Cuốn sách "Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến" của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung, vừa được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, góp phần hệ thống hóa và soi sáng những giá trị độc đáo trong giao hưởng Việt Nam hiện đại.
Cuốn sách "Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến" |
Cuốn sách được chia làm 3 chương.
Chương 1 có chủ đề: "Đặc trưng ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng đương đại". Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung phân tích các yếu tố đặc trưng của giao hưởng đương đại thế giới, từ cấu trúc, hòa âm đến phong cách phối khí, dựa trên ba nền tảng: âm thanh, thời gian và âm sắc. Qua lăng kính này, âm nhạc giao hưởng không chỉ là nghệ thuật, mà còn là cầu nối văn hóa, công cụ đổi mới công nghệ và nền tảng hợp tác liên ngành.
Chương 2 có chủ đề: "Ngôn ngữ sáng tạo trong giao hưởng Việt Nam thời kỳ đổi mới". Bắt đầu từ năm 1986, âm nhạc giao hưởng Việt Nam bước vào một thời kỳ bứt phá khi các nhạc sĩ không ngừng đổi mới cách biểu đạt. Họ mạnh dạn sử dụng những kỹ thuật diễn tấu mới, sáng tạo trong cách phối hợp hài hòa giữa âm nhạc phương Tây và tinh thần dân tộc.
Tại chương 2, các tên tuổi như Ca Lê Thuần, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Hồng Quân được nhắc đến như những người tiên phong, mở ra chương mới cho giao hưởng Việt Nam với sự kết hợp giữa tính hiện đại và nét đặc trưng truyền thống.
Chương 3 có chủ đề: "Ba lần tiếp biến – Những dấu ấn giao hưởng Việt Nam". Âm nhạc giao hưởng Việt Nam trải qua ba giai đoạn tiếp biến lớn: từ đầu thế kỷ XX đến 1955, từ 1956 đến 1975 và từ 1975 đến nay.
Trong chương 3 này, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung đã khắc họa khá hoàn chỉnh bức tranh âm nhạc giao hưởng giai đoạn gần đây. Đó là sự tiếp thu và sáng tạo được thể hiện rõ qua ba cấp độ: âm nhạc trong âm nhạc (kế thừa), âm nhạc từ âm nhạc (chuyển hóa) và âm nhạc về âm nhạc (sáng tạo mới). Những phân tích của tác giả giúp khắc họa rõ nét sự hòa quyện giữa di sản truyền thống và phong cách hiện đại trong các tác phẩm giao hưởng đương đại.
"Giao hưởng đương đại Việt Nam – Từ góc nhìn tiếp biến" không chỉ là một công trình phân tích âm nhạc mà còn là lời khẳng định cho bản sắc giao hưởng Việt Nam trong dòng chảy âm nhạc thế giới. Tác phẩm vừa mang tính lý luận hàn lâm, vừa giàu giá trị thực tiễn, trở thành tài liệu quý giá cho giới nghiên cứu, nhạc sĩ và người biểu diễn chuyên nghiệp.
Việc ra mắt cuốn sách tiếp tục khẳng định vai trò của âm nhạc giao hưởng Việt Nam trong bức tranh toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng để thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo, đưa âm nhạc Việt Nam bay xa hơn trên bản đồ âm nhạc quốc tế.