Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Văn học, Nghệ thuật, Hoạt động của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương nhằm báo cáo, đánh giá khái quát tình hình văn học, nghệ thuật gắn với hoạt động của Liên hiệp Quý I/2024, từ đó định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2024. Tại Hội nghị nhiều vấn đề bất cập đã được chỉ ra để tìm giải pháp tháo gỡ.
Ảnh minh họa bài viết. Nguồn Internet |
Nỗ lực để VHNT “bám” cuộc sống
Hôi nghị đã thẳng thắn chỉ những điểm mạnh và yếu trong tình hình công tác văn học, nghệ thuật quý I trên cả nước,các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng. Phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở cũng được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.
Nhìn nhận thực tế sáng tác, sáng tạo VHNT trong quý I của năm 2024, nhìn chung đã có nhiều khởi sắc, nhiều công trình nghệ thuật phù hợp với định hướng của Đảng sau 50 năm thống nhất đất nước, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Từ đó, kiến tạo môi trường, xã hội, văn hóa thuận lợi để cá nhân nghệ sĩ, nhà văn sáng tạo tác phẩm, phát huy tối đa tài năng, khẳng định thương hiệu ở lĩnh vực, chuyên ngành mình theo đuổi. Theo Gs. TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hiện Hội đã xây dựng kế hoạch và thực hiện phối hợp với các địa phương, xây dựng chương trình văn nghệ dân gian kích cầu du lịch phát triển. Việc phát huy các giá trị truyền thống, lễ hội sẽ góp phần giúp địa phương khai thác hết tiềm năng thế mạnh về văn hóa, di sản…phát triển kinh tế.
Sáng tạo, sáng tác VHNT cần gắn với hơi thở cuộc sống cũng là chủ trương và hướng phát triển phù hợp với tình hình mới của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Những vở diễn mới như “ Huyền Sử Việt”; “Vũ điệu thống nhất- tay trong tay” được xem là hướng tiếp cận trực diện cuộc sống của Hội nghệ sĩ Múa. Không chỉ mang thông điệp ý nghĩa của lịch sử, những vở diễn còn kể câu chuyện về đời sống qua ngôn ngữ Múa. Khát vọng về đất nước hùng cường được nhen lên qua từn phân cảnh Múa. NSND Phạm Anh Phương cho biết, hội chủ trương thông qua các Ban chuyên môn phát triển sâu rộng nghệ thuật múa chuyên nghiệp và phong trào nghệ thuật quàn chúng…đây sẽ là những nỗ lực để Múa gần gũi hơn với công chúng.
Gỡ khó cho VHNT
Đánh giá về những tồn tại trong công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, quý I/2024, kinh phí từ nguồn hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật năm 2024 chưa được cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Liên hiệp và các hội. Do thiếu kinh phí, hoạt động chuyên môn của nhiều hội dự kiến triển khai trong Quý I phải tạm dừng, một số tạp chí chuyên ngành của các hội phải tạm đình bản. Tại Hội nghệ sĩ Múa, do chưa nhận được ngân sách Nhà nước cấp hằng năm nên đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các kế hoạch đã định, vẫn dẫm chân tại chỗ, cho dù Hội đã tổ chức kỳ họp đột xuất để tìm hướng khắc phục khó khăn về kinh phí. Cũng có chung khó khăn về kinh phí, nhiều hoạt động sáng tác như: mở trại sáng tác, lớp tập huấn làm phim… của Hội Điện Ảnh hiện đều phải tạm dừng…
Những khó khăn về tài chính trong một chừng mực cụ thể đã làm chậm trễ và giảm nhiệt huyết sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thời gian tới đề nghị Liên hiệp và các hội, các cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung, phối hợp triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật cho đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ. Liên hiệp và các hội cần tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm cần thực hiện, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả để phát động phong trào thi đua sáng tác trong toàn khối hưởng ứng các sự kiện quan trọng này.
Đề ra nhiệm vụ và giải pháp cho chặng đường tiếp sau ( quý 2 và những quý cuối năm 3 . 4) Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các địa phương và đơn vị chuyên môn quan tâm xây dựng đội ngũ văn, nghệ sĩ phát triển cả về số lượng, chất lượng và loại hình; khuyến khích tạo điều kiện cho văn, nghệ sĩ sáng tác, sáng tạo được nhiều tác phẩm, sản phẩm văn học nghệ thuật chất lượng. Đồng thời, phát huy vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật, kiến nghị các cơ chế, chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn học, nghệ thuật phát triển, trước mắt là phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế thực hiện, triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ… từng bước gỡ khó, tạo sức bật cho đời sống sáng tác, sáng tạo của văn nghệ sĩ nói riêng, VHNT nói chung.
QH- MN