Nhà phê bình Thụy Khuê khẳng định văn học Việt Nam không thiếu nhân tài, chúng ta không nhược tiểu như nhiều người nghĩ. Các bạn trẻ phải tìm lại, đào sâu về các tác giả lớn của nước mình.
Vừa qua, nhà phê bình Thụy Khuê đã về nước tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM các tác phẩm, tư liệu của họa sĩ Lê Bá Đảng. Bà cũng trao tặng nhiều tư liệu văn chương về Nguyễn Huy Thiệp đúng dịp 3 năm nhà văn đi xa. Các tư liệu này được bà lưu giữ trong 30 năm, tặng cho Không gian Nguyễn Huy Thiệp - không gian do hai con trai nhà văn thực hiện.
Dịp này, bà trò chuyện về văn chương Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn văn học chữ Quốc ngữ, văn học Đổi mới. Thụy Khuê dành nhiều tâm sự về Nguyễn Huy Thiệp với vai trò là một tác giả lớn, đồng thời là mối duyên văn nghệ đặc biệt của bà.
Nhà phê bình Thụy Khuê ( giữa) trao tặng tư liệu cho hai con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Nguyễn Huy Thiệp nếu được Nobel thì càng tốt, không được cũng chẳng mất mát gì
- Thưa bà, làng văn còn nhớ có một mối nhân duyên đặc biệt giữa nhà văn và nhà phê bình, với trường hợp của bà và Nguyễn Huy Thiệp. Nhân duyên này đã bắt đầu như thế nào, thưa bà?
- Xưa ông Nguyễn Tuân hay nhắc câu: “Mỗi nhà văn chôn một nhà phê bình”. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng với trường hợp của tôi và Nguyễn Huy Thiệp. Tôi và Nguyễn Huy Thiệp quen nhau giống như một duyên văn nghệ. Tôi có duyên văn nghệ với nhiều người, trong đó có Nguyễn Huy Thiệp. Vì ông Thiệp là nhà văn lớn, lại không phải là người dễ chấp nhận người này người kia, nhưng ông chấp nhận tôi.
Tôi gặp Nguyễn Huy Thiệp cùng với nhiều nhân vật lớn trong làng văn nghệ trong nước lúc bấy giờ, như Văn Cao, Hoàng Cầm, Bảo Ninh… vào năm 1993. Đó là năm đầu tiên tôi về Việt Nam, sau khi tôi viết phê bình được sáu, bảy năm. Lúc đó Nguyễn Huy Thiệp đã nổi tiếng lừng lẫy rồi. Ông đón tôi rất nồng hậu.
Sau lần ấy, tôi giữ kết nối thân tình với Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp. Vì ngay sau đó ông Thiệp nhờ tôi làm đại diện cho ông ở Pháp.
Tôi cũng thân với Nguyễn Huy Thiệp hơn cả có lẽ vì ông rất đặc biệt. Ông rất sâu sắc, thâm trầm, ít nói. Chúng tôi thường chẳng cần nói gì cũng hiểu người kia nghĩ gì. Ở ông lại còn có chất hài hước thâm thúy.
- Khi gặp Nguyễn Huy Thiệp rồi thì cái nhìn của bà về văn chương của ông có đổi khác không?
- Không. Tôi phân biệt rất rõ con người nhà văn và tác phẩm. Có những người có sự chênh lệch giữa tác phẩm và con người bên ngoài. Có những người mình rất tôn trọng trong tác phẩm nhưng con người nhà văn bên ngoài thì mình lại không thích. Hoặc ngược lại. Những người như vậy luôn có trong giới văn chương.
Là một nhà phê bình, tôi gặp gỡ các tác giả trên tác phẩm của họ chứ không phải con người bên ngoài. Nếu có tương quan với con người bên ngoài thì quý hơn. Với Nguyễn Huy Thiệp, tôi gặp ông cả trong tác phẩm lẫn con người bên ngoài tác phẩm.
- Nguyễn Huy Thiệp trong lần trả lời phỏng vấn bà, đã nói rằng ông mong độc giả quốc tế hãy nhìn ông như một nhà văn chứ không phải là một nhà văn chính trị. Thực tế một số người cũng nói văn chương Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh được yêu thích nhiều hơn vì những câu chuyện chính trị trong đó, một kiểu văn chương phản kháng. Bà có nghĩ vậy không?
- Không phải một số người nghĩ thế mà nhiều người nghĩ thế. Đó là nhận định hoàn toàn sai lầm. Nhà văn đích thực họ ở trên tất cả những cái đó. Khi nói Nguyễn Huy Thiệp, hay Bảo Ninh làm chính trị bằng văn chương là đã hạ thấp tầm vóc của các ông xuống. Những nhà văn đích thực họ chẳng để ý đến những vấn đề chính trị, họ viết về con người thôi, về thời đại của họ.
Mục đích chính của nhà văn là đi tìm sự thật về con người. Những gì mà Nguyễn Huy Thiệp làm được, tôi thấy không mấy nhà văn đương thời ở Việt Nam, nếu không muốn nói là không có ai, làm được. Thử nghĩ xem, ai viết được như Nguyễn Huy Thiệp đã viết về sự tan nát của một gia đình trong Không có vua? Hay những truyện thần thoại như Con gái thủy thần, Nguyễn Huy Thiệp đã xáo trộn nhiều thể văn, giữa huyền thoại cộng với hiện thực xã hội.
Bảo Ninh khi viết về chiến tranh đã pha trộn được cái ác liệt của chiến tranh với những mường tượng về tình yêu. Hai tác giả này sở dĩ lớn vì họ đi từ hiện thực xã hội nhưng đã vượt lên trên hiện thực xã hội ấy. Cái lớn lao của một nhà văn là có thể tạo cho bạn đọc một bầu trời khác để người đọc đi vào rồi bị cuốn hút. Nhà văn lớn là nhà văn nói lên được những đau khổ của con người trong thời đại mình sống. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp lớn là vì như vậy, văn chương của ông được người nước ngoài mến chuộng là vì thế.
- Chuyện Nguyễn Huy Thiệp hy vọng mình được trao giải Nobel văn chương từng là chủ đề để không ít người chế giễu. Bà nghĩ sao?
- Marion Hennebert - chủ Nhà xuất bản Aube nơi xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp ở Pháp - rất yêu văn chương Nguyễn Huy Thiệp và bà chân thành tin rằng tác giả này xứng đáng được trao giải Nobel, muốn giới thiệu nhà văn với ban chấm giải Nobel văn chương. Tôi không tin vào giải Nobel hay bất cứ giải thưởng văn chương nào khác nhưng trước sự nhiệt thành của bà Marion, tôi đã hỗ trợ để có một tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp dày dặn, đầy đủ các tác phẩm, đã được hiệu đính hay dịch lại, để gửi đến ban chấm giải Nobel.
Tuyển tập làm trong hai năm, nhưng hội đồng chấm giải đã trả lời Marion rằng họ từ chối với lý do giải không xét cho những truyện ngắn. Nhưng vài năm sau họ trao giải cho một tác giả truyện ngắn. Mình hiểu rằng họ chỉ lấy cớ thôi. Hoặc là họ không đủ trình độ để đọc hiểu được Nguyễn Huy Thiệp hoặc là họ chỉ muốn những tác phẩm “nổi đùng đùng”. Trong cả hai trường hợp, họ không có tư cách để phát giải cho một nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp.
- Bà có vẻ đánh giá rất cao Nguyễn Huy Thiệp?
- Không phải tôi có vẻ đánh giá cao Nguyễn Huy Thiệp mà ông ấy cao. Một số người đánh giá giải Nobel là ghê gớm, coi thường Nguyễn Huy Thiệp. Nobel chỉ là giải của một số ông già đứng ra chấm điểm người này người kia nhưng bỏ qua bao nhiêu tác giả xuất sắc chỉ vì tác phẩm của họ không được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Thụy Điển. Một nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp nếu được giải Nobel thì càng tốt nhưng không được thì cũng chẳng có gì mất mát.
- Nhưng tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp lại không được đánh giá cao?
- Tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp không bằng truyện ngắn của ông. Nhưng mức tầm tầm của Nguyễn Huy Thiệp cũng là hơn người khác. Còn kịch của ông ấy thì quá hay. Bản chất của Nguyễn Huy Thiệp là văn kịch. Truyện ngắn của ông rất hay ở những đối thoại giữa các nhân vật.
- Nguyễn Huy Thiệp từng nói nhà văn là người suốt đời đi tìm đạo. Bà thấy sao?
- Cái đạo trong văn của Nguyễn Huy Thiệp chính là ông viết về cái xấu, cái ác, để con người nhìn vào đó mà tránh đi. Còn nếu cứ viết thứ “văn học phải đạo”, xã hội mà nhà văn cứ ca tụng thì không bao giờ thay đổi. Bổn phận của nhà văn là thay đổi xã hội. Muốn làm được điều đó thì phải chỉ ra cái xấu của xã hội, bằng cách rất nghệ thuật để người đọc thậm chí không nhận ra điều đó. Đó mới là nhà văn lớn. Cái đạo của Nguyễn Huy Thiệp là như vậy, là giúp con người tìm đường.
- Cuối đời ông không viết nữa mà tìm đến tôn giáo, sống yên an với áo nâu sồng và vui vầy bên con cháu, bà nghĩ sao về lựa chọn này?
- Đời sống của Nguyễn Huy Thiệp nhiều đau khổ, cái này nhiều người biết, nên cuối đời ông tìm đến những con đường giải thoát khỏi khổ đau chắc cũng là lẽ thường. Ông Lê Bá Đảng cuối đời cũng vẽ về thiền, những bức tranh thiền. Nhiều người tìm về đạo Phật vào cuối đời.
Nhưng nói cuối đời Nguyễn Huy Thiệp tìm đến đạo là không đúng. Tác phẩm của ông, kể từ những tác phẩm đầu tiên đã có tinh thần đạo Phật, từ đầu đến cuối. Ông là người có ảnh hưởng đạo Phật rất sâu.
Tại sao về sau Nguyễn Huy Thiệp không viết nữa có thể vì có lý do riêng. Tôi không dám nói rằng về già ông ấy bế tắc trong sáng tạo. Tôi nghiêng nhiều về lý giải rằng Nguyễn Huy Thiệp rất khó tính với tác phẩm của mình nên có thể ông vẫn viết nhưng vì thấy không bằng những gì mình đã viết trước đó nên không công bố. Tôi nghĩ rất nhiều đến chuyện đó. Không biết các con ông có nhìn thấy những lúc bố mình xé bản thảo không. Từng có lúc ông ấy nói với tôi rằng ông xé nhiều lắm khi không bằng lòng với mình. Một tư cách của nhà văn rất lớn.
Dân tộc mình lớn lắm, có nhiều nhà văn lớn
- Chúng ta chưa có những nhà văn lớn có phải vì tâm lý nhược tiểu?
- Không phải. Dân tộc mình lớn lắm, có nhiều nhà văn lớn. Vừa rồi tôi có trò chuyện với một số nhà văn tên tuổi, nhà phê bình có tiếng, họ nói họ không đọc được Tự lực văn đoàn. Tôi cũng thấy hơi buồn. Chính mình mà không thấy cái hay trong văn học cổ điển một thời như Tự lực văn đoàn thì buồn.
Thời nào cũng có những nhà văn lớn. Thời kỳ văn học trung đại viết bằng chữ Hán, chữ Nôm mỗi giai đoạn đều có nhà văn lớn. Đầu thế kỷ 20 đến giờ nước mình có nhiều nhà văn lớn lắm. Bắt đầu bằng ông nhà văn lớn Hồ Biểu Chánh, người viết tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên. Giai đoạn sau có Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm, cũng là một tác giả lớn.
Tiếp theo chứng kiến sự bùng nổ của văn chương Tự lực văn đoàn. Văn chương Quốc ngữ bùng nổ với Khái Hưng, Thạch Lam. Các ông chủ trương viết văn chương bằng tiếng Việt, dùng rất ít từ Hán Việt và không dịch tác phẩm ngoại quốc để người Việt phải xây dựng nền văn học Việt ngữ cho riêng mình và họ đã làm được. Đứng đầu đàn là Khái Hưng, người bắc cầu giữa hai thế hệ mới - cũ. Tác phẩm Hồn bướm mơ tiên là tác phẩm đầu tiên của Khái Hưng có giá trị phổ quát. Khái Hưng, Nhất Linh là những người đi song song với Thạch Lam, mỗi người một phong cách, đều mở rộng văn học tiếng Việt. Tiếng Việt chưa bao giờ trong sáng, giàu sang như trong văn học thời kỳ này. Các ông gần như tìm cách thoát khỏi từ Hán Việt mà các ông trước đó như Phạm Quỳnh chủ trương dùng nhiều. Khái Hưng, Nhất Linh cũng có thể coi là những nhà văn lớn vì họ đã khai chương một nền văn học Quốc ngữ giàu sang. Thạch Lam cũng là một nhà văn lớn, văn ông đẹp và đi gần với đời sống. Rồi đến Nguyễn Tuân, Nam Cao.
Sau năm 1954 miền Nam tiếp tục dòng văn học nhóm Tự lực văn đoàn, với những tác giả như Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng…
Thời Đổi mới văn học nổi lên những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Trần Vũ… Văn học Đổi mới cũng là một giai đoạn văn học lớn. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn lớn nhất của giai đoạn này.
Văn học Việt Nam không thiếu nhân tài, đừng coi thường nó. Các bạn trẻ phải tìm lại, đào sâu.
- Bà có thể nói thêm về văn chương miền Nam trước 1975 mà tới nay bạn đọc còn ít biết tới?
- Mai Thảo làm mới lại ngôn ngữ văn chương Việt Nam mà trước đó có Nguyễn Tuân. Bà Nguyễn Thị Hoàng viết truyện dài, truyện ngắn rất hay, rất mới. Đó là thứ văn mới, đẹp. Nguyễn Thị Thụy Vũ viết hiện thực xã hội rất hay, theo cách miền Nam, khác cách miền Bắc…
Nhưng tất cả những tác phẩm này phải được hướng dẫn cho bạn đọc bằng dòng phê bình đúng đắn thì bạn đọc mới có thể tiếp nhận được.
- Bà cảm thấy thế nào khi bà được lựa chọn người có vai trò lớn trong một giai đoạn văn nghệ có nhiều thành tựu?
- Bạn nói thế là chủ quan. Tôi cũng bị người ta chỉ trích nhiều lắm. Tôi thì ít chủ quan. Tôi vẫn nghĩ cái gì viết được thì nó vẫn còn tồn tại. Cái mà tôi chú ý nhất là các độc giả âm thầm của tôi. Cái mình viết được hay không được sớm muộn người ta cũng thấy. Quý giá nhất là tôi được sự yêu quý, kính trọng của các nhà văn, nghệ sĩ. Tôi cho đó là món quà lớn lắm.
Nếu đối tượng của nhà văn là đời sống thì đối tượng của tôi là văn bản, cũng là một hình thức sáng tác, từ văn bản. Tôi cố gắng nói ra những văn bản ấy toát ra tư tưởng gì. Đọc thơ Lê Đạt rất khó nhưng tôi cũng tìm cách để nói ra được về thơ đó.
Văn nghệ sĩ họ quý tôi ở chỗ tôi nói ra được cái ở trong tác phẩm của họ. Không hẳn cái nói của tôi là hoàn toàn đúng, có thể chính tác giả không nghĩ ra như thế. Nhưng nếu mình nói ra được trong tác phẩm của họ những thứ người khác không nói được hoặc nói sai, thì họ sẽ quý trọng mình. Mình nói được như vậy vì mình coi tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật là một đối tượng để sáng tác, cũng giống như nhà văn nhìn cuộc đời để sáng tác. Văn bản phê bình đối với tôi là một sáng tác.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Phương Bối thực hiện
Nguồn Văn nghệ số 13/2024