Tại phiên họp nhiều ĐBQH đã quan tâm đến việc duy trì quyền chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Cho rằng, đây là yêu cầu cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XV bày tỏ, “Không lẽ TAND, VKSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu HĐND. Nếu vậy thì dân bị oan sai, sẽ nhờ cậy ai chất vấn để mà bảo về quyền lợi của họ?”.
![]() |
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất giữ quyền chất vấn Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND - Ảnh: Quốc hội |
Trước khi thông qua mô hình TAND, VKSND khu vực, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ cơ chế giám sát quyền lực đối với các cơ quan này. Đồng thời, làm rõ các hình thức giám sát khác nhau, trong khi các biện pháp này có ý nghĩa, vai trò và tính chất pháp lý khác nhau. Bà cho rằng, quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn - vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người chất vấn phải trả lời trực tiếp, phải chịu trách nhiệm về phần trả lời của mình. Bởi trên thực tế, nếu không có quyền chất vấn đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề đối thoại công khai với đại biểu và cử tri.
Nhấn mạnh, việc Hiến pháp không còn quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng VKSND là đi ngược lại với Nghị quyết 27 của Trung ương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do đó, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp.
Quan tâm đến nội dung trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đề xuất giữ lại quyền chất vấn Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND của HĐND cấp tỉnh. Ông chỉ ra, hiện nay, các tỉnh khi chưa sáp nhập, dù nhỏ nhưng vẫn có quyền chất vấn này. Sau khi sáp nhập, quy mô mở rộng lại không được chất vấn là điều bất hợp lý. Nếu không chất vấn, Viện trưởng VKSND hay Chánh án TAND chỉ lên đọc báo cáo. Trong khi, chức năng giám sát của HĐND là có quyền chất vấn.
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, theo khoản 2, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định này được giữ nguyên trong lần sửa đổi này thì thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.
Hiến pháp chỉ giới hạn tính độc lập của Tòa án trong phạm vi xét xử chứ không phải trong tất cả các hoạt động của Tòa án. Quy định này khác với quy định tại Điều 118 của Hiến pháp năm 2013 về Kiểm toán nhà nước, đó là Kiểm toán nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Cùng với đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước và Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện quyền lực nhà nước phải đặt dưới sự giám sát của Nhân dân. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp cần tạo điều kiện tốt hơn để người dân tham gia tích cực hơn vào giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước...
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, thì mô hình tổ chức của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có 3 cấp là, cấp tối cao, cấp tỉnh và cấp khu vực. Như vậy, việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là phù hợp, khả thi, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa khẳng định.