia cầm súng
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về
Và đem lại cho tâm hồn chúng ta những giá trị trường tồn. Nhà thơ thốt lên “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ”, cũng là thái độ yêu quý, biết ơn tiếng nói của dân tộc.
Nhà thơ, nói chung là người lao động chữ nghĩa, biết tận dụng từng chữ, săn sóc từng chữ. Trong sự phát triển kỳ diệu của tiếng mẹ đẻ, một nhà thơ chỉ biết tiếng mẹ đẻ, chưa đủ, mà cần phải biết sống chung với vẻ đẹp phong phú của các ngôn ngữ khác. Sử dụng được một chữ mới, khác thường, chính xác cũng gây sự cảm phục, sự đồng tình ở người đọc.
Chúng ta đã được sử dụng một thứ ngôn ngữ giàu có chính xác mạnh mẽ và vô cùng đẹp là tiếng Việt. Và cũng qua việc đối xử với tiếng mẹ đẻ của nhà thơ, người đọc có thể nhận ra trình độ văn hóa và phẩm chất của người đó. Tình yêu quê hương đất nước của một người không thể tách rời tình yêu ngôn ngữ dân tộc. Lãnh đạm với tiếng mẹ đẻ là thờ ơ với quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc mình. Mọi người thừa biết chúng ta đã thụ hưởng những thành quả tốt đẹp của tiếng Việt phong phú giàu có trong sáng uyển chuyển ở tục ngữ ca dao, ở các tác phẩm cổ điển của dân tộc mà điển hình đỉnh cao là Truyện Kiều.
Tất nhiên, như những ngôn ngữ khác, tiếng Việt phát triển diễn ra theo quy trình hai mặt: Là tiếng nói giao tiếp hàng ngày, là đối tượng để nhà thơ sáng tạo. Có người đề cao quá mức vai trò chức năng của ngôn ngữ, chỉ chú trọng đến ngôn ngữ, đến chữ: “Chữ bầu lên nhà thơ” (Edmond Jabes - nhà thơ Pháp gốc Do Thái). Sự thực, thơ, đặc biệt là thơ hay đều chứa đựng, kết tinh nhiều tố chất, không đơn thuần chỉ là ở chữ. Thơ còn là ý, tình, hình, nhạc của rung động thẩm mỹ. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở. Cái chính của thơ là nội dung tư tưởng. Thơ cần tư tưởng. Tư tưởng càng lớn, cao cả, thơ càng có sức mạnh làm rung động người đọc. Sáng tạo ngôn ngữ là cái tài, nhưng cái tình lớn hơn cái tài. Tư tưởng nhân văn, tình yêu thiên nhiên đất nước, con người, mới có thể nâng cao, làm giàu có tâm hồn con người. Tính nhân văn, lòng nhân ái, bất kỳ ở đâu, thời nào, bao giờ cũng là của quý.
Ngôn ngữ luôn chuyển động biến đổi phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ thời đại. Thô tục, suồng sã không bao giờ là ngôn ngữ thơ. Ảnh hưởng của công nghệ thông tin, mạng xã hội, tiếng nước ngoài thơ trở nên sinh động, hợp với đời sống hiện đại, với tư duy, tinh thần của thế hệ @, nhưng cần sáng tạo, làm mới ngôn ngữ, làm phong phú lời văn tiếng nói, câu chữ Việt là cái đích cần có. Vay mượn, thuê mướn tiếng nước ngoài một cách dễ dãi, sống sượng chỉ gây phản cảm, mất ý nghĩa. Nhà thơ nào cũng có cách sử dụng ngôn ngữ riêng của mình, không giống ai, riêng biệt và độc đáo. Có người ngôn ngữ bay bướm, mềm mại; có người ngôn ngữ sắc lạnh, sâu sắc; có người ngôn ngữ giản dị trong sáng, thấm đẫm triết luận; có người ngôn ngữ dân gian, dân tộc. Quan sát chúng ta nhận ra ngôn ngữ tương ứng với đối tượng cảm xúc, nội dung thể hiện. Câu chữ thanh nhã khi viết về tôn giáo,viết về những điều hệ trọng cao cả cần trang trọng, viết về những điều thường nhật cần sinh động phóng khoáng, bề bộn...
Tôi hôm nay vẫn đọc thơ. Và đã đọc không biết bao nhiêu thơ từ những ngày phải chuyên tâm với công việc, chừng năm mươi năm chi đó. Bây giờ nghe nhiều phàn nàn: thơ ít có tư tưởng, cứ nói những chuyện đâu đâu, cảm xúc cầu kỳ, tiếng Việt, chữ Việt như làm xiếc, diễn đạt rắc rối khó hiểu. Quả có thế thật, mà một phần cũng tại người “phê bình”, cứ tán, cứ véo von, bài viết nào cũng ngọt ngào dễ sợ.
Nhà lý luận phê bình Mã Giang Lân
Nguồn Văn nghệ số 28/2023