Cách nay hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Tố Hữu đã dẫn hai danh ngôn nổi tiếng của hai danh nhân thế giới, làm đề từ mở đầu bài thơ Bài ca Xuân 71:
Gớt-tơ nói: Phải hành động!
Lê-nin: Nên biết ước mơ…
Cần nhớ thêm rằng, Xuân 71 là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn vô cùng quyết liệt. Trong hoàn cảnh ấy, nhà thơ - nhà quản lý văn nghệ của Đảng - vẫn lưu ý quân và dân ta về quan điểm “nên biết ước mơ” của Lê-nin. Bởi vì ước mơ là một trạng thái tinh thần hết sức cần thiết và quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân và rộng lớn hơn là mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc.
Khát vọng là một cấp độ cao của ước mơ. Đó là mơ ước đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Bởi vậy, khát vọng là một trong những giá trị con người cần phải có, là biểu hiện mang yếu tố tích cực của mỗi con người. Ước mơ và khát vọng chân chính của mỗi cá nhân luôn hài hòa phù hợp với ước mơ và khát vọng của cộng đồng, của dân tộc và xu thế của thời đại. Đó là những ước mơ và khát vọng lớn. Làm người chân chính phải có ước mơ và khát vọng lớn, đặc biệt là với tuổi trẻ. Tuổi trẻ phải có hoài bão lớn, phải khát khao cống hiến và khát vọng vươn lên, đồng hành cùng khát vọng của dân tộc, bởi vì tuổi trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước.
Ước mơ và khát vọng là tâm lý bẩm sinh của con người. Nhưng những ước mơ tích cực, những khát vọng lớn lao thì phải được ươm trồng và vun đắp thông qua giáo dục và rèn luyện. Trong đó, ươm trồng và vun đắp bằng văn học, nghệ thuật là phương thức giáo dục và rèn luyện hết sức quan trọng và hiệu quả. Bởi con đường nhận thức ngắn nhất là đi từ trái tim đến với trái tim. Thông qua sự cảm nhận và rung động sâu sắc trước những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, công chúng nghệ thuật sẽ tự hình thành, ấp ủ và nuôi dưỡng những khát vọng mãnh liệt và dấn thân thực hiện khát vọng ấy. Lẽ dĩ nhiên, để sáng tạo được những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, nhà văn cũng phải được thôi thúc bởi những những khát vọng tích cực, lớn lao, đại diện cho khát vọng của xã hội và dân tộc.
Trong những năm tháng đất nước bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược, khát vọng lớn nhất của dân tộc ta là Độc Lập, Tự Do và thống nhất đất nước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đông đảo văn nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ và xu hướng nghệ thuật đã giác ngộ cách mạng, hăng hái tham gia kháng chiến, góp phần thực hiện khát vọng độc lập, tự do và hòa bình, thống nhất của dân tộc. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một thế hệ văn nghệ sĩ trẻ vừa “lớn lên trong mùa cách mạng” đã hăng hái tham gia công cuộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Họ lên đường với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần lạc quan cách mạng. Họ xác định: “Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (Thanh Thảo). Vì thế với họ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật) và giữa chiến trường “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh)…
Tinh thần “dấn thân” là nét nổi bật của đội ngũ nhà văn trẻ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là những con đẻ của cách mạng, lớn lên trong hào khí cách mạng, nên từ nhận thức cuộc sống đến quan điểm nghệ thuật là rõ ràng dứt khoát. Họ xác định phải phản ánh trung thực và sinh động cuộc sống mà mình đang ký thác toàn bộ cuộc đời mình trong đó. Tinh thần dấn thân ấy cộng hưởng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nền tảng để cảm hứng công dân thăng hoa. Đó là tâm huyết phổ biến của một thời, một thế hệ. Rất nhiều văn nghệ sĩ thế hệ ấy đã ngã xuống trên chiến trường trong tư thế của người chiến sĩ. Cuộc đời họ mãi mãi tuổi hai mươi và tác phẩm của họ là những giá trị trường tồn của văn hóa của dân tộc. Rất nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ ấy trở về từ chiến trường, tiếp tục tu dưỡng, học tập và sáng tạo, trở thành những văn nghệ sĩ nổi tiếng của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Nhiều người trong số họ trở thành những nhà quản lý văn nghệ và tư tưởng - văn hóa có uy tín.
Sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã kết thúc hơn 45 năm. Công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển trong môi trường toàn cầu hóa và cơ chế thị trường của đất nước ta hôm nay đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đầy những hệ lụy, thách thức. Khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam ngày nay là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”… Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đòi hỏi đội ngũ nhà văn tiếp tục đồng hành cùng dân tộc; tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Ngày nay, đời sống văn học Việt Nam được bổ sung một lớp nhà văn trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Đổi mới. Đó là một thế hệ năng động, sáng tạo, đem lại sinh khí và nhiều mới mẻ cho đời sống văn học nước nhà. Họ là đội ngũ kế tiếp thực hiện sứ mệnh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng cao cả đó, vấn đề tiên quyết không ai có thể làm thay cho các nhà văn trẻ, ấy là sự nỗ lực tự thân, tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện nhân cách và tài năng; chấp nhận sự hy sinh, đơn độc nghiệt ngã của lao động sáng tạo nghệ thuật, vững vàng trước những tác động ngược chiều của cơ chế thị trường và những quan điểm lệch lạc trong văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực tự thân ấy, vai trò của xã hội và đặc biệt của các ngành chức năng, của các cơ quan quản lý tư tưởng - văn hóa là những yếu tố hết sức quan trọng.
“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một KHÁT VỌNG LỚN của dân tộc, chất chứa tinh thần lãng mạn và niềm lạc quan cách mạng. Khát vọng ấy có cơ sở từ thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, của sự nghiệp Đổi mới đất nước. Sự nghiệp ấy đang trên đà phát triển, như tuổi trẻ phơi phới sức xuân, mãnh liệt khát vọng và dồi dào sáng tạo…
Nguồn Văn nghệ số 13/2021