Nhà ông Hồ Minh Giáp nằm ven sông Sài Gòn, phía đối diện bên kia sông là xưởng đóng tàu Ba Son, bên đó đang chuyển dần hãng xưởng ra vùng ngoại ô. Hôm tôi đến thăm ông, còn nhìn thấy 2 tầu hộ vệ tên lửa hùng dũng chạy rẽ sóng trên sông Sài Gòn. Ông Hồ Minh Giáp nhìn con tàu đôi mắt bỗng sáng lên, những nếp nhăn trên khuôn mặt của người đã bước vào tuổi 78 như dãn ra cùng nụ cười như trẻ lại. Ông về hưu gần 16 năm rồi, sống bình dị, lặng lẽ và thanh thản của người đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông luôn tỏ ra tin tưởng vào các thế hệ anh em cảnh sát biển đang tại vị, vui mừng với sự lớn mạnh của Cảnh sát biển Việt Nam.
Đại tá Hồ Minh Giáp (thứ hai từ trái qua phải phải), đón Ông Nguyễn Phúc Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội, đến thăm Cảnh sát biển Việt Nam |
Trong câu chuyện, ông tự hào kể về chiến công của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam khi vây bắt tầu cướp biển người Indonexia, bắt sống 11 tên mà không bị thương vong chiến sỹ nào, kể cả không gây thương vong cho đối phương. Anh em đã vây tàu cướp 24 giờ, những chúng vẫn không chịu đầu hàng, buộc lòng ta phải nổ súng vọt trên đài chỉ huy uy hiếp đối phương, đồng thời dùng loa phát bằng tiếng Anh kêu gọi chúng đầu hàng. Nghe tiếng súng, bọn cướp hoảng sợ kéo cờ trắng. Ta yêu cầu chúng mặc áo phao nhảy xuống biển để ta cho người vớt từng tên lên thuyền. Đó là cách đánh sáng tạo của Cảnh sát biển Việt Nam làm cho các nước ven biển Đông rất khâm phục.
Vấn đề biển Đông, từ lâu rồi cực kỳ phức tạp, không những đối với kẻ thù bên ngoài mà còn rất nhiều vấn đề khác như nạn đánh bắt hải sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển... Những ngày này lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang phải căng mình ra bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, một vùng biển rộng lớn, với bờ biển dài 3.260 km, vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế rộng trên 1,3 triệu km vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền, quả không dễ dàng gì. Càng thấy công lao to lớn của lực lượng Cảnh sát biển, cùng với Hải quân Việt Nam bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời của đất nước. Từ đó càng nhớ đến nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát biển Hồ Minh Giáp, người đã cùng với đồng đội của mình đặt nền móng đầu tiên cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngồi trầm tư giây lát, Hồ Minh Giáp trầm giọng: Tôi lo nhất là trong cơ chế thị trường anh em có giữ vững được sự liêm khiết trước sự cám dỗ của đồng tiền. Nhưng cho đến hôm nay, đã 22 năm, kể từ ngày thành lập Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, anh em vẫn vững vàng trước mọi cám dỗ của vật chất. Không những thế năm thứ 17, Cảnh sát biển Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang sau khi cùng các lực lượng khác khống chế và đẩy lui dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đó là cái mừng nhất, chứng tỏ rằng, những người thuộc thế hệ của ông đã xây nền móng một cách chắc chắn, vững vàng để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hôm nay lớn mạnh.
*
Ông Hồ Minh Giáp nhớ lại, lúc đó ông đang là Phó Tham mưu trưởng Hải Quân trực ở cơ sở phía Nam tại Sài Gòn thì được lệnh ra Hải Phòng để nhận quyết định Quyền Cục trưởng Cục Cảnh sát biển. Đến đầu tháng 8/1998 ông được lệnh đi Pháp với 2 mục đích: Tìm hiểu học tập kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của cảnh sát biển Pháp. Đàm phán với với hãng tàu Ocea của Pháp để mua tàu, các trang thiết bị khác. Về chuyến đi nước ngoài tìm hiểu này, ông hào hứng kể: “Hơn 10 ngày ở Pháp chúng tôi đã gặp chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển, tìm hiểu về tổ chức, biên chế hoạt động của Lực lượng cảnh sát biển Pháp, tham quan nhà máy đóng tàu, tìm hiểu dây chuyền công nghệ, thiết kế, thi công, thu nhập của công nhân, đi thử tàu trên biển và đàm phán để mua tàu T.T120. Sau 6 ngày đàm phán, ký biên bản ghi nhớ: Giá tàu 12,5 triệu USD, thời hạn giao tàu sau 18 tháng, kể từ khi hai bên ký hợp đồng mua bán chính thức…Trước khi về nước tôi có xin bạn một bản vẽ thiết kế tổng thể (Sơ đồ khối) của tàu T.T 120. Sau khi về nước tôi giao bản thiêt kế tổng thể tàu T.T120 cho đồng chí Hạnh, giám đốc xưởng 189 và đồng chí Thắng ở Viện Thiết kế tàu thủy Việt Nam, nhờ các đồng chí đó nghiên cứu. Sau hơn 1 tuần các đồng chí đó trả lời: Về thiết kế ta đã có sơ đồ khối, tổng thể, chỉ cần nghiên cứu thiết kế chi tiết là được. Về thi công thì có khó khăn vì xưởng 189 đội ngũ công nhân tay nghề chưa cao. Đặc biệt là chưa có công nghệ hàn nhôm, về trang thiết bị đóng tàu cũng còn thiếu. Tôi đã bàn bạc với các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy Cục đề xuất ý tưởng tự đóng tàu trong nước, nhưng lắp máy động lực chính là MTU của Đức, các trang thiết bị khác sẽ nhập từ các nước tiên tiến.
Tôi lên gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải để báo cáo về viêc đóng tàu trong nước. Khi gặp bác Khải cũng nêu cho tôi một số câu hỏi như Bộ trưởng Phạm Văn Trà đã hỏi. Khoảng 30 phút tôi báo cáo xong, bác Khải hỏi thêm tại sao tự đóng tàu giá thành lại rẻ hơn đi mua? Tôi báo cáo với bác là giá thành của một con tàu được tạo nên do nhiều yếu tố. Trong đó hai yếu tố có tính chất quyết định là lương nhân công và thuế. Tôi so sánh lương hàng tháng của công nhân đóng tàu Việt Nam với lương công nhân đóng tàu các nước châu Âu và thuế nhập khẩu phải đóng khi ta mua tàu nước ngoài. Tôi báo cáo xong thấy bác gật đầu vui vẻ tán thành.
Một thời gian sau Chính phủ đã đồng ý chủ trương đóng tàu trong nước. Do có sự chủ động chuẩn bị từ trước nên khi có quyết định nhà máy 189 triển khai đóng chiếc T.T 120 đầu tiên, đến cuối năm 1999 hạ thủy. Tôi trực tiếp cùng anh em chạy thử tàu trên biển, trong điều kiện sóng cấp 3, cấp 4. Tàu đạt tốc độ cao nhất 33-34 hải lý/giờ, các tính năng khác của tàu đều đạt theo yêu cầu thiết kế. Sau khi đóng thành công 2 chiếc tàu đầu tiên, nhà máy 189 được giao đóng tiếp chiếc tàu thứ 2 đến chiếc thứ 10, loại tàu T.T120. Nhà máy 173, nhà máy 46 Hải Quân và hãng Ba Son được giao đóng tiếp tàu T.T200 từ chiếc thứ 2 đến chiếc thứ 14. Tàu cứu nạn 3500 CV do công ty Sông Thu liên doanh với hãng Damen Hà Lan đóng tại Đà Nẵng cũng thành công tốt đẹp. Các tàu do Việt Nam đóng được Hội đồng Nghiệm thu Quốc gia đánh giá về trang bị và tính năng không thua kém các tàu cùng loại của nước ngoài.
Đến nay sau hơn 20 năm thực hiện đóng tàu trong nước và sự giúp đỡ của một số nước, Cảnh sát biển Việt Nam đã có một đội tàu, xuồng gần 100 chiếc, trọng tải từ 20 tấn đến 4300 tấn. Đặc biệt là những chiếc tàu đầu tiên do Việt Nam đóng đến nay đã hơn 20 năm vẫn hoạt động tốt. Các xưởng đóng tàu 189, Sông Thu và 173, Hồng Hà được giao nhiệm vụ đóng tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam, đến nay đã trở thành 3 tổng công ty đóng tàu lớn, đủ sức đóng những chiếc tàu lớn hàng ngàn tấn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Cả 3 tổng công ty đều được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Riêng hãng đóng tàu Ba Son không những đóng được tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam mà còn “thừa thắng xông lên”, đóng được cả tàu hộ vệ tên lửa cho Hải quân Việt Nam.
Ông Hồ Minh Giáp còn kể cho tôi nghe những khó khăn khi thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Những ngày mà ông và đồng đội chỉ có bàn tay trắng với nhiệt huyết của người chiến sỹ. Từ làm tham mưu cho Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng ra các văn bản pháp lý. Từ chạy khắp các địa phương ven biển, xin đất để mở trụ sở, cầu cảng cho Cảnh sát biển. Không hòn đảo nào các ông không đến khảo sát, có lần gặp bão tố suýt chết. Lúc ấy kinh phí cho hoạt động rất eo hẹp, toàn bỏ tiền túi ra chi trả những khoản công tác. Có khi mấy tháng không có lương gửi về cho vợ con. Vất vả nhưng vui và hăng hái vì tương lai của cảnh sát Biển Việt Nam.
*
Trên sông Sài Gòn, hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa từ hãng đóng tàu Ba Son lại hụ còi rền vang, chạy rẽ sóng lao ra hướng biển Đông như có lệnh khẩn cấp, tôi đã hiểu vì sao ông Hồ Minh Giáp lại vui khi nhìn thấy chúng. Cả những lời dặn dò của bà ở hậu phương đã tiếp sức cho ông vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Để đến bây giờ về hưu, ông sống một cuộc sống an nhiên hạnh phúc trong ngôi nhà giản dị, nhưng đầy ắp tiếng cười.
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021