Sự kiện & Bình luận

Nhân một năm ra đời “Chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) “Indo-Pacific”- Cơ hội hay thách thức?

Chính trị xã hội
10:21 | 02/01/2019
ới “Chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) của “Bộ tứ”, Mỹ tuyên bố tìm kiếm các đối tác chứ không áp đặt bá quyền. Trung Quốc thì cho đây là phiên bản NATO của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN sau một năm giữa ngã ba đường, dường như vẫn chưa thống nhất với nhau về tầm nhìn xuyên không - thời gian này. Trong khi đó, “thời gian và thuỷ triều vốn không chờ đợi ai”. Liệu sự chọn lựa của khu vực, trong đó bao gồm cả của Việt Nam, tới đây sẽ theo hướng nào?
aa

Với “Chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) của “Bộ tứ”, Mỹ tuyên bố tìm kiếm các đối tác chứ không áp đặt bá quyền. Trung Quốc thì cho đây là phiên bản NATO của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN sau một năm giữa ngã ba đường, dường như vẫn chưa thống nhất với nhau về tầm nhìn xuyên không - thời gian này. Trong khi đó, “thời gian và thuỷ triều vốn không chờ đợi ai”. Liệu sự chọn lựa của khu vực, trong đó bao gồm cả của Việt Nam, tới đây sẽ theo hướng nào?

Noel 2018 là dịp thích hợp để nhìn lại quá trình hiện thực hoá IPS của “Bộ tứ” giữa dòng thác các sự kiện quốc tế. Từ Đà Nẵng, cách đây hơn một năm, Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi đến đây, giữa trái tim của khu vực Ấn Thái Dương…” Indo - Pacific… Vâng, sáng kiến ấy lại đến từ Tokyo, một trong bốn thành viên của “Bố tứ kim cương”, trụ cột tạo nên “Chiến lược Ấn Thái Dương” (Indo - Pacific Strategy). IPS chỉ là một trong nhiều phương lược mà chính quyền Trump đã cùng các đối tác triển khai nhằm tái cam kết chính sách châu Á của chính quyền mới ở Mỹ đối với hai không gian chiến lược quan trọng là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Từ khi cách tiếp cận mới của Mỹ đối với khu vực “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) xuất hiện, chỉ hơn một tháng sau, ngày 18/12/2017, khái niệm ấy đã chính thức trở thành nội dung cốt yếu trong “Chiến lược An ninh Quốc gia” của Hoa Kỳ. Và cũng từ khi “nước cờ khai cuộc ấy” được tuyên bố, IPS của “Bộ tứ” trở thành biệt danh mô tả không gian địa - chính trị kết nối hai đại dương, kéo dài từ bờ tây Mỹ sang bờ tây Ấn Độ. IPS cũng là từ khoá khi đề cập đến chính trị - an ninh - ngoại giao quốc tế. Cuộc tranh luận về IPS - FOIP đang dần làm sáng tỏ đường nét của một chiến lược lớn có thể tạo ra những ảnh hưởng lâu dài và có ý nghĩa thời đại.

Lãnh đạo Mỹ. Nhật, Ấn ủng hộ khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở cửa lại cuộc gặp bên lề G20 ngày 30/11. Ảnh Internet

IPS - FOIP mở và công khai

Ngày 4/10/2018, phó tổng thống Mike Pence đã đọc một bài diễn văn quan trọng về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc tại Viện Hudson[1], nơi quy tụ các nhà nghiên cứu có sứ mệnh “suy nghĩ về tương lai theo những cách không bình thường”. Bài diễn văn của Mike Pence như “một lời tuyên chiến”, đặt Bắc Kinh vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đó là tuyên bố mạnh mẽ và toàn diện nhất tiêu biểu cho chính quyền Trump. Tuyên bố ấy làm sáng rõ sự khác biệt về thế giới quan giữa Mỹ và Trung Quốc, báo hiệu sự khởi đầu của một chương khắc nghiệt trong quan hệ Mỹ-Trung, khi Washington “chuyển hướng chiến lược vĩnh viễn”. Bài diễn văn quan trọng được tung ra trước chuyến công du châu Á mà phó tổng thống Mike Pence thay mặt cho tổng thống Donald Trump đi thăm Úc, Nhật và tham dự các hội nghị thượng đỉnh: Cấp cao Mỹ-ASEAN, Cấp cao APEC tại Singapore và Papua New Guinea. Như phó tổng thống Pence đã viết trên tờ “Washinton Post” ngày 9/11[2]: “Chúng ta kiến tạo một Ấn Thái Dương từ Hoa Kỳ đến Ấn Độ, từ Nhật Bản đến Úc châu, ở những nơi chủ quyền được tôn trọng, các dòng thương mại không bị cản trở, ở những nơi các quốc gia độc lập, tự làm chủ lấy vận mệnh của chính mình”. Pence cũng không ngần ngại khẳng định rõ: “Chủ nghĩa toàn trị và chính sách xâm lược không có chỗ đứng trong khu vực Ấn Thái Dương ấy”.

Cũng theo cách lập luận của Mike Pence trong bài viết nói trên, IPS của “Bộ tứ” dựa trên “ba trụ cột chính”. Trụ cột thứ nhất là “thịnh vượng” (prosperity). Mỹ đã ký các hiệp định thương mại song phương mới với nguyên tắc “tự do, công bằng, và có đi có lại” với Hàn Quốc, Mexico & Canada (sắp tới với Nhật Bản). Mỹ sẽ đầu tư lớn hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Pence nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp chứ không phải quan chức chính phủ sẽ dẫn đầu các nỗ lực này vì các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước không có năng lực xây dựng sự thịnh vượng lâu dài. Tổng thống Trump vừa ký luật “Build Act” để lập ra quỹ viện trợ phát triển IDFC (International Development Finance Corporation) với ngân sách 60 tỷ USD. Mỹ cam kết giúp xây dựng hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống ống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu hiện đại cho khu vực.

Trụ cột thứ hai là an ninh, cơ sở bảo đảm cho thịnh vượng. Theo chiến lược FOIP, Mỹ sẽ hợp tác với “các nước cùng chí hướng” để đối phó với “các mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay đối với khu vực”. Mỹ sẽ viện trợ mới để giúp các nước khu vực bảo vệ biên giới của họ (trên bộ, trên biển, và không gian mạng). Mỹ sẽ tiếp tục cộng tác với các đồng minh và đối tác để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Các cuộc tập trận chung vừa qua với Nhật Bản và Ấn Độ đã khẳng định sự cam kết tiếp tục của Mỹ. Trụ cột thứ ba là ủng hộ các “chính phủ minh bạch và có trách nhiệm, pháp quyền và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tin ngưỡng”. Các nước nào trao quyền cho công dân, hỗ trợ xã hội công dân, chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền là “những ngôi nhà vững chắc cho nhân dân nước họ và là đối tác tối ưu của Mỹ”.

Trung Quốc phản ứng về IPS

Từ tháng 5/2018 vừa qua, Mỹ đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn triển khai cụ thể chiến lược Ấn Thái Dương về chính trị, quân sự, kinh tế, mà trước hết là đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (Pacific Command) thành Bộ tư lệnh Ấn Thái Dương (Indo-Pacific Command), với mục đích không dấu diếm là nhằm tăng cường kiềm chế Trung Quốc. Điều đáng chú ý, trong Luật quốc phòng năm 2019, Quốc hội Mỹ đã bổ sung thêm một số điều khoản chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Thái Dương, nhấn mạnh sẽ cung cấp tài chính cho Bộ Quốc phòng tiến hành quy hoạch khu vực và bảo đảm năng lực quân sự, yêu cầu tăng cường "ý thức an ninh hàng hải ở Biển Đông và Ấn Độ Dương". Mỹ cũng tuyên bố công khai, vừa qua đã triển khai thêm 3 tàu khu trục ở Nhật Bản là nhằm bảo vệ an ninh và ổn định của khu vực Ấn Thái Dương.

Về phía Bắc Kinh, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Tôn Thành Hạo, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại (Trung Quốc), việc Mỹ đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Thái Dương là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đi vào triển khai các bước cụ thể để thực hiện chiến lược IPS cả về ngoại giao, quân sự và kinh tế. Đặc biệt, Mỹ tích cực vận động Ấn Độ, Úc và nhiều đối tác khác đi vào quỹ đạo của mình, xây dựng “Indo-Pacific” thành phiên bản NATO của khu vực châu Á - Thái Bình Dương[3]. Về mặt công khai, Bắc Kinh để cho giới học giả thảo luận về bản chất của FOIP, mà Trung Quốc coi đó là IPS, cũng như tác động của chiến lược “ngăn chặn Trung Quốc”. Trên thực địa, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị đối phó với Mỹ. Trong một báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ mới đây, Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (UCESRC) cho rằng, Bắc Kinh đã có thể thách thức các hoạt động của Washington ở trên bộ, trên không, trên biển và cả mặt trận thông tin ngay trên “chuỗi đảo thứ hai” (một thuật ngữ mà Mỹ thường dùng để chỉ đường phòng thủ chiến lược của nước này, được hình thành bởi quần đảo Ogasawara, quần đảo núi lửa của Nhật Bản, quần đảo Mariana và Palau).

Còn những IPS nào khác nữa?

Trước khi Hoa Kỳ công bố về một Ấn Thái Dương tự do và rộng mở (FOIP), cả Indonesia lẫn Nhật Bản trước đây cũng từng đưa ra những tầm nhìn riêng về IPS của chính mình. Đầu tiên là Jakarta, từ năm 2013, sau đó là Tokyo năm 2016 và cuối cùng là Washington vào cuối 2017[4]. Các tầm nhìn này đều bao phủ ba đỉnh của tam giác Nhật-Ấn-Úc. Tuy nhiên, cho dù vẫn bao phủ cả ba đỉnh tam giác, nhưng tầm nhìn của Indonesia về IPS không hoàn toàn trùng khớp với các kiến nghị của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Cả tầm nhìn của Nhật lẫn của Mỹ đều tập trung nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tầm nhìn của Indonesia cố gắng duy trì tính trung lập và nó được coi như một phương tiện giúp ASEAN giữ được đoàn kết trong khối. Như vậy, quan điểm về IPS của Indonesia nhuốm màu sắc “trung đạo” nhiều hơn và không loại trừ cả Trung Quốc lẫn Nga có thể tham gia vào không gian an ninh chung đại khu vực. Cho dù Indonesia vẫn nhiều lần thể hiện quan điểm cứng rắn với những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tương tự như Indonesia, Ấn Độ tuy là thành viên chính thức của “Bộ tứ” nhưng cũng đại diện cho quan điểm thiên về một “Indo-Pacific” bao trùm. Mới đây, phát biểu tại Singapore, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không loại trừ “Indo-Pacific” nên bao gồm tất cả các quốc gia nằm trong, thậm chí cả ngoài không gian Ấn Thái Dương. Trong khi đó, quan điểm của IPS từ “Bộ tứ” nhấn mạnh vai trò trung tâm cả về địa lý, ngoại giao lẫn chiến lược của ASEAN. Tiếng nói chung của ASEAN góp phần định hình trật tự theo luật pháp. ASEAN có thể chủ trì các hội nghị có cả các cường quốc Ấn Thái Dương.

IPS trong chủ trương của chính quyền Trump có nhiều nội dung khác so với chính sách của các nước vừa kể ở trên. Sự khác nhau nổi bật nhất chính là phạm vi không gian địa-chính trị của IPS, liên quan đến các biện pháp bảo vệ, thúc đẩy lợi ích, cũng như duy trì vai trò ảnh hưởng của Mỹ. Như một tuyên bố gần đây nhất từ đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam[5], chính quyền Tổng thống Trump thường nói về chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên”, nhưng “Nước Mỹ trước tiên” không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc. Tầm nhìn của Tổng thống Trump về tương lai của một nước Mỹ tự do và thịnh vượng phụ thuộc vào quan hệ đối tác của chúng tôi với các quốc gia tuyệt vời trên toàn thế giới, trong đó bao gồm quan hệ đối tác mà Mỹ đang xây dựng với Việt Nam.

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đã khái quát sự “can dự” của Mỹ liên quan đến chiến lược IPS như sau: “Như Tổng thống Donald Trump nói rõ tại Hội nghị CEO APEC năm ngoái ở Đà Nẵng, tương lai của nước Mỹ gắn trực tiếp với hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Thái Dương. Trong tầm nhìn của chúng tôi, khu vực này được định hình bởi quan hệ đối tác giữa các quốc gia vững mạnh, độc lập tự chủ và thành công. Tại Ấn Dương Thái Dương, Mỹ tìm kiếm đối tác chứ không phải bá quyền, không tìm kiếm quốc gia vệ tinh, quốc gia phụ thuộc. Chúng tôi tìm kiếm những đất nước như Việt Nam, cùng chia sẻ tầm nhìn của chúng tôi và cùng chia sẻ những lợi ích từ một khu vực ổn định, nơi tất cả các nước đều tuân thủ đúng luật chơi, không chịu sự cưỡng ép và bắt nạt, có thể đưa ra những quyết định của riêng họ”.

Mô hình Việt Nam (Vietnam Model)

Sau các cột mốc như đã nêu, Indonesia (2013), Nhật Bản (2016) và Hoa Kỳ (cuối 2017), từng con tàu IPS liệu đã đến lúc “sáp nhập nhau” để tiến vào “nhà ga chính”? Không phải ngẫu nhiên mà cuối 2018 này trên tờ “The Diplomat” (Nhật Bản), nhà nghiên cứu Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Đối ngoại Mỹ đã có bài viết đầy đặn với chủ đề “Đưa Việt Nam tham gia FOIP”[6]. Xuất phát từ những điểm hội tụ về lợi ích giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Kurlantzick cho rằng, Hà Nội đã và đang thực thi những khía cạnh của chiến lược FOIP, như thúc đẩy hợp tác an ninh với các đối tác quan trọng của Mỹ như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Hơn nữa, trong tất cả các nước Đông Nam Á, Việt Nam tỏ ra ít có ảo tưởng nhất về các tác động tích cực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, sẵn sàng nhất trong việc vận dụng các chiến lược linh hoạt, khi cần thì cứng rắn, nhằm ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông và ở những phạm vi rộng lớn hơn.

Kurlantzick con đi xa đến mức khuyến nghị chính quyền Trump nên xây dựng Việt Nam thành một hình mẫu (Vietnam Model) để các nước ASEAN khác có thể noi theo trong việc triển khai IPS trên thực tế. Một biện pháp được coi là phép thử mạnh, đó là Hà Nội và Washington có thể thúc đẩy sớm nâng cấp liên hệ song phương lên tầm “quan hệ đối tác chiến lược”. Bởi vì, như Gs. Carlyle Thayer từng lưu ý, quy chế “quan hệ đối tác toàn diện” hiện tại còn mơ hồ và chưa xuất hiện các bước đột phá để hai nước có thể tính đến những triển vọng xa hơn trong bang giao. Rồi đây, những chuyến ghé thăm của các tàu hải quân Mỹ có thể được duy trì thường xuyên và trở thành một phần quan trọng trong hợp tác an ninh giữa hai nước. Thật ra, giới quan sát đã chú ý tới quan hệ an ninh chặt chẽ của Việt Nam với các thành viên của “Bộ tứ”. Không loại trừ khả năng Việt Nam có thể là một thành viên đối thoại của “Bộ tứ”, điều này sẽ mang lại cho Việt Nam tiếng nói lớn hơn trong vấn đề an ninh khu vực và có thể phát đi tín hiệu, Washington ngày càng coi Hà Nội là “đối tác an ninh ngang cấp” với các thành viên “Bộ tứ” khác. Nó cũng cho các thành viên khác trong ASEAN thấy, “Bộ tứ” có thể bao gồm các nước Đông Nam Á với tư cách là những đối tác bình đẳng.

Ở đây, chưa bàn tới khả năng Mỹ-Việt nên hoàn tất một hiệp định đầu tư song phương đã bị trì hoãn từ lâu và sớm mở ra các cuộc đàm phán về một thoả thuận thương mại tự do, một FTA thế hệ mới. Quan trọng hơn cả, một mặt, Việt Nam nên tìm cách thích nghi với sức mạnh ngày một gia tăng của Trung Quốc, mặt khác, các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, phải thương lượng với Trung Quốc trong một loạt vấn đề rộng lớn cả về an ninh lẫn phát triển. Vì vậy, sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Trung Quốc là điều kiện không thể thiếu đối với Việt Nam, nếu muốn xây dựng quan hệ Việt-Mỹ chặt chẽ hơn. Mặc dù một số phân tích cho rằng, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng báo cáo của FT Confidential Research lại cho rằng Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh thương mại do mức độ phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào xuất khẩu[7].

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng đang tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Một nguy cơ nhãn tiền là hàng Việt Nam có thể bị Mỹ áp thuế cao do doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, lo ngại rằng có nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, lấy xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, cả thép của doanh nghiệp Việt cũng có nguy cơ bị Mỹ đánh thuế cao. Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại Mỹ có thể truy nguồn gốc sản phẩm và áp thuế suất chống phá giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Về dài hạn, rủi ro lớn nhất là chiến tranh thương mại làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, các doanh nghiệp hạn chế chi tiêu vốn trong khi điều kiện thị trường tài chính tiền tệ chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam./.


[1] https://www.youtube.com/watch?v=cCzjffZJZVI

[2] https://www.washingtonpost.com/opinions/mike-pence-the-united-states-seeks-collaboration-not-control-in-the-indo-pacific/2018/11/09/

[3] https://thediplomat.com/2018/05/what-china-thinks-of-the-indo-pacific-strategy/

[4] https://www.cnbc.com/2018/11/12/us-japan-and-indonesia-set-their-sights-on-the-indo-pacific-region.html

[5] https://news.zing.vn/dai-su-my-washington-co-chien-luoc-3-mui-nhon-rat-ro-tai-bien-dong-post898958.html

[6] https://thediplomat.com/2018/11/bringing-vietnam-into-the-free-and-open-indo-pacific/

[7] http://nghiencuuquocte.org/2018/12/10/viet-nam-doi-pho-voi-chien-tranh-thuong-mai/


Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ