Trong quá trình phát triển, điện ảnh kế thừa văn học như một kho tàng nguyên liệu và chủ đề. Để đối thoại, văn học cũng tiếp nhận và học tập những tính chất mới từ điện ảnh. Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, chiều 19/1/2019 Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh đã tổ chức tọa đàm “Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học lên phim Việt Nam”
Ảnh Intenet |
Trong nền điện ảnh Việt Nam, nhiều bộ phim nổi tiếng được chuyển thể từ tác phẩm văn học như: Vợ chồng A Phủ, Mẹ vắng nhà, Chị Dậu... hay gần đây là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Đảo của dân ngụ cư... Tại tọa đàm Chuyển thể tác phẩm văn học do Viện Văn học tổ chức tuần qua, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (tác giả phim Đập cánh giữa không trung đang trong quá trình xin phép, thỏa thuận với các nhà văn để chuyển thể một số tác phẩm văn học) cho rằng: “Dù đã có nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh, nhưng tranh cãi vẫn thường xuyên xảy ra xung quanh những điều không có trong tác phẩm văn học, lại xuất hiện trên phim. Nhà văn hay nói tôi đã viết chi tiết đến như thế, mà nhà làm phim không hiểu, lại thay đổi sai lệch. Nhưng nhà làm phim giải thích cũng rất có lý rằng trong truyện, nhân vật chỉ có một câu thoại, làm sao phim có thể kể về nhân vật ấy được... Tranh cãi này không chỉ diễn ra với truyện ngắn, mà cả khi chuyển thể trường thiên tiểu thuyết, tác phẩm về mặt văn tả cực kỳ dày dặn và đầy đủ. Nhà văn đúng khi nói về nhân vật họ đã tạo tác; nhưng nhà làm phim cũng có lý riêng trong quá trình chuyển từ văn bản sang hình ảnh.
Đạo diễn trẻ Trần Thành bày tỏ quan điểm của mình về văn học và điện ảnh: Trong quá trình phát triển, điện ảnh kế thừa văn học như một kho tàng nguyên liệu và chủ đề. Để tự làm giàu mình, văn học cũng tiếp nhận và học tập những tính chất mới từ điện ảnh. Là kết quả từ quá trình tương hỗ của hai loại hình, điện ảnh chuyển thể từ văn học trở thành đối tượng rất thú vị để nghiên cứu.
Đối với điện ảnh Việt Nam, những tác phẩm chuyển thể từ văn học đã có từ rất sớm, cụ thể là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, Kim Vân Kiều (1923). Như vậy, có thể nói, chuyển thể từ tác phẩm văn học là một thể loại đã gắn liền với lịch sử điện ảnh Việt Nam. Sang thời kì Đổi mới, với sự ra đời của dòng văn học hiện thực - chính luận, điện ảnh chuyển thể đã trở lại mạnh mẽ, cùng những tác phẩm ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng của văn học đương thời. Đáng tiếc, cho đến thời điểm hiện tại, các tác phẩm chuyển thể đã dần mất đi, thay vào đó là những tác phẩm điện ảnh khuôn đúc, theo lối xây dựng công thức kịch bản từ phương Tây. Do đó, phần đông các bạn trẻ nghiêng về quan điểm cho rằng: Điện ảnh và văn học đang xa rời nhau, vừa vắng kịch bản hay, vừa không nhiều nhà làm phim cảm được văn học. Độc giả tiếp nhận cũng đang có xu hướng khác, quan tâm đến nhiều thể loại khác, đặc biệt là phim remake, làm lại các phim đã nổi tiếng sẵn ở nước ngoài.
Chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh, trên thực tế thường bị chi phối bởi thương mại nhiều hơn là văn học. Điện ảnh đang quan tâm đến vấn đề của số đông, còn văn học trước hết vẫn là câu chuyện của riêng nhà văn. Các nhà làm phim thường quan tâm đến thị hiếu người xem muốn xem một bộ phim như thế nào để đảm bảo doanh thu phòng vé. Còn nhà văn họ viết theo những gì tiềm thức họ mách bảo. Nên suy cho cùng, cùng là làm nghệ thuật nhưng hai loại hình này không phải lúc nào cũng song hành và có tiếng nói chung.
Chưa kể, hiện tồn tại quan điểm cứ tác phẩm văn học hay là có thể chuyển thể thành phim điện ảnh được. Bởi văn chương có tính ước lệ cao, mọi thứ đều được mô tả, biểu đạt dựa trên nghệ thuật ngôn từ. Còn với điện ảnh, tính biểu đạt sẽ chính xác, chi tiết, cụ thể hơn. Nhân vật của văn chương tạo nên sự hình dung và phụ thuộc vào trí tưởng của người đọc. Còn nhân vật của điện ảnh sẽ phải hóa trang, hành động theo đúng một mô típ nào đó, găm vào ý nghĩ khán giả một hình mẫu nhất định. Vậy nên việc chuyển thể văn học thành điện ảnh đòi hỏi cần có nhiều yếu tố. Không những tác phẩm văn học phải có tính điện ảnh, mà ngược lại, các nhà làm phim cũng phải có đủ tài năng để chuyển thể. Việc so sánh một tác phẩm chuyển thể giữa nguyên tác văn học và điện ảnh là không tránh khỏi. Nhưng bằng ngôn ngữ loại hình, mỗi thể loại sẽ có điểm mạnh riêng. Quan trọng là,tìm tiếng nói chung giữa điện ảnh và tác phẩm văn học. Vì vậy, các nhà làm nghệ thuật vẫn nên có định hướng tiếp nhận cho công chúng cũng như tìm kiếm và phát triển mỗi loại hình nghệ thuật, để mỗi tác phẩm làm ra thực sự chinh phục được công chúng cũng như giới chuyên môn. Và có lẽ, câu trả lời về phim chuyển thể từ văn học vẫn còn để ngỏ, chờ những bước tiến mới của văn học, của điện ảnh và cả sự tiếp nhận nghệ thuật của công chúng.
Vũ Khanh