"Có người hỏi tôi phải có "em" cụ thể nào thì mới viết được "Em cao nguyên huyền thoại, em cao nguyên cỏ dại...". Tôi nói rằng, 10 năm sau sẽ kể hết, vì bây giờ còn có vợ con. Tôi không muốn xúc phạm đến người vợ của mình", Nguyễn Cường tiết lộ.
Tôi gắn bó với Tây Nguyên như một định mệnh. Năm 1964, khi tốt nghiệp trung cấp violoncello trường Âm nhạc Hà Nội (nay là Nhạc viện Hà Nội), tôi được phân công về đoàn văn công Tây Nguyên và ở lại đó 2 năm. Cái nắng, cái gió, cây cà phê và cảm màu đất đỏ bazan của vùng đất hoang sơ này đã quyến rũ tôi.
Năm 30 tuổi, tôi trở lại Tây Nguyên. Sau nhiều năm sống trong cái chật chội và ngột ngạt của Hà Nội, tôi đi giữa những con đường trải dài ngút mắt màu xanh của cà phê và cao su mà tâm hồn phấn chấn và dâng đầy cảm xúc.
Chuyến đi Tây Nguyên 8 tháng ròng ấy đã để lại chùm ca khúc H"zen lên rẫy, Ơi M"đrăk, Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột.
Vào một buổi chiều rất đẹp khi mặt trời vừa xuống núi, tôi đang thơ thẩn đi bộ bên đường thì gặp một cô gái độ 16-17 tuổi. Cô gái mang gùi trên lưng, chắc đi làm rẫy về. Nhớ tới mấy câu Y Moan dậy, tôi hỏi bằng tiếng Ê đê: "Em đi đâu đấy?". Cô gái nói một tràng tiếng Ê đê. Hết vốn, tôi đành buột miệng hỏi: "Em có nói được tiếng Kinh không?". Cô gái gật đầu. Cô tên là H"zen. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ suốt cả đoạn đường.
Con đường quốc lộ một bên là ngút ngàn cao su, một bên là bạt ngàn cà phê và vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của người con gái Tây Nguyên như bông hoa rừng đang tỏa hương gây cho tôi cảm xúc mạnh. Đêm ấy, tôi viết ngay ca khúc H"zen lên rẫy: "Em đi tỉa bắp, hay hái rau rừng, đôi khi em hát".
Sau đó 6-7 năm, tôi cùng nhạc sĩ Cát Vận và Chu Minh có dịp đến một huyện của Đăk Lăk. Ông bí thư huyện ủy giới thiệu tiết mục là bài dân ca Ê đê Đong đen. Ai ngờ từ "Đong đen" lại là "Đung đưa". Đung đưa, đung đưa, chiếc gùi đung đưa... mở đầu bài hát H"zen lên rẫy như thế nên người ta gọi là bài dân ca Đong đen.
24 năm sau tôi trở lại huyện K"Bang (Gia Lai). Lại nghe một tiết mục văn nghệ giới thiệu là bài dân ca Ba Na, hóa ra cũng là H"zen lên rẫy, sau mới biết, bà con dân tộc tự đặt lời cho bài này và biến nó thành dân ca.
Chuyện tình yêu một thời tuổi trẻ làm sao không có. Tôi đã "ba cùng" với các đoàn văn công, toilet rừng, tắm suối. Phải sống thế nào mới viết được "Em cao nguyên cỏ dại" chứ! Nói chung là phải có kỷ niệm. Khi có kỷ niệm, con chữ sẽ ra ngay. Để có đời sống ngồn ngộn trong ca khúc thì phải sống rất sâu.
Dân ca Tây Nguyên trần trụi hơn
Nguyễn Cường đã viết những bài mang âm hưởng dân ca phía Bắc nhưng cứ đến Tây Nguyên nó lại bùng bùng lên, có lẽ vì dân ca Tây Nguyên trần trụi hơn. Vì nó trần trụi nên nó mới gần với đương đại.
Người dân Tây Nguyên không chỉ thích nhạc Nguyễn Cường mà còn coi đó là tài sản của họ. Một số bài của gã còn được chính giới nhạc sĩ nhầm tưởng đó là dân ca như nhạc sĩ Huỳnh Tú ở Nhà hát Thăng Long đã tưởng bài “Thênh thênh oh ơi” là dân ca Ba Na để phát triển thành khí nhạc. Bài “H’Ren lên rẫy” còn được các tộc người Ba Na, Gia Lai, Êđê… dịch ra tiếng của họ để hát. Những ai đã lên Tây Nguyên và đã sống ở Tây Nguyên đều biết điều đó.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể rằng, vợ anh ấy một lần nhìn thấy Nguyễn Cường tập thể dục trên phố đã rất “ngưỡng mộ” đôi chân của ông, vì trông như đàn ông 30. Nhưng Lê Minh Sơn thì nói với vợ rằng: “Em ơi, vỏ đấy mà”. Khi đem câu hỏi này hỏi Nguyễn Cường thì anh lém lỉnh đối đáp lại cực kì thông minh: Đơn giản thôi vì trong mắt Lê Minh Sơn thì đó đúng là vỏ thật. Đàn ông chỉ có thể nhận xét về cái vỏ của nhau và chỉ có đàn bà mới biết được cái “ruột” đó như thế nào.Như vậy, nếu muốn biết “ruột” của nhạc sĩ Nguyễn Cường thì phải hỏi vợ?
Tốt nhất là ai có thắc mắc thì nên chiêm nghiệm bằng chính mình. Vì vợ Nguyễn Cường là người không thích “ăn theo” chồng nên phóng viên sẽ không bao giờ hỏi được đâu. Cô ấy là người không thích “bị” giới thiệu “đây là vợ của nhạc sĩ Nguyễn Cường”, dù cô ấy cũng rất tự hào về chồng.
Nguyễn Cường nói về sự hấp dẫn của cô gái
Tôi nhớ có một nhà triết học nói: “Hỡi các cô gái, đừng tin vào sự nịnh bợ của cái gương. Các cô không đẹp trong gương mà chỉ đẹp trong mắt của kẻ si tình”. Dù là hoa hậu thì nếu không yêu, chưa chắc người ta đã thấy đẹp. Hấp dẫn cũng như sự xao xuyến, nếu giải thích được thì vứt đi rồi. Trong nghệ thuật có một cái gọi là phần mờ tối để người ta phải đi tìm. Chẳng hạn như cùng một bài hát nhưng nếu nghe CD và DVD thì cho cảm giác rất khác nhau. Nghe ở CD sẽ giúp sự tưởng tượng được bay bổng, nhưng nghe ở DVD thì chỉ 1 đến 2 lần là chán. Sự hấp dẫn cũng chính là phần bí hiểm, phần mờ tối chứ không phải cái đã rõ ra.
Nguyễn Cường có thói quen sưu tầm mũ cao bồi nhưng chắc cũng phải 20 năm rồi. Số mũ mà ông có ông cũng chẳng nhớ hết chủ yếu là do bạn bè tặng. Thỉnh thoảng Nguyễn Cường cũng có tặng cho ai đó nhưng thật lạ là không ai dám đội như anh cả.
Rất ít khi thấy Nguyễn Cường xuất hiện trước công chúng mà thiếu cái mũ. Vì nó giúp ông che đi dấu hiệu của tuổi tác. Ông còn cười bảo “Đi “ngủ” tôi vẫn đội mà”.
Lần đầu tiên vào năm 1975 Nguyễn Cường biết mình có bộ ria giá trị. Trong một cuộc nhậu, người bạn vong niên thốt lên một cách đầy ngạc nhiên: “Cường ạ, sao nhìn bộ ria của mày tao thấy đã quá”. Lúc đó anh cũng mới bắt đầu để ý chứ trước đó, mình có gì thì cứ để kệ nó. Nhưng mà ngẫm lại, nói thế hóa ra ngoài bộ ria, mình không có gì giá trị à? Mình cũng đàn ông lắm chứ. Nhưng mà từ đó trở đi Nguyễn Cường cũng thích ngắm nghía bộ ria của mình, chăm chút cho nó nên không biết nếu mình cạo đi thì sẽ như thế nào.
Giai thoại “Nguyễn Cường viết nhạc cho… ma”
Một trong những lý do khiến chúng tôi phải hẹn nhạc sĩ Nguyễn Cường nhiều lần mới gặp được là bởi ông sợ những “tai nạn” do báo chí gây ra. “Có những cái sai lầm chết người và những cái sai rất…rẻ tiền. Một lần, tôi viết một bài hát do gợi ý của một cô gái ở Buôn Ma Thuột rằng, “ngã 6 Ban Mê của em đẹp thế, sao anh không viết về nó đi”. Và tôi viết bài “Ngã 6 Ban Mê”. Đó là vào năm 1984 do ca sĩ Siu Black hát và đó cũng là bài hát đầu tiên khiến khán giả biết đến Siu Black. Sau này tôi đến Buôn Ma Thuột tìm lại cô ấy thì mới biết là cô ấy mất rồi. Tôi kể câu chuyện này với một nhà báo và họ giật tít: “Nguyễn Cường sáng tác cho...ma”. Xem xong tôi cũng thấy nổi cả da gà.
Nếu cứ nghêu ngao hát “Tôi sinh, sinh từ nơi đây. Cha tôi cũng sinh từ nơi đây. Ơi M’drăk…,” rồi lại nhìn Nguyễn Cường tóc rối bời cỏ dại, để ria từ 1975 khi có người khen đẹp đến nay, hễ cười nói là rổn rảng, ngông nghênh kiêu bạc như một gã cao bồi già người ta thường đoán chỉ có rừng rú mới “nảy nòi” ra người đàn ông này.
Thế nhưng Nguyễn Cường lại là trai Hà Nội - dân phố cổ “xịn," Hàng Bạc đàng hoàng, người đã dành hết những năm tháng trai trẻ đẹp đẽ nhất của đời mình để lặn lội với Tây Nguyên.
Liệu mấy ai có “gia tài” ấy như tôi
Nhiều người hỏi Nguyễn Cường: Tại sao anh lại đến Tây Nguyên? Câu trả lời đơn giản thôi: “Vì tôi là người Hà Nội! Không phải tôi đến với Tây Nguyên chỉ bằng mấy câu nhạc vàng, quan họ, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến… mà tôi đến Tây Nguyên cả với Bach, Mozart, Betthoven, nhạc Jazz, Disco… ở sau lưng. Tôi mang theo nỗi khát vọng của tuổi trẻ cùng một tình yêu thật lòng (yêu đến mức lặn lội - “mấy sông cũng lội mấy núi cũng trèo”).
Cả Hà Nội trong tôi cùng đến với Tây Nguyên. Không có Nguyễn Cường này thì sẽ có một Nguyễn Cường khác của Hà Nội tìm đến Tây Nguyên. Tôi tự thấy mình hợp với khí chất khoáng đãng, rộng lớn và mãnh liệt của Tây Nguyên. Tôi yêu Hà Nội theo cách “con không chê cha mẹ khó” - đó là tình yêu không được lựa chọn. Và vì thế có lúc tôi yêu mà lòng đầy bất mãn. Còn Tây Nguyên là một người tình đầy mê đắm. “Nàng” quyến rũ tôi bởi những huyền thoại và cỏ dại, và tôi đã theo “nàng” bằng cả thời trai trẻ - mối tình si ấy đã đằng đẵng hơn 30 năm nay. Tôi có Hà Nội là miền thực, Tây Nguyên là miền mơ - liệu mấy ai có “gia tài” ấy như tôi."
“Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đua nắng, tung tăng mặt trời…Tôi sinh, sinh từ nơi đây, cha tôi, cũng sinh từ nơi đây...Ơi! Madrak, Madrak ơi!” và “Những tháng ngày tuổi thơ tôi, Hà Nội/ Những chiều chiều đội mưa/ Lũ bạn bè ngày xưa/ Trốn học đi tìm thơ/ Trái tim tôi mộng mơ”. Dường như Nguyễn Cường có phép phân thân, một dành cho Tây Nguyên và một cho Hà Nội?
Bao nhiêu năm qua, Nguyễn Cường đã cho ra đời khoảng 100 tác phẩm ca khúc và khí nhạc từ những giai điệu dân gian của Tây Nguyên. Mỗi lần đến, mỗi lần đi, cảm xúc mới lại về và ca khúc mới lại ra đời.
Với những ca khúc nổi tiếng về cao nguyên, nhiều người lầm tưởng Nguyễn Cường là...người Tây Nguyên: Em muốn sống bên anh trọn đời, Đôi mắt Pleiku, Mái đình làng biển, Em hát thương ai, Cho tình yêu bay lên bồng bềnh…
Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột lại ra đời từ nhiều nguyên cớ. Tôi đến Tây Nguyên đúng mùa mưa. Trên con đường xưa, gặp lại người bạn cũ... Câu chữ và giai điệu kéo nhau ùa đến: "Gặp lại em, mùa mưa con đường xưa đây rồi... Sau này có người hỏi, phải có "em" cụ thể nào thì mới viết được. Tôi nói rằng 10 năm sẽ kể hết vì bây giờ còn có vợ con, tôi không muốn xúc phạm đến người vợ của mình.
(Nguồn: https://bcdcnt.net/)