Chuyên đề

Tế Hanh: "Cánh buồm vôi" đi qua thế kỷ

Lê Ngọc Trác
Văn học nhà trường
10:45 | 09/11/2024
Baovannghe.vn - Với bài thơ Quê hương, Tế Hanh đã ghi dấu ấn rất riêng trong phong trào Thơ mới. Bài thơ ra đời đến nay đã hơn 80 năm, vẫn còn và mãi mãi hấp dẫn người yêu thơ. Quê hương của Tế Hanh như "cánh buồm vôi" vượt trùng dương đã đi qua thế kỷ.
aa

Những bài thơ viết về quê hương, đất nước, cũng như những bài thơ viết riêng về một làng quê đều tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với những người yêu thơ. Cách đây hơn 80 năm, trong phong trào Thơ mới xuất hiện nhiều cây bút viết về làng quê Việt Nam. Và, họ đã thành danh. Hơn 80 năm qua, mỗi khi nhắc đến những bài thơ viết về cảnh làng quê miền Bắc, chúng ta đều nhớ đến những bài thơ của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân... hay nhắc đến thôn Vĩ Dạ ở Huế, chúng ta nhớ đến bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử. Nói đến Huế đẹp, Huế thơ, ta nhớ đến những bài thơ của thi sĩ Nam Trân. Và như thế, khi nói đến cảnh sinh hoạt của một làng chài ven biển, nhiều người trong chúng ta nhớ ngay đến bài thơ Quê hương của nhà thơ Tế Hanh:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trùng giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Dướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe"

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Tế Hanh: "Cánh buồm vôi" đi qua thế kỷ
Nhà thơ Tế Hanh - Ảnh: Tư liệu

Thơ về làng chài là một đề tài thật hiếm người viết. Có lẽ, Tế Hanh là người duy nhất viết về làng chài. Và, đã thành công với bài Quê hương. Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 15/5/1921 ở làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bài thơ Quê hương chính là viết về cái làng chài Đông Yên thân thương của Tế Hanh. Sinh ra, lớn lên, gắn bó với quê hương - một làng chài thơ mộng nằm cuối dòng sông Trà hiền hòa, Tế Hanh đã tinh tế đưa vào thơ của mình hình ảnh sinh hoạt trong cuộc sống của quê hương: cảnh tấp nập ghe thuyền cá đầy khoang trên bến đỗ, những con thuyền như tuấn mã căng cánh buồm vôi trắng bạc lộng gió trên biển xanh mênh mông như mảnh hồn làng của ngư phủ giữa sóng nước đại dương; hình ảnh những con thuyền nằm im bến mỏi sau chuyến ra khơi...; và, cả cái mùi nồng mặn quá của một làng chài. Chính vì vậy, thơ Tế Hanh gần gũi, quen thân với người yêu thơ.

Từ tuổi 16, đôi mươi, với một tâm hồn nhạy cảm, đầy tha thiết, Tế Hanh chọn lọc những nét đặc trưng đưa vào thơ của mình một thế giới gần gũi với cuộc sống: nỗi buồn vu vơ của tuổi học trò trước cảnh chia ly trên sân ga (Vu vơ), nỗi niềm của con đường làng (Lời con đường quê), tạo cho người đọc nghe lòng bâng khuâng, xao xuyến... Năm 21 tuổi, với thi phẩm Nghẹn ngào (Hoa Niên), Tế Hanh - người con của làng chài Đông Yên đã vinh dự nhận giải thưởng Tự lực văn đoàn (1939), khẳng định vị trí của mình trong phong trào Thơ mới. Cũng từ đây, Tế Hanh gắn bó suốt cuộc đời mình với thi ca. Và, với bài thơ Quê hương, Tế Hanh đã ghi dấu ấn rất riêng trong phong trào Thơ mới. Bài thơ ra đời đến nay đã hơn 80 năm, vẫn còn và mãi mãi hấp dẫn người yêu thơ. Quê hương của Tế Hanh như "cánh buồm vôi" vượt trùng dương đã đi qua thế kỷ.

Tế Hanh: "Cánh buồm vôi" đi qua thế kỷ
Bài thơ "Quê hương" trong sách giáo khoa

Trong cuộc hành trình với thơ ca, Tế Hanh đã xuất bản các tác phẩm chính: Nghẹn ngào (Hoa Niên, 1939), Lòng miền Nam (1956), Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960), Hai nửa yêu thương (1967), Khúc ca mới (1967), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những mùa xuân (1976), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống, Tuyển tập Tế Hanh (tập I, 1987), Thơ Tế Hanh (1989), Vườn xưa (1992), Giữa anh và em (1992), Em chờ anh (1993), Tuyển tập Tế Hanh (tập II, 1997).

Suốt gần một đời, Tế Hanh viết nhiều thơ về quê hương, đất nước và chiến tranh. Thơ Tế Hanh có nét rất riêng, độc đáo, đằm thắm và sâu sắc, được người yêu thơ đồng cảm. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận định về Tế Hanh: "Anh viết khá hay về biển, biển trong bão dữ. Nghĩ đến anh tôi nghĩ về cái êm đềm của những con sông. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ, nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu..."

Cùng với những bài thơ hay viết về quê hương, đất nước, Tế Hanh còn viết nhiều về tình yêu. Thơ tình của Tế Hanh không có nét rạo rực, cháy bỏng, lãng mạn bay bổng như thơ Xuân Diệu, cũng không dằn vặt khổ đau như thơ của Vũ Hoàng Chương. Thơ tình của Tế Hanh thường gắn với hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống đời thường, thể hiện nỗi niềm đằm thắm, sâu kín tận đáy lòng:

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh

Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc

Hai ta ở hai đầu công tác

Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa

Như mặt trăng mặt trời cách trở

Như sao Hôm sao Mai không cùng ở

Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu

Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn

Em theo chim em đi về tháng tám

Anh theo chim cùng với tháng ba qua

Một ngày xuân em trở lại nhà

Nghe mẹ nói anh có về hái ổi

Em nhìn lên vòm cây gió thổi

Lá như môi thầm thĩ gọi anh về

Lần sau anh trở lại một ngày hè

Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt

Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt

Nước như gương soi lẻ bóng hình anh

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh

Tóc mẹ già mỗi ngày mỗi bạc

Hai ta ở hai đầu công tác

Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Những điều tưởng chừng bình thường, giản dị, qua thơ của Tế Hanh bỗng nhiên sâu sắc vô cùng, làm lay động tâm hồn nhiều người.

Bài thơ Vườn xưa nói về nỗi niềm xa cách của đôi tình nhân trong hoàn cảnh ở hai đầu công tác. Ở đây, chúng ta bắt gặp nỗi cô đơn, nhớ nhung của nhiều người có chung một hoàn cảnh. Bài thơ tình ở Hàng Châu Tế Hanh viết từ năm 1956, có lẽ đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của Tế Hanh. Những điều tưởng chừng bình thường, giản dị, qua thơ của Tế Hanh bỗng nhiên sâu sắc vô cùng, làm lay động tâm hồn nhiều người:

Anh xa nước nên yêu thêm nước

Anh xa em càng nhớ thêm em

Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm

Trời Hàng Châu bốn bề êm ái

Mùa thu đã đi qua còn gửi lại

Một ít vàng trong nắng trong cây

Một ít buồn trong gió trong mây

Một ít vui trên môi người thiếu nữ...

Anh đã đến những nơi lịch sử

Đường Tô Đông Pha làm phú

Đường Bạch Cư Dị đề thơ

Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ

Còn thao thức trên cành đào ngọn liễu

Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh thấy thiếu

Bức tranh kia anh muốn điểm thêm màu

Có hai ta cùng tựa bên cầu

Cho mặt nước Tây Hồ trong sáng nữa

Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa

Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa

Làn nước qua ánh mắt ai đưa

Cơn gió đến bàn tay em vẫy

Chúng mình yêu nhau từ độ ấy

Có núi sông và có trăng sao

Có giận hờn và có chiêm bao

Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến

Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm...

Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui

Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi

Anh không muốn hỏi nhiều quá khứ

Ngày đẹp nhất là ngày rồi gặp gỡ

Rời Tây Hồ trăng xuống Bắc Cao Phong

Chỉ mình anh với im lặng trong phòng

Anh ngước nhìn bức thêu trên vách:

Hai bóng người đi

một hàng tùng bách

Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?

Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình

Vơ vẩn tình chăn

Chập chờn mộng gối

Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội

Nước Tây Hồ bỗng hóa nước Hồ Tây

Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây.

Cũng như những nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Huy Cận, nhà thơ Tế Hanh còn dịch thơ tiếng Pháp. Đây cũng là mảng đề tài, công việc trong sự nghiệp sáng tác, dịch thuật của ông. Tế Hanh dịch thơ của những nhà thơ lớn của Nga, Pháp, Đức... như: Pushkin, J. Ritos, Hugo, Aragong, Eluard, René Char, S. Petofi, B. Brecht... ra tiếng Việt. Những bài thơ do Tế Hanh chuyển ngữ từ Pháp ra Việt rất tài hoa, tinh tế, đầy chất thơ, giữ được cái hồn của các tác giả đã chinh phục bao thế hệ người yêu thơ. Và, giúp cho người đọc tiếp xúc với văn hóa thế giới.

12 giờ ngày 16/7/2009, tại Hà Nội, nhà thơ Tế Hanh trút hơi thở cuối cùng để về với "sông nước của quê hương", sau hơn mười năm nằm liệt giường vì căn bệnh xuất huyết não. Ông hưởng thọ 89 tuổi.

Từ bài thơ đầu tiên Lời con đường quê đến nay, Tế Hanh đã đồng hành cùng thi ca hơn 80 năm, đi qua thế kỷ. Ông đã có những đóng góp nhất định vào nền thi ca hiện đại. Năm 1996, Tế Hanh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Mã Giang Lân - nhà nghiên cứu phê bình văn học đã nhận xét về thơ Tế Hanh một cách ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ và chính xác: "Thơ Tế Hanh giản dị, trong sáng, tinh tế mà đậm tình đất nước..." Tế Hanh đã thực sự trở thành một trong những cây đại thụ trong nền thi ca đương đại Việt Nam.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương