Chuyên đề

Nxb Giáo dục Việt Nam: Những nỗ lực trong biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc

Minh Nguyệt
Văn học nhà trường
17:18 | 10/11/2024
Baovannghe.vn - Năm 2021- 2024, Nxb Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc từ lớp 1 - lớp 5 với 8 tiếng dân tộc
aa

Bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc từ lớp 1 đến lớp 5 với 8 tiếng dân tộc thiểu số, gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái đã được Nxb Giáo dục triển khai từ năm 2021 đến nay. Và tính đến hết tháng 9/2024, sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt với 48 cuốn, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học của các lớp 1, 2, 3 - mỗi lớp 16 cuốn.

Nxb Giáo dục Việt Nam: Những nỗ lực trong biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc
Hiện còn 16 cuốn sách đã thẩm định, đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt

Hiện còn 16 cuốn sách đã thẩm định, đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học dành cho lớp 4. Ngoài ra, đơn vị đang tổ chức biên soạn và thẩm định 16 cuốn, bao gốm sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học dành cho lớp 5, dự kiến phê duyệt vào tháng 12-2024.

Ghi nhận từ Nxb, việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số mang ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục và xây dựng xã hội đa dạng, đoàn kết. Đồng thời, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số giúp bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa truyền thống, giúp thế hệ trẻ không bị mai một ngôn ngữ mẹ đẻ và duy trì bản sắc riêng của dân tộc mình. Bên cạnh đó là giúp học sinh dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức, phát triển tư duy, tạo tiền đề cho việc học các môn học khác; góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh. Điều này cũng góp phần tăng cường tiếp cận giáo dục và tạo ra môi trường học tập thân thiện, thoải mái cho học sinh.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản sách dân tộc với những lợi thế đã tích lũy được như đội ngũ biên tập viên biết tiếng một số tiếng dân tộc thiểu số; đội ngũ họa sĩ, nhân viên thiết kế, cán bộ quản lí có năng lực, kinh nghiệm biên tập, xuất bản sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số trong hơn 20 năm qua.

Quá trình biên soạn sách, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể như việc biên soạn sách giáo khoa dân tộc thiểu số phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt, gồm nhiều khâu, bám sát nhiều văn bản

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc đã được tiến hành qua các bước như: Tập huấn tác giả và các nhân sự tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số về các nội dung, phương pháp, quy định khi viết tài liệu; nghiên cứu chương trình, xây dựng đề cương chi tiết, thiết kế cấu trúc sách, bài mẫu, xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ; điều tra, nghiên cứu, khảo sát thu thập thông tin về nội dung giáo dục tiếng dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức 17 trại biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5 ở 10 địa phương gồm Lào Cai, Sơn La, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng; dạy thử nghiệm ở 9 tỉnh gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Điện Biên, Sơn La...với không gian địa lý, áp lực và kinh phí lớn trong mở các trại biên soạn cũng tác động không nhỏ đến việc biên soạn sách giáo khoa.

Nxb Giáo dục Việt Nam: Những nỗ lực trong biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc
Bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của tiếng dân tộc trong đời sống văn hóa

Việc lựa chọn đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số là việc vô cùng khó. Các tác giả phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT và đáp ứng các tiêu chí đặc trưng của trí thức dân tộc thiểu số đã được cộng đồng đồng bào các dân tộc công nhận như:

Am hiểu về ngôn ngữ nói chung, am hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục phổ thông tiếng dân tộc thiểu số;

Am hiểu, thành thạo từng ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ram đội ngũ biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc còn cần có năng lực sư phạm và phương pháp dạy học tiếng dân tộc thiểu số; có kinh nghiệm viết sách giáo khoa, sách tham khảo; có kinh nghiệm về giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số, là trí thức được sự công nhận của cộng đồng dân tộc…

Như vậy, với những nỗ lực trong biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc, Nxb Giáo dục Việt Nam đã hỗ trợ các em học sinh dân tộc tiếp cận tri thức một cách dễ dàng và giúp các em yêu hơn tiếng dân tộc của mình.

Trước đó, ngày 27/01/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” (Chương trình).

Nội dung Quyết định phân công trách nhiệm thực hiện của các Bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình.

Mục tiêu của Chương trình được xác định theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030.

Theo đó đến năm 2025, hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái);

Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn; Ban hành mới ít nhất 01 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông;

Đảm bảo đủ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Đến năm 2030, ban hành mới ít nhất 02 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông; Ban hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc trung học đối với những tiếng dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn; sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với những tiếng dân tộc thiểu số mới ban hành chương trình;

Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học đối với các tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn. Phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

5 nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra trong Chương trình gồm: Phát triển chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng dân tộc thiểu số; Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng dân tộc thiểu số; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng dân tộc thiểu số

Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình được xác định từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình triển khai việc biên soạn sách giáo khoa đã gặp nhiều khó khăn, do đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan để có văn bản báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước theo trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 19/1/2024.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động để có thể triển khai các công việc cần thiết ngay sau khi có đủ điều kiện theo quy định, kịp thời cung cấp đủ sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số cho năm học 2024 - 2025.

Đang nằm - Thơ Phạm Đình Ân

Đang nằm - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Đang nằm trưa/ ô hay/ bão giông !
Cảm hứng nơi chốn trong sáng tác Hoàng Ngọc Tuấn

Cảm hứng nơi chốn trong sáng tác Hoàng Ngọc Tuấn

Baovannghe.vn - Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005) là nhà văn gốc Huế, sinh sống ở Sài Gòn. Tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn không chỉ là “nơi đất ở” mà “đã hóa tâm hồn”
Vũ Tông Phan - Danh nhân văn hóa, nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội

Vũ Tông Phan - Danh nhân văn hóa, nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội

Baovannghe.vn - Tiến sĩ Vũ Tông Phan không chỉ là một danh nhân văn hóa, mà còn là nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Ông đã mở trường Hồ Đình ở thôn Tự Tháp năm 1833, cho tu sửa đền Ngọc Sơn (khởi công năm 1841), sáng tác nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị cao, góp phần phục hưng văn hóa dân tộc.
Người Dơi - Truyện ngắn của Quyên Gavoye

Người Dơi - Truyện ngắn của Quyên Gavoye

Baovannghe.vn - Người Dơi! Chỉ riêng từ đó đã khiến đám người yếu bóng vía rùng mình. Hình như ai cũng sợ chỉ cần gọi tên cô ta là cô ta sẽ xuất hiện. Nhưng tối nay thì khác, tận mắt Hoàng Văn Giang đã nhìn thấy cô ta. Nghĩa là cô ta đã quay trở lại và đang ở đây, dân làng đang bị đe dọa. Họ cần biết tại sao cô ta trở lại sau nhiều năm không xuất hiện.
Lời nhắn của Quyếch

Lời nhắn của Quyếch

Baovannghe.vn - “Ta nói gì khi nói về nghệ thuật?” - nhân vật “Chú”, dẫn chuyện, tương tác với nghệ sĩ trên sân khấu lặp lại câu hỏi trong suốt Quyếch Concert.