Gặp đoạn viết ngắn có tựa Đồng hồ báo thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà trong sách Tiếng Việt 2, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo và trích đoạn truyện Miệt Cồn trong sách Bài tập thực hành tiếng Việt 2, tập 2, hẳn nhiều độc giả có phần ngạc nhiên. Bởi lâu nay, độc giả vẫn quen thuộc với những tâm tư sâu thẳm của chị ở những truyện ngắn và tiểu thuyết dành cho người lớn.
Thật ra, nhà văn vô cùng cá tính này có khá nhiều trang viết dành cho thiếu nhi, nơi chị thường lồng vào những thông điệp nhẹ nhàng về lối sống tốt đẹp.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà |
Đoạn văn Đồng hồ báo thức khoảng 130 chữ, miêu tả tỉ mỉ từ hình dáng, các loại kim và công dụng của chiếc đồng hồ báo thức bằng từ ngữ giản dị, rõ nghĩa với lời nhắc nhẹ nhàng: "Mỗi khi tôi reo lên, bạn nhớ thức dậy nhé", dành cho học sinh lớp 2. Đây không phải là một sáng tác có sẵn của Võ Thị Xuân Hà.
Vào năm 2021, chị được nhóm biên soạn sách tìm đến như một cây viết cho thiếu nhi có nhiều kinh nghiệm để "đặt hàng" một đoạn viết trong phần Những người bạn nhỏ, thuộc sách Tiếng Việt 2, tập 1 (bộ Chân trời sáng tạo). Dù đây là một mẫu văn được "đặt hàng", nhưng độc giả vẫn thoáng thấy được phong cách quen thuộc của Võ Thị Xuân Hà trong sáng tác cho thiếu nhi, bằng những lồng ghép thông điệp nhẹ nhàng, chứ không đơn thuần là miêu tả.
Còn đoạn truyện Miệt Cồn thì khác, đây là tác phẩm được Võ Thị Xuân Hà viết trong những năm 1990, được in trong tập truyện ngắn Cổ tích cho tuổi học trò, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 1994.
Chị viết Miệt Cồn khi nhớ về quê quán của mình. Trước cửa nhà ba mẹ chị là chợ Vỹ Dạ, sau chợ là con sông Hương được chia hai nhánh, chảy bao quanh Cồn Hến.
Học trò lớp 2 sẽ được đọc những câu văn thật đẹp, ngay từ đoạn mở đầu: "Qua bến đợi Đông Ba, con sông Hương hiền hòa choãi mình thảnh thơi dưới nắng. Nắng lung linh như những dải bạc sấp mình trên mặt sông. Chính giữa đoạn phình rộng này của dòng Hương, một gò cát và phù sa bồi chồi lên, rộng có đến vài héc-ta. Đó là Cồn Hến".
Ở nơi đẹp đẽ ấy, những đứa trẻ hòa mình vào thiên nhiên cùng với tiếng cười trong veo của tình bạn. Không chỉ học được vẻ đẹp của từ ngữ, các bé còn bước đầu tiếp cận với một số phương ngữ của tỉnh Thừa Thiên Huế như các đại từ: mạ, tau, mi, mô...
Cái tên xuất hiện trong sách giáo khoa chẳng phải để nổi tiếng, học trò vốn chẳng bận tâm nhiều đến tên tác giả, ý nghĩa mà chị nói chính là điều mình viết sẽ đem lại cho học trò những cảm xúc đẹp, đồng hành cùng tuổi thơ. |
Không phải bây giờ nhà văn "người lớn" Võ Thị Xuân Hà mới có tác phẩm trong sách giáo khoa dành cho trẻ em. Khoảng những năm 2008-2010, Chuyện về viên bi ve (được in trong tập truyện ngắn Màu vàng thần tiên, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2001) đã được nhóm biên soạn của giáo sư Trần Đình Sử chọn đưa vào sách Tập làm văn 7.
"Khi những tác phẩm của mình được đến với học trò, tôi thấy ý nghĩa nghiệp viết của mình" - Võ Thị Xuân Hà chia sẻ. Cái tên xuất hiện trong sách giáo khoa chẳng phải để nổi tiếng, học trò vốn chẳng bận tâm nhiều đến tên tác giả, ý nghĩa mà chị nói chính là điều mình viết sẽ đem lại cho học trò những cảm xúc đẹp, đồng hành cùng tuổi thơ.
Tác phẩm nổi bật Võ Thị Xuân Hà sinh ra, lớn lên và làm việc tại Hà Nội. Quê gốc ở thành phố Huế. Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 8), Ủy viên Hội đồng Văn xuôi (khóa 9). Nguyên Tổng biên tập tạp chí Nhà văn… Hội viên của: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam. Các tác phẩm nổi bật: Các tập truyện ngắn Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, Bầy hươu nhảy múa, Cổ tích cho tuổi học trò, Kẻ đối đầu, Màu vàng thần tiên, Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, Chuyện của con gái người hát rong...; Các tập truyện dài Chiếc hộp gia bảo, Chuyện ở rừng Sồi...; Các tiểu thuyết Trong nước giá lạnh, Tường thành, Câu chuyện của Nàng Thê... |
Võ Thị Xuân Hà nói, chị viết cho thanh thiếu niên khá nhiều, nhưng độc giả thường nhớ đến chị là cây viết cho người lớn. Sáng tác cho các độ tuổi được chị viết đan xen nhau, chứ không chia ra giai đoạn nào, hoặc viết cho ai một cách có chủ ý.
Trang sách "Tiếng Việt 2", bộ Chân trời sáng tạo |
"Viết không phải là chia theo các khung thời gian, mà chính là nhân duyên, không lý giải được", chị nói vậy, nên chỉ viết khi có cảm xúc.
Sau mười năm đứng bục giảng ở vị trí một giáo viên dạy toán cấp 2, sau đó làm cho báo Vì trẻ thơ, phụ trách mục Trang viết đầu tay của báo Thiếu niên tiền phong… nên Võ Thị Xuân Hà có dịp tiếp xúc với nhiều từ lứa trẻ nhỏ đến những cây bút viết cho thiếu nhi, từ đó có nhiều chất liệu để viết cho các độc giả này. Cho đến nay, chị vẫn gắn bó với học trò trong vai trò là một vị giám khảo xông xáo của cuộc thi viết thư UPU.
Khi có đề tài là Võ Thị Xuân Hà tập trung vào đó và bắt đầu hành trình sống với các nhân vật. "Viết cho ai thì cũng nên quên mình đi. Khi viết cho những đứa bé, tôi sống lẫn với trẻ nhỏ và nghĩ đến những gì các bé cần để xác định cách viết như thế nào" - chị chia sẻ.
Khi viết cho thiếu nhi, Võ Thị Xuân Hà loại bỏ toàn bộ các nguyên tắc, vì với chị, nếu bám vào đó thì trang viết sẽ không còn hồn nhiên. Chị chỉ viết bằng loại ngôn ngữ mà trẻ em dễ dàng đọc hiểu được, từ đó sẽ bật ra phong cách của mình.
Nói vậy không có nghĩa là chị giữ nhiều nguyên tắc trong khi viết cho người lớn. Là một cây viết chuyên nghiệp, chị hiểu rõ đối tượng mà từng tác phẩm của mình hướng đến và có cách viết phù hợp.
"Khi sáng tác của tôi đưa đến độc giả, chúng có phận sự truyền một năng lượng sống. Dù là câu chuyện buồn hay vui thì người đọc cũng sẽ tìm thấy một nguồn năng lượng được truyền đi một cách bí ẩn trong các tác phẩm của tôi", tâm sự này có lẽ cũng là "nguyên tắc" sáng tác xuyên suốt của chị - người không thích tác phẩm của mình gieo mầm đau khổ cho bất cứ ai.
Có lẽ vì nguồn năng lượng ấy mà sáng tác của Võ Thị Xuân Hà dễ dàng được bạn đọc đón nhận, được nhiều giải thưởng.
Võ Thị Xuân Hà nổi tiếng là nhà văn viết nhanh và đa dạng về đề tài, thể loại. Với 35 tập sách, gồm truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết, chưa kể các tập bút ký, ghi chép và khảo cứu…. Nhưng một người đa năng thì thường đa mang, chị làm khá nhiều việc ngoài viết lách, nên dường như chẳng lúc nào được thảnh thơi.
Võ Thị Xuân Hà thương những người chọn văn chương làm con đường đi, vì biết đó là con đường rất gian nan, nên hết mình hỗ trợ những ai cần tới chị. Chẳng hạn, một bạn trẻ loay hoay chưa biết cách nào tốt nhất để xuất bản tập thơ, chị sẵn sàng ra tay giúp đỡ để bạn ấy có một tập thơ xinh xắn, chất lượng,mà tiết kiệm được nhiều chi phí.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà |
Trăn trở về việc đọc sách của công chúng, nhất là bạn đọc trẻ, chị mở một quán cà phê sách và chẳng thể sống nổi qua mùa dịch nên dẹp. Thay vào đó, chị mở kênh YouTube Cầm Kỳ Official, là nơi để các tác phẩm văn chương đến với bạn đọc một cách nhanh chóng nhất. Văn chương chẳng thể rộn ràng để thu hút người nghe như những món giải trí đa dạng khác, biết là khó, nhưng chị vẫn kiên trì làm.
Tại Cầm Kỳ Official, công chúng có thể nghe được nhiều tác phẩm của các tác giả nổi danh đã khuất hoặc những người đương thời mà chị nhận thấy đầy tiềm năng.
Chị còn dành thời gian để tặng sách cho các thư viện những mong học trò đọc được càng nhiều sách càng tốt. Nhiều năm quyết tâm giữ ý chí tôn vinh văn hóa đọc, ngoài những hoạt động thiết thực, chị đã nghiên cứu thực tế, viết tham luận, trong đó có đề xuất nên có môn đọc sách ở các trường học. Chị cũng đã tranh luận thẳng thắn với những người có trách nhiệm, dù biết mình khó giành "phần thắng".
Một người phụ nữ lúc nào cũng hăng say làm hết việc này đến việc kia, thì có lý giải nào khác ngoài cách thấy rằng chị có nhiều năng lượng đang muốn truyền đi.
Một số giải thưởng - Tặng thưởng Cuộc thi truyện viết cho thiếu nhi, tập Chiếc hộp gia bảo, NXB Kim Đồng, 1996; - Giải thưởng sách hay, tập Kẻ đối đầu, NXB Hội Nhà văn, 1998; - Giải Nhất truyện ngắn Bạn rừng, báo Thiếu niên tiền phong, 2001; - Giải B Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, 2003; - Giải Khuyến khích tiểu thuyết Tường thành, Hội Nhà văn Việt Nam, 2005; - Giải Nhất truyện ngắn Mặt trời ở lại, cuộc thi viết về Người chiến sĩ công an Thủ đô vì tổ quốc bình yên, vì nhân dân phục vụ, 2010; - Giải Nhì truyện ngắn Bên thềm gạch cũ, cuộc thi viết Kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô, 2019. |